Có một người bạn nói rằng, bạn ấy khi chơi với con, hướng dẫn con làm cái này cái kia không phải là đang dạy con mà con đang dạy bạn ấy làm thế nào để hướng dẫn được một đứa trẻ, con dạy bạn nắm bắt cảm xúc của đứa trẻ, dạy cho bạn học cách kiên trì, quan sát mọi thứ và nhiều điều thú vị khác trong cuộc sống. Dạy con là cho đi, rút ra được nhiều thứ ý nghĩa đó là nhận lại.
Có một người đàn ông khi cưới vợ anh ta bảo với vợ rằng: Anh đã lo cho em được một đám cưới, cho em được mặc áo cưới và anh hứa sẽ thương em hết cả cuộc đời nhưng anh ấy quên cảm ơn cô gái bởi vì chính cô gái mới là người cho anh cơ hội để anh được yêu thương, để anh có thể tổ chức một đám cưới và cho anh cơ hội để bày tỏ tình cảm của mình trước tất cả mọi người.
Khi bạn tặng ai đó món quà, bạn nghĩ rằng bạn đã cho đi, nhưng nếu người ta không nhận thì bạn có cho đi được không? Bởi không phải ai tặng gì người ta cũng nhận, có khi vì ân tình qua lại, có khi là vì nể, vì trọng, vì quý trọng thâm tình của người tặng thì người ta mới vui lòng đón nhận.
“Cho”: nghĩa là cho đi, trao đi tình cảm, trao đi yêu thương và sẵn sàng giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, những người gặp khó khăn trong cuộc sống.
“Nhận”: là chấp thuận việc làm, tình cảm mà người khác dành cho mình.
“Cho và nhận” mang nhiều hàm ý sâu xa, khi ta cho đi cái này thì ta cũng đã nhận một điều gì đó trả lại.
Khi mình chia sẻ một thông tin, kiến thức nào đó đến với mọi người thì ngay lập tức ta nhận được lại những kiến thức đó ăn sâu vào tiềm thức. Đôi khi còn nhận lại những thông tin phản hồi từ người đọc và niềm vui từ những phản hồi tích cực.
Có những thứ tưởng chừng như là ta đang cho đi không nhận lại được bất kì thứ gì nhưng kì thực chất có khi mình đã nhận lại gấp nhiều lần so với những thứ đã cho đi.