Sống với lề luật
Chúa Giêsu, một ngôn sứ, một nhà thuyết giảng trên đường phố Do Thái, một người vẫn hay “vi phạm” luật ngày sabát và thường lên án những kẻ vốn giữ luật cách quá chặt chẽ theo mặt chữ hoặc theo hình thức, dễ khiến người ta có cảm tưởng Ngài là một nhà cách mạng, đến để lật đổ lề luật cũ. Thế nhưng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định Người đến không phải để bãi bỏ mà để kiện toàn tất cả Cựu Ước (Mt 5,17). Thậm chí Ngài cho thấy tầm quan trọng của lề luật đến nỗi dù chỉ một chấm một phết (mẫu tự nhỏ nhất trong bảng chữ cái Hip-ri) cũng không bị bỏ quên, và ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong nước Trời (Mt 5,18-19).
Thực ra, nếu xem Chúa Giêsu như một nhà cách mạng, điều đó cũng không sai. Có điều Ngài không làm cách mạng theo cách thức của con người hay theo cách mà người khác mong chờ nơi Ngài. Kiểu nói “Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng… còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…” thì không phải là Ngài chống đối hay phá bỏ luật cũ, Ngài cho thấy chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền ban luật, và luật của Thiên Chúa không gì khác hơn là luật yêu thương. Thật vậy, tất cả những gì Chúa Giêsu nêu ra trong bài Tin Mừng hôm nay nhằm đưa con người đến tận gốc rễ của mọi hành động, vì Thiên Chúa đã đặt để nơi lương tâm con người sự nhận biết lề luật của Ngài. Không phải chỉ khi ra tay hành động làm điều xấu phương hại đến người khác chúng ta mới bị lương tâm cắn rứt, nhưng ngay khi chúng ta có ý hướng xấu: giận hờn, ghen ghét, ham muốn… là đã bị lương tâm mình lên án rồi. Những gì Chúa Giêsu nêu ra nhằm giúp mỗi người nhìn thấy tận căn sự nô lệ của mình. Một khi nhận biết rằng tại sao chúng ta bị áy náy, bị lương tâm cắn rứt, và đâu là điều đang giam hãm, làm chúng ta bị nô lệ trong tội, chúng ta sẽ khao khát được giải phóng để được tự do (Mt 5,26). Và cuộc cách mạng mà Chúa Giêsu thực hiện không phải là phá bỏ lề luật, nhưng Ngài kiện toàn lề luật để qua đó chúng ta được giải phóng.
Tuy Chúa Giêsu chỉ nêu ra một vài kiểu mẫu trong việc thực thi luật Chúa qua các mối tương quan: với tha nhân (ở đây là việc giải quyết các xung đột và tiến trình hòa giải), đời sống hôn nhân (cách cư xử với phụ nữ) và tương quan với sự thật, nhưng chúng ta vẫn thấy được điều cốt lõi mà Ngài mời gọi ta phải sống. Vấn đề không phải là giữ luật theo mặt chữ hoặc bằng hình thức bên ngoài: không làm điều này, tránh làm điều kia, phải giữ khoản này, không được bỏ khoản nọ… như kiểu cách của các kinh sư và người Pharisiêu. Ngài mời gọi chúng ta giữ luật bằng trái tim, đó là nơi Thiên Chúa đã đặt để tình yêu của Ngài trong ngày tạo dựng. Chỉ khi hành động với tất cả trái tim, chúng ta mới có thể chu toàn luật Chúa và thực hiện được điều Chúa Giêsu mời gọi là ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisiêu. Vì tất cả những gì xuất phát từ trái tim đều hướng đến việc xây dựng tình huynh đệ chân thành, đem lại bình an và hòa bình đích thực, phục vụ cho sự sống và sự thật. Và tất cả những gì xuất phát từ trái tim thì không chỉ đến được với tha nhân nhưng còn chạm được đến Thiên Chúa.