LẦM

142

LẦM

          Ai nào đó thích Thuy Nga Paris chắc có lẽ cố gắng thu xếp để được xem để thỏa lòng. Còn nhớ trong Thúy Nga 88 có vở kịch rất hay với tựa đề “Lầm”. Vở kịch đại khái nói lên chuyện lầm của hai người. Chồng đi làm quá vất vả để lo cho gia đình nhưng anh cứ nghĩ rằng vợ anh ở nhà chơi bời. Ngược lại, khi qua đến đất Mỹ, cô vợ thấy hoàn toàn không như người ta kể và cô ta bắt đầu cố gắng ăn học để có được mấy mảnh bằng để hội nhập với cuộc sống mới nơi đất khách quê người.

          Vở kịch ấy có sử dụng bài hát “Lầm” của Nguyễn Hưng nhưng được chế lại chút lời. “Lầm” nguyên bản của Nguyễn Hưng như thế này :

Anh đã lầm đưa em sang đây

Để đêm trường nghe tiếng thở dài

Thà cuộc đời yên trong lòng đất

Ngược trở về tiếng khóc ban sơ

Hơn là mang kiếp mong chờ!

Anh đã lầm đưa em về đây

Cho tâm hồn tan nát từng ngày

Cùng điệu nhạc lâm ly huyền bí

Dìu lòng người sang chốn đam mê

Đưa anh vào khổ lụy hôm nay!

          Lầm ! Trong cuộc đời, có lẽ khó ai có thể tránh khỏi cái lầm.Chính vì cái lầm đã gây khổ cho biết bao nhiêu con người và làm hủy hoại biết bao nhiêu cuộc đời. Cái nhìn của con người không giống cái nhìn của Thiên Chúa và ngược lại. Chính vì lẽ đó, con người thường phải chuốc lấy xấu hổ hay nói đúng hơn là chua cay cho phận mình chỉ vì lầm.

          Trang sách Samuel vừa kể lại cho chúng ta câu chuyện hết sức hấp dẫn về sự lựa chọn của Thiên Chúa, cái nhìn của Thiên Chúa và của con người.

          Đức Chúa phán cùng Samuel rằng: “Hãy đổ dầu cho đầy bình và lên đường. Ta sai ngươi đến nhà Isai dân thành Bêlem, vì Ta chọn một người con của ông ấy lên làm vua”.

          Thế là khi họ vào nhà, Samuel gặp ngay Eliab và nói: “Có phải người xức dầu của Chúa đang ở trước mặt Chúa đây không?” Và Chúa phán cùng Samuel: “Đừng nhìn xem diện mạo, vóc cao, vì Ta đã loại nó rồi. Ta không xem xét theo kiểu của con người, vì chưng con người nhìn xem bên ngoài, còn Thiên Chúa thì nhìn xem tâm hồn”. Isai lần lượt đem bảy đứa con mình ra trình diện với Samuel. Samuel nói với Isai: “Chúa không chọn ai trong những người này”. Samuel nói tiếp: “Tất cả con ông có bấy nhiêu đó phải không?” Isai đáp: “Còn một đứa út nữa, nó đi chăn chiên”. Samuel nói với Isai: “Ông hãy sai người đi gọi nó về, vì chúng ta không ngồi vào bàn ăn trước khi nó về”. Isai sai người đi tìm đứa con út. Đứa út này có mái tóc hoe, có đôi mắt xinh và gương mặt đẹp.

Khi thấy được đứa út có mái tóc hoe và đôi mắt xinh và gương mặt đẹp thì phán: “Ngươi hãy chỗi dậy, xức dầu lên nó, vì chính nó đó”. Samuel lấy bình dầu ra, xức lên nó trước mặt các anh em, và Thánh Thần Chúa ngự trong Đavít từ ngày đó trở đi.

Ngay chính bản thân Samuel cũng nhầm và rồi Đức Chúa đã chỉ cho Samuel người mà Đức Chúa chọn.

Con người là như vậy ! Để rồi không chỉ có trường hợp Đavit mà còn cả dòng chảy của lịch sử, những người coi là có quyền và đại diện cho Chúa như Samuel cũng đã phải ngậm ngùi cay đắng để chuốc lấy hậu quả của sự lầm lẫn.

Đến với trang Tin mừng hôm nay, ta bắt gặp được sự lầm lẫn chết người của dân chúng khi nói “Mày sinh ra trong tội mà mày dám dạy chúng ta ư?”

Người Do Thái đã không chỉ cứng lòng tin vào Chúa Giêsu mà còn khăng khăn khẳng định rằng chàng thanh niên này mù vì tội lỗi của anh ta chứ không nghĩ rằng đó là một tai nạn, một biến cố đau thương không chỉ cho anh ta mà cho gia đình anh ta. Người Do Thái không hề nghĩ rằng có thể do di truyền hay do bệnh tật nhưng họ quả quyết rằng tội và họ đã thẳng mặt kết án anh ta.

Đau đớn thay khi bị mù mà còn bị nguyền rủa và kết án. Anh chàng mù cũng như gia đình anh ta rất đau khổ với đám đông nhưng đành phải bó tay.

Chúa Giêsu đứng trước cảnh ngộ này, chỉ biết thương và thương hết biết. Chúa Giêsu đã vượt qua hàng rào không gian, hàng rào của tâm lý, hàng rào của hằn học, của soi mói, của kết án để chữa lành hay nói đúng hơn là tha thứ cho Anh theo cái nhìn của con người.

Câu chuyện anh chàng mù bị kết án trong Tin Mừng hôm nay chắc có lẽ cũng là là một trong hàng ngàn, hàng vạn câu chuyện lầm trong cuộc đời.

Đã hơn một lần, hẳn ta còn nhớ trong thời gian tại vị của mình, Đức Chân Phúc giáo hoàng Gioan Phaolô II đã từng đưa ra nhiều lời xin lỗi về những tội của Giáo hội Công giáo Rôma đối với người Do TháiGalileophụ nữ, các nạn nhân của Tòa án Dị giáo, những người Hồi giáo bị giết trong các cuộc Thập Tự chinh và phần lớn những nạn nhân chịu những thiệt hại có liên quan đến hành động của Giáo hội trong lịch sử.

Tội diễn ra trong quá trình chinh phục châu Mỹ nhân danh Giáo hội Công giáo.

Việc kết án oan nhà khoa học Ý Galileo Galilei trong khi bản thân ông là một tín đồ ngoan đạo (xin lỗi vào ngày 31 tháng 10 năm 1992).

Sự dính líu của Giáo hội trong việc buôn bán nô lệ châu Phi (ngày 9 tháng 8 năm 1993).

Vai trò của Giáo hội trong việc thiêu sống những tín đồ dị giáo và các cuộc chiến tranh tôn giáo xảy ra sau cuộc cải cách Kháng cách (tháng 5 năm 1995, tại Cộng hòa Séc).

Sự đối xử bất công đối với phụ nữ, sự vi phạm quyền phụ nữ cũng như việc bôi xấu, gièm pha, phỉ báng vai trò của phụ nữ (viết trong một bức thư gửi cho toàn bộ giới phụ nữ trên hoàn cầu vào ngày 10 tháng 7 năm 1995).

Sự im lặng của nhiều chức sắc Công giáo trước các hành động diệt chủng của chế độ phát xít (16 tháng 3 năm 1998).

Thừa nhận sai lầm của Giáo hội trong việc xử tử Jan Hus (18 tháng 12 năm 1999 tại Praha).

Chúa nhật 12 tháng 3, 2000, trong một  “Thánh lễ” tại “Thánh đường” Phê-rô, trước nhiều chục ngàn con chiên, người Chủ Chiên, Giáo hoàng John Paul II, đại diện cho “hội Thánh” Công Giáo cùng vài chức sắc, trong đó có Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận, đã chính thức “xưng thú tội lỗi” đối với nhân loại của Công Giáo, một tôn giáo tự nhận là “thiên khải”, “duy nhất”, “thánh thiện”, “mầu nhiệm”, “tông truyền”, “vương quốc của Thiên Chúa”, “cao quý”, “ánh sáng của nhân loại” v…v…, và xin thế giới tha thứ cho những hành động ác ôn đặc thù Công Giáo, của những con cái giáo hội Công Giáo “thánh thiện”.

Những hành động này, qua gần 20 thế kỷ, đã đưa đến những thảm họa to lớn cho nhân loại như Thánh Chiến, Tòa Hình Án xử Dị Giáo, kỳ thị phái nữ, xâm lăng văn hóa, ý muốn thống trị và thái độ thù nghịch đối với những tôn giáo khác, bách hại dân Do Thái, gây chia rẽ trong cộng đồng Kitô, liên kết với những thế lực thực dân, phát xít v…v… như đã được nhắc tới hết sức đại cương trong những lời xưng thú tội lỗi của Công Giáo.

Rõ ràng, ta thấy con người, khó có ai tránh khỏi sai lầm khi nhìn nhận, xét đoán người khác.

Nói đến đây, tôi lại nhớ câu chuyện của Khổng Tử và Nhan Hồi.

Một lần Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Trong đám học trò đi với Khổng Tử có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò yêu của Khổng Tử.

Trong thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ … Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát. Tuy vậy, không một ai kêu than, thoái chí; tất cả đều quyết tâm theo thầy đến cùng.

May mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Tử, nên đem biếu thầy trò một ít gạo … Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm.

Tại sao Khổng Tử lại giao cho Nhan Hồi – một đệ tử đạo cao đức trọng mà Khổng Tử đã đặt nhiều kỳ vọng nhất – phần việc nấu cơm? Bởi lẽ, trong hoàn cảnh đói kém, phân công cho Nhan Hồi việc bếp núc là hợp lý nhất.

Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở nhà bếp, Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ.

Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống … thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ … Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh … rồi từ từ đưa cơm lên miệng …

Hành động của Nhan Hồi không lọt qua đôi mắt của vị thầy tôn kính. Khổng Tử thở dài … ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Học trò nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư? Chao ôi! Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!”

Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về … Nhan Hồi lại luộc rau … Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ …

Một lát sau rau chín. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên; tất cả các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xơi cơm.

Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: “Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, các con vẫn một dạ theo thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước …

Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa com đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ thầy … cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng?

Trừ Nhan Hồi đứng im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!”

Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?”

Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.”

Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”

Nhan Hồi thưa: “Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi … nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình trung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em …

Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi … bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và … thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!

Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”

Ít nhiều gì chúng ta cũng đã có kinh nghiệm về nhìn lầm, kết án lầm anh chị em đồng loại. Phần ta, trước mặt Chúa, ta như thế nào chắc có lẽ ta không thể nào chối cãi được. Và như vậy, ta xin Chúa thêm ơn cho ta để ta tự xét đoán ta một cách chân thành và đừng bao giờ kết án anh chị em đồng loại. Giản đơn, ta là ai mà ta có quyền xét đoán người khác như đám đông dân chúng hôm nay.

 

Previous article“Yêu một người” khác “Thương một người” như thế nào?
Next articleCÓ TIN VUI GIỮA GIỜ TUYỆT VỌNG !