CHÓP ĐỈNH CỦA TÌNH YÊU
Nếu ai nào đó đã đọc Tam Quốc diễn nghĩa thì ắt hẳn còn nhớ trong Tam Quốc diễn nghĩa có ba anh em kết nghĩa là Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi kết nghĩa tại vườn đào với lời thề: Tuy không sinh cùng ngày cùng tháng nhưng nguyện chết cùng tháng cùng ngày. Tình cảm của ba vị anh em kết nghĩa này được miêu tả son sắt trong suốt tác phẩm. Trong Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không cũng là anh em kết nghĩa với Ngưu Ma Vương, nhưng sau này hai bên mâu thuẫn nên đánh giết lẫn nhau. Trong lịch sử Mông Cổ, có hai cặp kết nghĩa nổi tiếng là Dã Tốc Cai kết an đáp (phiên âm tiếng Hán của từ Mông Cổ, nghĩa là anh em kết nghĩa) với Thoán Ly (sau này là Vương Hãn) và Thiết Mộc Chân kết nghĩa với Trát Mộc Hợp. Trong tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu cũng có cặp kết an đáp giữa Đà Lôi và Quách Tĩnh. Ở nước Anh cũng có hai người tên là Robert d’Ouilly và Roger d’Ivry được biết đến là anh em kết nghĩa.
Anh em kết nghĩa hay huynh đệ kết nghĩa là những người (thường là đàn ông) gồm hai hay nhiều hơn tuy không có quan hệ anh em máu mủ, họ hàng nhưng có quan hệ mật thiết, thân tình với nhau như những người anh em thật sự bằng những lời tuyên thệ kết nghĩa với nhau. Trong những buổi lễ, có thể có các nghi thức như cắt máu ăn thề, vái trời đất hoặc trao các tín vật làm tin. Đặc biệt là nghi lễ cắt máu ăn thề để chứng tỏ một lời thề máu, máu của mỗi người được trộn lẫn vào nhau, có thể rõ vào rượu để uống.
Ở Việt Nam, thỉnh thoảng chúng ta thấy có những nhóm người ký kết, hứa hẹn với nhau bằng máu tương tự như dân Do Thái xưa nên người ta gọi là “uống máu ăn thề”.
Ở Hải Phòng, Lễ hội minh thề giờ vẫn còn giữ tục uống máu. Một con gà chân vàng, lông nâu, mào đỏ thắm được bê vào khu vực hiến tế. Sau nhát dao hóa kiếp, máu gà hòa trong hũ rượu. Vị chủ tế múc cho mỗi người một chén để đồng dạ, đồng lòng. Trước cột thông thiên, mọi người đồng thanh hô to “Y như lời thề”. Lời thề như dao vào chém đá, trời đất chứng kiến, thần linh ủng hộ.
Nói đến máu là ta nghĩ đến sự sống. Một người hết máu hay thiếu máu hay máu có vấn đề thì mau dẫn đến cái chết. Ung thư cái gì còn có thể kéo dài sự sống một chút nhưng rồi ung thư máu thì mau chết hơn cả.
Giao là có mối quan hệ với nhau, ước là những quy định về quyền lợi và trách nhiệm để hai bên chiếu theo đó mà thi hành (x. Gs 9,11-15; 1Sm 11,1). Trong tiếng Do Thái, giao ước gọi là berith. Đó là một hiệp định mà hai bên ký kết với nhau những điều khoản phải tuân giữ để thể hiện mối tương quan mật thiết với nhau.
Nhớ lại, thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã ký kết giao ước với dân bằng máu. Theo cách thế cổ xưa,giao ước là hai bên cam kết với nhau về một việc nào đó cách long trọng.Đây là một giao kèo,một lời hứa,một cam kết hay một ký kết.Khi ông Abraham xin một dấu chỉ giao ước,Thiên Chúa nói với ông xẻ đôi nhiều con vật và đặt nửa này đối diện với nửa kia (x.St 15,8tt).
Trong những giao ước quan trọng của dân Do Thái luôn luôn có máu (x. St 15,9-10. 17-21: Gr 34,18), nghĩa là một hiệp định mà hai bên ký kết với nhau bởi những con vật được xẻ đôi và hai bên đi vào giữa hai phần xẻ đôi đó để bảo đảm mỗi bên phải tuân giữ và nếu không tuân giữ sẽ bị huỷ diệt, chết chóc, như những con vật được sát tế. Một phần máu được rảy lên mỗi bên. Phần thịt con vật được sát tế sẽ trở thành lương thực được chia sẻ cho cả hai bên. Phần lễ vật dâng cho Thiên Chúa sẽ được thiêu đốt như của lễ toàn thiêu, phần máu dành cho Chúa được rảy trên bàn thờ tượng trưng cho Thiên Chúa. Đôi khi Chúa hiện ra chứng tỏ đã nhận của lễ bằng cách cho thiên sứ đến thiêu đốt của lễ kính dâng Ngài như trong truyện về Ghêđêon (x. Tl6,19-21), về Samson (x. Tl 13, 20) về tiên tri Elia (x. 1V 18,20-38).
Trong lịch sử dân Do Thái, chúng ta thấy có nhiều giao ước giữa Thiên Chúa với con người: từ giao ước với dấu chỉ cầu vồng thời ông Noe (St 8,20-22), hoặc giao ước với dấu chỉ cắt bì thời ông Abraham (17, 1-27) hay với máu chiên vượt qua thời ông Môsê (Xh 19, 15-24,12). Tất cả được gọi là giao ước cũ hay Cựu Ước so với giao ước mới hay Tân Ước được Chúa Giêsu Kitô lập bằng chính máu của Người trên bàn thờ thập giá.
Qua bài đọc thứ nhất (Xh 24, 3-8) ta thấy diễn tả việc ký kết giao ước giữa Thiên Chúa với dân tộc Do Thái: Chúa hứa chọn dân Do Thái là dân riêng của Ngài, bảo vệ, gìn giữ và ban muôn ơn lành cho họ. Đó là nhiệm vụ của Thiên Chúa và đồng thời cũng là quyền lợi của dân tộc Do Thái. Còn dân tộc Do Thái cũng hứa rằng chỉ tôn thờ Ngài là Thiên Chúa duy nhất chứ không có thần linh nào khác, sẽ giữ những điều luật của Chúa, cụ thể là 10 điều răn được ghi trong “cuốn sách giao ước” để họ nhận được sự bảo vệ và những ân phúc của Thiên Chúa. Sau đó là nghi thức rảy máu và sát tế con vật và ăn uống những phần thịt lễ vật.
Sau khi dâng lễ vật được xẻ đôi trong lễ ký kết giao ước, người ta chia sẻ phần lễ vật dành cho con người (Xh 24, 12). Trong giao ước mới của Chúa Giêsu, con người và vũ trụ không phải chỉ được Chúa yêu thương, bảo vệ nhưng còn được chia sẻ sự sống kỳ diệu, tuyệt đối, vĩnh hằng của chính Thiên Chúa, trở thành một với chính Thiên Chúa khi họ đón nhận Mình và Máu Đức Giêsu. Người trao cho các môn đệ và nói: “Đây là Mình Thầy. Đây là Máu Thầy, anh em hãy cầm lấy mà ăn và uống”.
Giao ước ấy không lấy con vật hay con người nào làm lễ vật ký kết, nhưng Thiên Chúa lấy chính con của mình, vừa là Thiên Chúa vừa là con người, để tế lễ và sau đó chia sẻ cho chúng ta. Vì thế khi chúng ta ký kết giao ước với Chúa, chúng ta hứa rằng chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa, giữ tất cả những điều khoản đã ký kết với Thiên Chúa, nhất là luật yêu thương của Ngài. Đồng thời khi chia sẻ Mình Máu Chúa Giêsu chúng ta được bảo đảm có sự sống kỳ diệu của Ngài và trở thành Thiên Chúa như Ngài. Nhờ Mình Máu Chúa Giêsu như lương thực thần linh, chúng ta có sức mạnh để sống trung thành với giao ước và thi hành trọn vẹn các điều khoản của giao ước.
Một lần ky kết duy nhất mà Chúa Giêsu thay mặt chúng ta ký kết giao ước một lần duy nhất trên bàn thờ thập giá nơi đồi Calvê để giao ước ấy có giá trị mãi mãi với chúng ta. Nhưng để mỗi người chúng ta có khả năng cảm nghiệm và đón nhận được sức sống kỳ diệu của Thiên Chúa vào trong con người của mình thì chính mỗi người chúng ta phải ký kết giao ước với Thiên Chúa ngay trong đời sống và chia sẻ hiến lễ của giao ước là Mình Máu Thánh Chúa Giêsu mà Chúa ban cho chúng ta trong đời sống thường ngày. Nhiều tín hữu lên rước lễ nhưng lại quên giao ước họ ký kết nên không thể nào phát huy những hiệu quả kỳ diệu của giao ước!
Hơn thế nữa, một khi chúng ta hiểu được rằng Mình Máu thánh Chúa được thực hiện qua quyền năng kỳ diệu của Ngôi Lời, qua Lời của Chúa Giêsu trong thánh lễ để biến bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa, thì bánh rượu và giọt nước pha vào chén rượu ấy lại tượng trưng cho những hành động, lời nói, hy sinh, vất vả, kèm thêm cả những giọt mồ hôi, nước mắt mà mỗi người chúng ta đem đến để thể hiện bí tích Thánh Thể như Chúa Giêsu truyền dạy: “Anh em hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy” (1Cr 11, 25).
Những việc mà Chúa muốn mời gọi chúng ta là những công việc hằng ngày của chúng ta qua những chậu quần áo phải giặt, bữa cơm phải dọn, bài vở phải học, công việc phải làm ở công ty, xí nghiệp… Từng hành động ấy, nếu được làm vì tình yêu như điều lệ duy nhất của giao ước mới, đều được Chúa Giêsu đón nhận và biến đổi để trở thành Mình và Máu thánh Người. Nếu chúng ta không đóng góp vào đó thì giao ước mà chúng ta ký kết với Thiên Chúa không được hoàn thành và chúng ta không thể nào cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu của Chúa chuyển thông cho chúng ta.
Ta hãy đặt hết tâm trạng, hết lòng, hết sức và hết tình yêu của ta vào công viện để rồi qua sự kết hợp, qua tình yêu đó Chúa ở trong ta và ta ở trong Chúa. Khi ta ở trong Chúa và Chúa ở trong ta thì cuộc đời ta mãi mãi bình an.