Trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ hai, thánh Phao-lô thành lập một cộng đoàn Ki-tô giáo tại thành Philippes (thuộc Macédoine, do vua Philippe II, cha của Alexandre đại đế thành lập năm 356 TCN). Câu nói trên đây được thánh Phao-lô viết trong bức thư của thánh nhân gởi cho các tín hữu thuộc giáo đoàn này khoảng năm 61. Lúc này thánh Phao-lô đang bị cầm tù lần thứ nhất tại Roma. Thánh Phao-lô khích lệ các tín hữu kiên trì trong đức tin, nhẫn nại trong việc phục vụ và khiêm tốn trong đời sống. Nhưng ý tưởng chủ đạo của bức thư này là niềm vui. Thánh Phao-lô mời gọi các tín hữu hãy vui lên, cho nên bức thư này còn được gọi là bức thư của niềm vui.
Thoạt nghe có vẻ nghịch lý. Thánh Phao-lô đang ở tù mà lại mời gọi người khác vui tươi. Sở dĩ như vậy vì thánh Phao-lô có lý do để vui sống, để chịu đựng mọi thử thách, đói khát, bệnh tật, ngược đãi. Chính người từng nói rằng: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ðức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo” (Rm 8, 35)? Tất cả những điều này bắt đầu từ cuộc hành trình đi thành Damas (Syria) diễn ra năm 31 hoặc 36 (sau khi Chúa Giê-su đã sống lại). Thánh Phao-lô đến Damas để bắt bớ các môn đệ của Chúa Giê-su. Nhưng khi gần đến nơi, thánh Phao-lô bị ngã ngựa và nghe tiếng nói nhưng không thấy ai cả: “Tại sao ngươi bắt bớ ta?” Đó chính là tiếng Chúa Giê-su nói với thánh nhân. Kể từ ngày đó, thánh Phao-lô hoàn toàn thay đổi. Từ một kẻ rất ghét các môn đệ của Chúa Giê-su, ông trở thành một môn đệ của Người. Khoảng từ năm 40, thánh Phao-lô bắt đầu đi rao giảng Tin mừng của Chúa cho những người theo văn hoá Hy Lạp sống trong đế chế La Mã vì người rất giỏi văn chương và triết lý Hy Lạp. Thánh Phao-lô lập rất nhiều cộng đoàn, viết rất nhiều thư tín gởi cho các tín hữu để khích lệ họ vững vàng trong đức tin.
Kể từ khi được gặp Chúa Giê-su, thánh Phao-lô không còn sống cho riêng mình nữa nhưng chỉ sống cho Chúa, chỉ hành động vì danh Chúa. Thánh nhân khao khát được trở về với Đấng mà người tôn thờ, tôn kính và yêu mến nhưng trách nhiệm với các cộng đoàn tín hữu mời gọi người sống để đem lại lợi ích về đời sống tâm linh cho họ. Trong câu nói này, chúng ta thấy sự giằng co của thánh Phao-lô: một mặt người ao ước được trở về với Chúa, mặt khác, người muốn được ở lại với anh chị em của mình để giúp họ sống đạo.
Thánh Phao-lô chịu tù tội nhiều năm trời nhưng không bao giờ người tỏ ra phiền muộn hay chán nản. Ngược lại, người luôn tìm cách hiện diện với các tín hữu bằng những bức thư đầy tâm huyết để truyền lửa cho họ để tiếp tục sống đức tin dù phải chịu trăm chiều thử thách. Thánh Phao-lô đã hy sinh mạng sống của mình để làm chứng cho Tin mừng mà thánh nhân rao giảng tại Roma, khoảng năm 67.
Xin thánh Phao-lô giúp cho chúng con luôn biết sống cho Chúa Giê-su để khi đi hết chặng đường trên trần thế này, chúng con được vui sướng chia sẻ hạnh phúc với người trong ngôi nhà của Chúa. Amen.
BTT