Tại sao việc rước lễ lần cuối cùng được gọi là “của ăn đàng”?

43

Lần rước lễ đầu tiên trong đời được gọi là “rước lễ vỡ lòng”, còn lần rước lễ lần chót trong đời được gọi là “của ăn đàng”. Từ ngữ này có ý nghĩa gì?

Chúng ta đừng nên quên rằng nhiều thuật ngữ sử dụng trong thần học, giáo luật và phụng vu, được dịch từ tiếng La-tinh hay Hy-lạp, và những lần thiếu chính xác không phải là ít. Có lẽ thuật ngữ “của ăn đàng” hơi xa lạ đối với ngôn ngữ Việt Nam, và không gợi lên một ý tưởng nào trong đầu óc người nghe. Đây là một từ dịch bởi tiếng La-tinh viaticum và xa hơn nữa, gốc bởi tiếng Hy-lạp hodoiporion và ephodion. Các từ ngữ này lúc đầu ám chỉ một bữa tiệc từ giã bạn hữu trước khi lên đường, và sau đó cũng bao gồm hành lý mang theo khi đi đường (tiền bạc, lương thực, áo quần). Trong tiếng La-tinh, viaticus lúc đầu được dùng như tính từ (cái gì liên quan đến đường đi, chẳng hạn như coena viatica: bữa tiệc đưa chân), dần dần biến thành danh từ viaticum để ám chỉ hành lý đi đường. Phụng vụ du nhập từ ngữ này để ám chỉ hành trang của người tín hữu khi bước sang thế giới bên kia.

Hành trang đó gồm những thứ gì?

Nhiều tôn giáo quan niệm rằng con người vẫn tiếp tục cuộc sống bên kia thế giới. Vì thế khi an táng, người ta đặt tiền bạc, đồ trang sức trong hòm, đó là chưa kể có nơi người ta chôn sống cả bà vợ nữa! Đặc biệt một nghi thức mang nhiều ý nghĩa là đút vào miệng người chết một nhúm gạo, để họ ngậm nhai lúc lên đường sang bên kia thế giới. Có lẽ những khái niệm đó sẽ giúp ta hiểu rõ hơn những nghi thức phụng vụ Kitô giáo liên quan đến hành trang dành cho người tín hữu sắp lên đường. Kitô giáo tin rằng cuộc sống vẫn tiếp tục ở thế giới bên kia, nhưng cuộc sống đó khác với cuộc sống bên này. Cuộc sống bên kia thế giới cốt ở sự sống với Chúa, sự sống thân mật với Thiên Chúa Ba ngôi và cộng đoàn các thánh. Vì thế không cần phải chất đầy hòm với áo quần, tiền bạc, lương thực làm chi. Người tín hữu chỉ cần mang theo mình hành trang cần thiết nhất, đó là đức mến.

Làm sao mang được đức mến đi theo người chết?

Nãy giờ chúng ta dùng những hình ảnh để so sánh quan niệm của Kitô giáo với các tôn giáo khác về cuộc sống ở thế giới bên kia. Bây giờ chúng ta trở lại với truyền thống phụng vụ Kitô giáo. Đừng kể những nghi thức an táng dành cho những người đã chết, phụng vụ còn có những nghi thức dành cho các tín hữu trong giai đoạn lâm tử. Chính trong bối cảnh này mà chúng ta nói đến “của ăn đàng”. Như đã nói, từ này dịch bởi tiếng La-tinh viaticum, mà nguyên ngữ có nghĩa là bữa tiệc từ gĩa trước khi lên đường, hoặc hành trang dành cho người đi đường. Theo nghĩa chặt, “của ăn đàng” ám chỉ bí tích Thánh Thể, bánh ban sự sống trường sinh; nhưng theo nghĩa rộng, các giáo phụ còn bao hàm nhiều bí tích khác nữa.

Những bí tích nào vậy?

Đứng đầu là bí tích rửa tội. Vào thời các giáo phụ, nhiều người chần chừ lãnh bí tích rửa tội vì sợ không đủ sức tuân giữ các điều cam kết, cho nên họ trì hoãn cho đến lúc gần chết. Nói chung, con số những người này không phải là nhiều. Trải qua các thế kỷ về sau, những bí tích dành cho người sắp chết là: “thống hối (giải tội), xức dầu bệnh nhân, Mình Thánh Chúa”. Tập tục này vẫn được duy trì đến ngày nay, tuy dù thứ tự có thay đổi. Cho đến công đồng Vaticanô II, thứ tự các bí tích cuối đời là: “thống hối, Mình Thánh Chúa, xức dầu”; nhưng sách nghi thức ban hành sau công đồng đã xếp đặt lại thứ tự như sau: “thống hối, xức dầu, Mình Thánh Chúa”. Bí tích cuối cùng của người tín hữu trước khi lìa đời là Thánh Thể, chứ không phải là xức dầu.

Tại sao vậy?

Bởi vì có sự thay đổi ý nghĩa thần học bí tích. Bí tích Xức dầu đã được đổi tên gọi, không còn mang tên là “xức dầu lần chót” (extrema unctio) như trước đây, mà là “xức dầu bệnh nhân” (unctio infirmorum). Do đó bí tích này không dành cho những người sắp chết, nhưng dành cho các người bệnh nặng, để xin Chúa ban sức mạnh tinh thần và thể lý giúp họ biết kết hiệp với cuộc khổ nạn của Đức Kitô, và nếu Chúa muốn thì cũng xin cho họ được lành bệnh. Còn bí tích cuối cùng trên đời là bí tích Thánh Thể, được gọi là “của ăn đàng”.

Tuy nhiên, người tín hữu lãnh bí tích Thánh Thể nhiều lần trong đời, chứ đâu phải khi sắp chết. Có gì khác biệt giữa lần rước lễ cuối cùng với những lần rước lễ khác?

Đúng thế, người tín hữu rước lễ nhiều lần trên đời, chứ không phải chỉ một lần lúc sắp chết. Tuy vậy, chúng ta thấy giáo luật và phụng vụ cũng muốn nêu bật vài sự khác biệt nho nhỏ giữa việc rước lễ thường xuyên và việc rước lễ như của ăn đàng. Trước tiên, về giáo luật. Bộ giáo luật đã dành ra 3 số để nói về việc trao Mình Thánh như của ăn đàng. Số 921 ra một nguyên tắc căn bản như sau: “Các Kitô hữu lâm cơn nguy tử, dù vì bất cứ lý do nào, cần được bổ dưỡng, bằng việc rước lễ như của ăn đàng. Cho dù ngày ấy họ đã rước lễ rồi, cũng rất nên cho họ rước lễ lần nữa nếu mạng sống họ bị lâm nguy. Bao lâu cơn nguy tử kéo dài, nên cho họ rước lễ nhiều lần, vào những ngày khác nhau”. Như vậy, xét về khái niệm, nhà lập pháp phân biệt việc rước lễ như của ăn đàng với những lần rước lễ khác, đến nỗi dầu ngày hôm đó đã rước lễ rồi, nhưng nếu gặp cơn nguy tử thì vẫn được rước lễ lần nữa. Mặt khác, nói như thế không có nghĩa là một khi đã lãnh của ăn đàng rồi, thì tuyệt nhiên chấm dứt đời sống bí tích trên đời này. Không phải thế; nếu bệnh nhân còn sống lâu ngày, thì vẫn được tiếp tục lãnh bí tích. Dù sao, thiết tưởng điều 922 tiếp theo cũng chứa đựng một ý nghĩa mục vụ nữa, đó là: nên cho bệnh nhân lãnh nhận của ăn đàng khi còn tỉnh trí. Điều này giả thiết rằng người bệnh nhân lãnh nhận Thánh Thể như là tiếp rước Thiên Chúa với tất cả lòng yêu mến kính tin, chứ không phải chỉ như uống một viên thuốc an thần. Điều 911 quy định về nghĩa vụ mang của ăn đàng cho bệnh nhân. Nghĩa vụ này ràng buộc các linh mục có trách nhiệm mục tử: cha sở, các cha phó xứ, các tuyên uý, các cha bề trên dòng giáo sĩ.

Về nghi thức phụng vụ, có gì khác biệt giữa việc rước lễ thông thường và rước lễ như của ăn đàng?

Từ công đồng Vaticanô II, phụng vụ khuyến khích các tín hữu hãy rước lễ trong Thánh lễ, nhằm nối kết việc hiệp lễ với tất cả các khía cạnh chúc tụng, tạ ơn, dâng hiến gói ghém trong bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên, nếu người tín hữu không thể tham dự Thánh lễ được thì vẫn có thể rước lễ ngoài Thánh lễ, cách riêng là các bệnh nhân. Từ năm 1973, Toà thánh cho phép các Bản quyền sở tại uỷ thác cho các giáo dân được mang Mình thánh Chúa cho các người bệnh nhân. Điều này được lặp lại trong số 910 của bộ giáo luật. Nghi thức trao Mình Thánh ngoài Thánh lễ, sau những lời chào thăm và thú lỗi, gồm phần đọc Lời Chúa, Kinh Lạy Cha, và rước lễ.

Nếu là nghi thức trao Mình Thánh như của ăn đàng, thì có thêm vài chi tiết khác. Trước hết là trong lời chào thăm mở đầu, tác viên dẫn nhập như sau: “Anh chị em thân mến, trước khi rời bỏ đời này để trở về với Đức Chúa Cha, Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta bí tích Mình và Máu Thánh của Ngài. Trong giờ phút chúng ta rời bỏ đời này để về với Chúa, chúng ta nhận lãnh bí tích này như của ăn đàng cho sự sống vĩnh cửu và bảo chứng cho sự phục sinh. Hiệp nhất trong lòng mến Chúa, chúng ta hãy cầu nguyện cho người anh em của chúng ta”.

Kế đó là lời thú tội và xá giải. Tiếp đến là nghe đọc Lời Chúa, và kèm theo việc tuyên xưng đức tin, dựa theo mẫu thức hỏi và đáp như chúng ta vẫn thực hiện vào đêm Vọng Phục sinh. Việc lặp lại lời tuyên xưng đức tin vào lúc này có thể giải thích như là tái khẳng định lòng gắn bó với Thiên Chúa Ba Ngôi lúc lãnh bí tích rửa tội, và đồng thời cũng nêu bật chiều kích Vượt qua của đời sống người Kitô hữu, nghĩa là trót cuộc đời của họ là một cuộc liên kết với cuộc Tử nạn và Phục sinh của đức Kitô. Một chi tiết khác của nghi thức trao Mình Thánh Chúa lần cuối là công thức của tác viên. Thường thì tác viên giơ cao Bánh Thánh lên và nói: “Mình Thánh Chúa Kitô”, và tín hữu đáp lại: “Amen” (nghĩa là: đúng vậy). Khi trao của ăn đàng, thì tác viên nói tiếp theo lời Amen: “Xin Ngài giữ gìn bạn và dẫn đưa đến cuộc sống muôn đời”, và bệnh nhân đáp: “Amen”.

Tóm lại, lần rước lễ cuối cùng được gọi là “của ăn đàng”, bởi vì người tín hữu lãnh nhận bí tích Thánh Thể như lương thực ăn lúc lên đường trở về nhà Cha, có phải thế không?

Đúng thế. Như đã nói ở đầu, viaticum có nghĩa là bữa tiệc tiễn đưa người thân lên đường và cũng là hành trang mang theo khi đi đường. Đối với tín hữu, bữa tiệc và lương thực là Mình Thánh Chúa Giêsu, như chính ngài đã hứa: “Thịt Ta thật là của ăn. Máu Ta thật là thức uống. Ai ăn bánh này thì sẽ được sống muôn đời”. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, hiểu như vậy thì mới chỉ đúng 50 phần trăm. Còn thiếu 50 phần trăm nữa, đó là chúng ta đừng quên rằng bí tích Thánh Thể không chỉ gồm một tấm bánh thiêng ban sức mạnh cho linh hồn, nhưng tiên vàn là chính Chúa Kitô.

Trong bí tích này, chúng ta gặp gỡ Chúa Kitô, đấng đã nhập thể, đã chết, đã sống lại, và đồng hành với chúng ta trong cuộc lữ hành đức tin. Chúng ta tin rằng Ngài hiện diện với chúng ta trong suốt cuộc đời, tuy chúng ta không trông thấy Ngài. Bây giờ, trước khi nhắm mắt lìa đời, chúng ta lãnh nhận bí tích một lần cuối cùng, tiếp đón Ngài như kẻ đồng hành, và xin Ngài dẫn đưa chúng ta về nhà Cha, hay nói đúng hơn, xin Ngài hãy vén màn lên để chúng ta được diễm phúc chiêm ngắm Ngài nhãn tiền, diện đối diện. Khi nhắm mắt lìa đời, bệnh nhân có cảm giác bị hết mọi người bỏ rơi. Nhưng đức tin dạy cho chúng ta biết rằng mình không bị bỏ rơi, bởi vì Chúa Kitô đồng hành với chúng ta. Hơn nữa, ngài còn bảo đảm cho chúng ta được sống lại với Ngài.

Theo Phan Tấn Thành

Previous articleNGUỒN GỐC SÂU XA MÂU THUẪN TRUNG ĐÔNG, MÙA XUÂN Ả RẬP VÀ NỘI CHIẾN SYRIA
Next articlePhát hiện nơi Adam và Eva ăn trái cấm