Nghệ thuật sống Hạnh Phúc

76

Nghệ thuật sống Hạnh Phúc. 

Khi ta được hưởng một điều gì vui, ta vẫn nói “Trời cho” nhưng theo đức Đạt Lai Lạt Ma trong cuốn Nghệ thuật của Hạnh Phúc (The Art of Happiness) thì Hạnh phúc tự ta có thể tìm được bằng cách điều khiển ý nghĩ trong đầu mình. Nếu mình nghĩ mình có hạnh phúc tức là mình đã có hạnh phúc.

 Một trong những điều làm mất hạnh phúc là sự so sánh những gì mình có với những gì mình muốn mà không thể có, hay mình có mà không thấy. Người ta vẫn thường nói “cỏ nhà hàng xóm bao giờ cũng xanh hơn cỏ nhà mình”. Như vậy những gì ta ước muốn và có được cũng chưa chắc đã thoả mãn như ý và suốt đời mệt nhoài vì đuổi bắt. Theo tôi, khi ta có căn nhà để che nắng che mưa, có quần áo mặc khi nóng khi lạnh, có cơm ăn no đủ hàng ngày, không bị bệnh tật ốm đau và không bị hành hạ về tinh thần và thể chất, là chúng ta đã có căn bản hạnh phúc. Ta đã có cuộc sống an bình. Chẳng thế mà trong buổi lễ ở các nhà thờ, người ta vẫn chúc bình an cho nhau mà không chúc nhiều tiền, nhiều bạc, nhiều của cải. Nếu được hơn những điều căn bản trên, hãy tự cho mình có hạnh phúc hơn nhiều người khác.

Một độc giả trong tờ Los Angeles Times đã hỏi trong mục “gỡ rối tơ lòng”, là gia đình bà hay lục đục vì chung quanh bạn bè đều mua nhà mới, mà bà không có khả năng. Mỗi khi người có nhà mới dẫn “đi tour” để khoe những cái phòng ngủ tráng lệ, những cái nhà tắm tối tân là bà về nhà gây chuyện với chồng. Bà khổ lắm và chồng bà cũng không hạnh phúc, tuy đời sồng của bà rất thoải mái, không nợ nần gì nhiều. Người “gỡ rối” trả lời rằng nếu bà cứ so sánh với những gì người khác có, thì không bao giờ bà được sung sướng. Giả thử bà được những thứ ấy thì người khác lại có nhiều hơn. Cứ vậy bà sẽ chạy mệt nhoài. Hãy cảm thấy hạnh phúc với những gì mình có và tự nhủ rằng, người ở nhà to là người nợ như chúa chổm, mất việc là mất nhà ngay. Nghĩ như vậy, bà sẽ thấy sung sướng hơn người kia nhiều.

Cũng vẫn nói về hạnh phúc, một nhóm người được thí nghiệm tại đại học New York bằng cách cho viết tiếp theo một câu “Tôi ước muốn tôi là…” Ý viết thêm của những người trong nhóm cho thấy họ cảm thấy không hài lòng với cuộc sống. Cái “ước muốn” nó không có giới hạn và không có điểm ngừng. Nếu ta theo nó, ta sẽ đi tới vô tận. Có những cái “ước muốn quá đáng” của người vợ mà người chồng phải đi làm hai ba việc vẫn chưa thỏa mãn nhu cầu của vợ. Có cái “ước muốn mọi sự phải hoàn hảo” của người chồng mà người vợ quay như chong chóng vẫn chưa vừa ý chồng mình. Ước muốn có thể làm thăng hoa cuộc sống nhưng những cái ước muốn quá sức, không chính đáng sẽ làm mất đi cái hạnh phúc gia đình mà mình đã có.

Và thật mâu thuẫn, một trong những điều làm ta hạnh phúc cũng là so sánh. Trong một cuộc khảo cứu của các bà ở University of Wisconsin tại Milwaukee, một nhà khảo cứu trình bày hình ảnh cuộc sống khó khăn của phụ nữ ở Milwaukee vào đầu thế kỷ trước. Khi xem xong, so sánh với thời đó các phụ nữ bây giờ cảm thấy hạnh phúc vì cuộc sống hiện tại thoải mái hơn nhiều.
Các nhà khảo cứu làm một thí nghiệm khác tại University of New York ở Buffalo, những người tham dự được đề nghị nối tiếp để hoàn tất một câu “Tôi sung sướng vì tôi không phải là….”.

Sau năm lần góp thêm ý vào cùng một câu trên, những ý viết thêm của nhóm này cho ta biết cuộc sống của họ rất thoải mái. Nhiều khi tôi bực mình và nóng nẩy khi trên xa lộ bị kẹt xe vì có một tai nạn. Nhưng chợt nghĩ, tôi không phải là người nằm trên xe cứu thương kia. Sự so sánh đó làm tôi cảm thấy may mắn và nỗi bực bội đã tan biến trong khoảnh khắc.

Khi ta nhìn những nạn nhân bão lụt, màn trời chiếu đất, đói rét tả tơi, hay những người vô gia cư nằm lề đường trong những ngày đêm băng giá, ta sẽ thấy trời đã cho ta nhiều quá. Do vậy mà ta sẽ không mong muốn gì hơn.

Previous articlePhát hiện mới: Thiếu ngủ có thể ‘giết chết’ cuộc sống xã hội của bạn!
Next articleKhi 40 tuổi, gần bước qua nửa cuộc đời, mới thấm thía những điều đơn giản nhất