Đây là ngày của thinh lặng và hòa bình.
Đức Giáo hoàng Phanxicô chầm chậm, một mình, đi qua cánh cửa mang dòng chữ ‘Việc làm đem lại tự do.’ Ngài đi một đoạn bằng xe điện, trước khi ngồi thinh lặng cầu nguyện, trên ghế băng dưới những tán cây của quảng trường, từng là nơi thường treo cổ các tù nhân và là nơi thánh Maximilian Kolbe đã hi sinh mạng sống để cứu mạng một tù nhân khác, một hành động yêu thương giữa chốn dã man và tàn bạo này. Đức Phanxicô nhắm mắt và cầu nguyện thinh lặng một mình trong vài phút, hai tay xiết chặt, đầu cúi xuống.
Đức Giáo hoàng thứ ba đến trại tập trung Auschwitz, nơi một triệu người Do Thái đã bị thảm sát, ngài đã chọn ngôn ngữ không lời. Bởi thinh lặng là sự tôn trọng cao nhất với các nạn nhân nơi đây. Đức Phanxicô nói rằng những gì ngài phải nói về bi kịch tột cùng của thảm họa diệt chủng thời Đức quốc xã, ngài đã nói tại Yad Vashem ở Jerusalem, và trong cuộc đàm đạo với người bạn ở Argentina, Rabbi Abraham Skorka: ‘Shoah là diệt chủng, cũng như những cuộc diệt chủng khác trong thế kỷ XX, nhưng nó có một yếu tố riêng biệt. Tôi không muốn nói rằng đây là yếu tố chính yếu, còn những cái khác chỉ là thứ yếu, nhưng đây là một yếu tố riêng biệt, là một cấu trúc thờ ngẫu tượng chống lại người Do Thái. Chủng tộc thuần chủng, các cá thể thượng đẳng, là những ngẫu thần cho nền tảng mà Đức quốc xã xây dựng. Đây không chỉ là vấn đề địa chính trị, mà còn là vấn đề văn hóa và tôn giáo. Mỗi người Do Thái mà họ giết là một cái vả dưới danh nghĩa của những ngẫu thần vào mặt Thiên Chúa hằng sống.’
Tại nơi xảy ra những vụ thảm sát hàng loạt này, mọi lời nói đều là không đủ.
Trong Block 11, ngài gặp 10 người sống sót từ thảm họa diệt chủng thời Đức quốc xã, một người trao cho ngài một cây nến và ngài thắp lên một ngọn đèn, như quà kỷ niệm cho nơi này Tại Yad Vashem 2014, Đức Phanxicô đã hôn tay của những người sống sót. Tại Auschwitz lần này, sau khi bắt tay, ngài ôm từng người một. Một vài người đem theo những bức ảnh, họ cho ngài xem, và nhờ ngài ký tên làm kỷ niệm. Có người chào Đức Giáo hoàng bằng cách hôn tay.
Sau đó, Đức Phanxicô cầu nguyện ở buồng giam nơi thánh Kolbe đã chết.
Đức Phanxicô ngồi trong buồng giam bỏ đói này, nơi chỉ có một khung cửa sổ nhỏ chấn song sắt. Và ngài cầu nguyện trong thinh lặng.
Trên tường, có hình sơn vẽ một cây thánh giá. Khi bác sỹ tiêm thuốc độc để ép cha chết nhanh hơn, cha Kolbe đã nói với ông rằng: ‘Ông chẳng hiểu gì về cuộc sống. Hận thù chẳng ích gì, chỉ có tình yêu mới sáng tạo sinh sôi.’