Ai Có Thể Lãnh Nhận Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân?

27

Ai Có Thể Lãnh Nhận Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân?

Một người Công Giáo được rửa tội đến tuổi khôn và bị bệnh “nặng” có thể được nhận bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Giáo Hội định nghĩa bệnh “nặng” là bệnh đe dọa đến tính mạng. Có nhiều người có tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, cũng như những đau đớn thường xuyên ở tuổi già của họ. Nếu một người Công Giáo sẽ tiến hành một cuộc tiểu phẫu có gây mê, người đó có thể được xức dầu bệnh nhân. Gây mê có thể là một công việc rủi ro và một số người có thể tử vong vì nó; do đó, việc lãnh bí tích Xức Dầu là thích hợp.

Một người mắc bệnh nghiêm trọng gần như sẽ chết có thể được xức dầu. Ngay cả khi cái chết dự kiến không xảy ra, người đó vẫn được khuyến khích xức dầu bệnh nhân. Phép lạ sẽ xảy ra, và luôn có hy vọng vào ơn chữa lành từ Thiên Chúa qua bí tích. Nhờ bí tích, ân sủng của Thiên Chúa khích lệ, trợ lực, và tăng sức cho người ta chịu đựng bất kỳ thập giá nào họ phải vác. Trong khi ơn chữa lành thể lý có thể không xảy ra, thì sức mạnh thiêng liêng sẽ trợ giúp người bệnh chống lại cơn tuyệt vọng. Hãy nhớ những lời của Chúa Giêsu, những ai bền chí đến cùng người đó sẽ được cứu thoát. Thông thường, căn bệnh kéo dài có thể làm suy nhược và hao mòn tinh thần. Cuộc sống là một cuộc chiến của sự thiện chống lại sự dữ. Khi cuộc sống đến hồi kết thúc, ma quỷ chắc chắn sẽ tấn công linh hồn và ra sức cướp linh hồn khỏi sự bình an của nó. Việc xức dầu cho người bệnh mang ân sủng và ơn can đảm của chính Chúa Kitô cho linh hồn, để các linh hồn có thể trung thành vác thập giá mình đến cùng.

Bất cứ ai trên sáu mươi lăm tuổi cũng có thể được xức dầu. Ngay cả khi các ngài không có nguy cơ tử vong, chính tuổi già, được coi là một lý do chính đáng để xức dầu. Ai lại không có những đau đớn nghiêm trọng, hoặc thậm chí cô đơn ở tuổi già? Một lần nữa, bí tích là một phương thế khích lệ của Thiên Chúa. Thông thường, các giáo xứ cử hành thánh lễ xức dầu bệnh nhân. Người già, người bệnh nặng, hay những người chuẩn bị phẫu thuật thường tham dự thánh lễ. Họ không chỉ được củng cố bởi bí tích, mà còn được khích lệ bởi sự trợ lực và cầu nguyện của cộng đoàn và của những người bạn đồng hành trên đường về thiên quốc.

Đau khổ mang tính cứu độ là một kinh nghiệm thiêng liêng quan trọng. Điều này có nghĩa là người già, người bệnh và người đau yếu dâng hiến thập giá của họ cho Chúa Kitô chịu đóng đinh. Nơi đó, họ vui lòng chịu đựng thập giá của mình, để tìm ra ý nghĩa cho những đau khổ của họ, và cuối cùng, để tiếp tục sống với nhân đức hy vọng.

Previous articleAi có thể ban bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân và họ cử hành như thế nào?
Next article“Xức Dầu Bệnh Nhân” là gì?