BÀI NÀO ĐÚNG ? BÀI NÀO SAI ?

106

BÀI NÀO ĐÚNG ? BÀI NÀO SAI ?

          Chả biết tự lúc nào, dân Công Giáo dùng từ “bài sai” để nói về Chứng thư bổ nhiệm của các Đấng Bản Quyền cho một linh mục nào đó căn cứ vào Giáo Luật, nhu cầu của Giáo Hội địa phương, sau khi tham khảo ý kiến của các vị có trách nhiệm …

          Thật vậy ! Cứ cha nào thuyên chuyển thì cứ nói là “bài sai” riết rồi quen miệng cũng như nhiều người đùa vui : đúng là bài sai chứ không phải là bài đúng !

          Nói như thế đồng nghĩa với một cách chua chát về ai nào đó không vui khi nhận về xứ nọ xứ kia hay công việc này công việc nọ. Thế nhưng …

          14.9.2017 nghĩa là tính đến nay 1 năm 12 ngày, Cha Sở quý yêu của giáo xứ nọ nhận nhiệm sở cách xa nhiệm sở cũ gần 2 tiếng đi xe.

          Hẳn nhiên, cũng “thia thia quen chậu – vợ chồng quen hơi” là điều hết sức bình thường khi một vị linh mục ở lâu với giáo xứ mà đặc biệt Cha đó lại làm nên chuyện cho Giáo Xứ. Từ một giáo xứ yếu kém từ cơ sở vật chất đến như con người, mà nay nhờ ơn Chúa cùng với sự hiệp nhất của cả xứ để nên một ngôi Thánh Đường lớn vào bậc nhất của Giáo Phận quả là điều trân quý.

          Và như vậy, khi nghe Đấng Bản Quyền gửi “bài sai”cho cha Xứ của mình đi về xứ nhà quê thì điều hẳn nhiên và dễ hiểu là “con cái” của Cha bùi ngùi luyến tiếc. Thế nhưng vì vâng phục, Cha cũng phải lên đường theo sứ vụ.

          Tình cảm cha con vẫn còn khăng khít với nhau để rồi mỗi khi có dịp, “bọn chúng” lại về quê thăm Cha xưa.

          Từ một thành phố đang trong đà phát triển và phồn hoa đô thị mà đi về với vùng quê, xem ra về mặt con người thì quả là khó chịu. Đơn giản là ở thành phố thì cần gì cũng có hay ít là về sức khỏe, nếu như trục trặt gì đó thì dễ đến bệnh viện hơn là ở tỉnh nhỏ nhà quê.

          Và, với bản chất chân chất cộng với lòng nhiệt thành để rồi chỉ với 1 năm và 12 ngày mà giáo xứ nhà quê nơi Cha đến đã hoàn toàn thay đổi.

          Từ Thánh Lễ ngày thường với vài chục nhân mạng thì nay đã hơn trăm. Cạnh số người lui tới Nhà Thờ để dự Lễ thì nhiều gia đình ngày xưa gọi là nguội lạnh thì nay lại hăng say nhiệt thành việc nhà Chúa hơn.

          Niềm vui cũng như lòng nhiệt thành ấy tự giáo dân trong xứ đạo nói chứ không phải là người ngoài nói. Chính họ cảm nhận được ơn Chúa trào tràn trên giáo xứ qua vị mục tử nhân hiền sống chết với đàn chiên.

          Dừng lại một chút nơi Cha Giuse đáng kính này để ta nhìn lại một chút về chuyện bài sai.

          Hóa ra rằng sai sai đúng đúng hay đúng đúng sai sai là do việc quản trị mục vụ giáo xứ và nhất là cung cách sống của Cha. Ngày hôm nay, người ta xem ra không cần thầy dạy nữa vì chỉ cần một chút thôi sau khi gõ cửa kiếm bác “gu gô” là mọi sự có thế. Từ Kinh Thánh đến Giáo Lý đến thắc mắc về mục vụ hôn phối thì “gu gô” sẽ trả lời không lâu lắm. Chuyện còn lại là cung cách sống và phục vụ của cha Sở của xứ đạo mà thôi.

          Nơi Cha Giuse, có lẽ “bài sai” mà ban đầu nơi Giáo Xứ lớn thân thương mà Cha đã sống đó không còn là bài sai nữa mà là bài đúng. Chắc có lẽ tự nơi Cha hay Đấng Bản Quyền cũng không ngờ được thành quả của ngày hôm nay.

          Vấn đề lớn nhất của một xứ đạo không phải là chuyện xây cái nhà thờ bằng sắt đá. Hẳn nhiên rất cần một nơi thờ tự cho xứng đáng nhưng điều cần thiết hơn vẫn là chuyện xây dựng đền thờ tâm hồn. Dù cho một giáo xứ có quả chuông “to nhất quả đất” hay tháp chuông cao nhất Giáo Phận đi cũng chả nói lên được gì điều gì hay chả để lại trong lòng người tâm khảm chi cả. Chuyện quan trọng nhất và cần nhất đó chính là đền thờ di động là chính mỗi tâm hồn của giáo dân trong xứ đạo.

          Đáng tiếc thay có một số vị chỉ chăm chăm chú chú làm nhà thờ cho thật to, tháp chuông cho thật cao, nhà xứ cho thật lớn nhưng đền thờ của mỗi con chiên trong xứ đạo thì không hề chăm chút. Có khi chỉ chạy theo thành tích bên ngoài ngang qua những chuyện rước sách nhưng sau những cuộc rước đó lại là cuộc sống không mang dấu chỉ của Tin Mừng.

          Qua cuộc sống, nhân chứng phục vụ Tin Mừng nơi Cha Giuse, cách riêng nơi Cha được gửi đến cho ta thấy chuyện bài đúng bài sai do chính mỗi người mà thôi.

          Có khi ban đầu, với suy nghĩ và cái nhìn của con người là bài sai nhưng nhờ ơn Chúa Thánh Thần và sự cộng tác của con người, bài sai lại nên đúng.

          Còn nhớ câu chuyện của một vị linh mục kia cảm thấy không vui khi nhận được bài sai về họ đạo khỉ ho cò gáy. Thế nhưng sau vài năm sau đó, Cha đó đích thân cảm ơn Đức Cha vì qua bài sai này, Cha đó mới nhận ra chân đích của cuộc đời và cùng đích của cuộc đời tận hiến. Khi đó, Cha mới nhận ra rằng đời dấn thân phục vụ thật sự phải là nơi của những con chiên bị bỏ rơi và gạt ra bên lề của Xã Hội và Giáo Hội nữa.

          Xin Chúa thêm ơn cho các vị mục tử để rồi ngày mỗi ngày, nhờ ơn Chúa giúp, các vị mục tử sẽ dần dần sửa “bài sai” của Giám Mục trao cho mình thành bài đúng khi mình xả thân vì con chiên, sống chết với con chiên và cuộc đời mình nhuốm cả mùi chiên.

Previous article5 thành phố biển mang đậm dấu ấn Công giáo
Next articleHỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM : HÀNH HƯƠNG BA GIỒNG