BĂN KHOĂN VÀ NGUYỆN ƯỚC VỀ BẢN DỊCH KINH THÁNH

94

BĂN KHOĂN VÀ NGUYỆN ƯỚC VỀ BẢN DỊCH KINH THÁNH

Thật bất ngờ và nhạc nhiên với biên bản họp mới nhất của Ủy Ban Kinh Thánh ngày 25 tháng 7 năm 2020 được trao gửi nhiều nơi.

Mọi người có thể tìm thấy trên các trang mạng Công Giáo biên bản họp của Ủy Ban Kinh Thánh. Khi thấy thì đọc biên bản ấy sẽ suy nghĩ. Đơn giản là Chúa ban cho con người có suy nghĩ và cả cảm nghĩ nữa.

Bản thân tôi, trí hiểu hạn hẹp và đầu óc cũng chả có thông minh sáng láng như nhiều người khác và có khi hay vu vơ nữa. Và, cái biên bản đó sau khi đọc, tôi lại vu vơ suy nghĩ.

Giáo Hội Công Giáo được thành lập bao nhiêu năm rồi tôi cũng chả nhớ. Chỉ nhớ là cũng nhiều thập niên hay vài thế kỷ chứ không phải vài chục năm hay vài tháng, vài năm. Thế nhưng mà trong cái biên bản ấy ta đọc được rất rõ :  “Trong thời gian sắp tới Ủy Ban Kinh Thánh sẽ lập một nhóm đặc trách việc soạn thảo kim chỉ nam cho việc dịch Kinh Thánh. Sau đó, Ủy Ban Kinh Thánh sẽ mời các chuyên viên cộng tác để có thể bắt đầu việc dịch Kinh Thánh”.

Nói như vậy thì hiểu rằng bản dịch Kinh Thánh (tiếng Việt) chưa có vì “để có thể bắt đầu việc dịch Kinh Thánh”. Như thế, bản dịch Kinh Thánh đang có trong “thị trường” là bản dịch lụi, bản dịch không có giá trị, bản dịch không chính quy, bản dịch sai … hay sao ?

Chưa kể đến chuyện “thống nhất cách viết và đọc tên riêng trong Kinh Thánh” và rồi cũng quyết định một nhóm làm việc nhằm hướng tới hình thành một cuốn từ điển có các tên riêng dùng trong Kinh Thánh.

Từ bé, tôi và nhiều người có lẽ rất gần với bản dịch Kinh Thánh của Cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn – Dòng Chúa Cứu Thế. Trước đó, có một bản dịch nữa nhưng từ ngữ không phù hợp nên nhiều người dùng bản dịch của Cha Nguyễn Thế Thuấn.

Lớn lên một chút, tôi và nhiều người có trong tay bản dịch của Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ hay gọi là Phụng Vụ các giờ Kinh. Và, đơn giản nhất là Kinh Phụng Vụ hiện nay đang “trôi nổi” trong “thị trường” nhà đạo mà tu sĩ linh mục dùng cũng chính là bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Không chỉ thế, ngoài Kinh Phụng Vụ thì bản dịch Tân Ước cũng được sử dụng trong nhiều năm qua. Được biết, sang năm 2021 toàn bộ bản dịch Cựu Ước sẽ tiếp tục đưa ra “thị trường”.

Năm tới, 2021, Nhóm Phụng Vụ các giờ Kinh sẽ kỷ niệm 50 năm thành lập.

Thấy như thế và hóa ra là Hội Thánh Công Giáo Việt Nam ít là có 2 bản dịch Kinh Thánh. Bản của Cha Nguyễn Thế Thuấn thường dùng cho học tập và nghiên cứu. Bản của Nhóm Phụng Vụ các giờ Kinh thì dùng rộng rãi và phổ biến trong phụng vụ hàng ngày.

Điều mà không chỉ tôi thắc mắc mà là của rất nhiều người về bản dịch Kinh Thánh của Hội Thánh Việt Nam. Tại sao và tại sao … ?

Một nữ tu trong nhóm Phụng Vụ các giờ Kinh chia sẻ về vấn đề bản dịch 2 điều cơ bản nhất :

Nhóm Phụng Vụ các giờ kinh sẵn sàng trao tặng cho Hội Thánh Công Giáo bản dịch của Nhóm chỉ với 1 điều kiện duy nhất là ai nào đó dùng thì dùng nhưng nếu sửa chữ nào, câu nào thì xin trao đổi. Điều đáng suy tư là ai nào đó muốn nhận nhưng không đồng ý với điều kiện là khi chỉnh sửa câu từ xin trao đổi.

Điều thứ hai là đã hơn một lần có một số linh mục gọi là có khả năng để dịch đã đến với Nhóm Phụng Vụ các giờ Kinh để làm việc nhưng rồi chỉ một thời gian ngắn thì không đến nữa.

 Nếu không ngồi lại với nhau và nhất là không nghe nhau cũng như tìm hiểu vấn đề thực tế thì dẽ rơi vào chuyện thầy bói xem voi cũng như tam sao thất bổn.

Chuyện sửa câu từ mà Nhóm đề nghị hoàn toàn không sai. Đơn giản là bản dịch của Nhóm do Nhóm đã đặt hết tâm huyết để dịch. Có những câu từ cả ngày dịch không ra. Chưa nói là cũng cãi nhau ỏm tỏi vì ngôn từ không đơn giản nhất là những từ chuyên môn hay địa phương cũng như văn hóa Do Thái thời Chúa Giêsu.

Đơn giản và dễ hiểu, bản dịch là tâm huyết của nhóm để rồi cần chỉnh thì trao đổi. Có vậy thôi mà không công nhận cũng như không dùng bản dịch của Nhóm Phụng Vụ các giờ Kinh để rồi “can đảm” nói là : “Ủy Ban Kinh Thánh sẽ mời các chuyên viên cộng tác để có thể bắt đầu việc dịch Kinh Thánh”.

Còn nữa về bản dịch của Cha Nguyễn Thế Thuấn. Vì hoàn cảnh nên Cha cố Giuse mất sớm. Trí óc và con người của Cha cố Giuse như thế nào thì những ai sống cùng thời với Cha đều biết. Một mình Cha với cái bàn tròn đầy sách và một mình Cha dường như dịch toàn bộ quyển Thánh Kinh mà nay vẫn được in và chuyển giao đến những ai có nhu cầu.

Những tâm tư trên đây như muốn nói rằng Hội Thánh Công Giáo có bản dịch Thánh Kinh rồi chứ không phải là “có thể bắt đầu dịch Kinh Thánh”. Nói như thế là hoàn toàn sai và phủ nhận công lao của các bản dịch trong đó có bản dịch của Cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn và Nhóm Phụng Vụ các giờ Kinh.

Tưởng nghĩ vì Chúa, vì Hội Thánh, Dòng Chúa Cứu Thế sẵn sàng trân trọng như Nhóm Phụng Vụ các giờ Kinh trao cho ai nào đó cầ dùng. Và, cũng đơn giản là phải trân trọng công lao và tâm huyết của biết bao người trong suốt mấy chục năm qua.

Có lẽ, các vị hữu trách nên chăng ngồi lại với nhau cũng như chia sẻ với nhau và trao đổi với nhau để tìm ra hướng đi tốt nhất về bản dịch Kinh Thánh. Bản dịch đã có rồi. nếu cần cân chỉnh thì ngồi lại với nhau với các chuyên viên và Nhóm Phụng Vụ các giờ Kinh nếu như dùng bản của Phụng Vụ các Giờ Kinh hay Dòng Chúa Cứu Thế nếu dùng bản của Cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn.

Giáo Hội đã chịu quá nhiều đau thương bởi chia rẽ và không hợp nhất với nhau. Có khi vì cái tôi cũng như thiếu đức khiêm nhường nên cứ mãi không đón nhận nhau cũng như loại trừ nhau. Chính vì thế, những vị hữu trách tìm ra cách nào đó để giảm bớt những tổn thất không đáng có cho Hội Thánh.

Hàng ngày, các linh mục vẫn thân thưa với Chúa : “xin đoái thương ban cho Hội Thánh được bình an và hợp nhất theo thánh ý Chúa”. Đã xin thì phải cố gắng và phải sống như tâm tình mà mình xin. Chúa ban mà con người không hợp nhất thì cũng bằng không.

Nguyện xin Chúa thêm ơn để mỗi phần tử trong Hội Thánh trở nên những viên đá sống động xây nên ngôi Đền Thờ tuyệt mỹ chính là thân mình Chúa Kitô. Xin Chúa thêm ơn cho các chuyên viên, những vị nhiệt huyết ngồi lại với nhau để có hướng tốt nhất cho bản dịch Thánh Kinh.

sỏi đá ven đường

 

Previous articleCỘNG ĐOÀN DÒNG CHÚA CỨU THẾ TÂY NGUYÊN : LỄ GIỖ 3 NĂM CẦU NGUYỆN CHO PHÊRÔ THẦY HỒ VĂN QUÂN
Next articleMũ đỏ Đức Cha đội trên chóp đầu có ý nghĩa gì?