Bảo tàng Gioan Phaolô I tại Italia

65

Bảo tàng Gioan Phaolô I tại Italia

Hôm thứ Năm 25-08 vừa qua, nhân kỷ niệm 38 năm ngày Đức hồng y Albino Luciani trở thành Giáo hoàng Gioan Phaolô I (26-08-1978), Đức hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh Pietro Parolin đã khánh thành Bảo tàng dành cho vị “giáo hoàng luôn có nụ cười trên môi” này.

“33 ngày ở cương vị giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô I không phải là thời gian trong ngoặc đơn của lịch sử Giáo hội mà là cả một giáo huấn luôn mang tính thời sự”, Đức hồng y Pietro Parolin đã ca ngợi vị giáo hoàng được ngài “đặc biệt quý mến” như vậy, nhân dịp khánh thành Bảo tàng Gioan Phaolô I trong một lâu đài cổ thuộc thế kỷ XV tại làng Canale d’Agondo, vùng Dolomite, quê hương của vị giáo hoàng có triều đại ngắn ngủi này.

Trong những năm 1970 Đức hồng y Quốc vụ khanh còn là chủng sinh của giáo phận Vicenza, và Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô I khi ấy là hồng y Albino Luciani đang coi sóc giáo phận Venezia gần đó. Đức hồng y Parolin đã bày tỏ sự gắn bó của ngài với vị giáo hoàng tại vị trong một thời gian ngắn ngủi, vỏn vẹn 33 ngày kể từ khi được bầu, nhưng cũng đã để lại hình ảnh của một con người tốt lành trong ký ức của mọi người. Ngài quả là một “mục tử đích thực” mà các hồng y đã bầu lên cách nay 38 năm, “một mục tử với một đức tin chắc chắn, đã sống giữa đoàn chiên và cho đoàn chiên, đã chia sẻ những nỗi đau của con người, đặc biệt người nghèo và các di dân”.

Những đồ dùng cá nhân gợi lên cảm xúc

Một số tập vở của thời ngài học tiểu học, một cuốn sách do mẹ ngài là bà Bortola tặng, một chiếc cặp của thời chủng sinh, một chén thánh riêng và cả chiếc vali vị giáo hoàng tương lai sử dụng khi tới dự mật nghị hồng y đã bầu ngài làm giáo hoàng… Đó là những đồ dùng có thể gợi lên cảm xúc cho các khách viếng thăm Bảo tàng.

Tại đây, người ta cũng có thể tiếp xúc với cuộc sống thường nhật tại Valle del Biois nơi Albino Luciani lớn lên. Một số phòng (của Bảo tàng) họa lại mười một năm của Đức cố giáo hoàng khi coi sóc giáo phận Vittorio Veneto, rồi việc ngài tham dự Công đồng Vatican II, trước khi được bổ nhiệm làm Thượng phụ Venezia vào năm 1969.

Việc dựng lại mật nghị hồng y mùa hè năm 1978 cho thấy cảnh “Don Albino” tiến tới ban công của Đền Thánh Phêrô. Các dãy phòng tuần tự đưa khách tham quan chìm trong những khoảnh khắc cảm động nhất của mấy tuần Đức Gioan Phaolô I ở trên ngôi vị giáo hoàng, ghi dấu bởi một lòng đạo đức mạnh mẽ và bình dân. Tầng thứ ba dành để giới thiệu các giáo huấn của Đức Gioan Phaolô I, qua các bài diễn văn và các lần ngài xuất hiện trước công chúng với tính cách giám mục, rồi giáo hoàng.

Một giáo huấn luôn mang tính thời sự

Đến từ vùng biên, nhưng Albino Luciani lại có một “óc khôi hài sâu sắc” có thể “tháo gỡ các căng thẳng” và “đưa các kẻ kiêu căng về lại chỗ của họ”, Đức hồng y Parolin nói tiếp. “Từ chủng viện đến sứ vụ của Phêrô, ngài luôn gắn với bản chất của Tin Mừng như chân lý duy nhất vượt lên trên các chuyện nhỏ nhặt ngẫu nhiên của lịch sử. Triều đại ngắn ngủi của vị tông đồ của Công đồng không hề là một giai đoạn trong ngoặc đơn của lịch sử Giáo hội”.

Bảy năm để chuẩn bị và sắp xếp là cần thiết để mở ra Bảo tàng này. “Câu chuyện mà chúng ta cố gắng kể lại trong các phòng này không đơn thuần là một sự góp nhặt các ký ức về một người con nổi tiếng của vùng đất này”, phó thị trưởng Marco Arcieri, người đã ủng hộ dự án Bảo tàng này, nhấn mạnh. “Chúng tôi hy vọng có thể cho mọi người thấy giáo huấn của Don Albino vẫn mang tính thời sự như thế nào trong những thời khắc khó khăn mà chúng ta đang trải qua hiện nay”.

(La Croix)

Previous articleMẹ Têrêxa Calcutta, chứng nhân lòng thương xót*
Next articleKhuôn mặt