BÌNH HẢI : GHI DẤU NGÀY THAY DA ĐỔI THỊT
9 g 30 sáng hôm nay, Thứ Tư, 10 tháng 10 năm 2018, Đức Giám Mục Giáo Phận đến thăm mục Vụ và đặc biệt dâng Thánh Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi Thánh Đường Giáo Xứ Bình Hải như là dấu ấn của lần thay da đổi thịt trên mảnh đất truyền giáo Châu Ổ của Dòng Chúa Cứu Thế.
Niềm vui trào dâng không chỉ Bình Hải mà còn nhiều người liên quan, dính dự đến Bình Hải để rồi ngày hôm nay mọi người hướng lòng cũng như hiện diện về đây trong ngày vui của Bình Hải.
Thật vậy, với những nơi khác, để xây dựng mội ngôi Thánh Đường quả là khó biết bao nhiêu thì Bình Hải còn khó khăn gấp bội phần. Đơn giản là về kinh tế, vật chất, phương tiện … bởi vì Bình Hải nghèo và rất nghèo. Thế nhưng rồi, dù nghèo cỡ nào đi chăng nữa, mơ ước có ngôi Thánh Đường khang trang để phụng thờ Chúa cũng là mơ ước thánh thiện như Vua Đavit ngày xưa muốn xây cho Thiên Chúa một ngôi Đền nhưng Thiên Chúa còn cho Đavit hơn cả điều ông ước mong. Bình Hải ngày hôm nay cũng lập lại tâm tình của Vua Đavit ngày xưa vậy.
Lược lại lịch sử, trước năm 1975, xã Bình Hải gọi là xã Bình Thiện, xã Bình Phú gọi là xã Bình Ân, xã Bình Châu gọi là xã Bình Đức, xã Bình Tân gọi là xã Bình Nam và xã Bình Trị gọi là xã Bình Thông.
5 xã miền biển nầy chiếm hơn 2/3 trong 54 km bờ biển của huyện Bình Sơn, một bờ biển khúc khuỷu nhất của tỉnh Quảng Ngãi với nhiều mũi đất và vũng vịnh. Bên tả ngạn cửa Sa Kỳ là bờ biển thôn Tân Đức và thôn An Hải của xã Bình Châu. Tại bờ biển vũng Việt Thanh thuộc thôn Phước Hòa, xã Bình Trị có nhà máy lọc dầu số 1 khu công nghiệp Dung Quất. Vịnh Nho Na thuộc vùng bờ biển thôn Thanh Thủy và thôn Phước Thiện của xã Bình Hải.
Với và trong điều kiện dễ kiếm sống qua ngày nhưng không dễ làm giàu tại vùng đất giáo xứ Bình hải, người dân đã tụ cư lập làng ở đây từ lâu đời. Trong thời các thừa sai Dòng Tên truyền giáo ở Đàng Trong, tại làng Thanh Minh thuộc xã Bình Thuận ngày nay là một địa bàn được các thừa sai Dòng Tên rửa tội cho một số người
Bình Hải ngày nay đã đón nhận bước chân của các thừa sai loan Tin Mừng từ thưở bình minh của công cuộc truyền giáo trong giáo phận. Tuy nhiên Tin Mừng đã bị mai một khá lâu trên vùng đất này, mãi đến những năm đầu hậu bán thế kỷ 20, hạt giống Tin Mừng mới được tiếp tục gieo xuống.
Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử truyền giáo tại Quảng Ngãi, tức từ tiền bán thế kỷ 17 cho đến tiền bán thế kỷ 19, phía Bắc Quảng Ngãi mới có một giáo xứ được thành lập, giáo xứ Trung Sơn, sau gọi là giáo xứ Trung Tín, tiền thân giáo xứ Châu Ổ hôm nay. Cho đến hôm nay, phía Bắc Quảng Ngãi vẫn chỉ có một giáo xứ Châu Ổ này.
Đặc biệt tại Bình Hải, Cha Gioan Baotixita Nguyễn Thế Thiệp Dòng Chúa Cứu Thế đã tình nguyện về đây để tiếp nối và mở mang cánh đồng truyền giáo. Lúc bấy giờ con đường bộ từ Châu Ổ về Bình Hải khoảng 20 km nhưng không bảo đảm an ninh, các cha phải dùng đường thủy, khó khổ và xa hơn đường bộ gấp ba lần. Từ Châu Ổ đến bến ghe Bình Thạnh rồi ra cửa Sa Cần, vượt qua biển phía Đông vũng Quít nay là Dung Quất, qua mũi Nam Châm rồi men theo bờ biển vũng Việt Thanh, vịnh Nho Na sẽ đến bờ biển Bình Hải.
Sau nhiều lần cha Thiệp đến Bình Hải nắm bắt tình hình: nhà thờ cũ đã bị đốt cháy, giáo dân cần điểm qui tụ hôm sớm để kinh lễ thờ phượng Chúa và củng cố đức tin. Năm 1968, cha Thiệp đã mua hai mảnh đất của ông Tu Thông và ông Phạm Kề với tổng diện tích 6.800m² tọa lạc tại xóm III thôn Phước Thiện để xây dựng lại nhà thờ, mở trường dạy học Thiện Mỹ, lập tủ sách, trại chăn nuôi, sân bóng đá, nhà hướng nghiệp (y tế và nghề may).
Ngày 18 tháng 9 năm 1996, thầy phó tế Giuse Phạm Minh Hảo đang giúp tại cộng đoàn Châu Ổ thụ phong Linh mục. Cha Giuse Phạm Minh Hảo được cộng đoàn Châu Ổ phân công quản nhiệm nhà thờ Bình Hải từ sau khi thụ phong Linh mục cho tới tháng 10 năm 2013.
Và rồi nhà thờ được hình thành, thánh lễ được cử hành thường xuyên, đức tin của cộng đoàn được hồi sinh, nhiều tín hữu yếu đuối nguội lạnh được hâm nóng. Ngoài công việc phụng vụ hằng ngày, cha Hảo thường để tâm làm việc bác ái xã hội, cách riêng Cha đặt hết tâm huyết vào việc đào tạo cho bọn trẻ để sau này lớn lên có công ăn việc làm hay ăn học đến nơi đến chốn. Đây là một hoạt động trọng yếu của giáo xứ. Dù Cha Hảo rời Bình Hải cũng lâu lâu nhưng tấm lòng của Cha Hảo vẫn còn để lại với Bình Hải vì Cha đã gắn bó đời mình non kém 20 năm trường.
Sau một thời gian ghi dấu đời mình tại Bình Hải, cha Hảo được Bề trên bổ nhiệm phục vụ ở nơi khác. Những đứa trẻ lên 5, lên 3 thời Cha Hảo vẫn gọi Cha với cái tên thân thương giọng Quảng Ngãi “ở Bình hỡ có chơ Hẩu”.
Tiếp nối công việc của người đi trước, Cha Gioakim Nguyễn Quang Minh đã về với cái nắng, cái nóng, cái gió và cả cái khó của Bình Hải năm xưa.
Xây dưng ngôi thánh đường vùng núi Fyan gần hoàn tất, Cha Gioakim lại “trèo” ra vùng biển mặn và rồi thao thức có một ngôi Thánh Đường khang trang để phụng thờ Chúa được gieo vào lòng Cha.
Hỏi thăm sao Cha liều thế thì Cha cười và bảo : “Chuyện của Chúa ! Tớ làm nhiêu hay nhiêu. Ai làm tiếp thì làm. Tớ hết lòng phụng Chúa và phục vụ bà con không phân biệt lương giáo.
Và, niềm vui không phải chỉ của riêng Cha Gioakim mà của cả xứ đạo nhỏ bé nghèo hèn cũng như nhiều người thân thương đã đến. Có lẽ, vị Cha chung của Giáo Phận Quy Nhơn là Đức Cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi cũng vui lắm bởi lẽ từ nơi vùng đất nghèo này đang dần dần thay da đổi thịt sau nhiều ngày tưởng chừng như đi vào quên lãng hay không thể phát triển.
Thánh Lễ đặt viên đá đầu tiên hôm nay, cùng hiệp thông với Đức Cha Matthêu có Cha Tổng Đại Diện của Giáo Phận – Giuse Trương Đình Hiền, Cha Bề trên cộng đoàn Châu Ổ, Cha đặc trách Gioakim Nguyễn Quang Minh và quý Cha trong cũng như ngoài Giáo Phận và hẳn nhiên là quý Cha quý Thầy Dòng Chúa Cứu Thế vùng Châu Ổ.
Trong bài chia sẻ, Đức Cha Matthêu rất vui mừng để kể lại lịch sử của Bình Hải và cách riêng về việc đặt viên đá đầu tiên xây dựng Ngôi Nhà Thờ này.
Đặc biệt, Đức Cha mời gọi cộng đoàn hãy xây dựng ngôi nhà thiêng liêng xây dựng trên nền đá đức tin của mỗi người.
Đức Cha nhắc lại tâm tình của Vua Đavit khi muốn xây Đền Thờ cho Chúa nhưng Thiên Chúa lại nói rằng tất cả mọi nơi đều là nơi thờ phượng Chúa. Xây Nhà Thờ không phải giới hạn nhưng chúng ta cần có nơi để diễn tả niềm tin của mình. Dù không cần Ngôi Nhà Thờ Đất nhưng vì Đavit thành tâm để rồi Thiên Chúa tạo cho ông triều đại bền vững mãi mãi và đó chính là dấu hiệu Đức Kitô là Đền Thờ của Thiên Chúa.
Một cộng đoàn tín hữu cần phải có niềm tin. Trong bài Tin Mừng, Chúa nói niềm tin về Ngài. Qua bài Tin Mừng, Chúa nói Phêrô rằng Ngài xây dựng Giáo Hội cho dù quyền lực ma quỷ không làm cho ngôi nhà đó tan hoang.
Để kết, Đức Cha nhắc mỗi người hãy thể hiện niềm tin của mỗi người. Cùng với niềm tin là đức ái. Đức ái là hoa trái của đức tin. Cộng đoàn xây dựng bằng đức ái. Đức ái này xuất phát từ mỗi người. Mỗi người hãy trở thành viên đá xây dựng đức tin, đức ái sống động …
Trước khi Thánh Lễ kết thúc, Cha Gioakim Nguyễn Quang Minh ngỏ lời cảm ơn Đức Cha, quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và cộng đoàn.
Những tấm hình kỷ niệm ghi dấu ngày đáng nhớ này được ghi lại để cùng nhau chia vui cũng như tạ ơn Chúa vì biết bao nhiêu hồng ân Chúa đã trao ban cho Bình Hải.
Nguyện xin Chúa thương tuôn đổ muôn ơn lành trên họ đạo Bình Hải. Xin cho có nhiều ân nhân mở rộng tấm lòng để chia sẻ với giáo xứ nhỏ bé vùng truyền giáo Châu Ổ này của Dòng Chúa Cứu Thế.