Các điểm khác biệt và điểm chung giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo

150

Đức ông Manuel Nin giải thích về các điểm khác biệt và điểm chung giữa Công giáo và Chính Thống giáo. Đức ông Manuel Nin, thuộc Dòng Thánh Bênêđictô (OSB). Ngày 2 tháng 2-2016, Đức ông Nin được  chỉ định làm Giám mục Chuẩn giáo phận cho các tín hữu Công giáo thuộc nghi thức byzantin ở Hy Lạp, một trong những cộng đồng nhỏ của Giáo hội Công giáo Đông phương có 6 000 thành viên. Đức ông Nin ở tại Athena.

Thứ sáu 12 tháng 2-2016 là ngày đầu tiên trong lịch sử, một Giáo Hoàng Công giáo và một Thượng Phụ Chính Thống Nga gặp nhau. Một cuộc gặp gỡ có tầm quan trọng còn hơn là “ngôn sứ”, một cuộc gặp ở Cuba, một vùng đất “trung lập,” xa Âu Châu, xa Vatican và xa nước Nga. Một bản tuyên bố chung sẽ được ký tại đây.

Theo Đức ông Manuel Nin, cuộc gặp này rất quan trọng, vì nó: “Nhấn mạnh đến đơn vị hiệp nhất, điều mà tất cả tín hữu kitô đều phải hướng đến”. Vì Giáo hội Chính Thống Nga rất lớn, có từ 165 đến 250 triệu tín hữu. Trên quan điểm đức tin, cuộc gặp này quan trọng cho toàn bộ tín hữu Kitô. Đức ông Nin lấy làm tiếc: “Từ một ngàn năm nay, tín hữu Kitô chúng ta duy trì tình trạng không biết đến nhau này, không sống tinh thần Phúc Âm; qua lời Chúa Giêsu, chúng ta phải tìm lại sự hiệp thông, một sự hiệp thông mà Phúc Âm Thánh Gioan đã nói: ‘Xin cho chúng con được nên một!’”

Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI đã biết Thượng Phụ Kyrill, đã đưa ra con đường đại kết và Đức Phanxicô là người tiếp tục kế thừa. “Đây là cuộc gặp gỡ tích cực nhất chưa từng có,” Đức ông Nin vui mừng tuyên bố.

Cuộc gặp với Thượng Phụ Kyrill thì phức tạp hơn là với Thượng Phụ Báctôlômêô, Constantinople. “Mỗi Giáo hội Chính Thống là một Giáo hội tự trị và độc lập; nên các quan hệ với các giáo hội Kitô giáo khác đều theo tiến trình riêng của từng giáo hội,” Đức ông  Manuel Nin giải thích.

Một giai đoạn mới trong quan hệ giữa công giáo và chính thống giáo

Đức ông khẳng định đã có các cuộc gặp mặt giữa các hồng y và các giáo chủ Nga trong những năm gần đây. “Giây phút này là quan trọng vì các nhà lãnh đạo Giáo hội gặp nhau để thắt chặt tình huynh đệ với nhau.”

Các cuộc thảo luận về vấn đề “giáo trưởng của người Kế vị Thánh Phêrô” đã bắt đầu bàn luận. “Các Giáo hội Chính Thống thừa nhận vị trí danh dự hàng đầu nhưng không thừa nhận tính pháp lý của Giáo hoàng, các cuộc thảo luận của các hội đồng thần học bàn luận trên điểm này. (…) Hàng thế kỷ đã chia cách nhau; chúng ta không thể nghĩ rằng vấn đề này sẽ được giải quyết trong vài ngày.”

Từ tháng 11-2014, Đức Phanxicô đã nói lên dấu hiệu tích cực, “vẫn có đó ý muốn gặp nhau.”

SS. Pietro & Paolo Martiri

Các điểm chung

Trinh nữ Maria

Người Công giáo nhận Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của Giáo hội. Người Chính Thống dâng mừng rất nhiều lễ Đức Mẹ, dù các cảm nghiệm có khác biệt, tùy theo hình ảnh giáo dân có về Đức Mẹ.

Phục Sinh

Các yếu tố chính: Đối với người công giáo cũng như người chính thống, lễ Phục Sinh (Sự Thương Khó, chết đi và Sống Lại của Chúa Kitô) là nền tảng và thánh lễ Phục Sinh là đỉnh cao của đời sống Kitô: Phụng vụ Chính Thống tập trung chung quanh việc thánh hóa bánh thánh và hiệp thông với Chúa Kitô như thánh lễ bên Công giáo.

Các thánh

Sự tôn kính các nhân chứng của đức tin thì cả hai Giáo hội đều giống nhau. Tuy nhiên có khác biệt trong các tiêu chuẩn để phong chân phước hay phong thánh.

Ba Ngôi

Ba Ngôi là một huyền nhiệm dựa trên sự tôn thờ chung của người Công giáo và Chính Thống vào Thiên Chúa “một mà ba”, Thiên Chúa duy nhất trong ba bản thể: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dù có những bất đồng về cách diễn giải “tác động thần thánh” trên tín hữu, truyền bởi Thần Khí từ Ba ngôi, bắt nguồn từ Chúa Cha qua Chúa Con (theo người Chính Thống); hoặc do “ơn sủng” qua tác động của Thần Khí, bắt nguồn từ Chúa Cha và Chúa Con (theo người Công giáo). Đó là một trở ngại về mặt thần học vẫn còn tồn tại: “Tôi vẫn còn hoài nghi, dù các thần học gia đã nghiên cứu, Thượng Phụ Athenagoras nói: ‘Chúng ta hãy để các thần học gia thảo luận với nhau trên một hòn đảo rồi mình đi’”, gần đây Đức Phanxicô cũng lặp lại câu này. Tranh luận về vấn đề này có từ năm 589 khi những người dị giáo không chấp nhận thiên tính của Chúa Kitô.

Các bí tích

Người Công giáo và Chính Thống đều có bảy phép bí tích: Rửa tội, Thêm sức, Thánh Thể, Giải hòa, Xức dầu, Chịu chức và Hôn nhân.

Các khác biệt

Đức Mẹ Vô Nhiễm

Người Chính Thống không xem Đức Mẹ Vô Nhiễm như một tín lý nhưng thừa nhận tình mẫu tử thiêng liêng của Đấng Tinh Tuyền Vô Nhiễm Maria, Mẹ Thiên Chúa. Năm 1950, Đức Giáo hoàng Piô XII đưa Đức Mẹ Vô Nhiễm vào tín lý, được các tín hữu Công giáo tin.

Đức Giáo hoàng

Đối với người Công giáo, Đức Giáo hoàng là vị đại diện của Chúa Kitô và đứng đầu tất cả các Giáo hội. Ngài là quyền uy tối thượng. Người chính thống không thừa nhận tính pháp lý về quyền uy tối thượng này, nhưng thừa nhận vị trí danh dự hàng đầu, người Chính Thống không chấp nhận sự bất khả ngộ của tín lý như Công đồng Vatican I năm 1870 đưa ra. Trong thế giới Chính Thống, Thượng hội đồng các giám mục có một quyền uy cao hơn là Tòa Thượng Phụ.

Bậc sống độc thân

Giáo hội Chính thống chấp nhận các linh mục đã lập gia đình nhưng không chấp nhận hôn nhân sau khi đã chịu chức. Giáo hội Công giáo áp đặt bậc sống độc thân cho các linh mục.

Lịch Grégoria và Julia

Từ năm 1582, Giáo hội Công giáo dùng lịch Grégoria (từ thời Giáo hoàng Grégoire XIII thế kỷ 16) khác với lịch Julia của người Chính Thống (lịch theo mặt trời do hoàng đế Jules César, năm 46 trước Chúa Kitô)

Previous articleCần Học Biết Giáo Lý Về Đức Mẹ Maria
Next articleBa Lan, lá phổi thiêng liêng của Âu châu?