Các Linh Hồn Luyện Ngục Chịu Thanh Tẩy Thời Gian Bao Lâu?

209

Các Linh Hồn Luyện Ngục Chịu Thanh Tẩy Thời Gian Bao Lâu?

Người còn sống ở trần gian không thể có cảm nghiệm đúng với hình khổ các linh hồn Luyện ngục đang phải chịu.

* Thánh Tôma  Aquinô viết: “Sự đau đớn của các linh hồn cùng một hình phạt thì giống nhau, nhưng khác nhau về thời gian lâu mau”. Lâu, bởi mong ước từng giây được sớm về cùng Chúa. Khi càng mong, càng nóng ruột, thời giờ càng như chậm lại, ngày dài như cả ngàn năm.

* Cha Tôma a Kempis, tác giả sách Gương Chúa Giêsu cũng viết: “Nơi đó, một giờ chịu hành hình còn dữ dằn hơn cả trăm năm chịu cực hình hung bạo trên dương thế” (Gương Chúa Giêsu, quyển một , chương 24, đoạn 2).

* Thánh Augustinô nói rằng, “Hình khổ Luyện ngục lâu mau là tùy ở tội lỗi và sự đền bù của mọi người”. Có thể một ngày, có thể lâu hơn, mười năm, hai mươi năm. Một linh hồn hiện về nói, tôi chịu phạt 3 ngày mà lâu như 3 ngàn năm.

* Bà Ðáng kính Frances Thánh Thể kể lại rằng: “Một số bà sơ đạo đức dòng Carmelô chịu khổ 20 năm, 40, 50 năm. Một Giám mục chịu khổ 55 năm bởi thiếu cẩn thận trong một số điều. Một linh mục bị phạt 40 năm cũng chỉ bởi thiếu cẩn thận trong khi thi hành nhiệm vụ. Một người giầu bị phạt 55 năm chỉ bởi quá ham mê cờ bạc”.

* Thánh Antôniô kể lại trong sách Summa của người (Phần 4 tiết 4) câu truyện sau được trích trong cuốn Niên ký dòng của người năm 1285:

Có một người đạo đức kia đã chịu đau khổ nhiều năm bởi bệnh tật. Sợ mình chán nản ngã lòng,  ông ta xin Chúa cho mình được chết sớm cho bớt khổ. Ông ta không nghĩ rằng được chịu đau khổ là do lòng Chúa thương mình, mà chỉ muốn chấm dứt những đau khổ càng sớm càng tốt.

Ðáp lời ông cầu nguyện, Chúa sai thiên thần Bản mạnh ông tới, cho ông chọn một trong hai: một là chết ngay và phải vào Luyện ngục 3 ngày, hai là chịu bệnh một năm nữa rồi chết, và được lên Thiên đàng ngay. Ông bệnh nhân này không ngần ngại chọn điều thứ nhất, ông muốn chịu đau khổ 3 ngày trong Luyện ngục hơn là chịu bệnh cả năm nữa trên trần gian.

Sau khi ông chết được một giờ, thiên thần Bản mạnh vào thăm ông trong Luyện ngục. Thấy thiên thần, ông lên tiếng phàn nàn coi như đã để ông phải chịu cực hình một thời gian quá lâu, ông lên tiếng: “Sao thiên thần nói với tôi là có ba ngày mà để tôi chịu cực hình ở đây quá lâu như vậy?”. Thiên thần hỏi: “Ông nghĩ lâu là bao lâu?”. Ông trả lời: “Ít ra cũng nhiều năm”. Thiên thần tiếp: “Này, tôi cho ông biết: Ông mới ở trong Luyện ngục một giờ. Ðau khổ ở đây làm cho thời giờ sai biến, một lúc thành một ngày, một giờ thành nhiều năm”. Linh hồn khẩn khoản: “Lạy thiên thần, tôi thật ngu dại quá khi chọn vào chốn này, xin tha thứ cho tôi và cầu Chúa cho tôi được trở lại trần gian, tôi bằng lòng chịu những bệnh nạn đau đớn nhất, không phải chỉ vài năm mà bao nhiêu năm tùy Thánh Ý Chúa. Sáu năm chịu cực hình khốn khổ ở trần gian còn hơn một giờ ở trong vực thẳm ghê gớm này” (Purgatory p.63-64).

* Thánh nữ Lutgarda thuật truyện về một Bề trên Dòng rất đạo đức nhưng lại quá nghiêm ngặt đã bị phạt 40 năm trong Luyện ngục. Tên ngài là Simon, Bề trên dòng Xitô. Thánh nữ Lutgarda rất kính phục ngài, và luôn theo những ý kiến ngài khuyên bảo. Hai vị rất hợp nhau trong tình bạn thiêng liêng. Ðiều đáng tiếc là Bề trên Simon không nhân từ với các anh em thuộc hạ như ngài nhân từ với thánh nữ. Ngài nghiêm khắc trong khi điều hành Tu viện, muốn mọi chuyện đã sắp đặt phải xảy ra đâu vào đó như ý ngài, ngài quên bài học của Thầy Chí thánh dạy gương hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Sau khi cha Bề trên qua đời, thánh nữ Lutgarda sốt sắng cầu nguyện và làm việc lành chỉ cho ngài. Cha Bề trên được hiện về với thánh nữ cho biết mình phải phạt trong Luyện ngục 40 năm. Hân hạnh cho ngài, bởi có thánh nữ Lutgarda đại lượng đã gia tăng gấp đôi lời cầu nguyện và việc lành xin Chúa tha thứ cho Bề trên Simon. Thánh nữ đã cầu nguyện cho tới khi thấy ngài về Thiên đàng.

Cậy nhờ lòng thương xót vô cùng của Chúa, lòng từ tâm rộng mở của Ðức   Mẹ, sự cầu bầu của các Thánh, ta hãy cứu giúp các linh hồn, và hãy tự lo cứu giúp chính chúng ta khi còn thời giờ, hơn là chờ khi nằm xuống mới trông vào anh em, con cháu. Họ còn sống đấy, nhưng mọi người một việc và có trăm điều phải lo phải sắm, họ có nhớ tới kẻ đã chết để mà cứu vớt hay không? Ðó chỉ là điều phụ thuộc đối với họ.

Muốn sớm chấm dứt thời giờ đau khổ, nhưng lúc này không phải là lúc đền tội lập công như khi còn sống. Linh hồn Luyện ngục chịu đau khổ mà không được tính công nghiệp gì. Ðau khổ mà không cứu được mình, và phải ở đó cho tới khi trả hết đồng xu cuối cùng (Mt 5,26).

Previous articleLuyện Ngục Ở Đâu?
Next articleTứ Đại Phú Hộ Sài Gòn: Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa