Các linh mục tương lai vừa học vừa tu

116

lavie.fr, Pauline Pons và Véronique Durand, 2017-09-13

Họ chuẩn bị thành linh mục ở chủng viện Issy-les-Moulineaux nhưng họ vẫn tiếp tục đi học. Một nỗ lực đào tạo cho những người có động lực cao.

Từ 50 năm, Nhóm Đào tạo trong môi trường Đại học (Groupe de formation universitaire, GFU) đề nghị một hình thức đào tạo xen kẻ giúp cho các linh mục tương lai được chị tiếp tục học đại học, vừa đi tu. Chúng tôi gặp hai sinh viên trẻ, anh Jérôme Bonaldo và Charles Midol, anh Jérôme học kỹ sư điện toán anh Charles học bác sĩ, cả hai đều theo quy trình Chủng viện-GFU ở Issy-les-Moulineaux.

Jérôme, kỹ sư điện toán

Anh Jérôme Bonaldo, 22 tuổi kể: “Sau khi đậu tú tài, tôi mong mau vào chủng viện, nhưng khi tôi nói mong ước này với nhiều linh mục, tất cả đều khuyên tôi nên tiếp tục đi học. Tôi phải nén “sốt ruột” lại và nghe lời khuyên của họ”.

Anh Bonaldo vừa vào năm thứ năm và cũng là năm cuối ngành kỹ sư điện toán ở Đại học Epitech, trường chuyên ngành kỹ sư điện toán ở Paris. Năm 2013 anh vào Nhóm Đào tạo trong môi trường Đại học, từ bốn năm nay, anh “vừa học vừa tu”. Ba năm đầu anh ở khuôn viên Đại học Toulouse, cuối tuần và các dịp hè, anh tham dự vào đời sống của giáo xứ Lectoure (Gers). Sinh hoạt trong đời sống giáo xứ giúp cho anh biết các thực tế của Giáo hội miền quê, nhất là đời sống của vị chủ chăn, linh mục duy nhất làm việc trong vùng. Anh cho biết: “Linh mục bị kêu réo tứ phía. Khi thấy linh mục làm việc, tôi thấy được tầm quan trọng của một linh mục, phải nuôi dưỡng các quan hệ bằng hữu và thân mật gia đình ngoài vòng giáo xứ và phải có các nơi để lấy sức, để làm giảm bớt các áp lực”. 

Sau khi tốt nghiệp xong, anh Bonaldo muốn để ra một năm đi làm ở một hãng trước khi vào chu kỳ hai của chủng viện.  

Quy trình của trường kỹ sư điện toán buộc phải làm việc năm thứ tư ở nước ngoài, năm 2016-2017 anh Jérôme đã đi làm một năm ở Canterbury (nước Anh) trong chương trình Erasmus. Anh ở nhà các cha Dòng Phanxicô: “Những ngày ở đây đã giúp tôi biết được Giáo hội Anh giáo. Tôi lui tới nhiều với văn phòng tuyên úy sinh viên mở ra cho các sinh viên quốc tế.”

Trở về Paris, bây giờ anh đối diện với các thực tế khác, của nhà tu và của trường đại học: anh có một căn phòng nhỏ ở một giáo xứ ở Paris, giáo xứ nơi anh làm việc. Anh sẽ làm việc gì trong các cuối tuần? Cho đến bây giờ anh chưa được biết, nhưng anh biết phần tập sự vào cuối niên học sẽ rất gay go. Ước mong của anh? Khi tốt nghiệp xong, anh hy vọng đi làm một năm trong một hãng để có địa vị nghề nghiệp vững chắc trước khi vào chu kỳ hai của chủng viện, chuẩn bị làm linh mục. 

Charles, bác sĩ nội trú

Anh Charles Midol, 25 tuổi, người gốc Besançon (Doubs) cũng quyết định “vừa học vừa tu”, anh theo con đường này nhờ tổ chức GFU. Anh là sinh viên y khoa, anh cho biết, anh khó mà làm cho cha mẹ chấp nhận quyết định của mình – cha của anh giữ đạo, còn mẹ thì thi thoảng: “Cha mẹ tôi rất dè dặt, và không hiểu chính xác vì sao tôi lại chọn đi tu. Họ được an tâm khi biết sau khi chịu chức, tôi sẽ ở giáo phận Besançon”. Nhìn lại các năm học, anh thấy quá dài nhưng anh trụ vững! Anh cho biết: “Sự đào tạo này giúp tôi tinh tế nhận định về ơn gọi và hình dung cuộc sống của mình sau này. Một linh mục giáo phận cống hiến hoàn toàn đời mình cho giáo dân, đây là cả một dấn thân, không nhẹ nhàng chút nào!” 

Sự đào tạo này giúp tôi tinh tế nhận định.

Từ tháng 6 vừa qua, anh Charles là bác sĩ nội trú ở một bệnh viện ở  Roubaix (miền Bắc), anh học các năm đầu tiên trường y ở Besançon. Anh đã ở đó với ba sinh viên của Nhóm GFU, hiểu được đời sống cộng đoàn, củng cố năng động truyền giáo và tình huynh đệ cho anh. Bây giờ ở miền Bắc, anh gia nhập vào giáo xứ ở Wasquehal, vùng ngoại ô thành phố Lille. 

Một mùa thu ơn ích

Tiến trình vừa học vừa tu của Chủng viện-GFU tạo cho các chủng sinh thời gian để chín muồi ơn gọi của mình, vừa có được hành trang nghề nghiệp cho cuộc sống, điều này làm cho nhiều cha mẹ yên tâm. Một vài chủng sinh có thể học trong vùng hay trong thành phố của mình. Trong năm, họ không buộc phải ở chủng viện. Sự độc lập này buộc chính họ phải tổ chức thời khoá biểu hàng tuần của mình phù với nhịp học (đôi khi họ đã ra nghề) và tự đào tạo đời sống thiêng liêng cho cá nhân mình. Đứng trước sự tự lập này, đây là nét đặc trưng của Nhóm GFU, một vài người trẻ và một vài nhà đào tạo mong muốn có một khuôn khổ chặt chẽ hơn cho các chủng sinh.

Còn về phần Charles, anh thấy đây là cả một tiện lợi: “Người chủng sinh phù hợp với tất cả khía cạnh của đời sống sinh viên”. Anh thích có thể thu xếp thì giờ của mình để cầu nguyện, để suy gẫm theo thời khóa biểu nội trú và không cảm thấy mình lẻ. Anh cho biết: “Các linh mục tháp tùng hướng dẫn theo sát chúng tôi. Nhờ họ, tôi có thể lớn lên trong đức tin và thu xếp thì giờ để cầu nguyện nhiều hơn”. Thấm nhập vào giới nghề nghiệp giúp anh hiểu các vấn đề để cùng chia sẻ với nhiều người trẻ cùng thế hệ với mình: “Làm thế nào là kitô hữu trong công việc của mình”. 

Hiệu năng và trưởng thành

Dù họ biết, sau này mình sẽ không hành nghề mình đã học, các chủng sinh-GFU hy vọng dùng chuyên ngành của mình cho công việc phục vụ của họ sau này. Năm ngoái, anh Jérôme đã làm việc 6 tháng theo chuyên nghề điện toán của mình cho một giáo xứ. Là kỹ sư tương lai, anh mong đóng góp khả năng của mình cho Giáo hội. Còn với Charles, sự nhất quán giữa các học hỏi trong ngành y và sứ vụ linh mục trong tương lai của mình là hàng đầu, anh cho biết: “Ở Roubaix, tôi đối diện với bệnh tật, với đau đớn và với cái chết. Đôi khi tôi lấy các quyết định khó khăn, những vấn đề có vấn nạn luân lý”. Nhưng đây cũng là một kinh nghiệm phong phú.

Trong môi trường đại học và nghề nghiệp, khi đối diện với các vũ trụ khác biệt, xa với “vũ trụ tôn giáo”, các chủng sinh như được mở ra với các chân trời khác nhau. Anh Jérôme thổ lộ: “Tôi quan tâm đến các bạn của tôi cũng như với các giáo dân tương lai của tôi. Một vài người đặt câu hỏi cho tôi, đúng là cả một thách đố! Các trao đổi này giúp tôi chuẩn bị cho sứ vụ tương lai: phục vụ giáo dân, giúp họ đi đến với Chúa”. Sự trưởng thành là một trong các phẩm chất cần thiết cho các linh mục giáo phận, mà theo linh mục Emmanuel Goulard, bề trên chủng viện-GFU Issy-les-Moulineaux, một trong các phẩm chất chính là “có khả năng kết hiệp với các môi trường khác nhau”. 

GFU, một chủng viện khác

Chủng viện chu kỳ một này được các linh mục Dòng Xuân Bích thành lập năm 1967 ở Issy-les-Moulineaux (Hauts-de-Seine). Khác với chủng viện cổ điển trong vùng, chu kỳ một được quy định hai năm, chủng viện-GFU đề nghị đào tạo xen kẻ trải dài sáu năm. Các chủng sinh chỉ họp nhau mỗi tháng một cuối tuần, và trong mùa hè thì mỗi ba tuần để đào tạo và để có đời sống cộng đoàn. Khi các chủng sinh học xong nghề, họ sẽ vào chủng viện chu kỳ hai. Năm 2016, 17 người trẻ đã vào chủng viện-GFU; năm nay có 16 người.

Ngày thứ bảy 16 tháng 9, Chủng viện-GFU mừng lễ kỷ niệm 50 năm thành lập ở trung tâm Issy-les-Moulineaux; các linh mục và chủng sinh-sinh viên sẽ họp nhau lại để mừng ngày kỷ niệm này.

Địa chỉ của Chủng viện-GFU: Séminaire-GFU, 33 rue du Général-Leclerc, 92136 Issy-les-Moulineaux.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nhóm GFU đi hành hương Lộ Đức tháng 11-2015

Previous articleĐọc xong những câu chuyện này…bạn có thể sẽ nhận ra nhiều điều trong kinh doanh
Next articleKhi cả thế giới chuyển sang dùng smartphone và email, làm thế nào nhà sản xuất bút mực thủ công Nhật Bản này vẫn sống khỏe?