Cái Chén Gỗ
Một người cha đã lớn tuổi và bệnh hoạn, sống chung với vợ chống người con trai và đứa cháu nội 5 tuổi. Ông bị bệnh run tay (Parkinson), mắt lòa, đi đứng loạng choạng.
Một hôm cả gia đình ngồi ăn chung một bàn, ông cụ tay run rẩy mắt lòa không nhìn thấy xa nên ăn uống rất là khó khăn. Ông đưa tay múc canh để chan cơm, làm rớt cái muỗng xuống sàn nhà. Khi bưng sữa uống đã làm đổ lên khăn trải bàn.
Con trai ông và con dâu rất khó chịu khi nhìn thấy cảnh tượng này. Con trai ông liền nói với vợ: “Anh cần phải thay đổi một vài việc với ông nội mới được. Em coi nguyên sữa của ông đánh đổ cũng dư để anh uống sáng rồi, làm đổ bể đủ thứ, thức ăn rơi rớt đầy sàn nhà.”
Ngay hôm sau người con trai đặt một cái bàn nhỏ riêng biệt cho bố trong góc phòng để ông ngồi ăn một mình, còn vợ chồng cùng đứa con ăn với nhau như thường lệ.
Sau hai lần ông cụ đánh rơi làm bể mấy cái đĩa, hai vợ chồng đã quyết định cho ông dùng bát đĩa và muỗng nĩa đều bằng gỗ thay cho chén đĩa sứ để tránh rơi bể. Thỉnh thoảng hai vợ chồng liếc nhìn về phía ông bố, nhiều lúc thấy ông lau những giọt nước mắt rơi trên gò má nhăn nheo trong cảnh cô đơn không người trò chuyện. Nhưng vợ chồng vẫn lờ đi không quan tâm, đôi khi còn trách móc khi ông đánh rớt nĩa hoặc làm đổ thức ăn xuống sàn nhà. Đứa cháu năm tuổi ngồi ăn với bố mẹ nhưng mắt vẫn liếc về phía ông nội và thinh lặng.
Vào một hôm cuối tuần, trước bữa cơm chiều, hai vợ chồng ra tưới vườn thấy cửa nhà xe mở, nên vòng ra xem, nhìn thấy đứa con trai đang hì hục gọt đẽo những miếng gỗ vụn trong nhà xe. Người chồng ôn tồn hỏi con:
– Đang đẽo gọt gì thế hở cưng? Đứa con hồn nhiên ngừng tay trả lời bố:
– Con đang làm những cái muỗng nĩa và chén gỗ.
– Để làm gì vậy con trai của bố?
– Con định làm để dành, chờ khi bố mẹ bằng tuổi ông nội, con sẽ tặng để bố mẹ dùng do chính tay con làm ra, khỏi phải mua. Nói xong đứa nhỏ lại tiếp tục đục khoét.
Lời nói của đứa con trai đã làm hai vợ chồng giật mình và xúc động, cảm thấy xấu hổ với con và lương tâm, hai vợ chồng không nói một lời. Hai hàng nước mắt đã tuôn trào trên gò má và nhìn nhau thầm nhủ những gì cần phải sửa đổi.
Ngay bữa ăn chiều hôm đó, người con trai đến bàn Cha, nắm tay Ông nhẹ nhàng dắt lại bàn ăn của gia đình và thưa với Cha: Chúng con xin lỗi Cha, bây lâu nay chúng con đã thất lễ với cha, mong cha rộng lòng tha thứ cho chúng con. Kể từ nay trở đi Cha sẽ ngồi đây để dùng bữa với vợ chồng con và cháu. Kính xin Cha tha lỗi cho chúng con về nhưng điều chúng con đã cư xử bất hiếu với Cha. Rồi kể từ ngày đó vợ chồng người con không hề quan tâm đến việc ông Bố sơ xuất như đánh rớt muỗng hoặc làm rớt thức ăn xuống sàn nhà nữa.
Đứa cháu kéo ghế ngồi sát ông nội và kể cho ông nội nghe những trò chơi cùng với bạn bè ở trường, cùng khoe với ông nội, cháu vừa mới học thuộc bài Học Thuộc Lòng mà sáng thứ Hai tới này cháu phải trả bài. Ông nội liền nói: Ồ, cháu ông giỏi quá, đọc thử cho ông nghe xem có hay không nào? Đứa cháu liền tụt xuống khỏi ghế, khoanh tay và dõng dạc đọc:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
Khi nghe đứa con trai vui vẻ nói chuyện với ông nội một cách lễ độ và hồn nhiên, nhất là khi nghe con đọc cho ông nội nghe bài Học Thuộc Lòng của nó, tự cảm thấy hối hận và xấu hổ với con…!
Câu chuyện trên đã nhắc cho chúng ta nhận thức rằng chớ nên coi thường tuổi trẻ. Vì chúng hồn nhiên, hiền hòa khi mới sinh ra,”Nhân chi sơ tính bản thiện.” Từ từ lớn lên, chúng học hỏi rất nhanh ở cha mẹ và người lớn bằng sự quan sát những hành động của người lớn. . . và lắng nghe . . . chưa phân biệt được phải trái chỉ bắt chước những gì mắt thấy tai nghe. . . việc làm của đứa nhỏ nhắc ta câu dụ ngôn: “Điều gì mình không muốn người ta làm cho mình, thì đừng đem làm cho kẻ khác.” (Kỷ sở bật dục, vật thi ư nhân). Hãy dạy chúng bằng những hành động sẽ đạt được kết quả nhiều hơn là dạy bằng lời nói.
Bất cứ việc gì sẩy ra ngày hôm nay dù xấu thế nào đi nữa, đời sống sẽ tiếp tục sửa đổi để vươn lên, ngày mai sẽ trở nên sáng sủa và tốt lành hơn.
Bất chấp sự quan hệ giữa cha mẹ chúng ta với chúng ta thế nào đi nữa, chúng ta cũng sẽ cảm thấy mất mát và tiếc nuối khi các Ngài rời khỏi trần thế này để ra đi vĩnh viễn.
Chúng ta cũng nhận thức rằng kiếm kế “sinh nhai” không giống như việc xây dựng “cuộc đời”. Vì nhiều khi đời sống còn cho ta có những cơ hội thứ hai.
Nếu ta cố theo đuổi hạnh phúc thì nó sẽ tránh né ta. Nhưng nếu ta quan tâm đến gia đình, bạn bè, nhu cầu của kẻ khác, việc làm đó trở nên càng ngày càng hoàn mỹ, thì hạnh phúc tự nó sẽ tìm đến với chúng ta.
Khi ta dự định một việc gì với lòng cởi mở, ta thường tạo được quyết định đúng.
Khi ta bị đau khổ, ta nên nhớ rằng không phải chỉ riêng một mình ta. Người ta thường ưa chuộng được kẻ khác nhắc nhở đến mình, bắt tay, chào hỏi, ôm nựng hay một cái vỗ lưng nhẹ nhàng thân hữu.
Ta cũng nhận thức rằng còn rất nhiều điều để chúng ta học hỏi và rút tỉa những kinh nghiệm. “Ba người cùng đi chung trên đường với nhau, có một người là thày ta.” (Tam nhân đồng hành tất ngã hữu sư.)
Noi Gương
Tâm hồn tuổi trẻ vốn ngây thơ
Hành động noi gương chẳng thể ngờ
Học hỏi việc đời thường bắt chước
Hồn nhiên nhìn ngắm mắt khôn lơ.
***
Noi theo bố mẹ con toan
Gỗ dư đục đẽo khoan làm chén muôi
Chờ khi cha mẹ tuổi đời
Già nua run rẩy con thời khỏi mua
Giống như ông nội thuở xưa
Một mình một cỗ sáng trưa ấy mà
Khỏi lo đổ vỡ rầy la
Gương cha…bắt chước mới là con ngoan!