Cần biết những thay đổi về việc lưu giữ tro cốt người thân đã qua đời

441

Cần biết những thay đổi về việc lưu giữ tro cốt người thân đã qua đời

Truyền thống Công giáo từ xa xưa luôn coi trọng việc chôn cất người đã qua đời tại một nghĩa trang riêng hay còn gọi là “vườn thánh”, nhằm khẳng định niềm tin vào sự sống lại của thân xác, và ước mong tỏ bày phẩm giá cao quý của thân xác con người như là một phần không thể thiếu của mỗi cá nhân, vốn tạo thành nên bản sắc của họ.


phailamgi_Cần biết những thay đổi về việc lưu giữ tro cốt người thân đã qua đời_cv1.jpg

Cho phép hỏa táng

Truyền thống ấy được duy trì mãi tới năm 1963. Vào năm 1963, do những biến chuyển của xã hội và những nhu cầu thực tế của cuộc sống, Giáo hội đã cho phép người Công giáo ngoài việc chôn cất còn được phép hỏa táng người thân và lưu giữ tro cốt người thân ở một nơi được Giáo hội chỉ định.

Tại Huấn thị “Ad Resurgendum Cum Christo” về việc Mai táng và lưu trữ tro hỏa táng, do Đức Hồng Y Gerhard Müller, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin ấn ký, ban hành ngày 15/8/2016 và được Đức Giáo hoàng Phanxicô phê chuẩn trước đó ngày 18/3/2016, Giáo hội tiếp tục khuyến khích các tín hữu “duy trì việc chôn cất thân xác của người quá cố, bởi vì điều này bày tỏ một lòng kính trọng sâu xa đối với người đã khuất. Tuy nhiên, việc hỏa táng không bị cấm, “trừ khi nó được chọn vì lý do trái với giáo lý Kitô giáo”. (Huấn thị Ad Resurgendum Cum Christo, #4)

Lý do Giáo hội cho hỏa táng

Ngoài những lý do về vệ sinh, kinh tế hay xu hướng xã hội, theo Huấn thị “Ad Resurgendum Cum Christo”, việc hỏa táng không đi ngược với Giáo lý Công giáo, “bởi vì việc hoả táng thi thể của người quá cố không ảnh hưởng đến linh hồn của họ, cũng không ngăn cản Thiên Chúa, trong sự quyền năng của Ngài, làm cho người quá cố chỗi dậy trong sự sống mới. Vì thế, việc hỏa táng tự nó, về mặt khách quan không phủ nhận giáo thuyết Kitô giáo về sự bất tử của linh hồn cũng như sự sống lại của thân xác” (Ibid., # 4) trong ngày sau hết.

phailamgi_Cần biết những thay đổi về việc lưu giữ tro cốt người thân đã qua đời_cv2.jpg

Nhà chờ phục sinh Giáo xứ Hòa Hưng – Tgp. Sài Gòn

Việc lưu giữ tro cốt

Cũng tại Huấn thị “Ad Resurgendum Cum Christo” này, Bộ giáo lý Đức tin qui định nơi đặt tro cốt của các tín hữu “phải được đặt an nghỉ ở một nơi thánh thiêng. Những nơi đó là trong một nghĩa trang hoặc, trong trường hợp nhất định, là trong một nhà thờ hoặc một khu vực đã được dành cho mục đích này, và được thánh hiến bởi người có thẩm quyền của Giáo Hội.” (Ibid., # 5)

Do đó, việc đặt tro cốt của người quá cố “tại một nơi trong gia đình… hay phân chia tro cốt cho các thành viên khác của gia đình” là không được phép, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và phải được phép rõ ràng của Bản quyền địa phương. (Ibid., #6) Các tín hữu cũng “không được phép rải tro của các tín hữu đã qua đời trong không gian, trên đất liền, trên biển hoặc trong một số cách khác, cũng không được bảo quản tro cốt trong những vật lưu niệm, mảnh đồ trang sức hoặc các vật dụng khác.” (Ibid., #7) Người nào trước khi qua đời “minh nhiên yêu cầu được hoả táng và phan tán tro cốt của họ vì lý do trái với đức tin Kitô giáo, người ấy sẽ bị chối từ an táng theo nghi thức Kitô giáo theo qui định của Giáo Luật.” (Ibid., # 8)

phailamgi_Cần biết những thay đổi về việc lưu giữ tro cốt người thân đã qua đời_1.jpg

Và những thay đổi gần đây…

Tuy nhiên, trong một Văn bản của Bộ Giáo lý Đức tin, được Đức Giáo hoàng Phanxicô phê chuẩn ngày 9/12/2023 và được ban hành ba ngày sau đó, Bộ Giáo lý Đức tin đã đưa ra một số thay đổi về việc lưu trữ tro cốt người quá cố.

Theo đó, Giáo hội tiếp tục khuyến khích các tín hữu chôn cất và đặt tro cốt của người thân tại một nơi linh thiêng (vườn thánh) cũng như trong một không gian dành riêng cho mục đích ấy (Nhà Hài cốt hay Nhà chờ Phục sinh), giúp làm “giảm nguy cơ loại bỏ người quá cố khỏi ký ức và lời cầu nguyện của những người thân yêu và cộng đoàn Kitô hữu” và để tránh “sự lãng quên và thiếu tôn trọng”, cũng như “những thực hành không phù hợp hoặc mê tín dị đoan”.

phailamgi_Cần biết những thay đổi về việc lưu giữ tro cốt người thân đã qua đời_2.jpg


Nhưng Giáo hội cũng có thể cho phép thiết lập “một nơi thánh thiêng được xác định và cố định có thể được dành cho việc thu chung lại và bảo quản tro cốt của những người đã được rửa tội đã qua đời, với chi tiết về danh tính của mỗi người để tên của họ không bị quên mất”. Do đó, Giáo hội chấp nhận việc có thể đặt tro vào một nơi chung, giống như các hòm hài cốt, trong khi vẫn lưu giữ ký ức về mỗi cá nhân đã khuất.

Cuối cùng, Bộ Giáo lý Đức tin tuyên bố: “Thẩm quyền Giáo hội có thể xem xét và đánh giá yêu cầu của một gia đình về việc lưu giữ một cách thích hợp một phần tro cốt của người thân của họ ở một nơi có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc đời của người quá cố,” với điều kiện việc lưu giữ này “phù hợp với các quy luật dân sự hiện hành và phải loại trừ mọi kiểu hiểu lầm mang tính phiếm thần, tôn giáo tự nhiên hoặc chủ nghĩa hư vô, đồng thời tro cốt của người quá cố phải được lưu giữ ở một nơi linh thiêng”.

phailamgi_Cần biết những thay đổi về việc lưu giữ tro cốt người thân đã qua đời_3.jpg

Sở dĩ Giáo hội cho phép điều này, bởi việc “đổ chung tro cốt của những người đã khuất” hay việc “phân chia một phần tro cốt” không đi ngược với niềm tin vào xác loài người ngày sau sống lại. Theo đó, thân xác của người được sống lại “không nhất thiết được tạo thành từ những yếu tố giống như trước khi chết. Vì đây không phải là việc hồi sinh đơn giản một xác chết, nên việc sống lại có thể diễn ra ngay cả khi cơ thể đã bị phá hủy hoàn toàn hoặc phân tán.

Tóm lại

Giáo hội Công giáo luôn khuyến khích việc chôn cất các tín hữu theo các nghi thức Công giáo tại một nơi linh thiêng như vườn thánh. Giáo hội không cấm hỏa táng. Sau hỏa táng, tro cốt người quá cố nên đặt ở một nơi cố định, một không gian dành riêng cho mục đích ấy.​

Previous articleBổng lộc và quà cáp làm mờ mắt bậc khôn ngoan, khiến miệng họ mắc quai, không còn dám khiển trách!
Next articleKhiết tịnh trước và trong hôn nhân: Con đường đưa tới hạnh phúc gia đình và làm lành mạnh hóa xã hội