Cần người Mẹ

122

Trong chương trình “China Got’s Talent” 2011, có một ca khúc mang tên “Gặp mẹ trong mơ,” đã làm rung động hàng triệu con tim trên toàn thế giới bởi nét giai điệu đẹp, giọng hát hay và câu chuyện xúc động của em bé 12 tuổi người Mông Cổ tên là Uudam thể hiện. Uudam đã thể hiện bài hát bằng tài năng thiên phú và với nỗi nhớ nhung, mơ ước tận sâu trong trái tim trẻ về mái ấm gia đình.

Ai sinh ra mà chẳng có mẹ, có cha, có bà, có ông… Thế mà, với Uudam, một cậu bé đáng thương mới 9 tuổi đã mồ côi mẹ, 11 tuổi người cha không kịp nói lời từ biệt ra đi vĩnh viễn. Cậu bé đã phải đón nhận sự mất mát quá lớn khi đang ở tuổi ăn, tuổi chơi, tuổi cần sự bao bọc chở che của cha mẹ. Người đời có câu “Mẹ giàu con có, mẹ khó con không,” vậy nếu ngay cả cha mẹ cũng không còn, thì Uudam sẽ có gì?

Mặc dù người mẹ hiền không còn nữa, nhưng hình bóng mẹ yêu vẫn luôn trong tâm trí em, ngay cả trong giấc ngủ, “Mẹ giờ này ở chốn rất xa, trong mơ con đã thấy mẹ,” để rồi mỗi khi “chợt giật mình tỉnh giấc mơ, sao con không thấy mẹ; nghẹn ngào thương mẹ bao la, mong đến bên mẹ hiền; mẹ ở lại với con nhé, con đến với mẹ”…

Ôi! Cảnh chia ly sao tàn nhẫn thế? Nó như những mũi kim đâm nhói vào trong tim mỗi khi nhớ đến người thân yêu ở phương xa, làm cho từng giọt lệ lăn dài trên má, chính những tâm trạng đầy xúc cảm ấy cũng đã được chứa đựng trong kho tàng ca dao tục ngữ của Việt Nam như: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau / Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.”

Vì thế, thật hạnh phúc cho ai đang sống trong mái ấm gia đình, có mẹ, có cha, có anh chị em luôn sum vầy bên nhau. Chúng ta hãy trân quý tất cả những giá trị đó trong cuộc sống và cố gắng thực hiện lời khuyên của tiền nhân: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc / Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe con.”

Qua đó nhắc nhở thêm cho chúng ta về vai trò của người mẹ ruột thịt trong cuộc sống.

Người mẹ ruột thịt

Ai ai trong chúng ta cũng được sinh ra từ cung lòng của người mẹ. “Chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm,” là thời gian đầu đời của một con người cần hơn hết sự quan tâm chăm sóc của người mẹ. Khi còn ở trong bào thai, chúng ta được nuôi dưỡng bằng dòng máu của mẹ. Tất cả nguồn dinh dưỡng cung cấp cho ta đều từ người mẹ chuyển sang. Sau khoảng 285 ngày, chúng ta đã đủ điều kiện để đối diện với môi trường bên ngoài và sự chào đời là một bước ngoặt quan trọng trong phận người.

Khi chúng ta chào đời, ai ai cũng chờ đợi tiếng khóc của đứa trẻ. Tiếng khóc nói lên niềm vui, tiếng khóc diễn tả niềm hy vọng trong một giai đoạn mới của cuộc sống được bắt đầu và tiếng khóc cũng đáp trả phần nào cho sự chờ mong của người mẹ “mang nặng, đẻ đau.” Như lời của bài hát “Nơi ấy con tìm về” của nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh: “Ngày con cất tiếng khóc chào đời, ngày mẹ đã nói niềm vui trào dâng ngập trời…”

Tiếp tục là những ngày tháng chúng ta được chăm sóc và nuôi dưỡng cách đặc biệt của người mẹ. Dòng sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính và đảm bảo số một cho con thơ, để người con ấy được mạnh khỏe và phát triển toàn diện. Dòng sữa mẹ không chỉ là nguồn dinh dưỡng, nhưng nó là nguồn yêu thương, là biểu hiện của tình mẫu tử. Sự tần tảo hy sinh của người mẹ là vì cuộc sống hiện tại và tương lai của con mình. Chính vì thế mà mẹ đâu có quản ngại hy sinh vì con, như tác giả Nguyễn Đình Chiểu đã viết trong tác phẩm “Lục Vân Tiên”: “Thương thay Chín Chữ Cù Lao / Tam Niên Nhũ Bộ biết bao nhiêu tình.”

Cùng với dòng thời gian nhờ sự chăm sóc, yêu thương  của mẹ cha, chúng ta mỗi ngày một lớn khôn. Nhưng được mấy ai biết nhìn lại hành trình đã qua của mình, để cảm nghiệm và đáp đền phần nào công lao trời bể của mẹ cha. Quả thực: “Tảo tần sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn / Đưa tấm lưng gầy cha che chở đời con.”

Người mẹ của chúng ta lo lắng từ miếng cơm đến manh áo; từ đạo đức đến tri thức; từ thể xác đến tâm linh… tức là sự phát triển toàn diện. Người mẹ nào cũng gửi gắm tất cả tình yêu, niềm vui của mình nơi con cái, như Napoleon đã nói: “Tương lai của đứa con luôn là công trình của người mẹ.”

Chúng ta làm sao có thể quên hình ảnh của người mẹ vùng quê nghèo, lo lắng sớm hôm về cái ăn cái mặc, về tiền học cho con… để cho con được bằng bạn bằng bè và có được tương lai sáng ngời. Đó là chúng ta còn chưa kể về những khi “trái gió trở trời,” hay khi chúng ta đau ốm hoặc mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo, thử hỏi có người mẹ nào lại có thể yên tâm được. Người mẹ ấy sẽ chạy vạy hết thầy này đến thầy nọ, hết thuốc này đến thuốc nọ, sẽ thức khuya dậy sớm lo lắng mong sao cho con mình được mạnh khỏe, an vui.

Chúng ta làm sao có thể quên về hình ảnh người mẹ tại trận động đất ở Nhật Bản đã hy sinh thân mình để che chắn cho đứa con được an toàn. Khi người ta phát hiện ra hai mẹ con trong đống đổ nát, thì người mẹ đã chết trong tư thế đang khom người bảo vệ cho đứa con còn đang thoi thóp. Nhờ sự bao bọc chở che đó mà đứa con đã được cứu sống. Lúc giải thoát hai mẹ con khỏi đống đổ nát, người cứu hộ cũng đã đọc thấy tin nhắn trên màn hình điện thoại di động của người mẹ như sau: “Nếu con có thể sống sót, con hãy nhớ rằng mẹ rất yêu con.” Thật cảm động biết bao!…

Lại có những hoàn cảnh đẩy đưa làm xa cách mẹ con, thử hỏi có người mẹ nào mà không nhớ, không mong được gặp con. Dù ở phương trời xa xăm, người mẹ ấy cũng luôn cầu trời cho con được bình an và ngong ngóng chờ tin tốt của con. Thật là: “Con dẫu lớn vẫn là con của mẹ / Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con.”

Làm sao với những dòng chữ có thể kể hết về tình mẹ – tình mẫu tử thiêng liêng và cao quý. Chúng ta chỉ có thể cảm nghiệm được cách sâu sắc nhất qua cuộc sống hiện tại của chính mình bằng những hành động cụ thể để vui đắp tình mẹ con.

Tuy nhiên, trong cuộc sống người Kitô hữu, chúng ta không chỉ quan tâm đến tình mẫu tử ruột thịt, mà chúng ta còn hướng về tình mẫu tử thiêng liêng nơi Đức Maria. Tình mẫu tử này sẽ giúp ta có được không chỉ sự bình an và hạnh phúc đời này, mà hơn hết là sự bình an và hạnh phúc vĩnh cửu nơi người Con ruột của Mẹ là Đức Giêsu Kitô.

Người mẹ thiêng liêng

Trinh nữ Maria, người Do Thái, với đời sống đạo hạnh đã đẹp lòng Thiên Chúa và được Người mời gọi cộng tác vào chương trình cứu độ toàn thể nhân loại và vũ trụ này. Sau khi nhận được lời mời gọi qua sứ thần Gabriel, dù biết rằng mình sẽ gặp những khó khăn phía trước, nhưng Maria đã quyết định thưa lên hai tiếng “xin vâng – fiat” (x. Lc 1,26-38). Qua biến cố ấy, để ghi nhớ và cảm ơn Mẹ, tác giả Hoài Thanh đã viết:

“Trinh Nữ vui vẻ nói liền
“Xin Vâng – chấp nhận”  lời truyền Thiên sai
Thực thi Thánh ý của Ngài
Chu toàn nhiệm vụ mãi hoài hân hoan
“Xin vâng”: hớn hở đầy tràn
Ngợi khen Thiên Chúa vô vàn thiết tha
Phúc thay! Mẹ Maria
Magnificat: bài ca tuyệt vời.”

Kể từ khi chấp nhận chương trình của Thiên Chúa, Đức Maria đã diễm phúc trở nên Mẹ của Chúa Giêsu Kitô – Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người. Lúc này chương trình cứu độ đã bước sang một giai đoạn mới nơi Người Con là Đức Giêsu Kitô (x. Hr 1,1-4). Chính điều đó đồng nghĩa với việc Mẹ Maria là Mẹ của chúng ta, bởi Mẹ đã cộng tác vào ơn cứu độ dành cho nhân loại qua việc sinh ra Người Con là Đức Giêsu.

Chúa Giêsu Kitô đã xin vâng ý Cha để thi hành chương trình cứu độ mà Người đã hứa từ xưa. Người vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật như chúng ta. Chính vì thế, Đức Maria cũng được gọi là Mẹ của Thiên Chúa. Đức Giêsu, Con của Mẹ, trong thời gian ở tại thế, đã thiết lập Giáo Hội, mà chính Người là Đầu của thân mình Giáo Hội (x. 1 Cr 12,27; Cl 1,18.24). Do đó, Đức Maria cũng là Mẹ của Giáo Hội trong đó có chúng ta là những Kitô hữu.

Như vậy, một cách nào đó, Đức Maria đã “sinh ra” chúng ta trong ơn cứu độ qua Người Con. Như hình ảnh của đứa con được chào đời và nhìn thấy ánh sáng đầu tiên, thì cũng vậy, chúng ta đang lần bước trong đêm tối, bỗng nhận được ánh sáng chan hòa là chính Đức Kitô, Người Con do Mẹ Maria sinh ra (x. Is 9,2-4).

Biết bao biến cố đã xảy ra trong khoảng thời gian 3 năm rao giảng của Con Mẹ, Mẹ đã luôn dõi theo bước đường của Con, nhất là những lúc Con mình bị người ta chống đối và tìm cách hãm hại. Với chúng ta là con của Mẹ, chúng ta cũng sẽ nhận được sự đồng hành và nâng đỡ từ Mẹ Maria.

Cái chết đau đớn của Con ở trên thánh giá đã làm cho lòng Mẹ nát tan, quả thật là như gươm sắc thâu qua lòng Mẹ vậy (x. Lc 2,35). Mẹ Con sống mới chỉ khoảng 33 năm, Mẹ còn nhiều điều lo lắng cho Con, Con thì chưa làm được gì nhiều để phụng dưỡng Mẹ. Thế mà, giờ đây Mẹ Con phải chia lìa nhau trong dòng lệ buồn. Tâm trạng ấy đã đi vào những vần thơ của Cha Giuse Nguyễn Hưng Lợi với nhan đề: “Maria, im lặng”:

“Mẹ đứng đó, chiều nay trời u ám.
Dưới thập hình, Mẹ im lặng nhìn con.
Mẹ hiệp ý với Giêsu cứu thế.
Cho nhân trần thoát khỏi cảnh bùn nhơ.
Mẹ im lặng, tâm hồn đầy ắp Chúa.
Sóng mênh mông, biển cả dâng dạt dào.
Hồn của Mẹ dồi dào phong phú lạ.
Vì Mẹ kề gần con Mẹ – Giêsu.”

Cho dù trải qua bao thử thách và đau đớn, Mẹ vẫn luôn trung thành trong đức tin. Mẹ đặt niềm tin tưởng hoàn toàn vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, sẵn sàng chấp nhận mọi biến cố như lời Mẹ đã thưa xin vâng – fiat. Mẹ đón nhận tất cả không chỉ vì Mẹ, mà hơn thế nữa là vì ơn cứu độ dành cho cả nhân loại và vũ trụ này, như bài thơ trên của Cha Nguyễn Hưng Lợi viết tiếp:

“Ôi chiều tím, hôm nay mây vần vụ.
Cả vũ hoàn như bật khóc vì đau.
Cuộc thương khó của Giêsu con Mẹ.
Khiến Đất Trời như ngừng tiếng im hơi.
Nhưng Mẹ hiểu, Mẹ âm thầm chấp nhận.
Ý Chúa Trời là mầu nhiệm cao sâu.
Con của Mẹ Giêsu là cứu Chúa.”

Chính vì niềm tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa mà Đức Maria, Mẹ của tất cả Kitô hữu chúng ta đã được Thiên Chúa cho về trời cả hồn lẫn xác sau khi Con Mẹ phục sinh vinh hiển. Thế là qua đời sống đức tin với những gì đã thể hiện trong đời sống, Mẹ đã được đoàn tụ cùng Con trong Nước Trời.

Mẹ Maria được vinh thăng thiên quốc, đó là hồng ân lớn lao Thiên Chúa dành cho Mẹ và cũng là cho mỗi người chúng ta trong hành trình đức tin. Mẹ về trời, thì chúng ta hy vọng cũng sẽ được về trời cùng với Mẹ, được ở cùng Người Anh Cả là Đức Giêsu Kitô (x. Ga 20,17; Cl 1,15.18; Hr 2,11.12.17). Mẹ về trời, Mẹ sẽ luôn cầu bầu cho chúng ta là con của Mẹ trước nhan Thiên Chúa, để Người ban ơn cho chúng ta nhiều hơn. Mẹ về trời, chúng ta hãy sống theo gương Mẹ để mai ngày cũng được cùng Mẹ chiêm ngắm dung nhan Chúa, như có một tác giả đã viết:

“Lạy Mẫu Nghi! Mẹ tràn ơn phước lạ!
Đã một đời tay chạm đến vô biên
Mẹ tiên phong giữa nhân loại hư huyền
Mẹ minh chứng tình yêu Cha rất thật
Xin giúp con chu toàn việc dưới đất
Được lên trời cùng Mẹ, phúc hiển vinh.”

Với tất cả những gì là trân quý, là thiêng liêng, giúp chúng ta nhận thấy vai trò của người mẹ ruột thịt là không thể thay thế, không thể thiếu vắng trong đời sống. Với người Kitô hữu, không dừng lại ở người mẹ ruột thịt, chúng ta còn cần hơn người mẹ thiêng liêng – Maria trong hành trình đức tin. Có người mẹ ruột thịt và thiêng liêng yêu thương dưỡng dục, đời sống của người Kitô hữu sẽ ngày càng nên giống như Người Con của Mẹ là Đức Giêsu Kitô, và chắc chắn chúng ta sẽ nhận được phần thưởng cao quý là Nước Trời. Ở nơi đó, chúng ta sẽ được cùng Mẹ và triều thần thánh chúc tụng Chúa không ngừng.

John Phạm

Previous articleMaria – Mẹ chúng ta
Next articleCuộc chiến giữa Đavít & Gôliát – cuộc chiến đức tin