Căn nhà dừng bước trần gian

55

Căn nhà dừng bước trần gian

Nam vẫn cười như gió thoảng trước bao chuyện đời u buồn. Nhìn anh, tôi thầm hỏi sức lực nào trong người đàn ông chất phác này để làm được 11 đám tang cho người dưng ngay trong nhà mình và lặng lẽ chăm sóc bao phận người bệnh tật, bất hạnh…

Ngôi nhà nhỏ bé của Hoàng Văn Nam ở đồi trà thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng. Chưa kịp chào hỏi, điện thoại của anh lại đổ chuông. Ai đó bị bệnh nặng nhưng không có tiền đi bệnh viện. Có người giới thiệu gọi anh…

Căn nhà dừng bước trần gian - Ảnh 1.

Biết đã hơn 20 năm. Còn nhớ mùa đông 2007, lúc tôi ghé nhà, Nam vừa đón một người tâm thần về nuôi. Hàng xóm ái ngại cho anh: nuôi một người dưng bình thường đã khó, lại nuôi người tâm thần với bao phức tạp khó lường…

Nam thanh thản tâm sự: “Thôi, có duyên gặp nhau, giúp được người ta gì thì giúp, cứ sợ khó tránh ra thì chẳng làm được gì cả”. Hoàn cảnh ông Trần Đình Phước mà anh cưu mang thật sự bi đát.

Nam tự tay chăm sóc bệnh nhân sắp mất ở chính nhà anh – Ảnh: NVCC

Ngoài 70 tuổi, ông bệnh tâm thần nặng đến mức không biết nhà cửa, quê hương mình đâu. Ngay tên Phước ông cũng chỉ láng máng nhớ quên, chẳng biết chính xác không.

Một ngày, ông lang thang ở quốc lộ 20 thì bị xe đụng, thương tích nghiêm trọng. Người dân đưa ông đi cấp cứu, nhưng bệnh viện chẳng thể nào tìm được nhân thân để chăm sóc ông…

Thường ghé bệnh viện giúp người nghèo, Nam xót xa hoàn cảnh người đàn ông tâm thần này. Chân tay phải bó bột, ông Phước như tàu lá chuối khô nằm thoi thóp một chỗ. Bác sĩ và người nhà bệnh nhân khác có ai thương tình đút gì thì ông nuốt nấy.

Tiểu tiện tại chỗ, ông hôi thối, lở loét cả người. Chăm sóc, vệ sinh cho ông, đêm về Nam mất ngủ. “Nhưng không phải tôi ám ảnh dơ bẩn, mà thấy thương ông quá. Cũng kiếp người sao lại khốn khổ đến vậy?” – Nam rưng rưng hỏi.

Rồi anh tâm sự với vợ, định đưa ông Phước về nhà nuôi. Chị Bùi Thị Kim gật đầu liền. Người vợ đồng cảm với chồng, thôi thì cuộc sống mình cũng may mắn được bình thường, giúp ai được gì thì giúp!

Lên bệnh viện, vợ chồng Nam xin đưa ông Phước về nhà nuôi. Họ đồng ý ngay vì quá mệt mỏi với bệnh nhân vô gia cư, không tiền, không người thân mà lại ngơ ngẩn.

Nam bế ông ra xe. Nhiều bệnh nhân và người nhà đi gần phải bịt mũi. Tình trạng tệ đến mức nhiều người nói cứ để ông chết có lẽ đỡ khổ thân hơn!

Ấy vậy mà về ở với anh Nam, ông Phước cứ hồi phục dần. Ngơ ngẩn không biết gì, mỗi ngày tự tay Nam phải vệ sinh cho ông. Nhà ăn gì, chị Kim đút ông thức nấy, thậm chí chị còn bồi dưỡng riêng cho ông những con gà vườn để mau lại sức.

Ngay miếng ăn cũng khổ, ông thích thì nuốt ngấu nghiến, không thì phun nhổ ra đầy nhà. Dỗ dành đút cho ông từng thìa cơm xong, chị phải dọn dẹp giường chiếu, nhà cửa vì sợ dơ bẩn nhiễm trùng vết thương.

Đến ngày hẹn tháo bột, vợ chồng Nam lại bế ông lên bệnh viện. Hồi hộp đợi bác sĩ báo vết thương lành, hai người ứa nước mắt mừng như chính ruột thịt mình.

Hình như trời thương người bất hạnh! Ông Phước bị thần kinh nặng nhưng hiền lành. Suốt bảy năm sống trong nhà Nam, ông chưa lần nào làm gì nguy hiểm. Ở vài tháng, ông lại có thêm bạn tâm thần mà Nam mang về.

Như ông Nguyễn Đình Nhân vừa mất trí lại bị tai biến trong cô đơn. Già cả, họ thường xuyên bệnh tật. Nhiều đêm, tận 2-3h sáng vợ chồng Nam còn lọ mọ đi thăm chừng, lo người già yếu, mong manh, chẳng biết bất ngờ ra đi lúc nào…

Căn nhà dừng bước trần gian - Ảnh 3.

Ngoài người bệnh, nhà Nam lúc nào cũng có trẻ thơ đến vui chơi – Ảnh: NVCC

Căn nhà dừng bước trần gian - Ảnh 4.

Ngoài ông Phước, ông Nhân, ngôi nhà nhỏ của vợ chồng Nam cũng trở thành nơi nương tựa của hơn chục người khác. Ông Phước gắn bó lâu nhất, mãi 7 năm. Nhiều người ở 4-5 năm, vài người ở từ vài tháng đến 1-2 năm.

Căn nhà dừng bước trần gian - Ảnh 5.

Bùi ngùi nhìn ảnh bà Thìn, ông Côn, ông Chất, ông Lân, anh Sơn, anh Thạnh, chị Hoài… – những người dưng mà như ruột thịt với mình, chị Kim nghèn nghẹn tâm sự: “Cảnh đời nào cũng bi đát, mình không nỡ quay lưng”.

Trong những người vợ chồng Nam cưu mang, bốn người là bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, những người khác bị tâm thần, xơ gan, lao phổi, kể cả suy nhược do tuổi già. Có người từ tận miền Bắc, có người từ Cà Mau dừng cuộc đời bất hạnh ở nhà anh.

Nam kể anh nhớ mãi hình ảnh N.V.S., người đàn ông sinh năm 1971 nhưng trông già như 80 tuổi vì bị AIDS giai đoạn cuối.

Từ tận huyện Năm Căn, Cà Mau, S. phiêu bạt lên Lâm Đồng mưu sinh và nhiễm HIV. Không tiền bạc, người thân chăm sóc, anh nằm tuyệt vọng, thoi thóp chờ chết một mình.

Nam đưa người đàn ông này về nhà chăm sóc. Những vết lở loét to bằng miệng chén, bốc mùi hôi thối được chính tay Nam và vợ lau rửa, xức thuốc mỗi ngày.

Khi lở loét vừa tạm bớt, bệnh phổi lại hành hạ. Nam lại chuyển S. đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM và đến lúc ấy mới xuất hiện người thân nhận chăm sóc.

Chưa đầy tháng sau, vào một buổi tối, S. lại đột ngột bò vào nhà Nam. Sững sờ, anh chạy vội ra bế vào nhà. Trong tay Nam, S. cứ lả dần đi.

Chị Kim pha ly sữa nóng, nhưng anh ta chưa kịp uống đã chết ngay trên tay Nam. Trước khi nhắm mắt, người đàn ông khốn khổ này chỉ mấp máy được vài lời: “Cho tui xin được chết ở đây!”…

Chính hàng xóm cũng không thể hiểu nổi vợ chồng Nam có thể tổ chức được 11 đám tang cho người dưng nước lã trong chính ngôi nhà mình.

Anh Lập, người hàng xóm, tâm sự: “Tôi hiểu xã hội vẫn có nhiều người thiện tâm, nhưng tốt bụng như Nam thì chắc hiếm hoi. Nuôi bệnh tật nan y, tâm thần, già cả đã rất khổ, tự tay làm 11 đám tang cho người lạ không máu mủ ruột thịt gì trong nhà mình thì khó tưởng tượng nổi.

Mà nhà Nam cũng đâu dư dả gì, buôn bán tạp hoá lặt vặt và làm vườn tược, nuôi chín đứa con, cháu đầy nhà”.

Ngồi nghe hàng xóm tâm sự về mình, Nam chỉ cười thanh thản. Người vợ trầm giọng qua chuyện khác: “Đến bữa, tôi vẫn quen tay xúc thêm gạo nấu cơm cho các cô bác ấy ăn, nhưng giờ nhiều người đã mất rồi, ngồi mà nhớ ứa nước mắt”.

Nam lặng yên nhìn vợ. Chuông điện thoại của anh lại reo lên. Có ai đó đang cần giúp đỡ. Mưa đã ngớt hạt, mây đen tan đi, để nắng chiều rải sắc vàng trên đồi trà xanh tươi…

Căn nhà dừng bước trần gian - Ảnh 6.
Căn nhà dừng bước trần gian - Ảnh 7.

Hàng Văn Nam (trái) có cuộc sống cũng chẳng khấm khá gì, anh vẫn làm nhiều việc để mưu sinh. Ảnh: BẢO LỘC

Nam kể vẫn nhớ như in từng cảnh đời dừng bước, dừng nỗi bất hạnh, đớn đau trong vòng tay mình. Đến giờ, nhiều đêm anh ngủ vẫn nằm mơ thấy mẹ con chị Hoài.

Cũng bị AIDS giai đoạn cuối, chị lay lắt sống những ngày cuối đời với con gái nhỏ trong phòng trọ tồi tàn. Mẹ con thoi thóp trong góc tối, hàng xóm thương tình cho chút gì họ ăn chút nấy.

Nam nhận ngay họ về cưu mang trong gia đình mình. Vợ Nam cố gắng lo từng bữa ăn, viên thuốc để người bệnh kéo dài cuộc sống bên con. Nhưng chị chỉ sống thêm được vài tháng rồi mất.

Hậu sự chị tự tay vợ chồng Nam lo. Họ ứa nước mắt nhìn đứa con nhỏ cứ khóc nức nở đòi mẹ đã giá lạnh rồi…

Và nhiều, nhiều những đám tang và phận đời như thế.

Nam tâm sự đến giờ anh cũng không thể nhớ mình đã giúp cho bao người

Previous articleAi đã phát minh ra quả bóng tròn?
Next articleĐàn ông cũng cần… bờ vai