Cape Canaveral Florida, nơi phóng SpaceX
– Cách đây hơn 50 năm, ngày 20 Tháng Bảy, 1969, phi hành gia Neil Armstrong của Hoa Kỳ là người đầu tiên của nhân loại được vinh dự khi ông đặt bước chân đầu tiên đến thăm “ngôi nhà chị Hằng” trên mặt trăng.
Ông đã nói một câu để đời “That’s one small step for a man, one giant leap for mankind” (tạm dịch: Đây là một bước chân nhỏ bé của một người, nhưng là một bước tiến nhảy vọt vĩ đại của nhân loại).
Phi thuyền vũ trụ Apollo 11 đã mang theo ba phi hành gia Neil Armstrong, Buzz Aldrin, Michael Collins được phóng đi từ Trung Tâm Không Gian Kennedy (Kennedy Space Center/ KSC) năm 1969 tại Cape Canaveral, tiểu bang Florida, đã mở ra một trang sử mới cho ngành thám hiểm vũ trụ của Hoa Kỳ.
Cape Canaveral Center (tên cũ Kennedy Space Center) nằm trên mũi đất Cape Canaveral thuộc tiểu bang Florida. Nếu bạn có dịp đến Florida vào Tháng Sáu, đây là tháng bắt đầu vào Hè của tiểu bang “Sunshine State.” Thời tiết Tháng Sáu hãy vẫn còn dễ chịu so với Tháng Bảy, Tháng Tám ở đây. Tháng này hoa phượng vĩ đã nở đỏ ở nhiều nơi, dọc theo từ vùng đất này xuống đến thành phố Miami.
Phượng nơi đây là loại phượng đỏ chứ không là phượng tím như ở miền Nam California. Ngược lại với phía miền Tây Hoa Kỳ, miền Đông Nam Florida thì không thấy phượng tím mà chỉ thấy loài hoa phượng đỏ, gọi là “đỏ” chứ thực ra màu sắc đúng nhất là màu “đỏ cam,” nhưng nhờ màu đỏ cam mà không gian hoa phượng đỏ ở đây tạo cho du khách một cảm giác lâng lâng rộn ràng vui hơn so với màu hoa phượng tím.
Nhưng tôi không chủ ý đến khu vực Cape Canaveral – Fort Lauderdale để ngắm không gian hoa phượng đỏ. Trung Tâm Không Gian Vũ Trụ Cape Canaveral Center mới chính là một yếu tố thôi thúc tâm tư tôi muốn trở lại thăm nơi đây.
Ngày xưa nơi đây còn được gọi là Trung Tâm Kennedy Space Center, nơi tập trung tất cả mọi kỹ thuật cao cấp về ngành không gian. Một nhà bảo tàng không gian vũ trụ được thành lập để đón nhận du khách từ khắp nơi trên thế giới đến đây để có dịp nhìn tận mắt sự phát triển vượt bực của ngành vũ trụ không gian NASA của Hoa Kỳ.
Ngày ấy, vào năm 1961, nhìn thấy sự thua thiệt và lép vế của ngành không gian vũ trụ của đất nước Hoa Kỳ trước Liên Bang Xô Viết. John F. Kennedy, vị tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, không ngần ngại tuyên bố trước Quốc Hội “ I believe that this nation should commit itself to achieving the goal, before this decade is out, of landing a man on the moon and returning him safely to Earth” (Tôi tin tưởng rằng đất nước chúng ta có đủ khả năng để đưa người lên mặt trăng và trở về trái đất an toàn vào cuối thập kỷ này. Chúng ta có đủ tự tin khắc phục được điều này).
Cơ quan NASA đã không phụ lòng ông! Năm 1969, Neil Armstrong là người Hoa Kỳ đầu tiên của nhân loại đặt bước đầu tiên của nhân loại lên mặt trăng. Người thứ hai là Buzz Aldrin, người bạn đồng hành của ông. Chương trình phi vụ vũ trụ của Apollo chấm dứt vào năm 1972. Tính cho đến hết các chương trình Apollo của Hoa Kỳ, có tất cả 12 phi hành gia Hoa Kỳ đã đặt chân đến mặt trăng. Ngoài ra, cho đến tận năm 2019 chưa có thêm bất cứ một người nào khác có dịp đặt chân đến “căn nhà chị Hằng.”
Duy nhất chương trình Apollo chỉ có phi vụ Apollo 13 đã gặp trở ngại trên đường bay đến mặt trăng và đã phải quay trở về trái đất an toàn. Còn các phi vụ Apollo 12, 14, 15, 16, 17 đều thành công đáp xuống mặt trăng. Hoa Kỳ đã giành chủ quyền các vùng rộng lớn trên mặt trăng.
Ngoài ra, các phi hành gia cũng đã đem về các mẫu đất đá lấy từ “nhà chị Hằng” về cho nhân loại xem mặt “chị Hằng” còn trẻ hay già. Mỗi tối nhân loại nhìn ngắm “chị Hằng” từ xa 300,000 km và quả thật hình dáng “chị” trông hãy còn rất trẻ nên các nhạc sĩ, thi sĩ, văn sĩ toàn thế giới đầu mê mệt nét đẹp “chị Hằng.” Trong số đó có nhạc sĩ Phạm Duy của Việt Nam, có lẽ ông là một người dám “bất lịch sự” để hỏi tuổi “chị Hằng:”
“Trăng bao nhiêu tuổi, trăng già
Mà sao ta ngỡ, ta già như Trăng
Ta già như em. Hỡi em trăng tà
Trăng vẫn thướt tha!”
Bây giờ thì Cape Canaveral Space Center có câu trả lời cho nhạc sĩ Phạm Duy về tuổi “chị Hằng.” “Chị” vẫn còn “rất trẻ,” tuổi chị chỉ chừng 3.7 tỷ năm, bằng tuổi của trần gian!
Đến Cape Canaveral Space Center, thế nào bạn cũng phải ghé thăm trung tâm bảo tàng Apollo/ Saturn V Center, nơi cho du khách có dịp nhìn lại cuộc hành trình của các con tàu vũ trụ Apollo. Trước đó, du khách có dịp xem lại các cuộc phóng thử nghiệm chương trình như chương trình Mercury rồi đến sự thành công của chương trình Gemini.
Cơ quan NASA đã cho nối tiếp với chương trình Apollo mà đỉnh điểm cao nhất là sự đáp xuống mặt trăng và an toàn trở về trái đất của Apollo 11. Người ta đã cho trưng bày phần đầu Command Module (khoang chứa ba phi hành gia trở về trái đất bằng cách đáp xuống biển) của Apollo 14, hỏa tiễn Saturn V loại hỏa tiễn dùng để đẩy phi thuyền Apollo vào quỹ đạo đều được để đây cho du khách xem tận mắt và hiểu sơ qua về con đường bay lên mặt trăng của các con tàu vũ trụ Apollo. Sự thành công của Apollo đã cho Hoa Kỳ cơ hội “cắm cờ nhiều khu vực” trên đó và có “chủ quyền” nhiều vùng đất khác nhau trên mặt trăng.
Ngoài ra, đến thăm Cape Canaveral Center du khách còn có cơ hội đến xem những chiếc xe chuyên chở (crawler-transporter) các dàn hỏa tiễn và phi tuyền đến dàn bệ phóng. Có khá nhiều bệ phóng được xây dựng chung quanh khu vực này, nhưng dàn bệ phóng của chương trình Space Shuttle được xem như đồ sộ lớn và đẹp nhất.
Tòa nhà lắp ráp các con tàu vũ trụ và hỏa tiễn có tên là Vehicle Assembly Building rất lớn, đứng sừng sững giữa Mũi Cape Canaveral. Du khách có thể ngồi trên xe chụp hình quay phim thoải mái, nhưng xe bus tour không cho phép xuống xe để “đi dạo” vì trong khu vực Mũi Kennedy này có khoảng năm ngàn con cá sấu sống vây quanh. Đây là những “body guard” rất trung thành của Cape Canaveral Center.
Sau khi thăm Apollo/Saturn V Center, bạn nên vào thăm Atlantis Space Shuttle Building, con tàu vũ trụ Atlantis nguyên thủy nằm đây khoe với bạn nét phong sương vũ trụ mà con tàu đã bay lượn trong suốt 26 năm. NASA đã chi ra hơn $100 triệu để hoàn thành nhà bảo tàng không gian này. Trước cửa là hai hỏa tiễn được nối ghép vào bình nhiên liệu khổng lồ External Tank, hệ thống này có tên “External tank and two solid rocket booster” dùng để đưa con tàu vũ trụ Space Shuttle vào quỹ đạo trái đất. Đây cũng là hình ảnh trở thành quen thuộc cho thế giới mỗi khi xem Hoa Kỳ phóng con tàu vũ trụ Space Shuttle vào không gian.
Cơ quan NASA có lẽ cũng chuẩn bị cho các chuyến đổ bộ lên Cung Trăng trong tương lai, nên đã có chương trình không gian vũ trụ tiếp theo là Space Shuttle Program, chương trình của các chuyến tàu vũ trụ bay vào quỹ đạo trái đất, ráp nối các trạm không gian, và các phi hành gia phải sống một thời gian dài trong chân không trước khi bay trở về trái đất. Đã có tất cả 135 phi vụ phi hành vũ trụ như thế để hoàn thành một trạm không gian trên quỹ đạo trái đất. Đây được xem như một trạm chuyển tiếp trước khi tiếp tục cuộc hành trình đến mặt trăng.
Riêng con tàu vũ trụ Atlantis, sau 33 chuyến bay vào vũ trụ, Atlantis đã được đem về trưng bày để du khách có thể xem tận mắt kỳ công của nhân loại. Vào trong nhà trưng bày, đứng đối diện với con tàu vũ trụ Atlantis, tôi mới cảm nhận được một tinh thần vĩ đại của các nhà bác học lẫn các nhà phi hành vũ trụ. Họ đã thay mặt cho toàn thể nhân loại gửi “tín hiệu đến các hành tinh ngoài trái đất” về sự thông minh và lòng quả cảm của con người trên hành tinh địa cầu của chúng ta.
John F. Kennedy Space Center không những là nơi có tòa nhà khổng lồ ráp nối các con tàu vũ trụ, mà còn là nơi khởi hành các cuộc hành trình đi thám hiểm vũ trụ của Hoa Kỳ. Các Mercury Redstone Rocket, Atlas Rocket, Saturn V Rocket, cũng như loại hỏa tiễn hiện đại nhất thế giới “The external tank with two solid rocket,” các con tàu vũ trụ Apollo Command Module, Space Shuttle đều được phóng đi từ đây.
Tất cả kỹ thuật về ráp nối, kỹ thuật phóng các con tàu vũ trụ, kỹ thuật ráp nối trong chân không, kỹ thuật đáp xuống và rời mặt trăng của các phi thuyền nhỏ đều nói lên sự tiến bộ vượt bực về lãnh vực không gian vũ trụ của Hoa Kỳ nói riêng và của nhân loại nói chung.
Con người đang trên đường tìm hiểu nhiều hơn về không gian vô cùng sâu thẳm trong vũ trụ. Kennedy Space Center giúp tôi ngờ ngợ nhìn ra được “cõi vũ trụ” trong tâm tưởng mình. Nhìn quanh để tìm thấy đâu là “mười phương thế giới,” tìm thời gian của sự “vô thủy vô chung” – không bắt đầu và không chấm dứt.
Tôi chợt nhớ đến một người ngồi dưới gốc cây pippala chiêm nghiệm và khám phá ra điều đó từ hơn 2,500 năm trước. Ông cũng như Aristotle, Copernicus, Kepler, Newton, Galileo, Einstein và nhiều nhà bác học khác, đã nói về “vũ trụ qua sự thông thái” hay giác ngộ của họ, không ai thực chứng và nghiệm chứng được các điểm khoa học của vũ trụ. Nhưng Kennedy Space Center giúp cho tôi cái nhìn thực tại và hiểu biết thêm về vũ trụ, nhìn rõ hơn về cái vô cùng nhỏ bé và vô thường của một kiếp nhân sinh.
Tôi tin rằng những nhà bác học về vũ trụ, các phi hành gia vũ trụ trên toàn thế giới đều có một suy tư vượt qua lằn biên giới quốc gia hạn hẹp để tìm kiếm thêm những điều tốt đẹp bên ngoài hành tinh địa cầu đem về cho con người. Họ đã chấp nhận tất cả rủi ro, kể cả sinh mạng họ, 24 phi hành gia Hoa Kỳ và không biết bao nhiêu phi hành gia Liên Bang Xô Viết đã trở thành những anh hùng vô danh cho nhân loại.
Trong các phi vụ Space Shuttle, hai chuyến bay Challenger và Columbia đã gặp “rủi ro” cho phi hành đoàn. Cả thế giới đã chứng kiến sự hy sinh của các phi hành gia trên hai chuyến bay trên. Challenger Space Shuttle đã nổ tung trên bầu trời chỉ sau khi phóng hơn một phút. Còn Columbia trên đường trở về trái đất cũng đã nổ tung khi chuyến bay bay vào bầu khí quyển. Bao nhiêu phi hành gia của Liên Xô (cũ) đã hy sinh mà đến nay vẫn chưa được công bố. Không gian vũ trụ còn rất nhiều “rủi ro” cho những người muốn chinh phục nó.
NASA’s Kennedy Space Center đâu phải chỉ muốn bay lên thăm một mình “chị Hằng,” họ còn toan tính lên thăm cả Mars và Saturn. Đi lên thăm “chị Hằng” chỉ mất có bốn ngày đi và bốn ngày về. Còn đi thăm Mars thì hơi phiền, đi lâu quá phải mất mấy năm trời con tàu vũ trụ mới đến nơi, sau đó còn phải tính đường quay về.
Ngày 30 Tháng Năm, 2020, một thế hệ rocket mới ra đời, rocket siêu mạnh Falcon Heavy đã phóng thành công đưa hai phi hành gia của NASA lên trạm không gian ISS để tiếp tục nghiên cứu tham vọng chinh phục Sao Hỏa (Mars) trong tương lai gần của NASA.
Tuy nhiên, chắc cơ quan này cũng cảm thấy đường xa diệu vợi nên họ vẫn đang tiếp tục chương trình dọn nhà lên ở với “chị Hằng” cũng đang có một chương trình xây cất nhà cửa trên đó. Có ai muốn đầu tư không? Riêng tôi, tôi cũng đang toan tính làm tour “Chị Hằng trong tầm tay Bạn” để du khách Việt Nam đi thăm “chị Hằng” một chuyến. Giá cả thì chưa có bảng giá, nhưng xin nói sơ một chút để du khách có chút khái niệm về giá chuyến du lịch vũ trụ. Giá một chuyến bay lên quĩ đạo trái đất chỉ trong vòng nửa tiếng (?) chỉ chừng $250,000 đến $300,000. Du khách cần phải đặt ngay từ bây giờ và tên của bạn cũng mới chỉ được nằm trong “waiting list.” Còn giá chuyến bay lên đến mặt trăng thì chưa có giá chắc chắn trong thời điểm hiện tại. Cần giữ chỗ ngay từ bây giờ và giá thành cuối cùng sẽ được thông báo sau.
Nhưng bạn cần để ý một điều, nếu bạn đã 50 tuổi thì lâu lắm là 40 năm nữa, chúng ta không cần đáp phi thuyền vũ trụ để đến mặt trăng làm gì cho tốn kém. Lúc đó, thân thể chúng ta đã biến thành các hạt ánh sáng bay trong cõi vũ trụ mênh mông. Chúng ta chỉ mất có một giây để bay đến gặp mặt “chị Hằng.”
Rời Kennedy Space Center trên đường về nhà, tôi gặp lại những hàng cây phượng tím. Tôi ngờ ngợ màu tím của hoa phượng có chút gì thay đổi, không biết màu hoa tím đậm hơn hay nhạt hơn hay tại tâm tôi vẫn còn vương vấn đến các con tàu vũ trụ…