Câu nói “Bình An Cho Anh Em” đến từ đâu?
Việc kế thừa của câu nói đó không chỉ là của Kitô giáo. Đó là một lời chào truyền thống của vùng Địa Trung Hải .
Việc sử dụng trong phụng vụ lời chào cổ điển Latin “pax vobis” (bình an cho anh em) hoặc “pax vobiscum” (bình an ở cùng anh em), mà các Kitô hữu đầu tiên sử dụng để chào hỏi nhau, có ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Đây là lời chào kinh điển mà người ta thấy trong hầu hết các thư trong Tân Ước (của Phaolô, Phêrô và Gioan) cũng như trong sách Khải Huyền của Gioan. Hơn nữa, chính Chúa Kitô đã sử dụng công thức chào hỏi rất giống nhau này bốn lần sau khi Phục sinh, theo các sách phúc âm của Luca và Gioan:
Lu-ca 24,36: “Họ còn đang nói thế, thì Ngài đã đứng giữa họ và nói với họ: “Bình an cho anh em!””
Gioan 20,19: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !””
Gioan 20,21: “Chúa Giêsu lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.”
Gioan 20,26: “Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em.””
Tuy nhiên, như thường thấy với loại công thức này, người ta không chỉ nhìn vào tiếng Hy Lạp gốc mà còn cả truyền thống mà các công thức đó thuộc về. Để bắt đầu, chữ Hy Lạp mà chúng ta thường dịch “Bình An” là eirene, trong đó đề cập đến một loại bình an rất đặc biệt, đó là kết quả của một sự quản trị thích đáng cả về công lý và của cải .
Trên thực tế, trong thần thoại Hy Lạp, Eirene là em gái của Eunomia (mà chúng ta có thể dịch theo nghĩa rộng là “sắp xếp tốt”, “quản trị tốt”, hay thậm chí là “luật pháp tốt”) và của Diké (“Công lý”, tiếng Hy Lạp). Eirene cũng được liên kết với mùa xuân, vì từ Hy Lạp dùng chỉ “mùa xuân” là eiarinos. Mùa xuân là mùa mà thiên nhiên nở hoa và sinh hoa kết trái, loại mùa xuân mà sự hài hòa an bình mang lại hàm ý sự phong phú của cải cần phải được quản trị đúng cách.
Sự kết hợp như vậy dường như ám chỉ bình an là kết quả của một sự quản trị đúng đắn không chỉ công bằng về pháp lý mà còn về của cải đất đai và trách nhiệm chung trong việc tạo ra sự dồi dào đó. Vì vậy, sự hòa hợp và an bình giữa những người thuộc về cùng một cộng đồng không chỉ là điều mà người ta mong muốn theo kiểu nói suông- Này, tôi hy vọng bạn tìm thấy bình an! Nhưng – là kết quả của hoạt động của con người. Điều mà lời chào trong Kinh thánh bằng tiếng Hy Lạp dường như gợi ý là Chúa Giêsu không chỉ mong các tông đồ được bình an, mà còn nhắc nhở họ về bổn phận của mình là ngay thẳng và công bằng, như đã được nói đến trong Thánh Vịnh 85: “công chính bình an sẽ hôn nhau”.
Nhưng thực tế là chúng ta thấy lời chào này được viết bằng tiếng Hy Lạp trong Tin mừng không có nghĩa đó chỉ là một lời chào truyền thống của Hy Lạp. Trên thực tế, “bình anh cho anh em” là một lời chào truyền thống của người Do Thái và tiếng Ả Rập (cũng thường được sử dụng bởi các Kitô hữu Ả Rập, vừa là một lời chào vừa là một công thức phụng vụ). Trong cả hai ngôn ngữ, khi một người được chào bằng tiếng Do Thái “shalom Aleichem”, hay bằng tiếng Ả Rập “as-salaam alaykhum” (cả hai đều tương đương với “bình an ở cùng bạn”), câu trả lời thích hợp, điển hình là “aleichem shalom” hoặc “wa alaykumu as-salaam” (và bình an cũng ở cùng bạn), giống như khi các Kitô hữu đáp lại “và ở cùng Cha” trong các lễ nghi phụng vụ.
Thực ra, công thức phụng vụ Latinh được rút ra từ Kinh thánh bằng tiếng La tinh, Bản Phổ Thông (Vulgata), thậm chí còn giống với cả tiếng Do Thái và tiếng Ả Rập hơn, và được lấy cảm hứng từ một đoạn văn được tìm thấy trong Mátthêu 10:13 (Nếu là nhà xứng đáng, thì bình an anh em chúc sẽ đến trên nhà ấy; nhược bằng nhà ấy không xứng đáng, thì bình an anh em chúc sẽ trở lại về với anh em.): tiếng La tinh là “pax vestra revertetur ad vos”, “sự bình an sẽ trở lại với anh em”.
Tóm lại, có vẻ như rõ ràng rằng lời chào này không chỉ là lời cầu chúc cho nhau một cuộc sống bình an mà hơn nữa, là một lời nhắc nhở về câu phương châm trong Tin Mừng nói với chúng ta rằng, “Các ngươi xét đoán cách nào, thì sẽ bị đoán xét cách ấy; và các ngươi đong bằng đấu nào, thì người ta sẽ đong cho các ngươi bằng đấu ấy”. Đó là một lời nhắc nhở về bổn phận Kitô giáo trong việc tích cực xây dựng sự hài hòa ở nơi có sự bất hòa, như trong lời cầu nguyện hoàn hảo của Thánh Phanxicô: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù”.
Mười hai đoạn Kinh thánh đặc biệt về bình an.
– Isaia 41:10, “Đừng sợ hãi: có Ta ở với ngươi. Đừng nhớn nhác: Ta là Thiên Chúa của ngươi. Ta cho ngươi vững mạnh, Ta lại còn trợ giúp với tay hữu toàn thắng của Ta.”
– Thánh Vịnh 94:19, “Lúc ưu tư đầy ắp cõi lòng, ơn Ngài an ủi khiến hồn con vui sướng.”
– 1 Phêrô 5:7, “Mọi nỗi lo âu, anh em hãy trút cả cho Người, vì Người lo đến anh em.”
– Isaia 41:13, “Vì Ta, ĐỨC CHÚA, là Thiên Chúa của ngươi, Đấng cầm lấy tay phải ngươi và phán bảo: “Đừng sợ, chính Ta phù trợ ngươi.!”
– Philipphê 4:13, “Tôi có sức chịu mọi sự, trong Ðấng ban sức mạnh cho tôi.”
– Cách Ngôn 3:5, “Hãy hết lòng tin tưởng vào ĐỨC CHÚA, chớ hề cậy dựa vào hiểu biết của con.”
– Matthêu 11: 28, “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.”
– Thánh Vịnh 34:5, “Tôi đã tìm kiếm CHÚA, và Người đáp lại, giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng.”
– Cách Ngôn 12:25, “Mối lo lắng trong lòng khiến con người suy sụp, nhưng những lời tử tế làm cho họ hân hoan.”
– Gioan 14:27, “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.”
– Philipphê 4:6, “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện.”
– 2 Thessalonica 3:16, “Chúa là nguồn mạch bình an, xin Người ban cho anh em được bình an mọi lúc và về mọi phương diện. Xin Chúa ở cùng tất cả anh em!”
st