Nội dung bài nói chuyện của Đức Giáo hoàng Phanxicô với các giám mục Ba Lan, trong buổi hội kín, đã được công bố. Buổi gặp gỡ kín này diễn ra ngày 27 tháng bảy, tại nhà thờ chính tòa Krakow. Không có gì bí mật về cuộc họp này, bởi Vatican đã cho đăng tải tường thuật tóm tắt về những trao đổi giữa các giám mục Ba Lan và Đức Giáo hoàng, khi các vị đặt bốn câu hỏi và Đức Phanxicô trả lời.
Chủ đề về giới tính, là một trong những chủ đề Đức Giáo hoàng Phanxicô nói đến, khẳng định ngài đồng thuận với bậc tiền nhiệm Bênêđictô XVI.
‘Đây là tội chống lại Đấng Tạo Hóa. Ở châu Âu, châu Mỹ, Mỹ La tinh, châu Phi, và một vài nước châu Á, chúng ta thấy có một số thể loại thực dân tư tưởng thật sự. Và một trong số đó, tôi nói thẳng, là về giới tính. Ngày nay, các em, các trẻ em, được dạy ở trường rằng các em có thể chọn giới tính của mình. Tại sao chúng ta lại dạy điều này? Bởi sách vở phải viết theo ý những người và tổ chức tài trợ tiền cho trường. Đây là thực dân tư tưởng được hậu thuẫn bởi những nước có tầm ảnh hưởng lớn. Và chuyện này thật khủng khiếp. Khi nói chuyện với Đức Bênêđictô XVI, ngài vẫn khỏe và minh mẫn, ngài bảo tôi rằng: ‘Đức Giáo hoàng à, đây là thời đại của tội chống lại Đấng Tạo Hóa!’ Ngài là người thông tuệ. Thiên Chúa tạo dựng đàn ông và đàn bà, Thiên Chúa tạo dựng thế giới như thế này, như thế này đây… Và rồi chúng ta lại làm điều ngược lại.’
Giám mục thành Roma cũng suy tư về tình trạng của các giáo xứ.
‘Có những cấu trúc có giá trị nhưng thực sự cần được tu bổ. Vấn đề là cách chúng ta định hình giáo xứ! Có các giáo xứ với những chủ tịch hội đồng giáo xứ ‘như đồ đệ quỷ Satan,’ họ khiến mọi người e sợ. Có những giáo xứ với cánh cửa đóng chặt. Nhưng cũng có những giáo xứ với cánh cửa mở, những giáo xứ mà khi có người đến xin điều gì, họ sẽ nói: ‘Vâng, vâng? Mời ngồi. Có vấn đề gì vậy?’ Và họ kiên nhẫn lắng nghe.
Làm cha xứ ngày nay thật khó khăn, nhưng Chúa kêu gọi chúng ta để chúng ta mệt một chút, Ngài kêu gọi để chúng ta làm việc chứ không phải để nghỉ ngơi.
Tôi muốn kể chuyện về một giáo xứ ở Buenos Aires. Những người trẻ đến nhà thờ và nói: ‘Chúng tôi muốn cử hành hôn phối ở đây…’ và viên thư ký giáo xứ trả lời, ‘Được, đây là bảng giá.’ Làm thế không được, chuyện thế này không được xảy ra trong một giáo xứ.’
Về sự phi Kitô hóa và lòng thương xót, Đức Phanxicô nói:
‘Có một sự thế tục hóa mạnh trong thế giới hiện đại. Nó rất mạnh. Nhưng có người lại nói, ‘Ừ nó mạnh, nhưng anh cũng thấy hiện tượng tôn giáo đó,’ như thể ý thức tôn giáo đã được thức tỉnh. Và đây cũng có thể là một chuyện nguy hiểm. Tôi nghĩ rằng, trong thế giới tục hóa cao độ này, chúng ta còn đối diện với một mối nguy khác nữa, đó là nguy cơ tâm linh hóa ngộ đạo, nó là một dạng thế tục hóa tạo điều kiện cho chúng ta phát triển một đời sống thiêng liêng kiểu ngộ đạo. Mà đây là dị giáo đầu tiên trong Giáo hội, thánh Gioan tông đồ đã khiển trách nặng nề những người theo ngộ đạo thuyết, Một đường lối tâm linh chủ quan, không cần Chúa Kitô. Như tôi thấy, vấn đề nghiêm trọng nhất trong kiểu thế tục hóa này, là sự phi kitô hóa, loại trừ Chúa Kitô, loại trừ Ngôi Con. Họ nói rằng, tôi cầu nguyện, tôi cảm nhận, thế là đủ. Đó là Ngộ đạo thuyết.
Họ tìm Thiên Chúa mà không có Chúa Kitô, một Thiên Chúa không có Chúa Kitô, một dân tộc không có Giáo hội. Tại sao? Bởi Giáo hội là Mẹ đem lại sự sống và Chúa Kitô là anh cả của chúng ta, là Con của Cha trả lời với Cha và cho chúng ta biết danh Cha. Nhưng có một kiểu giáo hội mồ côi, bởi ngộ đạo thuyết thời nay là một dạng phi kitô hóa, họ không có Chúa Kitô, họ tạo nên một Giáo hội mồ côi, Kitô hữu mồ côi, một dân tộc mồ côi. Và chúng ta cần phải cho dân của mình nhận ra rằng, chúng ta có một Cha.
Và để như thế cần có sự gần gũi. Ngày nay, chúng ta, là các giám mục, linh mục, tu sỹ và giáo dân, những nô bộc của Chúa, chúng ta cần phải gần gũi với dân Chúa. Không có sự gần gũi, anh chỉ em chỉ có lời lẽ trống rỗng. Và sự gần gũi là công việc của lòng thương xót, cả phần xác và phần hồn. Nhưng các cha sẽ bảo, ‘Nói về lòng thương xót trong năm nay có vẻ hợp thời nhỉ…’ Không phải thế, đây là chuyện được viết trong Phúc âm. Gần gũi nghĩa là chạm đến thân thể Chúa Kitô. Và Giáo hội, vinh quang của Giáo hội là các thánh tử đạo, chắc chắn rồi, nhưng cũng là nhiều người nam nữ đã bỏ mọi sự và dành đời mình trong bệnh viện, trường học, ở với người bệnh và trẻ em…
Tôi nhớ, có một nữ tu ở Trung Phi, bà 83 hay 84 tuổi, gầy ốm, một bà tốt, bà đi với một cô gái trẻ … Bà đến chào tôi: ‘Con không phải ở đây, con ở bên kia sông, nước Congo, nhưng một lần một tuần, con đến đây để mua sắm, vì ở đây giá cả dễ chịu hơn.’ Bà nói với tôi là bà 83 hay 84 tuổi. ‘Con đã ở đây được 23 năm rồi. Con là bác sỹ khoa sản, đã đỡ đẻ cho 2000 đến 3000 đứa trẻ…’ Tôi mới hỏi bà đến đến một mình hay sao. Bà trả lời bà đến bằng canoe, ở tuổi 83. Phải mất một tiếng đi canoe để đến đây.’ Bà này, và nhiều người khác đã bỏ quê hương mình, bà là người Brescia nước Ý. Họ đã bỏ quê hương để chạm vào thân thể Chúa Kitô. Nếu đến thăm các nước truyền giáo, như ở rừng Amazon, Mỹ La tinh, khi viếng nghĩa trang, chúng ta sẽ thấy mộ của rất nhiều tu sỹ nam nữ chết trẻ vì hệ miễn dịch của họ không đủ mạnh để chiến đấu với các căn bệnh địa phương.
Lòng thương xót không phải là chuyện trong suy nghĩ. Mà là một tiến trình. Nếu nhìn vào Đức Phaolô VI, ngài đã nhiều lần nhắc đến lòng thương xót. Rồi Đức Gioan Phaolô II, là vị vua lòng thương xót,với thông điệp Chìm trong Lòng thương xót, việc phong thánh cho thánh Faustina, và ngài qua đời một ngày trước Lễ Lòng thương xót Chúa mà chính ngài đã ấn định.’
Nói về vụ việc cha Jacque Hamel bị quân ISIS giết hại, Đức Giáo hoàng nhận định.
‘Các hệ tư tưởng, đúng, nhưng ngày nay, cái hệ tư tưởng nằm ngay ở trung tâm và là mẹ của tham nhũng và chiến tranh, nó là gì? Là ngẫu tượng tiền bạc. Con người không còn được xem là đỉnh điểm của tạo hóa, mà là thần tài, là tiền bạc và tất cả những thứ có thể mua bán kiếm tiền. Tiền bạc nằm ở vị trí trung tâm.
Có một người Công giáo đã bị sốc và kể cho tôi, có lần ông đến gặp một người bạn làm chủ hãng. Ông này nói, ‘Tôi sẽ chỉ cho anh cách tôi làm ra 20.000USD mà không cần bước chân ra khỏi nhà.’ Từ California, ông lên mạng, mua lại một thứ, và sau hai mươi phút, chưa đầy 20 phút, ông đã kiếm được 20.000USD. Mọi thứ dao động quá nhanh.’
Về vấn đề di dân, Đức Phanxicô nói rằng, ngài nói chuyện với những nhà kinh tế học thế giới, những người thấy vấn đề này.
‘Họ nói rằng chúng ta cần phải đầu tư vào những nước này, đầu tư để họ có mảnh đất an bình và không cần phải di dân nữa. Nhưng, vấn đề là ở đó có chiến tranh. Có chiến tranh sắc tộc, có chiến tranh hệ tư tưởng, và có cả chiến tranh nhân tạo do tay những kẻ buôn bán vũ khí dựng lên, để kiếm tiền từ đó, họ đưa vũ khí cho bạn và cho kẻ đối đầu với bạn,. Họ kiếm tiền bằng cách đó. Sự tham tàn là gốc rễ của nạn di dân.
Vậy chúng ta có thể làm gì đây. Tôi tin rằng mọi quốc gia phải thấy ra cách thức và thời điểm, bởi không phải quốc gia nào cũng giống nhau, không phải quốc gia nào cũng có phương thế như nhau. Đúng, nhưng tất cả đều có những phương thế để quảng đại. Quảng đại như Kitô hữu. Chúng ta không thể đầu tư ở quốc gia này kia, nhưng có thể giúp được cho những người đến đây… Mà có biết bao nhiêu là người? Không thể đưa ra một câu trả lời chung hết, bởi đón nhận di dân luôn tùy thuộc vào hoàn cảnh và văn hóa của quốc gia đó.
Nhưng tất nhiên, chúng ta có thể làm được nhiều điều. Ví dụ cầu nguyện, một lần mỗi tuần, chúng ta có thể cầu nguyện với Thánh Thể, cầu cho những người bị kẹt ở cửa ngõ châu Âu, không thể vào. Có người xoay xở vào được, có người thì không … Có người lại chọn những con đường đầy nguy hiểm để vào. Có những quốc gia đã hòa nhập tốt những người nhập cư. Họ có thể hòa nhập tốt. Đáng buồn thay, nhiều quốc gia lại tạo nên những cộng đồng bị cô lập. Cần có một sự cải cách toàn cầu về vấn đề chào đón người di dân. Tuy nhiên, đây là một khía cạnh tương đối. Còn khía cạnh tuyệt đối là một tâm hồn mở rộng và chào đón. Đây mới là điều tuyệt đối. Với cầu nguyện và chuyển cầu, làm những gì mình có thể. Còn tương đối là những chuyện mà mình làm được còn người khác thì không. Nhưng di dân là vấn đề toàn cầu Là sự bóc lột công trình tạo dựng và bóc lột con người. Chúng ta đang sống trong một thời điểm hủy hoại con người, hủy hoại hình ảnh Thiên Chúa.’