CHẦU THÁNH THỂ CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI NGHÈO

290

CHẦU THÁNH THỂ

CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI NGHÈO

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN – 19.11.2017

  1. MỞ ĐẦU

– Kinh Chúa Thánh Thần

– Kinh Tin, Cậy, Mến, Sấp mình

– Lời dẫn khởi đầu

Kính thưa cộng đoàn,

Trong sứ điệp ngày 13.6.2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập “Ngày Thế Giới Người Nghèo, để các cộng đoàn Kitô hữu trên toàn thế giới ngày càng trở nên dấu chỉ cụ thể và rõ ràng, cho tình yêu thương của Chúa Kitô, đối với những người rốt cùng và túng thiếu nhất” (SĐ 6). Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta: Hãy dấn thân để Ngày Thế Giới Người Nghèo trở thành một Ngày Truyền Thống, đóng góp cụ thể vào việc loan báo Tin Mừng: một Tin Mừng mà cốt yếu “Là yêu thương cách chân thật, bằng việc làm” (1Ga 3,18); bằng việc đưa tay cho người nghèo, gặp gỡ, nhìn tận mắt, ôm lấy họ… sống lối sống chia sẻ với họ… làm cho họ cảm thấy hơi ấm của tình thương phá vỡ cô đơn; nhờ đó, làm nảy sinh niềm vui và sự thanh thoát, khi chúng ta được đụng chạm đến chính Thân Mình Chúa Kitô trong thân thể tàn tạ, thương tích của những  người nghèo, như khi chúng ta rước Mình Thánh Ngài trong bí tích Thánh Thể (x. SĐ 9, 3).

Một trong những điều mà vị cha chung của Giáo phận mời gọi tất cả các Họ đạo là cử hành một giờ Chầu Thánh Thể – suy niệm Kinh Lạy Cha theo Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân ngày thế giới người nghèo – để cầu nguyện đặc biệt cho những anh chị em đang gặp cảnh túng thiếu trong cuộc sống. Chúng ta hãy sốt sắng tham dự Giờ Chầu Thánh Thể thật ý nghĩa này.

– Chủ sự: Tiến ra cung thánh, đặt Mình Thánh Chúa.

– Hát (sau khi chủ sự đặt MTC)

  1. Con mến yêu tin thờ trong lòng. Cùng chút tình ngây thơ ngắm trông. Trong Thánh Thể Chúa Cả càn khôn. Hằng náu thân tù hãm vì con.

ÐK. Giờ đây hạnh phúc độc nhất đời con. Êm đềm Chúa nhìn hạnh phúc nào hơn. Lòng con ngây ngất tin Chúa, yêu Chúa. Trong tình Chúa yêu, con phó dâng tâm hồn. 

  1. Con khấn xin cho bậc tu trì. Hằng dõi đường chông gai Chúa đi. Luôn tiến thẳng tới đích tuyệt cao. Miệng hát ca lòng thỏa nhường bao.
  2. Con khấn xin cho đoàn chiên lành. Hằng quyết lòng nêu gương ái nhân. Yêu Chúa Cả lánh bỏ lợi danh. Vì Chúa không hề chút từ nan.

– Chủ sự: (Cầu nguyện ngắn trước Thánh Thể)

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con xin tôn thờ Thánh Thể Chúa, là trung tâm điểm của sự hiệp nhất và yêu thương, cho chúng con được đón nhận sức sống thần linh của Chúa. Chúng con chúc tụng tình yêu Chúa, tình yêu mà Chúa đã xuống thế làm người, cứu Chuộc chúng con bằng giá máu của Chúa. Chúng con cảm tạ muôn ơn lành Chúa đã thương ban cho chúng con, cho chúng con được tham dự vào thần tính của Chúa, được cùng với Chúa thân thưa với Thiên Chúa là “abba”, nghĩa là Lạy Cha. Với tất cả lòng tin kính, mến yêu và phó thác, chúng con xin dâng lên Chúa Giờ Chầu Thánh Thể đặc biệt này, để cầu nguyện cho những anh chị em nghèo khó, và cầu nguyện cho chính chúng con, cũng biết sống tinh thần khó nghèo, biết xót thương như Chúa đã tự hiến trọn vẹn để xót thương và cứu độ chúng con, qua cuộc khổ nạn và phục sinh, và trong Bí Tích nhiệm màu để trở nên lương thực nuôi dưỡng chúng con trong hành trình tiến về Quê Trời.

– Thinh lặng 2 phút.

  1. LỜI CHÚA VÀ SUY NIỆM
  2. Công bố Tin Mừng(Mt 6, 9-13)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.

Khi ấy Đức Giêsu phán rằng: Các ngươi hãy cầu nguyện thế này: Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ.

Đó là Lời Chúa.

  1. Suy niệm 1(Xin mời cộng đoàn ngồi)

Đức Thánh Cha Phanxicô trong sứ điệp ngày Quốc tế người nghèo đã viết: “Nền tảng căn bản của những sáng kiến nhân Ngày Quốc Tế này, bao giờ cũng nên là lời cầu nguyện. Chúng ta đừng quên rằng, Kinh Lạy Cha chính là lời Kinh của người nghèo. Việc cầu xin lương thực diễn tả niềm tín thác vào Thiên Chúa trong những nhu cầu căn bản của cuộc sống chúng ta. Như Chúa Giêsu đã dậy chúng ta cầu nguyện bằng lời Kinh ấy, nó diễn tả và đón nhận tiếng kêu than của những người đang phải đau khổ vì thiếu kế sinh nhai cũng như vì thiếu những nhu yếu phẩm trong cuộc sống. Khi các môn đệ xin Chúa Giêsu dậy cho họ cách cầu nguyện, Ngài đã trả lời cho họ bằng những lời của người nghèo; những người nghèo ấy hướng về một người Cha mà trước Ngài, tất cả đều nhìn nhận nhau như là những người anh chị em. Kinh Lạy Cha là một lời cầu nguyện trong số nhiều: Lương thực mà chúng ta cầu xin cho được, chính là lương thực “của chúng con”, và điều này mang theo mình sự chia sẻ, sự tham dự và trách nhiệm chung. Trong Lời Kinh ấy, tất cả chúng ta đều nhận ra sự đòi hỏi phải vượt thắng bất cứ mọi hình thức ích kỷ nào, để đạt tới được niềm vui của việc đón nhận lẫn nhau” (SĐ 8).

Thật vậy, ngày nay trên thế giới còn biết bao nhiều người nghèo: nghèo về vật chất, nghèo về miếng cơm manh áo, nghèo về tinh thần, nghèo về kiến thức, và nhất là nghèo về phẩm giá và tình yêu thương. Những người nghèo chung quanh chúng ta cần chúng ta cầu nguyện, nhưng quan trọng hơn, họ đang cần chúng ta sống những điều mà chúng ta cầu xin cách cụ thể trong đời sống hằng ngày.

Trong Giáo hội cũng như trong xã hội hôm nay, có biết bao người xả thân làm việc bác ái, biết bao những người thiện nguyện, biết bao các vị thừa sai, các tông đồ làm những việc hy sinh để phục vụ và thăng tiến phẩm giá của những người nghèo, nhưng vấn đề quả thực quá lớn lao đối với những giới hạn của con người. Tuy không thể làm được việc vượt quá sức tưởng tượng của con người, nhưng nhờ ơn Chúa trợ giúp, chúng ta vẫn phải làm hết sức để giúp đỡ đồng loại. Chúng ta cần phải có những việc làm cụ thể, những việc bác ái tỏa sáng. Chúng ta chỉ có thể mang lại cơm bánh cho những người nghèo khó, đói khát, khi chúng ta cũng trao cho họ chính lời cầu nguyện của chúng ta.

Chúng ta luôn có người nghèo, người đói, người khát ở bên mình. Chúa mời gọi chúng ta hãy đến với họ bằng tình yêu, bằng những việc làm tỏa hương, tỏa sáng. Họ đang cần chúng ta đến với họ, chia sẻ với họ không chỉ bằng cơm bánh mà bằng chính đời sống chứng nhân của chúng ta, để qua chúng ta họ nhận ra Chúa Giêsu. Với năm chiếc bánh và hai con cá nghĩa là sự đóng góp của chúng ta bằng chính con tim, bằng chính sự quảng đại, yêu thương, bằng chính thái độ đầy ắp Chúa của chúng ta qua việc làm đi đôi với niềm tin và lời cầu nguyện. Chắc chắn Chúa nhận lời chúng ta và chắc chắn phép lạ luôn diễn ra. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”. Hãy cầu nguyện cho anh chị em còn đang gặp những cảnh túng thiếu về vật chất cũng như tinh thần, xin cho họ được đầy đủ lương thực phần xác để sống đúng với phẩm giá của con người, và xin cho họ được no thoả lương thực thiêng liêng để có thể trở thành và sống trọn vẹn phẩm giá làm con Chúa.

– Thinh lặng 2 phút.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, khi cầu nguyện với Kinh Lạy Cha, lời cầu nguyện mà chính Chúa đã dạy chúng con, chúng con không thể đọc: “Lạy Cha chúng con”, nếu như chúng con không sống hiếu thảo với Chúa là Cha chung của mọi người, và không biết nhìn nhận tha nhân chính là anh chị em của con trong gia đình của Ba Ngôi Thiên Chúa. Cũng thế, chúng con không thể cầu nguyện: “xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”,nếu con cứ sống ích kỷ, hẹp hòi và khép kín trước những nhu cầu khẩn thiết của những anh chị em nghèo khó xung quanh chúng con. Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức từng lời mà chúng con cầu nguyện trong Kinh Lạy Cha. Xin cho chúng con biết sống với Lời Kinh mà Chúa đã dạy chúng con. Amen!

– Hát: (Xin mời cộng đoàn đứng)

  1. Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài gọi con trong đêm tối. Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài dạy con lúc lẻ loi. Xin cho con cất tiếng lên trả lời vừa khi con nghe Chúa. Xin cho con biết thân thưa: Lạy Ngài, Ngài muốn con làm chi?

ÐK. Lời Ngài là sức sống của con. Lời Ngài là ánh sáng đời con. Lời Ngài làm chứa chan hy vọng. Là đường để con hằng dõi bước. Lời Ngài đượm chất ngất niềm vui. Trọn vẹn ngàn tiếng hát đầy vơi. Lời Ngài đổi mới cho cuộc đời. Lời Ngài hạnh phúc cho đời ai.

  1. Suy Niệm 2(Xin mời cộng đoàn ngồi)

Trích Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân dịp Ngày Quốc Tế vì Người Nghèo lần thứ nhất.

“Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm”(1Ga 3,18). Những lời đó của Thánh Gioan Tông Đồ thể hiện một mệnh lệnh mà không có bất cứ Kitô hữu nào có thể lảng tránh. Lòng Xót Thương trào ra từ trái tim của Chúa Ba Ngôi làm nảy sinh nơi chúng ta lòng cảm thương và hành vi bác ái đối với anh chị em ở trong tình cảnh túng thiếu.

“Người nghèo kêu cầu và Chúa lắng nghe” (Tv 34,7). Giáo hội đã luôn luôn nhận ra tầm quan trọng của một tiếng kêu như thế. Giáo hội nhận thức được rằng, cuộc đời của người môn đệ Chúa Giêsu phải được diễn tả trong tình huynh đệ và tình liên đới, mà chúng tương ứng với giáo huấn có tính nền tảng của vị Thầy, Đấng đã từng tuyên bố rằng, phúc cho những ai nghèo khó vì Nước Trời là của họ (x. Mt 5,3).

Vì thế, chúng ta được kêu gọi hãy giơ cánh tay ra cho những người nghèo, hãy gặp gỡ họ, hãy nhìn vào đôi mắt của họ, hãy ôm lấy họ, và hãy làm cho họ cảm thấy được hơi ấm của Tình Yêu, mà hơi ấm ấy có khả năng bẻ gẫy vòng xoắn ma quái của sự cô đơn. Cánh tay, mà về phía mình, họ giơ ra cho chúng ta, chính là một lời mời gọi hãy bung mình ra khỏi những sự an toàn và những tiện nghi của chúng ta. Nó mời gọi chúng ta nhận ra sự giầu sang mà sự nghèo khó đã chuẩn bị sẵn trong chính nó. Chúng ta đừng quên rằng, đối với các môn đệ của Chúa Kitô, sự nghèo khó bao gồm một cách đặc biệt trong ơn gọi đi theo Chúa Kitô nghèo khó. Nó chính là con đường mà trên đó chúng ta đi theo Ngài, và trên đó, chúng ta lên đường cùng với Ngài; đó là một con đường mà nó dẫn tới hạnh phúc Nước Trời (x. Mt 5,3; Lc 6,20).

Chúng ta đều biết tới những khó khăn to lớn mà trong đó thế giới ngày nay đang đồng hóa mình với sự nghèo túng theo một cách thức rõ ràng. Nhưng những khó khăn đó cũng thúc giục chúng ta đi ra mỗi ngày, trong lúc chúng quan sát chúng ta với hàng ngàn khuôn mặt đang bị đánh dấu bởi sự đau khổ, bởi sự ruồng rẫy, bởi sự lạm dụng, bởi bạo lực, tra tấn, tù đầy, chiến tranh, bởi việc bị tước mất sự tự do và phẩm giá, bởi việc thiếu các cơ hội học tập, bởi nạn mù chữ, bởi tình trạng khốn khó về sức khỏe, bởi nạn thất nghiệp, nạn buôn người, nạn nô lệ, sự lưu đầy, nỗi khốn cùng và bởi việc bị ép buộc phải di cư.

Thật đáng khen thay những đôi tay nào giơ ra cho người nghèo để giúp đỡ họ vì đó là những đôi tay mang đến niềm hy vọng. Thật đáng khen thay những đôi tay biết vượt qua bất cứ mọi rào cản nào thuộc về văn hóa, tôn giáo và quốc gia để rưới dầu an ủi xuống trên những vết thương của nhân loại. Thật đáng khen thay những đôi tay biết mở ra mà không mong được đáp đền, không nói nếu, cũng không nói nhưng và cũng không có lẽ: những đôi tay ấy đang làm cho phúc lành của Thiên Chúa đổ xuống trên những người anh chị em.

Cha mời gọi toàn thể Giáo hội cũng như tất cả những ai thành tâm thiện chí, hãy hướng cái nhìn của mình về những con người đang cầu xin sự giúp đỡ với cánh tay giơ ra, cũng như đang hy vọng vào tình liên đới của chúng ta. Đó là những người anh chị em của chúng ta, được sáng tạo nên và được yêu thương bởi một người Cha trên Trời duy nhất. Trước tiên, Ngày Quốc Tế này muốn cổ vũ các tín hữu, để họ ngăn cản nền văn hóa vứt bỏ và nền văn hóa thừa thãi, bằng một nền văn hóa đích thực của sự gặp gỡ. Đồng thời, một lời mời gọi cũng được dành cho tất cả mọi người, không phụ thuộc niềm tin tôn giáo, để họ mở tấm lòng ra cho sự sẻ chia với những người nghèo, trong bất cứ hình thức liên đới nào, như là những dấu chỉ cụ thể của tình huynh đệ.

– Thinh lặng 2 phút.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG (Xin mời cộng đoàn đứng)

– Chủ sự: Lạy Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, chúng con xin cảm tạ tri ân vì muôn vàn ân huệ Chúa đã đổ xuống trên Giáo phận Cần Thơ chúng con, đặc biệt cho công cuộc “đến với muôn dân” tại vùng đồng bằng sông cửu long này, xin Chúa thương chấp nhận những lời tha thiết nguyện cầu của chúng con:

– Xướng: Xin Chúa cho công việc truyền giáo của Giáo phận Cần Thơ luôn sinh hoa kết trái dồi dào.

– Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.

– Xướng: Xin Chúa cho các nhà cầm quyền và các tổ chức xã hội, biết đồng hành và liên đới với nhau, trong công tác xoá đói giảm nghèo.

– Xướng: Xin Chúa cho mọi tín hữu trong Giáo phận luôn nhiệt thành giới thiệu Chúa Kitô cho những người khác bằng chính đời sống yêu thương phục vụ của mình.

– Xướng: Xin Chúa cho những anh chị em đang gặp cảnh khó khăn trong cuộc sống, được ủi an nâng đỡ, nhờ sự quan tâm chăm sóc của nhiều người.

– Kinh Lạy Cha

– Chủ sự : Lạy Chúa Giêsu, toàn Giáo phận Cần Thơ chúng con đang thực hiện Giờ Chầu Thánh Thể để cầu nguyện cho anh chị em đang sống trong hoàn cảnh nghèo khó, xin Chúa thương chấp nhận lời khẩn nguyện tha thiết của chúng con, để xin cho họ được Chúa ban nhiều ơn lành hồn xác, và xin cho mỗi người chúng con biết quảng đại chia sẻ những gì chúng con có và đáp ứng được phần nào những gì họ cần. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

  1. PHÉP LÀNH MTC(Xin mời cộng đoàn quỳ)

– Hát:

Này con là đá, trên viên đá này Cha xây Giáo Hội muôn đời kiên trung. Này con là đá Satan sức hùng mưu ma vẫy vùng không hề chuyển rung. Ta hãy cầu xin cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Chúa gìn giữ Người tăng gấp sinh lực và ban cho Người đời này hạnh phúc. Đừng trao Người cho ác tâm quân thù, đừng trao Người cho ác tâm quân thù.

– Chủ sự đọc lời nguyện cầu cho Đức Giáo Hoàng

– Hát: (Trong khi hát: Chủ sự xông hương MTC)

Đây nhiệm tích vô cùng cao quý, nào chúng ta phục bái tôn thờ. Và dấu tích ngàn xưa lưu ký, phải kính nhường nghi lễ mới đây. Ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì. Dâng về Chúa Cha và con Chúa, lời tán dương mừng chúc vang hoà, cùng vinh phúc quyền uy danh giá, tựa khói trầm bay toả ngát hương. Để tiến Chúa Thánh Linh nhân hậu, khúc tán dương cảm tạ suốt đời. Amen.

– Chủ sự đọc lời nguyện (Sau lời nguyện: Chủ sự nhận khăn vai)

– Phép lành Mình Thánh Chúa

  1. KẾT THÚC

– Hát: Kinh Hòa Bình (xin mời cộng đoàn đứng)

Lạy Chúa từ nhân! Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn ưu sầu.

Lạy Chúa xin hãy dạy con: Tìm an ủi người hơn được người ủi an. Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết. Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản than. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con. Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí. Ơn an bình.

– Kinh Cám ơn

– Hát:

  1. Mẹ ơi xứ đạo con đây, nguyện xin dâng hiến Mẹ Từ Bi, xin Mẹ luôn đỡ nâng phù trì và thương dẫn dắt trên đường đi.

ÐK: Me Maria, xin thương đến xứ đạo con đây. Ban nguồn an bình, hiệp nhất yêu thương. Mẹ luôn thăm viếng giúp đỡ mãi xứ đạo con đây. Trong tình yêu Mẹ liên kết muôn tâm hồn.

  1. Mẹ thương kết hợp đoàn chiên, được luôn duy nhất với chủ chiên. Cho dù bao khó nguy trên đường. Ðồng tâm nhất trí trong tình thương.

– Kinh Trông Cậy.