* Ông Bảy Vé Số
Không ai biết tên ông, chỉ biết ông thứ bảy. Ông bán vé số dạo, nên người ta gọi ông là ông Bảy Vé Số. Sáng Chúa Nhật, như mọi ngày, khi tan lễ, ông mở đầu một ngày bằng ly xây chừng ở quán cà phê Không Tên cuối nhà thờ, bên kia đường. Hôm nay cũng như mọi ngày, khi “trà dư, cà phê hậu”, ông cười đau cười đớn:
– Ông bà mình đã bảo: “Con đàn, cháu độc”. Tía tui có chẵn mười người con, trong khi tui được mỗn thằng cu Thanh Giang thì vợ tui chết. Tui bán vé số lấy tiền nuôi con ăn học. Vô đại học, nó phải lòng con bé Thanh Hà cùng lớp, cùng tuổi con trâu, người trên kênh, theo đạo Chúa. Chúng nó lấy nhau, bên nhà gái không đòi hỏi xu teng cắc bạc nào nhưng một mực đòi thằng Thanh Giang phải trở lại đạo. Thật ra từ xưa đến nay nhà tui có theo đạo nào đâu mà trở đi trở lại? Mình chỉ bắt chước người ta nhang đèn hương khói, cúng kiếng ông bà tổ tiên những ngày sóc vọng theo thói quen, ai làm sao mình làm vậy… Tui có hỏi anh chị sui gia: “Chưa nói chuyện bác ái, tui chỉ hỏi lẽ công bằng để đâu thôi? Sao anh chị không cho con Thanh Hà theo đạo nhà tui, mà lại bắt con tui theo đạo nhà anh chị?” Tui cứ ngỡ anh chị sui ngọng luôn. Ai ngờ hai người thay phiên nhau cho tui một bài dài gấp mấy lần ông cha giảng trên nhà thờ, nghe ngán tới cuống họng luôn… Họ tưởng tui cho con theo đạo là do họ thuyết phục. Không phải đâu. Thằng Thanh Giang theo đạo chỉ để lấy vợ thôi. Mình thương con, mình phải chịu lép một bề ấy mà…
Bỗng dưng, ông lên một cơn ho dữ dội. Một tay ông ôm ngực, tay kia vuốt vuốt cổ như làm cho cục nghẹn trong cuống họng trôi xuống. Ông đỏ mặt tía tai, vẫn cố nói bằng được:
– Ráng nói không lại quên mất tiêu… Tui nói tới đâu rồi nhỉ? Tới chỗ mình phải chịu lép một bề phải không? Được cái cưới về vợ chồng nó hòa thuận thương yêu nhau, không cãi lộn bao giờ. Con dâu tui đẻ một lèo ba năm ba thằng con trai, đứa nào cũng mau ăn chóng lớn. “Con độc, cháu đàn” mà. Thế có “đã” không? Năm nay chúng nó học lên cấp hai cả rồi. Ngày nào tụi nó cũng sáng lễ chiều chầu, lại còn tối nào cũng đọc kinh, tối kinh nào cũng không quên “xin cho ông bà tổ tiên được lên chốn nghỉ ngơi”… Tui buồn buồn, đọc kinh với tụi nó cho vui, rồi ghiền. Không biết con Thanh Hà có dạy con “xa luân chiến” với tui không? Chứ, nay đứa này: “Ông nội đi lễ với tụi con”; mai đứa khác: “Ông nội đưa con đi học giáo lý”; mốt đứa khác nữa: “Hỏi: Ta sống ở đời này để làm gì?” Tui bảo: “Để bán vé số, chứ để làm chi?” Tụi nó dạy khôn tui: “Ta sống ở đời này để nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, để làm việc lành theo ý Thiên Chúa, và để một ngày nào đó sẽ đạt tới quê Trời”. Tui giận quá, theo đạo luôn cho bõ ghét, mà cũng để đám con cháu mát ruột mát lòng…
Có tiếng ai đó từ bàn trong vọng ra. Ông Bảy cạn những giọt cà phê cuối cùng:
– A hèm! Thằng Ba Cu đó hả? Bay hỏi tao hôm nay sao không bán vé số như tụi bay ư? Ủa! Mà ba má bay cùng vợ chồng con cái bay học giáo lý dự tòng tới đâu rồi? Tới bài “Hội Thánh có năm điều răn” chưa? Bay có nhớ “Thứ nhất: dự lễ và kiêng việc xác ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc” không? Đạo Chúa hay quá trời quá đất luôn. Một tuần bảy ngày cũng phải có một ngày nghỉ chớ!
* Ông trương Đông
Ông phó trương Đông đã ngoài bảy mươi, vừa bằng tuổi, lại học cùng lớp với ông cố thân sinh cha xứ. Giống như hoàn cảnh ông Bảy Vé Số, vợ chết, ông ở vậy nuôi con. Buồn, ông lao vào việc hàng khu, hàng xứ. Nhưng bữa ăn nào ông cũng làm tí rượu để giải khuây. Ông muốn bỏ rượu mà không bỏ được. Thuốc lào cũng vậy, ông không bỏ được. Trước, ông làm quản coi sóc thiếu nhi, rồi làm trùm khu, rồi đang làm phó chủ tịch nội vụ ban thường vụ hội đồng giáo xứ khóa thứ hai liên tiếp. Ông cũng từng tham gia các hội đoàn, các phong trào đạo đức. Ông đã và đang là thành viên Gia đình Tận Hiến, là hội viên Legio Mariae, là một Cursillista, là người của huynh đoàn Đa Minh… Gần đây nhất, ông tham gia hội Mục vụ chăm sóc bệnh nhân… Ở giáo xứ này, người ta gọi các vị chánh phó trương trùm trưởng tân cựu một cái tên rất chung nhưng không kém phần trang trọng: ông trương, bà trương. Ông phó trương Đông cũng vậy, được gọi là ông trương Đông thôi.
Hôm ấy trời đã nhá nhem tối, sau khi tan lễ chiều không lâu, ông trương Đông vội vội vàng vàng, xồng xộc chạy thẳng vào nhà xứ, quên cả nhấn chuông cửa. Tới trước phòng cha xứ, chân phải vấp phải chân trái, ông ngã sõng soài trên nền gạch. Vừa bất ngờ vừa đau không chịu nổi, ông thảng thốt:
– Cha ơi! Cứu con với.
Cha xứ, vừa mới mừng sinh nhật thứ năm mươi tháng trước, đang sức trẻ, nhìn lên màn hình camera, thấy ông trương Đông nằm úp mặt dưới đất, mau mắn mở cửa chạy ra đỡ ông dậy. Ông xua xua tay như muốn nói ông bị ngã không hề hấn gì, có việc còn quan trọng hơn nhiều:
– Giêsu Ma… Lạy Chúa tôi! Cha ơi! Cha đi, đi ngay đi! Không thì ông Bảy Vé Số chết mất linh hồn mất.
Có cha xứ giúp, ông gượng đứng lên được. Họ vào phòng khách. Cha xứ vồn vã:
– Ông trương uống trà nhé! Hay cà phê? Bình tĩnh lại nào! Ông Bảy Vé Số sao cơ? Cha (ngôi thứ nhất số ít) mới Giải Tội, Xức Dầu, ban Mình Chúa như của ăn đàng tuần trước… Ông ấy tuy là tân tòng nhưng tỏ ra có “lòng tin mạnh mẽ, lòng cậy vững bền lòng kính mến sốt sắng” lắm mà.
– Không đâu cha ơi! “Sông sâu còn có kẻ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người?” Con đưa tượng chịu nạn, ông ấy hất ra. Con đọc sách lâm mệnh, khuyên lơn răn bảo, ông ấy một mực quay mặt vào tường. Hỏi, cô con dâu còn tiết lộ kinh khiếp lắm. Ông bắt con cháu thề khi ông chết không được chôn ông trong Đất Thánh giáo xứ, phải đem ra Rạch Giá hỏa thiêu, tro cốt gởi vô chùa. Vợ chồng thằng con Thanh Giang, Thanh Hà hiếu đễ lắm, không dám cãi lời cha đẻ đâu.
* Cha xứ
Ông bác sĩ vừa truyền dịch cho ông Bảy Vé Số xong. Ông Bảy hoàn toàn tỉnh táo, nói:
– “Còn nước còn tát”, bác sĩ cứ làm hết sức mình, còn thì phú thác cho Trời. Tui biết tui và cơn bệnh tật của tui mà, viện K chê rồi, ngày tui về với tổ tiên ông bà chẳng còn xa lắm đâu?
Lúc ấy, đường đã lên đèn. Cha xứ bước vào trong nhà ông Bảy Vé Số. Cha nói với ông bác sĩ:
– Cha nghe nói ông Bảy mệt, nên tới thăm. Cha nói chuyện với ông Bảy mấy câu được không?
Ông bác sĩ không vui lắm vì tuổi đời cha xứ chắc còn kém ông, nhưng một điều xưng cha, hai điều xưng cha với ông, một người ngoài công giáo:
– Được mà, được mà. Bệnh này tỉnh táo tới lúc chết. Tôi lại vừa truyền đạm, chích hai mũi thuốc khỏe. Xin ông cứ tự nhiên cho, ạ!
Sau khi đọc kinh và ban phép lành, cha xứ hỏi thăm bệnh tình rồi cầm tay ông Bảy, nhỏ nhẹ hết sức có thể:
– Cha xin lỗi ông Bảy. Cha nghe nói quý ông trong hội Mục vụ chăm sóc bệnh nhân tới thăm, ông Bảy không nghe, cứ quay mặt vào tường phải không?
Ông lên một cơn ho dữ dội. Cô con dâu vuốt vuốt ngực bố chồng như làm cho cục nghẹn trong ngực ông trôi xuống. Mắt ông xoe tròn, ngạc nhiên tột độ, rồi chợt nhớ ra, ông thều thào:
– Đâu có, đâu có! Cha biết mà. Con bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Nghe tin con xuất viện về, hội này hội kia, đoàn thể này đoàn thể khác tới đọc kinh đông lắm. Có khi người ta lỡ miệng cầu cho linh hồn Giuse như là con đã chết. Con sợ lắm. Nhà con chật hẹp, ngột ngạt quá. Bệnh con lại sợ mùi rượu và mùi thuốc lào. Con phải quay mặt vào tường chỉ để tránh mùi ông trương Đông thôi.
Cha xứ chợt hiểu:
– Thế còn ông bắt con cháu thề không được chôn ông trong Đất Thánh giáo xứ, phải đem ra Rạch Giá hỏa thiêu, tro cốt gởi vô chùa, phải không?
Hai giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt rúm ró:
– Có đấy, thưa cha! Cha mẹ, vợ chồng, con cái thằng Ba Cu cũng bán vé số như con. Chúng nó bỏ học giáo lý không chịu theo đạo nữa vì ông trương Ích, bà trương Y gì đó bảo nhà nó theo đạo chỉ để kiếm chỗ chôn trong đất thánh. Thưa Cha, thời nay có ai chết phải bó chiếu trôi sông mà không có đất chôn đâu?! Con cũng vậy, không theo đạo để kiếm chỗ chôn… Vả lại tro cốt tía má con đều gởi trên chùa. Con muốn sau khi chết, con được ở gần cha mẹ, thế thôi. Như vậy có được không? Có chối đạo không?
Cha xứ hoang mang. Cha khiêm tốn:
– Ông Bảy yên tâm nghỉ ngơi. Mình theo đạo là mình thờ phượng Chúa, yêu mến tha nhân. Tin Chúa chứ có phải tin ông trương nọ bà trương kia đâu?! Cha chưa gặp trường hợp nào như thế này, để cha hỏi Bề Trên rồi trả lời ông ngay ngày mai, nhé!
Về nhà, gọi điện mấy lần đều được nhà mạng trả lời không liên lạc được. Suốt đêm ấy cha xứ băn khoăn, trằn trọc không sao chợp mắt. Giữa sở học ở nhà trường và thực tế mục vụ giáo xứ phũ phàng, chua chát quá… Đã quá nửa đêm, cha còn bật dậy nhắn tin hỏi cha Lê Thành Đạo, cha giáo dạy môn Thần Học Bí Tích trên chủng viện Cần Thơ về nố ông Bảy Vé Số.
Gần về sáng, cha xứ mệt lả người đi. Cha thiu thiu, mơ màng ngủ thì nghe thấy tiếng chuông nhà thờ. Rồi có tiếng ông trương Đông:
– Cha ơi! Cha có dậy dâng Thánh Lễ được không? Cha có dâng lễ đưa chân ông Bảy Vé Số được không? Ông trùm Tây vừa vào trình, ông Bảy mới mất, lúc ba giờ rưỡi sáng… Chẳng biêt ông ấy chết lành hay chết dữ nữa, cha ơi?
Lãongu