Lời mở
Phaolô là người đã chống lại Chúa Kitô để bảo vệ Luật Môsê. Nhưng sau biến cố trên đường Đamát, ngài đã biết sự thật về Chúa Kitô, đồng thời cũng nhận ra mình đã được Người thương xót. Ngài thuật lại trong thư thứ nhất gửi Timôthê: “Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin” (1Tm 1, 13). Kể từ đó, ông đã tách lìa hoàn toàn khỏi điều mà trước đây dường như là quan trọng nhất đối với ông, để gắn bó với Chúa Kitô: “Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô” (Pl 3, 7-8). Hướng đi mới này dẫn ngài đến chỗ nhận thức rằng mọi điều tốt lành xưa kia chẳng là gì khi so với Chúa Kitô. Không phải tự thân chúng không là gì cả, nhưng khi so sánh với Chúa Kitô thì chúng chẳng có giá trị gì. Chúa Kitô đã trở thành sự sống của Phaolô và là tất cả đối với Phaolô[1].
Khi Chúa Giêsu hỏi Phaolô: “Tại sao anh bắt bớ Ta?”, thánh bất thình lình hiểu ra mình đã nhầm lẫn, nhờ việc gặp gỡ trực tiếp với sự thật. Ngài biết mình phải làm lại, suy nghĩ lại trong mọi sự từ đầu đến cuối. Tin Mừng Mátthêu trong chương 13 đã mô tả một tình huống tương tự: một thương gia tìm được viên ngọc quí liền nhận ra rằng mọi sự khác chẳng có giá trị gì. Người tìm ra kho báu giấu trong ruộng cũng nhận ra bây giờ mọi sự khác không có giá trị gì. Điều xảy ra cho Phaolô trên đường Đamát là ngài đã lãnh nhận một mặc khải về Chúa Giêsu. Mạc khải đó đã làm đảo lộn hoàn toàn hướng đi nội tâm của ngài. Mọi sự đã được ban cho ngài. Sự thay đổi của ngài không phải vì sức mạnh của bản, việc suy niệm, cầu nguyện lâu giờ hay ăn chay đánh tội. Mọi sự được ban cho ngài để ngài có thể là một dấu chỉ cho mọi người về lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng luôn luôn đi bước trước, trước khi chúng ta tìm kiếm Ngài.
1. Nhận thức của thánh Phaolô về việc trở lại với Chúa Kitô.
Phaolô sử dụng Cựu Ước để mô tả điều đã xảy ra cho ngài: “Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi,” (Gl 1, 16), người đi bước trước trong cuộc hoán cải không phải là Phaolô mà là Thiên Chúa. Mọi hành động là do Thiên Chúa. Ngài là tác giả của việc hoán cải. Mọi sự được ban cho ngài nhờ việc biết Chúa Giêsu. Chúng ta đã thấy Phaolô mô tả cuộc trở lại của ngài trong một cuộc gặp gỡ. Chúa Kitô là mạc khải của lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tôi.Chúa Kitô là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Phaolô[2]. Ngài còn thấy ơn gọi của mình được Thiên Chúa tuyển chọn trước khi tạo dựng vũ trụ: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người” (Ep 1, 4).
- Thánh Phaolô đã cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình qua Đức Kitô.
Phaolô đã cảm nghiệm tình yêu cứu độ của Thiên Chúa trong Chúa Kitô. Tột đỉnh của tình yêu này là cái chết của Chúa Kitô trên thập giá với tính cách là hy tế đền tội: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20). Như thánh Gioan tông đồ, Phaolô hiểu rằng Chúa Giêsu Kitô là mức độ tận cùng của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”(Ga 3, 16).
Khi nói về tình yêu của Thiên Chúa, Phaolô thường qui chiếu đến việc cứu chuộc của Chúa Kitô. Tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ cả nơi thập giá và trong việc kêu gọi, tuyển chọn ngài: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô”(Ep 1, 4-5).
Phaolô đã hiểu tội lỗi của mình được Thiên Chúa tha thứ và cứu chuộc do tình yêu vô biên của Ngài: “Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5, 8). Tình yêu đó làm cho ngài được sống với Đức Kitô: “Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ!” (Ep 2, 4-5). Nhờ tình yêu của Thiên Chúa mà ngài có được niềm an ủi và cậy trông giữa cuộc đời đầy sóng gió của mình: “Xin chính Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, và xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta và đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp” (2Tx 2, 16).
- Thánh Phaolô say mê thập giá Chúa Kitô.
Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, Phaolô đã viết: “Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2, 1-2). Đây là sự say mê thập giá Chúa Kitô của Phaolô. Đối với Phaolô, thập giá Chúa Kitô không chỉ là nền tảng cho ơn cứu độ loài người, nhưng còn là nền tảng của việc Thiên Chúa tự mạc khải chính Ngài nữa. Chính vì thế, khi thấy có những Kitô hữu không có đức tin vào thập giá của Chúa Giêsu thì Phaolô đã phải thốt lên: “Vì, như tôi đã nói với anh em nhiều lần, và bây giờ tôi phải khóc mà nói lại, có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô” (Pl 3, 18).
Điều đánh động nhất là Phaolô đã tố cáo điều sai lầm này và đã khóc khi lặp lại lời này nhiều lần. Ai là kẻ thù của thập giá Chúa Kitô? Phaolô khóc khi thấy rằng họ dấn mình vào các việc hy sinh vô ích và có hại. Đây là những người Kitô hữu gốc Do Thái mà chúng ta đọc trong phần đầu của chương 3 trong thư Philiphê: “Anh em hãy coi chừng quân chó má! Hãy coi chừng bọn thợ xấu! Hãy coi chừng những kẻ giả danh cắt bì” (Pl 3, 2). Những người này cho rằng họ có thể tự cứu lấy mình nhờ các công việc của họ, nhờ các hy sinh và từ bỏ của họ, nhờ việc cắt bì và giữ luật Môsê. Và họ không có đức tin vào thập giá của Chúa Giêsu. Họ là những kẻ tìm kiếm sự công chính hóa nhờ việc tuân giữ lề luật, họ loại bỏ ơn cứu độ đến từ tình yêu tha thứ của Thiên Chúa.
Cũng có những người loại bỏ mầu nhiệm thập giá của riêng họ. Họ không muốn cộng tác với tình yêu của Chúa Giêsu, đi ngược lại với cách sống của Phaolô: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1, 24). Cuối cùng, có những người sống thiếu tinh thần hy sinh. Trước hết là thiếu đức tin vào Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta vô cùng và rộng lòng thứ tha cho chúng ta. Tình yêu của Đấng chịu đóng đinh trên thập giá đã trở thành động lực giúp Phaolô sống đời truyền giáo hăng say nhiệt thành: “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết” (2Cr 5, 14). Cả đời ông chỉ có mục đích làm cho người ta yêu mến Chúa Kitô là Đấng đã yêu thương chúng ta quá đỗi.
- Thánh Phaolô chứng tỏ tình yêu của ngài đối với Chúa qua việc yêu thương dân Do Thái, và Nhiệm Thể của Chúa Kitô là Giáo Hội.
Như lời thánh Gioan Tông đồ nói: “Nếu ai nói:Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1Ga 4, 20-21), vì vậy thánh Phaolô đã diễn tả tình yêu của mình đối với Thiên Chúa qua sự quan tâm sâu sắc của ngài dành cho những người đồng bào Do Thái là Dân riêng đã được Thiên Chúa tuyển chọn: “Lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi. Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Kitô, thì tôi cũng cam lòng” (Rm 9, 2-3). Với tư cách là một Kitô hữu và là một tông đồ, thánh Phaolô mặc dù có quan điểm bất đồng với dân Do Thái nhưng ngài vẫn tha thiết yêu thương họ. Ngài không chối bỏ nguồn gốc của mình.
Đối với các cộng đoàn do chính thánh nhân sáng lập, ngài có tình cảm vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ. Ngài đã không do dự diễn tả những cảm xúc này: “Thật thế, tôi đã vô cùng đau khổ, con tim se thắt, nước mắt chan hoà khi viết cho anh em: tôi viết không phải để gây ưu phiền, nhưng là để cho anh em biết tôi hết lòng yêu mến anh em” (2Cr 2, 4), và ngài còn cho thấy tấm lòng của mình đối với họ: “Thưa anh em người Côrintô, chúng tôi đã chân thành ngỏ lời với anh em, chúng tôi đã mở rộng tấm lòng” (2Cr 6, 11). Ngài đã nối kết cuộc đời mình với họ: “Tôi nói thế không phải để lên án anh em, vì tôi đã từng nói: anh em hằng ở trong lòng chúng tôi, sống chết chúng ta đều có nhau” (2 Cr 7, 3).
Chỉ những ai yêu thương rất nhiều mới có thể nói một cách thành thực như thánh Phaolô và được chấp nhận. Tình yêu của ngài thì thực tế và trung tín. Thánh Phaolô có những cảm xúc nồng nhiệt nhất là dành cho tín hữu ở Philipphê: “Tôi có những tâm tình như thế đối với tất cả anh em, đó là điều hợp lý, bởi vì tôi mang anh em trong lòng tôi. Khi tôi bị xiềng xích, cũng như lúc tôi bênh vực và củng cố Tin Mừng, anh em đều thông phần vào ân sủng tôi đã nhận được. Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi: tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình thương của Đức Kitô Giêsu” (Pl 1, 7-8).
Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Thessalonica, ngài cũng diễn tả những cảm xúc như vậy: “Phần chúng tôi, thưa anh em, phải xa cách anh em một thời gian ngắn, xa mặt chứ không cách lòng, chúng tôi càng cố gắng hơn để lại thấy mặt anh em, vì chúng tôi rất ước ao điều đó. Bởi vậy chúng tôi đã muốn đến thăm anh em” (1Tx 2, 17-18).
Tình yêu của thánh Phaolô cũng được đáp trả, nhưng điều này không làm giảm bớt sự tự do của ngài trong việc thực thi sứ vụ của mình vì lòng mến Chúa Giêsu: “Nghe vậy, chúng tôi và các người địa phương nài xin ông Phaolô đừng lên Giêrusalem. Bấy giờ ông Phaolô trả lời: ‘Có gì mà anh em phải khóc và làm tan nát trái tim tôi? Phần tôi, tôi sẵn sàng không những để cho người ta trói, mà còn chịu chết tại Giêrusalem vì danh Chúa Giêsu“(Cv 21, 12-13).
- Thánh Phaolô khao khát ở với Chúa Kitô
Thánh Phaolô đang bị giam tù, sống trong một hoàn cảnh bấp bênh. Khi nghĩ đến điều đang đợi mình trong tương lai, ngài viết: “Vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi. Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần: nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em” (Pl 1, 21-24). Chúng ta hãy suy nghĩ lời này: “Ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô”. Thuật ngữ “ao ước” trong tiếng Hy lạp là epithymia có nghĩa là “thèm thuồng”, đặc biệt là những điều tốt cho thân xác. Thánh Phaolô áp dụng thuật ngữ này cho việc ở với Chúa Kitô để chỉ ra rằng nỗi khao khát của ngài không chỉ là của trí khôn, nhưng bao gồm cả thân xác, cuộc sống, tâm tư tình cảm của ngài nữa. Phaolô còn dùng thuật ngữ này trong thư thứ nhất Thessalonica: “Phần chúng tôi, thưa anh em, phải xa cách anh em một thời gian ngắn, xa mặt chứ không cách lòng, chúng tôi càng cố gắng hơn để lại thấy mặt anh em, vì chúng tôi rất ước ao điều đó” (1Tx 2, 17). Đây là nỗi khát khao cuồng nhiệt của một người đang yêu và muốn ở với người mình yêu, muốn thấy diện đối diện với người ấy.Như thế, được ở với Chúa Giêsu là nỗi khao khát, chờ mong cháy bỏng của thánh Phaolô[3].
Việc “ở với Chúa Giêsu” này có một lịch sử, có những giai đoạn, như một cuộc hành trình. Để hiểu các giai đoạn khác nhau, chúng ta sẽ đọc lại thư Rôma, trong đó thánh Phaolô trình bày một tổng hợp với nhiều cảm xúc. Ngài có khả năng diễn tả nó bởi vì ngài có kinh nghiệm trong cuộc đời về những gì Chúa Kitô đã làm cho ngài.
Giai đoạn đầu tiên là chết cho tội lỗi: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao?” Sau đó ngài nhấn mạnh đến các hệ quả của việc được dìm vào trong cái chết của Chúa: được mai táng với Chúa, nên một với Chúa, con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Chúa (x. Rm 6, 4-6). Và ngài nói thêm: “Vậy tội lỗi đừng có thống trị thân xác phải chết của anh em nữa, khiến anh em phải nghe theo những dục vọng của thân xác. Anh em đừng dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều bất chính, phục vụ cho tội lỗi nữa. Trái lại, anh em là những người sống đã từ cõi chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa. Tội lỗi sẽ không còn quyền chi đối với anh em nữa” (Rm 6, 12-14). Bước thứ hai của việc “chết cho tội lỗi” được thực hiện trong việc “chết đi cho cái tôi”, để đi vào thái độ của Chúa Giêsu: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”(Gl 2, 20).
- Chúng ta noi gương thánh Phaolô
Câu hỏi của Tin Mừng không phải ‘tôi là ai?’ nhưng là “tôi thuộc về ai?”. Tôi thuộc về Thiên Chúa của tình yêu hay là tôi thuộc về tiền tài, danh vọng, thuộc về các thú vui trần thế? Khi chịu phép rửa tội, chúng ta đã bước vào giao ước yêu thương gắn bó với Chúa Giêsu. Chúa muốn chúng ta mở mắt để nhìn thấy Ngài đã bước vào đời chúng ta, mở tai để nghe lời Ngài nói với chúng ta, những lời yêu thương, những lời ban sự sống và mở con tim để Chúa bước vào tâm hồn chúng ta, trở nên đối tượng duy nhất của tình yêu chúng ta, trở nên lẽ sống của cuộc đời chúng ta. Điều quan trọng trong cả cuộc đời chúng ta là làm sao để xây dựng mối liên hệ quan trọng nhất, mối liên hệ tuyệt đối cần thiết với Chúa Giêsu Kitô. Và chúng ta phải xây dựng mối liên hệ yêu thương với Chúa trước đã, một khi mối liên hệ đó vững vàng rồi thì mọi sự khác sẽ trở nên dễ dàng vì Chúa sẽ hoạt động trong chúng ta.
Chúng ta cần xin ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp để có thể nhận ra và “thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết” (Ep 3, 18-19). Điều khó nhất là làm sao chúng ta có thể bước vào đại dương tình yêu đó, nếm được tình Chúa một lần trong đời. Tình Chúa nếm qua một lần rồi thì sẽ không bao giờ quên được. Chúng ta tuy yếu đuối, nhưng cần nhớ rằng ngay cả tội lỗi chúng ta đã phạm, Chúa để nó xảy ra cũng là dịp để Ngài thi thố tình yêu vô biên và để chúng ta cảm nghiệm được tình Chúa một cách sâu xa hơn, vì “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8, 28).
Kết luận
Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu của Ngài dành cho mỗi người chúng ta qua cuộc đời và cái chết của Chúa Kitô trên thập giá. Thánh Phaolô đã cảm nghiệm được tình yêu đó và đã say mê đáp lại tình yêu của Thiên Chúa qua việc bắt chước Chúa Kitô: sống yêu mến vâng phục thánh ý Chúa Cha và tận tâm yêu thương phục vụ mọi người. Thánh nhân đã không quí gì hơn tình yêu Chúa Kitô. Đây cũng là giới răn trọng nhất của Kitô giáo: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi” (Lc 10, 27). Nếu trái tim của chúng ta còn hờ hững với Chúa Kitô, chưa say mê yêu mến Chúa như thánh Phaolô, chúng ta cần xin Chúa Thánh Thần đốt lên trong lòng chúng ta ngọn lửa yêu mến đó. Đồng thời chúng ta cần đọc và suy niệm sâu xa hơn những đoạn Kinh Thánh nói về tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, nhất là cố gắng thực thi lời Chúa dạy: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy”(Ga 14, 23).