Chúc bình an

74

Trong thánh lễ, có nhiều lời cầu chúc bình an. Phần nguyện lễ, vị chủ tế nhắc lại lời Chúa nói với các tông đồ: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con…”. Trước khi mời cộng đoàn chúc bình an cho nhau, vị chủ tế cũng mở lời: “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em”. Ở kinh Lạy Chiên Thiên Chúa, cộng đoàn cầu nguyện: “… xin ban bình an cho chúng con”.

Trong Kinh Thánh, mỗi khi sai các môn đệ ra đi, Chúa Giêsu luôn căn dặn các ông khi vào bất cứ thành nào, làng nào hay nhà nào, thì trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” (x. Mt 10,11-13; Lc 10,5-6). Thánh Phaolô cũng thường bắt đầu và kết thúc những lá thư của ngài bằng lời chúc bình an.

Cử chỉ trao ban bình an có ngay từ thời các tín hữu tiên khởi. Điều này đã được thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu ở Côrintô: “Anh em hãy hôn chào nhau một cách hôn thánh thiện”(1Cr 16,20); tuy nhiên không biết diễn ra khi nào, rất có thể trong những buổi họp nhau thờ phượng của các tín hữu, vì lá thư này được viết cho cả cộng đoàn, không cho riêng một cá nhân.

Việc trao hôn bình an trong cộng đoàn ở thế kỷ II diễn ra sau lời nguyện chung và trước khi dâng của lễ. Vào đầu thế kỷ IV, việc trao hôn bình an lại được đặt sau thánh lễ nhưng đến cuối thế kỷ này, trong phụng vụ thời thánh Ambrôsiô thành Milan, việc trao chúc bình an lại diễn ra trước khi lễ vật được mang lên bàn thờ, giống với thế kỷ II. Khoảng thế kỷ X, kinh xin ơn bình an và hiệp nhất cho Hội Thánh được đưa vào thánh lễ, khi lễ chặng viếng Rôma được đưa qua Pháp và Đức. Vào thời Trung Cổ, khi việc rước lễ trở nên hiếm hoi thì trao hôn bình an trở thành phần bổ túc của việc rước lễ qua cử chỉ linh mục hôn bàn thờ rồi trao hôn bình an cho hàng giáo sĩ và những người này trao lại cho giáo dân. Thời Công đồng Triđentinô, cử chỉ chúc bình an ít khi được thấy, chỉ trừ những ngày lễ trọng.

Công đồng Vaticanô II đã lấy lại nghi thức chúc bình an và đặt ngay sau kinh Lạy Cha, như thời của Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả.

Sau Công đồng, có một vài ý kiến về việc thay đổi thời điểm cộng đoàn chúc bình an cho nhau nhưng trong một Thư luân lưu mới đây, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích công bố rằng thời điểm chúc bình an trong thánh lễ không thay đổi và nhắc nhở rằng: “Nếu các tín hữu không hiểu và không bày tỏ, qua cử chỉ của mình, ý nghĩa thực sự của việc chúc bình an, quan niệm Kitô giáo về bình an của họ sẽ trở nên nghèo nàn, và việc tham dự thánh lễ thiếu tính hiệu quả”.

Việc chúc bình an là dấu chỉ của sự hòa giải, yêu thương và hiệp nhất.  Nơi nào có bình an, nơi đó hòa thuận và hòa bình, vì bình an bao gồm cả hòa thuận lẫn hòa bình. Bình an không được tạo ra bởi luật lệ hay giao ước nhưng bằng tình yêu.

Bản chất của lời chúc bình an là sức mạnh tâm linh, bắt nguồn từ thánh ý của Chúa Giêsu bởi khi Phục Sinh, Chúa hiện ra với các tông đồ và nói: “Bình an ở cùng các con”.

Khi hiểu thấu đáo về lời chúc bình an, Kitô hữu sẽ không thể hiện cử chỉ này một cách máy móc hoặc khiên cưỡng mà sẽ sống và lan tỏa bình an cho cuộc đời, cho muôn người.

Previous articleLogo chính thức của ngày phong thánh Mẹ Têrêsa
Next articleFatima kỷ niệm 100 năm