Trong một thế giới đau khổ vì khủng hoảng mồ côi, chúng ta có Mẹ đồng hành và bảo vệ. Đây là thông điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong bài giảng thánh lễ ban sáng ngày thứ năm 15-9 tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta, nhân lễ Đức Mẹ Sầu bi.
‘Bài Phúc âm trong ngày kể lại cảnh trên đồi Núi Sọ. Các môn đệ bỏ trốn hết, trừ thánh Gioan và vài phụ nữ. Dưới chân thập giá, là Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu. Mọi người đều nhìn Mẹ mà nói, ‘Đấy là mẹ của tên tội phạm này! Đấy là mẹ của tên phiến loạn này!’
Và Đức Mẹ nghe hết những lời đó. Mẹ chịu đựng sự sỉ nhục khủng khiếp. Và Mẹ cũng nghe một vài trùm đạo, thậm chí một vài tư tế, những người mà Mẹ tôn trọng vì họ là tư tế, họ mở miệng nói với Con Mẹ đang trần truồng trên thập giá rằng, “Ông giỏi thế, thì xuống đây! Xuống đây!’ Và Đức Mẹ chịu đau đớn vô cùng, nhưng không bỏ đi. Mẹ không chối bỏ Con mình! Ngài là máu mủ của Mẹ.
Hồi ở Buenos Aires, khi đến thăm các tù nhân, cha luôn thấy một hàng dài các phụ nữ đang chờ được vào. Họ là các bà mẹ. Họ không xấu hổ, máu mủ của họ đang ở trong đó. Và những phụ nữ này không chỉ chịu đựng nỗi sỉ nhục khi đến đó, kiểu như ‘Nhìn bà ta kìa! Con trai bà ta đã làm gì?’ Mà họ còn chịu đựng sự hạ nhục xấu xa khi bị lục soát trước khi vào bên trong. Nhưng họ là những người mẹ, và họ đến đó tìm máu mủ của mình. Đức Mẹ cũng thế, Mẹ ở đó với Con mình, chịu vô vàn đau khổ.
Chúa Giêsu đã hứa sẽ không để chúng ta mồ côi, và trên thập giá, Ngài đã trao Mẹ Ngài làm Mẹ chúng ta. Kitô hữu chúng ta có Mẹ, là Mẹ Chúa Giêsu, chúng ta có Cha, là Cha Chúa Giêsu. Chúng ta không mồ côi.
Và Mẹ sinh ra chúng ta trong khoảnh khắc sầu thảm tột độ đó. Mẹ thật sự tử đạo. Với một trái tim bị đâm thâu, Mẹ chấp nhận sinh ra tất cả chúng ta trong khoảnh khắc sầu thảm tột độ đó. Từ khoảnh khắc đó, Mẹ trở thành Mẹ chúng ta, từ lúc đó Mẹ là người chăm sóc cho chúng ta và không hổ thẹn vì chúng ta.
Các nhà thần nghiệm trong những thế kỷ đầu tiên, khuyên chúng ta nép dưới tà áo Mẹ Thiên Chúa trong những cơn náo động tâm hồn. Bởi ma quỷ không thể vào đó. Mẹ Maria là Mẹ, và sẽ bảo vệ cùng biện hộ cho ta như người mẹ. Phương Tây đã ghi lòng lời dạy đó và soạn bài điệp ca Maria bằng tiếng La Tinh: Sub tuum praesidium, ‘dưới tà áo Mẹ, dưới sự che chở, Ôi Mẹ con!’ Ở đó, chúng ta được an toàn.
Trong một thế giới có thể gọi là mồ côi, trong một thế giới chịu khủng hoảng trầm trọng của cảm nghiệm mồ côi, có lẽ sự giúp đỡ cho chúng ta nằm nơi lời nói “Nhìn lên Mẹ mình!’ Chúng ta có Mẹ bào chữa, dạy bảo, đồng hành với chúng ta, và không xấu hổ vì tội lỗi chúng ta. Mẹ không xấu hổ, bởi Mẹ là Mẹ chúng ta.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần, là bạn và đồng hành cùng chúng ta trên đường, là Đấng Bào chữa mà Chúa Giêsu đã gởi đến, xin Ngài cho chúng ta hiểu mầu nhiệm vô cùng của tình mẫu tử nơi Đức Mẹ Maria.’