CHUYỆN HÌNH HÀI TRONG THÁNH LỄ

134

CHUYỆN HÌNH HÀI TRONG THÁNH LỄ

          Chưa bao giờ mà các thiết bị nghe nhìn phát triển như ngày hôm nay. Máy quay phim không còn ở hệ Pal hay NTSC như ngày xưa nữa mà đã lên đến Full HD và cả 4K nữa. Qua những thiết bị đó, những hình ảnh sắc nét đến từng chiếc mụn nho nhỏ trên luôn mặt cũng không qua khỏi.

          Đứng trước những “camera man” nhiều người vui vẻ vì có hình đẹp nhưng cũng có nhiều khó chịu khi bị săn ảnh. Với người biết quay biết chụp thì họ không cần di chuyển rối như những “thợ ảnh nông dân”. Cũng từ đó, bao nhiêu rắc rối và cả bực mình xảy đên nhất là trong những Hội Nghị trang nghiêm hay Thánh Lễ sốt sắng.

          Ngay cả Đức Thánh Cha Phanxicô dù hiền dịu lắm nhưng Ngài cũng không vui khi bắt gặp quá nhiều chiếc máy ảnh bỏ túi (cell phone) đưa lên trong Thánh Lễ. Đức Thánh Cha nói luôn chứ không quanh co rằng khi linh mục chủ tế nâng Mình Máu Thánh Chúa lên thì cộng đoàn hướng về Chúa với tất cả tâm tình chứ không phải giơ chiếc điện thoại lên.

          Lời nhắc nhở của Đức Thánh Cha quá đúng và quá chuẩn. Tưởng chừng người ta sẽ ý thức hơn nhưng rồi tiếng chuông vẫn đổ và màn hình điện thoại vẫn đưa lên khi Thánh Lễ được cử hành.

          Và chắc hẳn, chuyện quay phim chụp hình trong Thánh Lễ là điều cần loại trong Thánh Lễ để Thánh Lễ được trang nghiêm nhưng thiển nghĩ cấm tất cả mọi máy kể cả máy của Truyền Thông của Giáo Phận hay của Giáo Xứ thì quả là điều đáng suy nghĩ.

          Ta cứ thử hỏi đời người Thêm Sức chỉ 1 lần và đẹp lắm ngày đầu tiên Rước Chúa. Ấy vậy mà trên những chiếc loa cứ văng vẳng bên tai đến khó chịu: “Nghiêm cấm chụp hình”. Và, thử hỏi trong những Thánh Lễ hồng ân tuyên khấn và phong chức linh mục thì có cần phải chụp những tấm hình lưu niệm không ? Kèm theo đó, tang Lễ của cha mẹ ai đó có cần giữ lại những ký ức cuối cùng trong Thánh Lễ an táng hay không ?

          Nếu ai can đảm không cần những tấm hình ghi dấu ngày hồng ân đó thì coi như miễn bàn. Nếu như thế thì người đó cũng chả cần chụp hình cá nhân làm gì để đến khi chết khỏi có di ảnh luôn cho nó lành.

          Còn nhớ, một số Thánh Lễ đâu đó, vị MC vui vẻ nói trước công chúng : “Giáo Phận chúng ta là Giáo Phận không có chuyện ghi hình chụp ảnh trong Thánh Lễ để giữ trang nghiêm, đó cũng là mong muốn của Giám Mục Giáo Phận …”

          Trọng kính MC ! MC nói đúng và chuẩn chứ không sai ! Thế nhưng người chụp hình đó là ai ? Họ có di chuyển làm mất trật tự hay không ? Điều này ta nên xét lại.

          Có những Thánh Lễ xem ra rất trang nghiêm sốt sắng nhưng rồi có những “chú hề” đứng cạnh Đức Cha lườm nguýt xuýt xoa để tăng thêm phần rối rắm trong Thánh Lễ. Những nhân vật ấy cứ tự nghĩ mình là quan trọng và tự sướng là tự cho mình quan trong nhưng nhân vật đó để lại trong lòng công chúng sự khinh bỉ vô tận vì chính người đó mới là người phá bĩnh Thánh Lễ chứ không phải mấy anh chàng quay phim chụp ảnh.

          Điều nực cười nhất là đến khi cần hình để báo cáo hay để làm lưu niệm thì tìm không thấy. Làm sao tìm thấy được khi Lễ thì cấm chụp hình ? Chắc có lẽ những vị cấm đó là phù thủy để khi cần sẽ phù phù ra những tấm hình quan trọng.

          Bi đát nhất là trong ngày lễ của gia đình kia chả mấy tốt đẹp, vị chủ chăn của giáo phận “dính chưởng” ngay với đôi vợ chồng ngay bàn tiệc ngày hôm ấy. Khởi đi từ những tấm hình giám mục khó khăn trong chuyện chụp hình như thế lại càng để trong lòng công chúng sự … không trân quý nữa.

          Có cần thiết phải quan trọng hóa chuyện hình bóng đến độ mỗi Thánh Lễ là công chúng lại ngao ngán và những thợ ảnh không công đã bỏ về chỉ vì tấm lòng của họ dành cho Giáo Phận dường như không được trân quý.

          Hẳn nhiên chuyện giữ trang nghiêm trong Thánh Lễ là chuyện tối cần nhưng có cần thiết quá phải cấm tất cả các máy ghi hình trong Thánh Lễ hay không ? Hay là có khi ta chú trọng những chuyện râu ria đó lại đánh mất đi sự thiêng thánh của Thánh Lễ mà ta không hề hay biết.

          Với tất cả những điều đó, cần và rất cần biện phân cho chuyện khi nào cần chụp và khi nào không cần chụp và nếu như dân chuyên nghiệp thì họ không cần phải di chuyển cho rắc rối. Có chắc rắc rối đến từ những người tự cho mình là nhất hay thích thể hiện trước công chúng mà thôi.

          Nên chăng cũng hết sức cẩn thận trong chuyện nghiêm cấm chụp hình cũng như ngôn từ hay cử chỉ của những người có trách nhiệm. Có khi họ là người ngoại đạo nhưng lúc họ nhìn thấy những hình ảnh phản cảm từ những vị tự cho mình là lớn đó sẽ để lại trong lòng họ điều gì đó không vui về đạo Công Giáo khi đến Nhà Thờ chụp hình Lễ.

          Cần và cần lắm những tấm hình kỷ niệm ngày hồng phúc để rồi cũng cần lắm tấm lòng bao dung rộng lượng cho những thợ săn ảnh bởi lẽ họ đến với Thánh Lễ, họ đến với Nhà Thờ bằng cả tấm lòng chứ không vì lợi nhuận.

Previous articleHÔN NHÂN : ĐÂU CHỈ BỞI HOÀNH TRÁNG
Next articleMột chút Bùi Chu