ĐIỀU ÍT NGƯỜI CÔNG GIÁO HIỂU VÀ BIẾT VỀ 6 QUẢ CHUÔNG TRONG NHÀ THỜ ĐỨC BÀ

396

ĐIỀU ÍT NGƯỜI CÔNG GIÁO HIỂU VÀ BIẾT VỀ 6 QUẢ CHUÔNG TRONG NHÀ THỜ ĐỨC BÀ

Sáu quả chuông nặng trên 28 tấn, trên 100 tuổi thọ. Nằm ngang tầm với nóc nhà thờ. Cách mặt đất chừng hơn 20 thước. Được chuyên chở từ Marseille (nước Pháp) sang Sài Gòn Việt Nam, để gắn trên tháp chuông Nhà thờ Đức Bà.

Nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn. Với tên chính thức khá dài: “Vương Cung Thánh Đường Chính Tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội”. Nguyên tiếng Anh là “Immaculate Conception Cathedral Basilica”. Tiếng Pháp là “Cathédrale Notre-Dame de SaiGon” gọi tắt là nhà thờ Đức Bà. Nằm ngay trung tâm thành phố Saigon hoa lệ. Một bên là bưu điện Sài Gòn. Bên kia là công viên kéo sang dinh Độc lập được vẽ bởi Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ…

Đây là nhà thờ Công giáo khá quy mô với công trình kiến trúc của Pháp, đẹp và mỹ thuật, thu hút rất nhiều du khách khi viếng thăm thành phố Sài Gòn…

*Chuyện khởi đi là thế này: Ngay sau khi chiếm Sài Gòn, Pháp nghĩ ngay đến việc xây nhà thờ để làm nơi hành lễ cho những người Công giáo trong đoàn quân viễn chinh. Ngôi nhà thờ đầu tiên được lập ra nằm trên đường số 5 (nay là đường Ngô Đức Kế). Nơi này vốn là ngôi chùa nhỏ của người Việt bị bỏ hoang do chiến cuộc. Và cố đạo Le Febvre, đã biến ngôi chùa thành nhà thờ. Nhưng ngôi nhà thờ đầu tiên ấy quá nhỏ.

Cho nên vào năm 1863, đô đốc Bonard đã quyết định cho khởi công xây dựng nhà thờ khác bằng gỗ, bên bờ Kinh Lớn (còn gọi là kinh Charner), địa điểm là trụ sở Tòa Tạp Tụng dưới thời VNCH.

Ngày 28/3/1863, cố đạo Le Febvre tổ chức khởi công xây cất nhà thờ. Ngôi nhà thờ bằng gỗ, hoàn thành năm 1865. Ban đầu được gọi là nhà thờ Sài Gòn. Về sau nhà thờ gỗ bị hư hại vì mối mọt, các buổi lễ phải tổ chức trong phòng khánh tiết của dinh Thống đốc cũ, sau này trở thành trường học Taberd, cho đến khi nhà thờ lớn xây xong.

Đến tháng 8 năm 1876, thống đốc nam kỳ Duperré tổ chức kỳ thi vẽ thiết kế nhà thờ mới. Ngoài mục đích để có chỗ thờ phụng, hành lễ cho tín đồ. Việc xây dựng nhà thờ cũng nhằm mục đích phô trương đạo công giáo với sự vĩ đại của văn minh nước đại Pháp với người dân thuộc địa.

Mục đích của Tây quá rõ ràng

Thiết kế thi công được mở mang

Tây đem vật liệu sang xây dựng

Người dân thuộc địa chợt ngỡ ngàng

Nhưng nhờ như vậy mà kiến trúc

Của Pháp dần dần sang Việt Nam

Phô trương gì đó thì cũng mặc

Mây vẫn màu xanh nắng vẫn vàng

Sau khi duyệt 7 đồ án thiết kế khác nhau. Bản đồ án của kiến trúc sư J.Bouard với phong cách kiến trúc Roman cải biên, pha trộn phong cách kiến trúc Gôtique được chọn. Và địa điểm để xây dựng được đề nghị ở ba nơi:

1/ Trên nền Trường thi cũ (Góc Hai Bà Trưng, tức vị trí tòa lãnh sự Pháp).

2/ Ở khu Kinh Lớn (vị trí nhà thờ cũ, nay thuộc đường Nguyễn Huệ).

3/ Vị trí hiện nay.

Sau cùng, vị trí thứ 3 (vị trí hiện nay) được chọn. Khi đề án thiết kế đã được chọn. Đô Đốc Duperré cho đấu thầu việc xây cất nhà thờ. Và rồi cũng chính kiến trúc sư J. Bouard trúng thầu và trực tiếp giám sát công trình:

Cái duyên xây cất nhà thờ

Trúng thầu, giám sát tự ban sơ

Thiết kế, thi công đều to lớn

Vị kiến trúc sư thật bất ngờ

Công trình vĩ đại dân Nam huởng

Ngôi nhà thờ đẹp như trong mơ.

Mọi vật liệu, từ xi măng sắt thép cho đến ốc vít. Và cả 6 quả chuông nặng trên 28 tấn, tất cả đều được chở từ Pháp sang. Đặc biệt, là bề mặt ngoài của công trình, được xây bằng loại gạch đặt làm tại Marseille (Pháp quốc), gạch đề trần, không tô trát, không bị bám bụi rêu, mà cho đến ngày nay, chúng ta thấy màu gạnh vẫn hồng tuơi rất đẹp. Gạch màu hồng đỏ để trần, là mỹ thuật tuyệt vời trong mỹ thuật kiến trúc.

-Ngôi nhà thờ tiến hành xây trong ba năm. Và ngày 7 tháng 10/1877. Giám mục Isidore Colombert, người cai quản giáo dân của địa phận Sài Gòn, đã đặt viên đá đầu tiên trước mặt phó soái Nam kỳ và đông đủ các nhân vật cao cấp vào thời đó. Tên người kiến trúc thiết kế công trình J.Bouard, được khắc tên trên bia đá cẩm thạch dựng trong nhà thờ này.

Ba năm xây cất nhà thờ

Ngôi nhà thờ đẹp như trong mơ

Cám ơn lao động bàn tay thợ

Sài Gòn nhờ vậy cũng nên thơ.

Và cũng từ ngày 7/10/1877. Đi ngược lại thuở ban đầu. Khởi đi từ tên gọi nhà thờ Nhà Nước, đến nhà thờ chính tòa Đức Bà. Rồi đến Vuơng Cung Thánh Đường, ngôi nhà thờ uy nghi nằm ở vị trí trung tâm thành phố.

Móng của nền nhà thờ được đào rất sâu và đúc theo thiết kế đặc biệt, có thể chịu được trọng lượng gấp 10 lần của toàn bộ ngôi nhà thờ. Với chiều dài 93m. Ngang 36m60. Cao 21m.

Vì lối kiến trúc làm theo kiểu mẫu của nhà thờ Notre Dame de Paris, bên Pháp, cho nên lúc bấy giờ chỉ có lầu chuông và vị trí của chuông nằm ngang tầm cao, của nóc nhà thờ chỉ 21 m. Lúc ấy chưa xây hai tháp chuông có gắn hai thánh giá trên chóp. Tháp chuông cao thêm 36m nữa, tính từ mặt đất lên tới đỉnh đặt thánh giá là 57m. Bề cao của cây thánh giá cao thêm 3m5, bề ngang thánh giá là 2m. Và đặc biệt là nhà thờ không xây tường rào chung quanh.

Không xây rào ở chung quanh

Không gian mở rộng thật an lành

Thời gian trôi nhẹ trời cao đẹp

Mây trắng bồng bềnh trôi nhanh nhanh

Chóp của nhà thờ cao cao nhọn

Gạch đỏ nâu hồng đẹp như tranh.

Nội thất của thánh đường, được thiết kế là: một lòng chính, hai lòng phụ. Có hai hàng cột, mỗi bên sáu chiếc cột tượng trưng 12 vị thánh tông đồ. Bàn thờ nơi cung thánh làm bằng đá cẩm thạch, có khắc thẳng lên trên đó, hình sáu vị thiên thần, chia làm 3 ô, mỗi ô diễn tả thánh tích của thiên thần.

Sau hàng cột chính là hành lang, là nhiều nhà nguyện nhỏ và 20 bàn thờ thánh. Có 14 bệ thờ chia như sau:

1. Cánh trái: Đức mẹ Fatima. Kitô vua. Thánh Ana. Thánh Teresa. Tổng lãnh thiên thần Misa.

2. Cung giữa: Gian ghế ngồi của giáo dân.

3. Cánh phải: Thánh Giuse. Lòng chúa thuơng xót. Thánh Patrick. Đức mẹ Hằng cứu giúp. Các Thánh tử đạo Việt Nam.

Trên tường được trang trí 56 cửa kính, mô tả các nhân vật và các sự kiện trong thánh kinh. 31 hình bông hồng tròn. 25 cửa sổ mắt bò, bằng kính nhiều màu, ghép lại với những hình ảnh rất đẹp.

Tất cả những đường chỉ, hoa văn, đều tuân theo thể thức Roman và Gôtich, tôn nghiêm trang nhã. Tuy nhiên trong 56 cửa kính này, hiện nay chỉ còn bốn cửa là nguyên vẹn từ nguyên thủy, còn những cửa khác đã làm lại vào khoảng thập niên 1949, do bị bể vỡ trong thế chiến thứ hai.

Chiến tranh gây đổ vỡ điêu tàn

Kiếp sống con người hóa lầm than

Lênh đênh trong cõi đời trôi nổi

Di tích một thời nay dở dang

Công phu mỹ thuật dù thay đổi

Dấu tích ngày xưa dẫu bẽ bàng

Nhưng chốn trang nghiêm thì vẫn đó

Vẫn còn kiêu hãnh với thời gian

Ba ngôi thờ phụng vang lời chúa

Thập giá trên cao còn hiên ngang…

Trên trán tường cửa ra vào phía phải, có hàng chữ bằng tiếng Hoa. Đó là hai câu đối:

“Nhà thờ Thiên Chúa đầy ân đức

Thánh mẫu vô nhiễm nguyên tội”.

Và hàng chữ ghi năm khánh thành nhà thờ là 1880.

Nội thất thánh đường ban đêm được thắp sáng bằng đèn điện, không dùng đèn cầy ngay từ khi khánh thành. Còn ban ngày, với thiết kế phối sáng tuyệt hảo và hài hòa, đã tạo cho nội thất có ánh sáng êm dịu, tạo cảm giác an lành thánh thiện an hòa.

Phía trên cao của cửa chính là giá đàn, với cây organ ống, là một trong hai cây đàn cổ nhất Việt Nam. Cây đàn được các chuyên gia nước ngoài làm bằng tay, tức là theo lối thủ công. Được thiết kế riêng, để khi đàn vang lên, âm thanh vừa vặn đủ cho nhà thờ nghe, tiếng không nhỏ và không ồn.

Âm vang Thánh lễ an hòa

Nhịp điệu bổng trầm bản thánh ca

Cao vút dư âm cây đàn cổ

Đưa mãi dòng đàn xa vang xa

Vang lên cung thánh nghe vừa đủ

Cung bậc thanh âm thật an hòa.

Thân đàn Organ cao 3m, ngang 4m, dài 2m. Chứa những ống hơi bằng nhôm đường kính khoảng 1 inch. Phần điều khiển đàn nằm riêng, nối với thân đàn bằng cái trục, có những phím đàn như Organ bình thường, và những phím to nằm dưới sàn nhà (dài 3m, ngang 1m), để người điều khiển đàn, đạp lên khi sử dụng những nốt trầm. Đàn còn có những thanh gõ lớn để dập vào phần dưới các ống hơi phát ra âm thanh.

Đàn hơi phím gỗ tuyệt vời

Thánh đường vang tiếng nhạc chơi vơi

Tay chân cùng lúc đều sử dụng

Đàn ống Organ thật tuyệt vời/.

Nhưng với thời gian, cây đàn xưa, bây giờ đã hoàn toàn hư hỏng do mối mọt ăn mất phần gỗ của bàn phím điều khiển bằng tay.

Thời gian tàn phá phải chịu thôi

Trần thế mênh mang chuyện đất trời

Dĩ vãng trôi qua lòng nức nở

Nhân gian quạnh quẽ lạnh lùng trôi.

Chúng ta vừa miêu tả về kiến trúc vòng ngoài, và nội thất bên trong của Vuơng Cung Thánh Đường Sài Gòn. Một kiểu mẫu kiến trúc Roman, cộng thêm kiến trúc Gôtich của Paris, rất mỹ thuật, và đẹp trang nghiêm, được người Tây xây dựng từ thời sang đô hộ nước ta, với những vật liệu xây dựng hoàn toàn được mang sang từ thành phố Marseille bên Pháp.

Giữa 2 lầu chuông là chiếc đồng hồ hiệu R.A, bộ máy đồng hồ khổng lồ nặng trên 1000 kg, nằm cách mặt đất 15m, nằm giữa 2 tháp chuông được chế tạo tại Thụy Sĩ năm 1887. Cao khoảng 2m5. Dài khoảng 3m. Ngang hơn 1m. Đặt trong khung sắt nằm trên 1 bệ gạch. Khung sắt có bề ngang 2m. Cao 1m. ngang với tầm đặt chuông – Và để điều chỉnh đồng hồ, phía sau bộ máy, có cái đồng hồ nhỏ cỡ đồng hồ reo trong nhà. Người ta chỉ cần theo dõi chiếc đồng hồ con này, thì có thể biết cái đồng hồ lớn kia chạy nhanh hay chậm, đúng hay sai. Mỗi tuần phải lên giây một lần, bộ phận lên giây thiều đồng hồ giống như tay quay máy xe.

Một tuần lên giây một lần

Cũng là thêm job cho trần thế thôi

Cho người công quả được vui

Phục vụ con người xã hội phân công.

Đồng hồ có hệ thống báo giờ bằng búa, gõ vào các chuông của nhà thờ. Bên bộ máy đồng hồ thòng xuống hai sợi dây cáp thả dài từ nơi đặt máy, để hỗ trợ trọng lực cho dây thiều chạy máy và dây thiều đổ chuông đồng hồ. Mấy năm gần đây vì dây cót (dây thiều) đã quá cũ, nên nhà thờ không cho đổ chuông báo giờ nữa.

Trăm năm máy móc cũng hư mòn

Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ

Thời gian trôi vẫn hững hờ

Dòng đời dâu bể ngẩn ngơ hoang tàn

Lòng người thì vẫn ngổn ngang

Nghĩ về quá khứ như đàn ngang cung

Bể dâu dâu bể chập chùng

Trôi qua một kiếp tận cùng bể dâu

Trời xanh xanh vẫn một mầu

Dòng đời sao vẫn bể dâu hoang tàn.

Máy đồng hồ thoạt trông có vẻ thô sơ, nhưng chạy và báo giờ rất chính xác.

Ngày Lễ Phục Sinh 11/4/1880. Nghi thức cung hiến và khánh thành cung thánh, do cố đạo Colombert tổ chức trọng thể, với sự có mặt của Thống đốc Nam kỳ Le Myre de Villers. Trên bệ phía mặt trong cửa ra vào. Có bảng đá cẩm thạch, ghi ngày khởi công, ngày khánh thành và tên của vị công trình sư.

Chi phí xây dựng, trang trí nội thất tính tổng cộng là 2 triệu 5 trăm ngàn đồng France, theo thời gíá bấy giờ, mọi thứ đều do Soái Phủ nam kỳ đài thọ. Vì vậy mà ban đầu nhà thờ có tên nhà thờ Nhà Nước, bởi vì nhà nước Pháp bỏ tiền xây dựng và quản lý.

Thuở ban đầu, 2 tháp chuông cao 36m6 không có mái, chỉ có độc một chiếc cầu thang hẹp chừng 40cm bề ngang (tức là chưa tới nửa thước tây). Nội thất gác chuông rất tối, và sàn nền chỉ lót sơ sài bằng những miếng gỗ nhỏ cách khoảng, nhìn xuống thấy sâu hun hút.

Năm 1895, nhà thờ xây thêm hai mái chóp để che gác chuông, theo bản thiết kế của kiến trúc sư Gardes. Lúc ấy tổng cộng tháp chuông, mỗi tháp cao 57m6. Có sáu quả chuông đồng lớn với trọng lượng từng quả như sau:

1/ Chuông Sol 8785 ký.

2/ Chuông La 5931 ký.

3/ Chuông Si 4184 ký.

4/ Chuông Đô 4315 ký.

5/ Chuông Rê 2194 ký.

6/ Chuông Mi 1646 ký.

Sáu quả chuông mang 6 âm, nặng tổng cộng 28 tấn 85, đặt dưới hai lầu chuông. Bộ chuông này được chế tạo ở Pháp mang sang Saigon năm 1879.

Tháp bên phải treo bốn chuông (Sol, đô, rê, mi).

Tháp bên trái treo hai chuông (La, si).

Trên mặt mỗi quả chuông đều có tiết họa rất tinh xảo. Tổng trọng lượng bộ chuông là 27. 055 kg + hệ thống đối trọng là 1840 ký, được gắn trên mỗi chuông, Tính là 28.895 ký (hơn 28 tấn như đã nói).

Ba qủa chuông to nhất là: chuông Si 4184 ký. Chuông La 5931 ký. Và đặc biệt chuông Sol 8785 ký… là 1 trong những quả chuông lớn nhất thế giới, với đường kính miệng chuông 2m25, cao 3m5 (tính tới núm treo). Và những chuông này chỉ ngân lên mỗi năm một lần vào giao thừa âm lịch (tức tết ta, tết nguyên đán).

Thiêng liêng trời đất lúc giao mùa

Giao thừa nguyên đán chuyện ngàn xưa

Phút giây rung chuyển trời và đất

Âm dương thông khí buồn đong đưa

Xa quê lòng nhớ nhung thăm thẳm

Dương lịch “coundown” vị âm thừa

Xao xuyến tha phuơng buồn viễn xứ

Cầu xin mảnh đất tạm dung, thuận gió mưa.

Các quả chuông được điều khiển bằng điện, từ bên đưới. Riêng ba chuông lớn, trước khi đánh, phải được khởi động bằng cách đạp cho quả chuông nhúch nhích (vì chuông quá nặng), rồi mới bật công tắc điện.

Vào ngày thường, thánh đường chỉ đổ chuông Mi vào 5 giờ sáng. Và đổ chuông Rê vào 4giờ 15 chiều. Vào ngày lễ và chủ nhật, nhà thờ cho đổ 3 chuông theo hợp âm Mi, Rê, Đô… Đúng ra là 3 hợp âm Mi, Đô, Sol. Nhưng vì quả chuông Sol quá nặng nên thay vào chuông Rê. Đêm giao thừa cả 6 chuông cùng đổ. Tiếng ngân đi xa 10 km, theo đường chim bay.

Sáu chuông cùng đổ âm lan rộng

Sol đố mì rê rất rộn ràng

Đón mừng Xuân mới vừa sang

Rộn vui trong ánh mai vàng ngày xuân

Trên đỉnh của tháp có Thánh giá cao 3m50, bề ngang 2m, nặng 600kg.

Năm 1903, Nơi vườn hoa trước nhà thờ, người Pháp cho dựng tượng đồng Pigneau de Béhaine (còn gọi là giám mục Bá Đa Lộc, hoặc giám mục Adran). Đây là giám mục hiệu tòa Adran, dẫn hoàng tử Cảnh (con vua Gia Long), để ca ngợi công lao của nước Pháp đã bảo hộ và khai hóa cho VN.

Bệ của tượng đài làm bằng đá hoa cuơng đỏ, hình trụ tròn, bên trên là tượng hình giám mục Adran, với phẩm phục Giám mục, tay trái dẫn Hoàng tử Cảnh. Tượng đúc tại Pháp, giới bình dân thời đó gọi là tượng hai hình, để phân biệt với tượng một hình, tức là tượng Đô đốc Hải quân Pháp Genouilly ở công trường Mê Linh (cuối đường Hai Bà Trưng, gần bờ sông Sài Gòn)

Năm 1945, tượng này bị phá bỏ, nhưng bệ đá hoa cuơng đỏ, thì vẫn giữ lại nhưng không đặt lên đó tượng nào cả.

Mãi năm 1958, Linh mục Giuse Phạm Văn Thiên, cai quản giáo xứ Sài Gòn thời ấy, về sau làm Giám mục giáo phận Phú Cường, bây giờ đã qua đời). Ông mới cho tạc tượng Đức Mẹ Hòa Bình, bằng loại đá cẩm thạch trắng của Ý. Bức tượng này được tạc tại Pietra-santa, cách Roma 500km. Bức tượng Đức Mẹ khi hoàn tất, được đưa xuống tàu Oya-nox vào ngày 8 tháng 1/1959, đi từ hải cảng Gênes qua VN và về tới cảng Sài Gòn vào ngày 15/2/1959.

Sau đó công ty Société d’Enterprises đã dựng tượng Đức Mẹ đặt lên trên bệ đá vẫn để trống từ năm 1954 ở trước nhà thờ:

Công phu chuyên chở hơn một tháng

Rong ruổi từ Rôme tới Sài Gòn

Vượt bao sông nước núi non

Bức tượng cẩm thạch nay còn trước sân

Bàn tay Đức Mẹ vô ngần

Bàn tay thon nhẹ, hồng ân đời đời

Tà áo của mẹ chơi vơi

Thong dong nhẹ nhõm vui đời giáo dân.

Tự tay linh mục viết câu kinh cầu nguyện: “Xin Đức Mẹ cho VN được hòa bình”. Rồi ông đọc trước mặt đông đảo quan khách có mặt hôm ấy.

Ngày hôm sau Hồng Y Agania-nian, từ Rome qua Saigon, chủ tọa lễ bế mạc đại hội Thánh Mẫu toàn quốc, đã làm phép bức tượng vào chiều 17/2/1959. Từ sự kiện này, nhà thờ có tên gọi Nhà Thờ Đức Bà.

Ngày 5/12/1959. Toà Thánh cho phép làm lễ “Xức dầu”. Tôn phong nhà thờ Chính Tòa Sài Gòn lên hàng tiểu Vuơng Cung thánh đường. Từ đó tên gọi chính thức của thánh đường là Vuơng Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn.

Năm 1960, tòa thánh thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam, với ba tòa tổng giám mục Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Từ đó trở thành Chính Tòa của vị Tổng giám mục Sài Gòn cho đến nay.

Mặt trước thánh đường là công viên lớn với bốn đường giao nhau tạo thành hìnhh thánh giá. Trung tâm của công viên là tượng Đức Mẹ Hòa Bình, hay Nữ Vuơng Hòa Bình. Bức tượng do nhà điêu khắc G. Ciochetti thực hiện năm 1959. Tên của tác giả được khắc nơi tà áo phía dưới chân bên trái của bức tượng. Bức tượng cao 4m6, năng 8 tấn. Bằng đá cẩm thạch trắng của Ý. Bức tượng được tạc với chủ đích là để nhìn từ xa, nên không đánh bóng, chỉ là màu trắng nuột nà của đá cẩm thạch với những vết điêu khắc thô:

Bức tượng trắng đẹp tuyệt vời

Tấm khăn thong thả buông dài phía sau

Mênh mang mây trắng ngang đầu

Hỡi người điêu khắc trời âu đa tài.

Tượng Đức Mẹ trong tư thế đứng thẳng. Tay cầm quả địa cầu. Trên quả địa cầu có đính cây thánh giá. Mắt Đức mẹ đăm chiêu nhìn lên trời như đang cầu nguyện cho VN và cho thế giới hòa bình.

Chân Đức Mẹ đạp đầu con rắn (mà ngày nay đầu con rắn đã bị bể mất một mảnh ở hàm trên). Trên bệ đá phía trước bức tượng, người ta có gắn tấm bảng đồng với hàng chữ La Tinh: DEO OPTIMO MAXIMO BEATIEQUE MARIOE VIRGINI IMMACULATOE. (Nghĩa là = Thiên chúa tối cao đã ban cho Maria được ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội). Và bên dưới khắc năm khánh thành.

Dưới bệ đá, người ta khoét cái hốc, giáp với chân tượng Đức Mẹ. Trong đó có chiếc hộp bằng bạc, chứa lời kinh cầu nguyện cho hòa bình Việt Nam và thế giới. Những lời cầu nguyện đó được viết lên trên những lá mỏng, bằng chất liệu khác nhau như: Vàng, bạc, thiếc, nhôm, da, và đồng… từ nhiều miền đất nước gửi tới. Kể cả một số vùng từ miền Bắc Việt Nam.

Tỉ mỉ đến thế thì thôi

Trong cái hộp nhỏ tuyệt vời dưới chân

Những lời cầu nguyện ân cần

Cho cả thế giới hòa bình an vui

Cho đất nước Việt đời đời

Thoát vòng đau khổ khắp nơi an bình

Mây trời vẫn đẹp lung linh

Chắp tay cầu nguyện bình minh trở về.

*Đó là Vương Cung Thánh Đường với sáu quả chuông Đô Rê Mi, Sol La Si. Và Chiếc hộp bằng bạc chứa đựng lời cầu nguyện cho VN và cho thế giới hòa bình, được cất dưới chân tượng Đức Mẹ bằng đá cẩm thạch trắng, nơi phía trước Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn.

Previous articleNhững vị thánh thân xác vẫn nguyên vẹn nhiều năm sau khi qua đời
Next articleÝ NGHĨA CỦA ẢNH KỲ ĐẠO BINH ĐỨC MẸ – LEGIO MARIAE