Thứ Sáu tuần XXIII TN
Ga 19, 25-27
CÙNG MẸ ĐÓN NHẬN THẬP GIÁ
Người ta vẫn nói : “Vinh quang của con là triều thiên của mẹ; và đau khổ của con cũng chính là đau khổ của mẹ”. Điều này thật đúng đối với cuộc đời nhiều vinh quang mà cũng lắm gian nan đau khổ của Mẹ Maria.
Liền sau lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa được mừng hàng năm vào ngày (14/09) là lễ kính Ðức Mẹ Sầu Bi (15/09), chúng ta không thể nào tách rời Mẹ Maria ra khỏi thập giá Chúa. Danh gọi lễ kính Ðức Mẹ Sầu Bi có thể làm chúng ta dễ hiểu lầm chỉ nghĩ đến khía cạnh sầu bị, đau buồn mà quên đi khía cạnh tích cực được tham dự vào sự đau khổ có sức mạnh cứu rỗi của Thiên Chúa. Mẹ Maria âm thầm dâng hiến chính mình cùng với hy tế của Con, được lãnh nhận đặc ân là tham dự vào cuộc cứu rỗi trở nên người Mẹ của toàn thể nhân loại.
Thông thường, khi nhận một công việc hay sứ mạng nào, người ta thường nghĩ đến chuyện hơn-thiệt, lợi-hại… Thế nhưng, với Đức Ma-ri-a thì khác. Hai tiếng “Xin Vâng” trong ngày Truyền Tin đã dẫn dắt Mẹ tới đỉnh cao của sự tận hiến cho Thiên Chúa. Nhờ đó, Mẹ được thông phần với cuộc Khổ Nạn của Chúa Giê-su, kết hợp những đau khổ của cuộc đời Mẹ với cuộc Khổ Nạn của con mình, và cuối cùng, được chung hưởng vinh quang phục sinh với Người. Học nơi Mẹ sự vui tươi, nhẫn nại, kiên trì trong đau khổ, chúng ta sẽ có được thái độ tích cực hơn khi đứng trước những đau khổ mà Chúa gởi đến trong cuộc đời mình.
Thật vậy, ai đã từng xem phim ‘Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu’ của đạo diễn Mel Wilson thì cũng đều nhận thấy: trong một cảnh quay, Chúa Giêsu vác thánh giá bị té ngã, Mẹ Maria đã vô cùng đau khổ. Lúc đó, Mẹ nhớ lại hình ảnh cậu bé Giêsu ngày xưa bị té ngã và Mẹ đã vội chay từ trong nhà ra đỡ dậy. Hôm nay, cũng Đức Giêsu, Con của Mẹ té ngã bởi sức nặng của thập giá, bởi những làn roi dã man của quân lính, Mẹ bất lực đứng nhìn con; Mẹ không thể vượt qua đám đông và quân lính đang vây chặt con của Mẹ. Nước mắt nghẹn ngào chảy ngược vào tim. Hơn nữa, Con của Mẹ, dù đã bị té ngã, vẫn bị người ta vung roi đánh đập. Mỗi làn roi Con phải chịu cũng chính là những làn roi xé nát tâm hồn Mẹ.
Tin Mừng không nhắc tới nỗi sầu bi của Mẹ khi đứng dưới chân thập giá Chúa. Trong số các sách Tin Mừng thì chỉ có Tin Mừng theo thánh Luca có nhắc tới lời loan báo trước của cụ già Simêon, nói về một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua tâm hồn Mẹ (Lc 2,35). Chắc lúc đứng dưới chân thập giá Chúa hơn mọi lúc khác Mẹ Maria đã đau khổ, niềm đau của một người mẹ nhìn thấy con mình đang hấp hối sau khi đã phải chịu những tra tấn, khổ hình và sỉ nhục. Thái độ của Mẹ đáng chúng ta bắt chước. Mẹ đã không tự ý đi tìm vinh quang được ngồi bên hữu bên tả Chúa như một người nọ đã đón đường Chúa lên Giêrusalem để xin đặc ân này cho hai người con của mình. Mẹ Maria không tránh né đau khổ nhưng sẵn sàng đứng bên cạnh con cùng dâng hiến với con trong âm thầm và như vậy được thông phần vào ơn cứu rỗi. Mẹ đã âm thầm nhưng rất mực trung thành hành trình bên cạnh Con Mẹ luôn luôn trong mọi lúc, lúc Con Mẹ mới bắt đầu công việc rao giảng, trong khi rao giảng Tin Mừng và giờ đây kết thúc quan trọng trên thập giá, trên đồi Golgotha.
“Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.” Tin Mừng không viết thêm nhưng chắc chắn Mẹ và người môn đệ, đã cùng nhau sống qua những năm tháng đầy lo âu sợ hãi, nhưng cũng tràn ngập hy vọng mừng vui. Giáo Hội ngay từ đầu qua tông đồ Gioan, đã tiếp nhận và yêu mến Mẹ. Mẹ đã ở với Hội Thánh ngay từ điểm xuất phát của sứ vụ. Hoa Thập giá tỏa hương thơm ngát trong tình yêu thương nhiệm mầu giữa Mẹ Chúa Kitô và Hội Thánh của Ngài. Mỗi Kitô hữu được sinh ra và lớn lên trong mối tình yêu cao sâu đó. Hạnh phúc cho những ai biết cùng người “môn đệ Chúa yêu” “rước Mẹ về nhà mình.”
Mừng lễ Mẹ Sầu Bi, Hội Thánh suy tôn những đau khổ của Mẹ Maria và cụ thể qua những biến cố làm nát lòng Mẹ:
– Khi Mẹ nghe lời ông già Simêon nói ngôn sứ về Chúa Giêsu trong nghi lễ dâng Người vào đền thánh: “Còn chính Bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra” ( Lc 2, 35 ).
– Khi Thánh Giuse và Mẹ Maria ẵm bồng Chúa Giêsu trốn qua đất Ai Cập ( Mt 2, 13-14 ).
– Khi Mẹ và Thánh Giuse lạc mất Chúa Giêsu lúc Người lên 12 tuổi ( Lc 2, 45-46 ).
– Khi Mẹ Maria gặp Chúa Giêsu vác thánh giá (Lc 23, 27-29).
– Khi Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá (Lc 19, 17-18).
– Khi hạ xác Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá (Lc 23, 53).
– Khi táng xác Chúa Giêsu trong huyệt đá (Mt 27, 58-60; Lc 23, 53).
Như thế, Đức Giêsu đã dùng thập giá mà cứu độ nhân loại thì Mẹ Maria, nhờ hiệp thông trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu con của Mẹ, đã cộng tác rất đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế.
Công đồng Vaticanô II trong Hiến Chế Lumen Gentium số 61 đã viết: “Đức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Đức Maria thật sự là Mẹ chúng ta”.
Trên thập giá Chúa Giê-su đã hoàn tất chương trình cứu độ; nhưng hy tế cứu độ không dừng lại nơi Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a mà phải được hiện thực hoá trong cuộc đời của chúng ta, của những ai tin theo Ngài: “Ai muốn theo tôi hãy từ bỏ mình vác Thập Giá mình hằng ngày mà theo tôi” (Lc 9,12). Ta có thái độ, tâm tình nào khi phải gặp thập giá trong đời ta ? Những khổ chế, hy sinh, đau khổ bệnh tật mà ta gặp trong cuộc sống hằng ngày có trở nên nguồn ơn cứu độ và thánh hóa cho ta và cho người khác không?
Hiệp với Hội Thánh toàn cầu trong ngày lễ Mẹ Sầu Bi, chúng ta một lòng một ý dâng lên Chúa lời nguyện: “Lạy Chúa, khi Đức Kitô chịu treo trên thập giá, Chúa đã muốn cho Thánh Mẫu của Người đứng kề bên mà thông phần đau khổ. Xin cho Hội Thánh Chúa biết noi gương Thánh Mẫu mà kết hợp với Đức Kitô chịu khổ hình, để mai ngày được phục sinh vinh hiển cùng với Đức Kitô, là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhật với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời”.