Cước điện thoại di động Việt Nam khá cao

53

 

Trong một nước có tới trên 90 triệu người, thị trường tiêu thụ dịch vụ điện thoại di động tại Việt Nam là rất lý tưởng. Hơn nữa, người dân thường có khuynh hướng sử dụng điện thoại di động để thay thế cho điện thoại cố định. Thêm vào đó, rất nhiều người cùng một lúc sử dụng hai số điện thoại khác nhau. Thế nhưng, với số đông người sử dụng điện thoại như thế, giá cước điện thoại đối với người tiêu dùng vẫn còn khá cao.

00 00 portable

Chúng ta thử so sánh dịch vụ điện thoại di động của một nhà mạng tại Pháp để thấy được sự đắt đỏ của cước điện thoại di động tại Việt Nam.

Xin đưa ra trường hợp cụ thể của nhà mạng Free. Gói rẻ nhất cho người sử dụng chỉ ở mức 2 euros cho một tháng, tương đương với một ly cà phê đen, hoặc tương đương với một lần cho tiền kẻ ăn xin, cũng đắt hơn tiền mua được một ổ bánh mì chút ít.

Với gói cước này, khách hàng có được 120 phút gọi cho các số điện thoại trong nước thuộc bất kỳ nhà mạng nào, có nghĩa là không có sự phân biệt giữa nội mạng hay ngoại mạng. Đồng thời, khách hàng còn được gửi các tin nhắn không hạn chế về số lượng cũng như không hạn chế về số ký tự trong một tin nhắn.

Với thời lượng gọi và không hạn chế về tin nhắn như vậy, một người tiêu thụ bình thường có thể sử dụng một cách thoải mái trong suốt một tháng mà không cảm thấy bị quá hạn chế. Vả lại, họ cũng có thể điều chỉnh sao cho dùng đủ trong một tháng bằng cách liên lạc và trao đổi bằng tin nhắn. Cũng qua tin nhắn, họ có thể đề nghị người mà mình muốn liên lạc gọi lại cho mình.

Trong khi đó, người tiêu dùng tại Việt Nam cần phải trả cước điện thoại di động khoảng từ 90 ngàn đến 100 ngàn đồng thì mới tạm đủ để có thể liên lạc trong cả một tháng giữa số nội mạng và ngoại mạng. Mức giá này cao gấp hai lần gói cước rẻ nhất của nhà mạng Free tại Pháp.

Xem ra, để thu hút công chúng, các nhà mạng đưa ra rất nhiều ưu đãi cho khách hàng đối với cách dịch vụ nội mạng nhưng lại tính giá còn khá cao khi cần liên lạc với những số điện thoại ngoại mạng, kể cả bằng hình thức tối thiểu nhất là gửi tin nhắn.

Hoặc là với khuyến mãi 20% khi nạp thẻ với mệnh giá cao chẳng hạn thì khách hàng cũng chỉ được sử dụng trong vòng hai tuần, chứ không được cộng vào trong tài khoản chính để có thể sử dụng được lâu hơn.

Trong khi đó, khách hàng còn rất dễ bị sập bẫy của các nhà mạng giăng ra. Chẳng hạn, trong khi người tiêu dùng chỉ cần mua gói dịch vụ gọi trong một ngày thì nhà mạng lại gia hạn tự động sang ngày hôm sau ; người ta chỉ cần gói dịch vụ nào đó chỉ trong một tháng thì lại gia hạn tự động sang tháng tiếp theo. Nếu khách hàng nào sơ sẩy thì sẽ bị trừ tiền ngay lập tức vào tài khoản.

Chính vì cước dịch vụ điện thoại di động cao như vậy, nhiều người cùng lúc sử dụng hai số của hai nhà mạng khác nhau để hạn chế được mức đội giá khi có việc cần phải liên lạc.

Cách hiển nhiên, chúng ta thấy điều nghịch lý ở đây là dù có nhiều người sử dụng điện thoại di động và mỗi người lại sở hữu nhiều số điện thoại như vậy nhưng giá cước vẫn còn khá cao so với mức thu nhập của người dân bình thường. Đồng thời, một nghịch lý khác nữa cũng tồn tại đó là mục đích của sự phát triển công nghệ thông tin là nhằm phục vụ cách sát sườn đời sống con người và tạo cơ hội tiếp cận dễ dàng với thế giới công nghệ này chứ không phải dừng lại ở mục đích duy nhất là đào sâu khai thác lợi nhuận càng nhiều càng tốt. Hy vọng trong tương lai, giá cước điện thoại di động của các nhà mạng tại Việt Nam được duy trì ở mức phải chăng và phù hợp với túi tiền của người dân thường. PM

Previous articleFatima: những điều cần biết
Next articleThành tích học tập không quyết định đường đời thành bại của một người.