Đại gia Ninh Bình chi 400 tỷ xây nhà thờ lớn nhất Việt Nam

529

Đại gia Ninh Bình – ông Nguyễn Xuân Thành – chủ Tập đoàn Xuân Thành – sẽ là người tài trợ toàn bộ cho công trình nhà thờ lớn nhất nhì Việt Nam.Theo thiết kế, nhà thờ này có tổng diện tích mặt sàn gần 4.000m2, sức chứa 4.000 – 5.000 người – tương đương với dân số của một xã loại trung bình vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Phối cảnh nhà thờ

Lớn nhất nhì Việt Nam

Giáo xứ Lãng Vân nằm trên địa bàn xã Gia Lập (huyện Gia Viễn, Ninh Bình) được khai sinh vào năm 1885 với tước hiệu Đức Mẹ vô nhiễm. Xứ có khoảng 3.500 người trong đó chừng 1.200 hành nghề thợ xây.

Thợ ở đây không làm ăn riêng lẻ mà được phiên chế, tổ chức chặt chẽ thành các nhóm trực thuộc cai mà nổi tiếng nhất phải kể đến cai Thành (ông Nguyễn Xuân Thành – chủ Tập đoàn Xuân Thành) và cai Tuyến Thi. Trong tay cai lớn có cả vài ngàn lao động, trong tay cai bé cũng phải vài ba chục người (có hàng trăm cai bé như vậy – PV).
Cảnh chồng thợ xây, vợ phụ vữa kiếm được khoảng 400.000đ công/ngày nhưng bởi tháng chỉ có việc khoảng trên dưới 20 ngày nên cũng không có tích lũy gì nhiều. Khác với đời sống bình bình của tốp thợ, các ông chủ lớn ở đây lại siêu giàu.

20 năm nay ở Lãng Vân chuyện nấu cơm ăn sáng đã gần như đã đi vào tuyệt chủng vì toàn dân ăn quán. Điều này chứng tỏ trình độ tổ chức của các tốp thợ xây nơi đây đã được đẩy lên tận cùng, mọi thứ thành nề nếp, thành một guồng máy để cứ thế mà vù vù vận hành.

Công giáo toàn tòng 100% cũng là nét rất đặc biệt ở đây. Nhà thờ Lãng Vân hiện tại là một kiến trúc cổ được xây dựng vào khoảng năm 1933.

Theo cha xứ Giuse Trần Công Hoan nhà thờ này tuy có tới 1.000 chỗ ngồi nhưng vẫn không thể chứa hết số giáo dân của làng nên các lễ lớn phải vẫn bắc rạp, căng phông, rất bất tiện. Thế nên từ lâu, ở đây người ta đã tính phải xây dựng thêm một nhà thờ mới. Ý tưởng đó được ông Nguyễn Xuân Thành – chủ Tập đoàn Xuân Thành ủng hộ nhiệt tình.
Trên quần thể rộng chừng 6 ha trước đây là đất trống, là ruộng lúa, bờ mương giờ được tôn cao để dựng lên một nhà thờ có lẽ không chỉ to nhất Việt Nam mà cả Đông Nam Á.
Theo thiết kế, nhà thờ này có tổng diện tích mặt sàn gần 4.000m2, sức chứa 4.000 – 5.000 người – tương đương với dân số của một xã loại trung bình vùng đồng bằng Bắc Bộ. Khi hoàn thành, đây sẽ là nhà thờ kiểu Gô tích đầu tiên trong giáo phận với kiến trúc điển hình vòm trần, vòm cửa nhọn hoắt, có độ vút lên như muốn hút lấy tâm hồn người chứ không cuốn vòm tròn như kiến trúc kiểu Ro man.

Nhìn từ bên ngoài công trình

Tháp chuông chính cộng cả cây thập tự giá có tổng chiều cao xấp xỉ 110m – đủ khiến cho người ta có thể rơi cả mũ nón khi ngắm ở cự ly gần. Những đám mây phiêu lãng có lẽ cũng thành mây lười biếng khi phải trườn qua cái tháp chuông khổng lồ này của giáo xứ Lãng Vân. Bổ sung vào độ đồ sộ của tháp chính là hai cái tháp phụ cũng có chiều cao thật vĩ đại, tới 60m…

Một cái cần trục đang vươn cánh tay dài ngoẵng tưởng chừng như chạm vào trời xanh nâng những khối vật liệu lớn bên dưới. Ở tháp chuông chính những cọc nhồi đường kính 1,6m được khoan xuyên qua các tầng đất tới tận lớp đá gốc bên dưới, âm sâu chừng 40-50m. Ở khu vực nhà thờ, hệ thống cọc ép bằng bê tông đóng xuống đất đến khi nào không thể tiến được nữa mới thôi. Tại đây, người ta cũng đã hoàn thành toàn bộ mặt sàn rộng hơn một sân đá bóng cỡ vừa.

Cho đến thời điểm hiện tại, Ulm Minster ở thành phố Ulm, Đức vẫn là nhà thờ cao nhất thế giới, khoảng 160m. Công trình này cũng giữ luôn kỷ lục xây dựng lâu vào dạng nhất nhì khi bắt đầu khởi công năm 1377 mà đến tận năm 1890 mới hoàn thành, vắt qua nhiều thế kỷ

Dưới cung thánh là một cái hầm lớn với sức chứa 700-800 thực khách để tiện cho việc tổ chức đám cưới tránh bày biện bừa bãi trên đường làng, ngõ xóm như hiện nay.
Tôi lần xuống bên dưới hầm, do chưa có hệ thống đèn chiếu sáng nên rất tối. Một bầu không khí âm âm, huyền bí như thể đang ở độ sâu dưới mươi mười lăm mét đất. Mỗi cái xà ở đây rộng cả mét, mỗi cái cột ở đây lớn dăm ba người ôm mới đủ sức nâng đỡ cái mái trần vĩ đại. Gồm 1 phòng lớn, 3 phòng nhỏ, khu hầm có tổng diện tích vào khoảng 1.000m2.

Đàn kiến “bò” trên vách núi

Hàng trăm ngàn tấn gạch, cát, sắt thép, xi măng đã, đang và sẽ được huy động cho công trình khổng lồ này… Dân trong nghề ước tính trị giá của chúng không dưới 300-400 tỉ đồng.

Ông Thành là người sẽ cung cấp toàn bộ nguyên liệu từ hạt cát, viên gạch, thanh thép đến các phương tiện thi công hiện đại nhất. Thiếu bao nhiêu, cấp bấy nhiêu, không phải nghĩ, miễn là mọi việc cứ răm rắp theo bản vẽ thiết kế đã có mà làm. Để xây xong cái nhà thờ kỳ vĩ này, dự tính còn phải tốn tới 30-50 tỉ tiền công. Cái này cũng không phải lo bởi bà con giáo xứ sẵn lòng đóng góp với công thức trung bình mỗi tháng một người tình nguyện hiến 2-3 ngày lao động.


Sức nhỏ làm việc nhỏ, sức lớn làm việc lớn. Phục vụ công cuộc xây nhà thờ già có, trẻ có, nam có, nữ có trong đó rất sẵn những người đã bước vào tuổi ông, tuổi bà, thậm chí ngấp ghé tuổi… cụ. Lúc đông trên công trường có đến 200-300 người, khi vắng cũng phải 50-70 người. Giống như một đàn kiến đang “bò” trên những bức tường sừng sững như vách núi, họ nhẫn nại từ ngày này qua ngày khác “tha” đủ thứ vật liệu sắt thép, xi măng bồi đắp thành da thịt cho một công trình đáng mơ ước.

Bà Lâm Thị Hè – 68 tuổi người già nhất trong đám các bà, các mẹ ở đây nhưng vẫn thoăn thoắt leo trên những bậc cao chót vót của một giàn giáo 8 tầng nối chồng lên nhau. Đọc thấy vẻ ngạc nhiên trong ánh mắt của tôi, bà cười khà khà: Tôi không sợ ngã bởi vì trong tâm đã có Chúa nâng đỡ.

Cứ theo như lời bà Hè kể, hồi xưa ông Xuân Thành cũng khổ ải như ai. Bố ông vốn rất nghèo nên mãi mới lấy được vợ. Hồi trẻ, ông Thành toàn phải đi cuốc ruộng hay đi diu tép kiếm kế sinh nhai.

Khỏe nổi tiếng nên ông làm cái gì cũng hơn người. Cỏ lăn, cỏ lác cao ngập đầu, người khác chào thua nhưng ông chỉ bặm môi, mắm lợi đẩy là cái diu đi băng băng. Mỗi lượt nâng bồng dăm bảy cân tép nhảy lao xao bên trong. Hồi ấy, bà Hè chuyên xin đi sau ông Thành để đẩy mót. Dưới sức nặng của một người đàn ông lực điền, đám cỏ cứng đầu cứng cổ cũng trở nên nát nhừ, diu đi rất nhẹ.

Trở lại cái nghiệp vôi vữa, lúc đầu ông Thành chỉ là thợ phụ rồi lần hồi lên thợ chính, cai bé, cai to nhờ chăm chỉ làm ăn, lo toan tính toán. Khác với nhiều ông chủ, tất tật các công việc nặng nhọc cai Thành đều trực tiếp mó tay chứ không hề có thái độ “chỉ tay năm ngón” kể cả gì nên dân làng rất nể, tham gia rất đông, từ đó tạo dựng nên một thương hiệu Xuân Thành lừng lẫy vượt xa nhiều cái lũy tre bao bọc cái làng quê nhỏ bé vùng đồng chiêm…

Rời Lãng Vân, bất chợt tôi ngoái lại. Mặt trời đỏ rực chìm dần sau “quả núi” nhà thờ.

Previous articleNụ Cười Của Bà Sarah
Next articleCác nhà khoa học lừng danh nói về Thiên Chúa