Đạo Đức Truyền Thông

217

Đạo Đức Truyền Thông

 

Dẫn nhập
Thế giới con người luôn là một thế giới động, của những chuyển dịch, của những đổi thay trong mọi khía cạnh cuộc sống. Một sức sống được trỗi dậy hay sự chết xuất hiện tàn phá sẽ được quyết định bởi sự năng động của một thế hệ, một hay nhiều dân tộc hoặc chỉ do bởi “ý thức hệ” của một bộ phận những con người nắm giữ sự thông truyền tin tức trong cuộc sống xã hội. Những con người này một mặt có ảnh hưởng về khía cạnh chính trị xã hội, một mặt họ có khả năng làm cho nguồn tư tưởng của nhiều người khác, hay cả thế giới tiến đến một sự tiến triển ngoạn mục hay vùi mình xuống vực thẳm ý tưởng, mà đó là mục đích của kẻ nắm giữ thông tin.

Thế giới ngày nay được cho là “thời đại của thông tin”, với những thuật ngữ: “bùng nổi thông tin”, “xã hội thông tin”,… Hiện tượng này đã bắt đầu xảy ra vào những thập niên cuối của thế kỷ XX. Sự ra đời của các phương tiện truyền thông như: báo chí, phát thanh, truyền hình và nhất là Internet, cùng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lãnh vực in ấn, xuất bản, điện tử, viễn thông, tin học,… đã trở thành những “đôi hia bảy dặm” xâm nhập vào tất cả mọi lãnh vực trong cuộc sống xã hội: kinh tế, thương mại, văn hóa, chính trị, nghệ thuật, tôn giáo, giáo dục, giải trí,…

Nếu truyền thông nói chung là điều kiện tồn tại tất yếu của xã hội con người vào bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, thì truyền thông đại chúng là một hiện tượng mới xuất hiện gần đây do sự phát triển của công nghệ, và nó là nét đặc trưng nổi bật nhất của khía cạnh truyền thông trong xã hội hiện đại. Nhà xã hội học Marshall McLuhan (1964) đã nhận định: các phương tiện truyền thông trong thế giới ngày nay là những công cụ giao lưu, có khả năng liên kết cả loài người vào trong một thứ cộng đồng điện tử mới, đó là một “ngôi làng toàn cầu” (global village).[1] Trong đó, con người có thể thông chuyển, chia sẻ hay trao đổi giữa những cá thể với nhau những thông tin cần thiết hay đời thường cách nhanh chóng. Chính trong khung cảnh cuộc sống này, con người có thể tiến xa hơn nữa nhờ vào sự thông chuyển hệ thức tác động từ người khác.

Tuy nhiên, khi xã hội con người đang ngày bước vào việc hòa hợp các khía cạnh của cuộc sống lại với nhau, hay nói khác đi, thế giới đang lướt trên con thuyền toàn cầu hóa, và song song đó là sự phát triển như vũ bão của ngành công nghiệp truyền thông với sự xuất hiện ngày càng nhiều, phong phú về các chủng loại phương tiện truyền thông, thì kèm theo đó không ít những vấn nạn liên quan đến lãnh vực truyền thông. Người ta cho rằng, do sự cạnh tranh, có thể nói là “sinh tồn”, nên nguy cơ xuất hiện các cá nhân, những tập đoàn tư bản hay chính phủ vô sản vốn nắm trong tay các phương tiện thông tin đại chúng, có thể sử dụng thứ quyền lực này (độc quyền) để khống chế, chi phối hay lũng đoạn đến những lĩnh vực khác của xã hội trên diện rộng.

Trước những mặt ưu và khuyết của ngành truyền thông như thế, vấn đề đạo đức đã được đặt ra. Làm thế nào để cho những phương tiện truyền thông không phải là những công cụ nhằm phục vụ cho những lợi ích cá nhân, mà gây nguy hại cho cộng đồng? Làm thế nào để cho những người làm việc trong lãnh vực truyền thông ý thức được trách vụ của họ đối với lợi ích cộng đồng? Làm thế nào để những thông tin truyền đi không trở thành yếu tố gây thiệt hại cho người khác? Đâu là nền tảng căn bản để các nhà truyền thông có thể dựa vào đó để làm tiêu chí cho hoạt động của mình? Giá trị đạo đức nào có thể giúp họ nhận định được giá trị của thông tin trước khi truyền đi? Làm thế nào để truyền thông luôn trở thành khí cụ của hòa bình, hòa giải giữa các dân tộc, quốc gia?… Tất cả những vấn đề được đặt ra ở trên chắc chắn sẽ không thể nào được giải đáp hoàn trọn trong những trang giấy này; hoặc những cách thức giải quyết hay những tiêu chí được đưa ra trong bài viết này có thể thỏa đáng với người này, nhưng cũng không thiếu những bất đồng với người khác. Tuy nhiên, nhóm thuyết trình chỉ xin được đặt ra những quan điểm đạo đức dưới nhãn quan của Giáo Hội, dựa trên ba nguyên tắc luân lý: tầm quan trọng tối cao của sự thật, phẩm giá con người và sự đề cao thiện ích chung.

Trước nhất, xin được khởi đi từ việc nhận định: thế nào là truyền thông.

I. TỔNG QUAN VỀ TRUYỀN THÔNG
1. Khái niệm truyền thông
Truyền thông là kỹ thuật truyền đạt tin tức, tư tưởng và thái độ từ người này sang người khác.

Một sự kiện truyền thông đòi hỏi phải có người sáng tác, có tác phẩm và người đónnhận. Ba yếu tố này tạo thành một vòng trao đổi nhờ những phương tiện truyền thông, giản dị hay phức tạp, vừa có tính chất kỹ thuật, vừa có tính chất thương mại. Nó liên lạc những cá nhân, một bên là những ký giả, sáng tạo và quảng bá sự kiện đó, một bên là một người hay nhóm người.[2]

Có hai hình thái truyền thông: Truyền thông liên cá nhân và truyền thông đại chúng.[3]

a. Truyền thông liên cá nhân
– Nhà xã hội học Mỹ, ông Lasswell đã đưa ra công thức về truyền thông như sau: “Ai nói cái gì, cho ai, bằng phương tiện gì và với hiệu quả nào”. Qua đó cho thấy, bốn phương tiện trong tiến trình truyền thông là: người truyền thông, thông điệp, người nhận, phương tiện truyền thông và sự ảnh hưởng của những phương tiện này trên người nhận tin. Truyền thông đối với Lasswell là một đường thẳng.
– Trong khi đó, các nhà nghiên cứu sau Lasswell lại đi xa hơn khi xem quá trình truyền thông là một chu kỳ theo dạng vòng tròn khép kín; bao gồm bốn giai đoạn chính: phát tin (emission), truyền tin (transmission), nhận tin (reception), và phản hồi (feedback). Michel de Coster, nhà xã hội học người Bỉ, đã phác họa sơ đồ truyền thông hoàn toàn khác với mô hình tuyến tính của Lasswell. Nhìn vào mô hình này, ta có thể thấy: một thông điệp sau khi được phát ra luôn luôn gây ra một phản ứng nào đó về phía người nhận tin (receiver), và do đó người nhận tin sẽ có một thông điệp phản hồi gởi về lại cho người phát tin (transmitter). Lúc đó người nhận tin cũng lại trở thành người phát tin. Như vậy, quá trình tuyền thông liên cá nhân là quá trình trao đổi thông tin giữa cá nhân này với cá nhân khác trong cuộc sống xã hội.
b.Truyền thông đại chúng
– Truyền thông đại chúng (mass communication) là quá trình truyền đạt thông tin cách rộng rãi đến mọi người trong xã hội. Quá trình này được tiến hành qua các phương tiện truyền thông đại chúng (mass media).
– Truyền thông đại chúng là quá trình xã hội đặc thù bao gồm ba yếu tố: Hoạt động truyền thông (quá trình tạo ra các sản phẩm truyền thông), các nhà truyền thông (quá trình truyền tải thông tin) và đại chúng (rộng rãi các tầng lớp quần chúng).
2. Vai trò và chức năng truyền thông
a. Vai trò
Truyền thông là một nhu cầu hết sức cần thiết của mỗi cá nhân đối với cộng đồng xã hội. Nhờ truyền thông, con người có thể gặp gỡ, tiếp xúc, hiểu nhau, đến với nhau, sống gần nhau và đón nhận nhau.

Vai trò của truyền thông luôn mang tính tiên phong, trước cả khi có chính trị, kinh tế, văn hóa,… Những thông tin truyền đi có thể là tư tưởng, hình ảnh, biểu tượng, con số,… liên quan đến mọi mặt đời sống. Ngày nay, truyền thông được coi là ngành khoa học bao trùm hàng chục loại hình khác nhau: sách báo, truyền thanh, truyền hình, điện thoại, thư tín, bích trương, biểu ngữ, truyền đơn, diễn đàn, internet,… phục vụ cho mọi người, mọi tầng lớp, giai cấp, mọi dân tộc và là yếu tố chung nhất của nhân loại.

Truyền thông luôn mang tính hai chiều giữa người gởi và người nhận với mục đích rõ ràng, hầu tạo nên mối tương quan cần thiết. Các kết quả nghiên cứu về sinh lý học và tâm lý học cho thấy ở con người, nhu cầu giao tiếp hình như mang tính bẩm sinh. Ngay cả bây giờ, nếu ngôn ngữ hoặc giao tiếp bằng ngôn ngữ, thông tin bị giới hạn thì người ta dùng “ngôn ngữ cử chỉ” cho đến khi không còn có thể trao đổi bằng “ngôn ngữ” này mới thôi.

Trong cuộc sống, giao tiếp hay truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Thông tin như là chiếc cầu nối để gắn kết các mối tương quan trong xã hội. Thông tin không trực tiếp sản xuất của cải vật chất nhưng là hoạt động tinh thần thực tiễn.

b. Chức năng
Truyền thông luôn vận động sự thay đổi của thế giới và phản ánh chính cuộc đổi thay ấy. Truyền thông thúc đẩy khả năng diễn đạt, truyền tải ý thức, tư tưởng qua những cách thức và phương tiện khác nhau. Tất cả các hoạt động của con người đều là những thông tin được truyền đến người khác và ngược lại.

Là công cụ sắc bén và có thể nói duy nhất, truyền thông tham gia vào hoạt động giáo dục bằng những bài học nhân bản, sự thật. Con người có thể truyền đạt cho nhau những kiến thức, kinh nghiệm, những bài học quý giá nhằm nâng cao đời sống tinh thần, góp phần hoàn thiện đời sống của chính mình, người khác và xã hội. Qua đó, con người nhận thức về các giá trị vũ trụ quan, nhân sinh quan.

Nhờ truyền thông, con người dễ dàng kiến tạo những mối quan hệ nội tại và ngoại tại. Nội tại, làm cho con người cảm nhận được nỗi sâu lắng, sự cảm xúc qua những thông tin được tiếp nhận. Ngoại tại, giúp con người có sự gắn kết với con người và xã hội. Từ đó, con người trong xã hội có thể tiến đến với nhau và gần nhau hơn.

Trong mỗi gia đình, cộng đồng, có tương quan chặt chẽ hay rời rạc đều nhờ vào khả năng truyền thông. Sự rạn nứt, xa cách bắt đầu từ những lý do nhiễu sóng hay ngừng bặt thông tin. Nếu sỏi đá, vật chất còn cần có nhau thì đó càng là nhu cầu tối ưu của con ngươi, bởi con người tự bản chất mang trong mình xã hội tính – căn tính sống động. Do đó, dù ở cánh rừng sâu hay hoang mạc, người ta vẫn có thể liên kết, hiểu nhau và yêu nhau qua một tín hiệu nào đó.

3. Phương tiện truyền thông
Qua từng giai đoạn và thời kỳ phát triển của xã hội, con người lần lượt trải qua và sử dụng nhiều phương tiện với những cách thức khác nhau để truyền đạt những thông tin cần thiết trong cuộc sống. Ta có thể qui về ba nhóm sau:[4]
– Các hình thức thông tin cá nhân, đơn giản: Ngôn ngữ (hoặc tiếng hú), cử chỉ (ngôn ngữ cơ thể), chữ viết,…
– Các hình thức thông tin đại chúng: Sách, báo, tạp chí, áp phích, tờ rơi, phim ảnh, băng nhạc, compact disk,…
– Các hình thức thông tin viễn thông: Telephone, Email, fax, internet,…
Trong các loại hình truyền thông, ta có thể tóm lại thành 5 loại phương tiện chính sau:
a. Ngôn ngữ
Trên tất cả, ngôn ngữ là công cụ giao tiếp quan trọng nhất của loài người. Ngay từ khi còn “ăn lông ở lỗ”, hình thức ngôn ngữ chỉ là những tiếng hú, cử chỉ đơn điệu rời rạc. Với thời gian, đời sống con người dần tiến hóa và phát triển, lúc này ngôn ngữ và chữ viết dần dần hình thành. Theo SayLing Wen thì ngôn ngữ (tiếng nói) của người Sumeria xuất hiện sớm nhất, tức vào khoảng năm 4000 đến 3500 TCN.

Ngôn ngữ của loài người khác hẳn so với các loài động vật khác. Nếu như ngôn ngữ của loài vật chỉ gói gọn trong phạm vi tiếng hú, tiếng gáy, tiếng hót, tiếng gầm,… thì loài người không những có thể bắt chước và “nghe” hết những thứ tiếng của các loài khác, mà còn có một thứ ngôn ngữ riêng biệt mà các loài khác hầu như không thể bắt chước được; hoặc có chăng chỉ là những tiếng phát âm ngọng nghịu. Hơn nữa, ngôn ngữ của loài người không đơn điệu, nhưng mang sắc thái, âm hưởng, cung điệu trầm bổng đan xen vào nhau; do đó, ngôn ngữ loài người có thể trình bày ý thức hệ, tư tưởng cũng như lột tả được chiều sâu nội tâm và diễn tả cảm xúc, định hình những cung điệu, màu sắc cách nghệ thuật. Đặc biệt, ngôn ngữ các loài khác thường là tiếng kêu bẩm sinh, là bản năng tự nhiên, nên sự trao đôi thông tin giữa chúng là vô thức; trái lại, với loài người, ngôn ngữ được truyền đi luôn có mục đích, đối tượng rõ ràng.

Ngôn ngữ là một ký hiệu phát âm có hệ thống, nó không chỉ diễn tả những thông điệp đơn giản mà còn giúp con người hiểu được những khái niệm trừu tượng. Ngôn ngữ làm cho việc giao tiếp trở nên dễ dàng hơn, truyền đạt được nhiều thông điệp phức tạp hơn và có thể truyền bá rộng rãi mà không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

Ngày nay, nhân loại đang tiến đến việc toàn cầu hóa, nhu cầu thông tin và trao đổi càng trở nên thật cần thiết. Do đó, thế giới đang có xu hướng sử dụng một số ngôn ngữ của một số dân tộc làm “ngôn ngữ thông hành” trong các mặt dời sống. Chính vì thế, đối với truyền thông, ngôn ngữ là phương tiện đắc lực nhất và nó chiếm khoảng 80% trong các phương tiện thông tin khác.

b. Chữ viết – Văn bản
– Chữ viết
Cùng với ngôn ngữ, chữ viết cũng đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử loài người. Theo các nhà khảo cổ học, các nhà sử học và dựa vào các tài liệu dân tộc học, chữ viết xưa nhất, xét trên phạm vi toàn thế giới, xuất hiện ở Phương Đông cổ đại và vùng Đông Nam Á thời xa xưa. Hình thái của chữ viết đầu tiên được biết đến dưới dạng những hình ảnh, ký hiệu được khắc trên các vách hang động, trên các xương thú, trên ngà voi, trên vỏ cây,… Tùy theo môi trường địa lý, tập tục của từng chủng người, và sau này phát triển thành các nhóm bộ tộc, mà có những chữ viết mang hình thái khác nhau.

Trên cơ sở về dạng thức, người ta gắn mỗi hình vẽ, ký hiệu với một kết cấu ngữ âm để biểu thị một từ nhất định trong ngôn ngữ nói có liên quan về mặt ý nghĩa với hình vẽ đó. Như vậy, hình vẽ nhằmmục đích thông tin ấy đã có âm đọc, có ý nghĩa, có thể đóng vai trò lưu ký và chuyển vận một từ dưới một thực thể hữu hình. Nên khi nhìn vào chữ – hình vẽ, người ta có thể đọc nó lên, và chỉ cần thông qua cái vỏ ngữ âm đó, người ta cũng có thể hiểu được ý nghĩa của chữ đó. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khái niệm không thể dùng chữ hình tượng này để diễn tả, và mức độ phát triển ngôn ngữ cũng như các khái niệm ngày càng nhiều, do đó nguyên tắc chữ viết mới xuất hiện, nguyên tắc ghi âm. Đây là loại chữ tiên tiến nhất, có khả năng bám sát ngôn ngữ nói, có thể ghi lại được mọi từ nhằm biểu thị vật thể, khái niệm mang tính trừu tượng. Dẫu vậy, không phải đó là loại chữ viết hoàn hảo nhất, bởi bản thân nó là chữ viết tượng hình, và giới hạn của nó cũng rất dễ bị nhầm lẫm trong quá trình ứng dụng. Và như vậy, một loại chữ nữa ra đời, đó là hệ thống chữ cái ghi âm. Và đây được coi là chữ viết cuối cùng trong việc sáng tạo ra chữ viết của loài người.[5]

Hiện nay, trên thế giới có khoảng gần 3000 ngôn ngữ đã được nhận biết, trong đó, số lớn đã được ghi lại bằng các loại chữ viết hình thành từ cổ xưa hoặc mới được đặt ra trong thời gian gần đây. Song song với sự phát triển và đó, qui luật đào thải của xã hội cũng làm cho nhiều chữ viết bị biến mất. Các nhà khoa học cho rằng: sự biến mất của những ngôn ngữ này đi theo sự biến mất của một số tộc người, hoặc cũng do bởi sự chuyển đổi cách phát âm và mặc cho chúng những ý nghĩa khác (Vd: chữ Hippri,…), hay do không còn được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống của dân tộc nào (Vd: chữ Latinh,…).

– Văn bản:
Khi đề cập đến chữ viết, không thể không nói đến hình thức lưu truyền thông tin qua Văn Bản. Đó là những kho tàng kiến thức, kinh nghiệm sống của nhân loại được lưu truyền cho hậu thế. Ban đầu, văn bản chính yếu chỉ là những miếng vỏ cây, sau đó đến những miếng da thuộc, và cho đến ngày nay là giấy. Trước đây, người ta phải ngồi viết lại toàn bộ, nên việc lưu truyền chỉ mang tính chọn lọc rất kỹ lưỡng, và đồng thời với số lượng không nhiều. Nên việc hậu thế biết đến hoặc tiếp cận được những văn bản này cũng bị hạn chế. Nhưng cho đến thế kỷ XV, sự phát triển của nền công nghệ in ấn, máy in ra đời, việc phổ biến thông tin bắt đầu trở nên rộng rãi và nội dung cũng phong phú hơn.

Ngày nay, việc sách báo xuất hiện trong cuộc sống hằng ngày của người dân cũng không nằm ngoài hoạt động thông tin truyền thông cũng như nhằm lưu trữ lại những tri thức của nhân loại. Hình thức không còn đơn điệu toàn chữ viết, nhưng phong phú và đa dạng về hình ảnh biểu đạt thông tin.

c. Truyền thanh
Vào những năm đầu của thế kỷ XX, xuất hiện những cuộc thí nghiệm đầu tiên về công nghệ truyền thanh. Tuy nhiên, những phát minh này không được nhiều người chú ý. Thế nhưng, sau thế chiến lần I (1917), truyền thanh được chú trọng tại nhiều quốc gia, đặc biệt tại Hoa Kỳ và Âu Châu. Mặc dù âm thanh lúc này chưa được rõ ràng, nhưng truyền thanh được xem như phương tiện truyền thông lớn nhất tại Châu Âu.

Truyền thanh chỉ thực sự phát triển vào những năm 1927 – 1940. Nhờ những phát minh kỹ thuật và khoa học mới, cho nên về phương tiện kỹ thuật ngày càng hoàn hảo hơn: âm thanh tốt hơn, dễ dàng bắt sóng hơn,… Nhờ đó, kích thích tạo ra những chương trình phát thanh hấp dẫn mọi người. Do thu hút được nhiều khán thính giả, truyền thanh trở nên công cụ và tiện cho những mục đích khác nhau, đặc biệt trong thế chiến thứ hai, truyền thanh là vũ khí, có thể nói là “hạng nặng”, tấn công giữa các phe tham chiến. Một điểm đáng chú ý ở đây nữa, truyền thanh vào thời gian này không còn mang tính quốc gia, nhưng đã bao phủ trên tầm mức quốc tế. Năm 1939, đã có hơn 25 quốc gia trên thế giới nhờ vào những phương tiện truyền thanh để gởi những làn sóng điện ra nước ngoài. Từ đó, dẫn đến những hiện tượng “chiến tranh làn sóng điện” giữa các quốc gia. Điều đó chứng tỏ sức mạnh của truyền thanh trên đời sống công chúng.

Sau khi chiến thanh thế giới lần II kết thúc, truyền thanh được phát triển mạnh; không chỉ phục vụ trong quân đội, nhưng phục vụ trong việc thông tin đại chúng. Với sự ra đời của máy Transistor xài pin, truyền thanh chẳng những đến từng gia đình mà nó còn đến với từng cá nhân cách thân mật; quan trọng nhất về mặt giáo dục, tuyên truyền cho mọi người ở khắp nơi, kể cả những vùng quê xa xôi. Cho đến ngày nay, truyền thanh không còn xa lạ với mọi người. Ai cũng có thể tiếp cận trực tiếp với loại hình truyền thông này. So với cách thức truyền thông bằng chữ viết – văn bản, thì đây quả là bước đột phá dưới khía cạnh tốc độ truyền đạt thông tin. Ngược lại, về tính lưu trữ lâu dài, có thể nói không thể sánh bằng hình thức chữ viết – văn bản.

d. Truyền hình
Nối tiếp với những phát minh về truyền thanh, truyền hình ra đời nhằm nâng cao mức độ chuyển tải thông tin đến mọi người. Nếu như với ngôn ngữ và truyền thanh chỉ là những âm điệu, giờ đây, với sự xuất hiện của truyền hình, con người không những được nghe mà còn có thể nhìn thấy được nhiều sự việc được biểu đạt qua những hình ảnh sống động.

Sau những cuộc thí nghiệm vào khoảng năm 1928 – 1935, truyền hình bắt đầu được thực hiện ở một vài quốc gia trên thế giới. Thực chất, truyền hình trước đó đã có (khoảng năm 1894), nhưng đó chỉ là những hình ảnh trắng đen và không có âm thanh. Sau khi thí nghiệm thành công việc đưa âm thanh vào những thước phim năm 1927, và đồng thời tốc độ trượt ảnh được tăng cao hơn khiến cho truyền hình được nhiều người chú ý và chào đón. Sau thế chiến thứ II, công nghệ truyền hình được các quốc gia trên thế giới chú trọng phát triển, đặc biệt là Mỹ và Âu Châu, kỹ thuật điện ảnh ngày càng được cải tiến hoàn hảo hơn: phim màu, âm thanh nổi, màn ảnh đại vĩ tuyến,… Sự kiện bắt đầu nhận được sóng truyền hình qua vệ tinh nhân tạo năm 1962 đánh dấu một bước đột phá lớn cho ngành kỹ thuật truyền hình. Từ đó cho thấy, việc chuyển tải thông tin có âm thanh và hình ảnh đến các quốc gia tại các châu lục trở nên dễ dàng, nhanh chóng và sống động. (Vd: tháng 11-1963, dân chúng Âu Châu có thể xem truyền hình từ mỹ sang Pháp). 

Ngày nay, truyền hình hầu như có mặt tại tất cả các gia đình trên thế giới. Mức độ sử dụng phương tiện truyền hình được chú trọng hơn, đồng nghĩa mọi người đặc biệt quan tâm đến những thông tin do phương tiện truyền hình mang lại. Nhờ sự phát triển của kỹ thuật truyền hình cable kết hợp truyền hình qua sóng vệ tinh, việc truyền tải thông tin qua phương tiện truyền hình ngày càng đạt chất lượng về tốc độ truyền tin, âm thanh, hình ảnh sinh động, phản ánh tình trạng khẩn cấp mọi vấn đề xã hội. Hơn nữa, chi phí đầu tư lại không cao, phù hợp khả năng nhiều người, nên việc trang bị phương tiện truyền hình ở các gia đình, nơi công cộng,… là điều dễ hiểu.

e. Internet
Khác biệt với các phương tiện truyền thông trước đó, Internet ra đời được cho là phát minh vĩ đại của con người và là ứng dụng tối ưu trong ngành điện tử viễn thông hiện nay. Mặc dù lịch sử ra đời của Internet trước thế giới mới thực sự khoảng hơn hai thập kỷ, nhưng sự phát triển của nó đã tạo ra một cuộc cách mạng lớn trong mọi hoạt động của con người từ kinh doanh, thương mại cho đến giáo dục, vui chơi, giải trí, mua sắm,… Đến với Internet, mọi người thấy thế giới dường như không còn khoảng cách, mọi thứ trở nên gần gũi; chỉ cần ngồi tại nhà, với một vài thao tác đơn giản, chúng ta có thể tiếp xúc với thế giới cách nhanh chóng.[6]

Vậy Internet là gì? Internet là một hệ thống gồm các mạng máy tính được liên kết với nhau trên phạm vi toàn thế giới, thông qua hệ thống cable quang hoặc vệ tinh định vị toàn cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch vụ truyền thông dữ liệu: đăng nhập từ xa, chuyển tải tin tức, âm nhạc, hình ảnh, thư tín điện tử, và các nhóm thông tin khác nhau.

Nguồn gốc đầu tiên của Internet là hệ thống máy tính của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ.[7] Năm 1960, cục Kế Hoạch Nghiên Cứu Cấp Cao (Advanced Researched Projects Agency) thuộc Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ thành công trong việc cho phép nhiều người trong một mạng có thể truy cập đến những tài nguyên (resource) cùng một lúc. Hệ thống mạng của các trường đại học, các cơ quan, công ty Hoa Kỳ dần dà nối vào mạng ARPA (ARPANet) của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Internet được hình thành. Trong thập niên 70, Internet bắt đầu được mở rộng trên phạm vi toàn cầu. Các nhà khoa học, thương gia nhanh chóng nhận ra những ích lợi to lớn của Internet trong việc liên lạc, trao đổi, truy cập tin tức, giao dịch và quảng cáo. Tuy nhiên, vào thời điểm đó Internet cũng còn rất khó sử dụng vì người dùng cần phải biết và nhớ câu lệnh.[8]

Ngày nay, mạng Internet đang phát triển với tốc độ bùng nổ, mỗi tháng có thêm khoảng vài triệu người tham gia vì những tiện ích vô hạn của nó. Từ việc trao đổi thư từ chỉ vài giây và tốn vài xu cho đến việc giải trí, đọc báo, tán gẫu, quảng cáo, thông tin, lưu dữ tài liệu và mua bán trên mạng,… Thêm vào đó, tốc độ truy cập ngày càng được cải thiện khiến cho việc truy xuất thông tin nhanh chóng, cấp thiết và tức thời, phù hợp với nhịp sống thời buổi xã hội toàn cầu hóa. Việc kết nối vào Internet cũng không còn phức tạp, chỉ cần một máy vi tính (máy bộ hay notebook) tích hợp modem card; và sau khi đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ một account cá nhân, chúng ta có thể kết nối với toàn thế giới.

* Webpage Và Website
Tất nhiên, khi truy xuất tài nguyên thông tin hay dữ liệu thông qua Internet, chúng ta cần phải thông qua một cửa ngõ, đó là Webpage và Website.

Trang web (webpage) là tập tin có dạng siêu văn bản như: htm, html, asp, cgi,… mà qua đó các trình duyệt Internet có thể mở được. Hiểu đơn giản là nếu muốn mở một văn bản có đuôi *.doc (document) thì cần phải có các chương trình soạn thảo văn bản để mở nó như Microsoft Word, Wordpad… Trang web cũng vậy. Người ta soạn thảo nó bằng nhiều chương trình làm web, sử dụng nhiều công cụ, nhiều ngôn ngữ phục vụ cho trình duyệt Web như: Visual Basic, Cgi-bin, Java Scrip, DHTML, Frontpage,… nhưng miễn sao người dùng mở được từ các trình duyệt web như Internet Explorer, Outlook Express hay Internet Escape,… các trình duyệt này thường có sẵn trên các máy vi tính cá nhân.

Tập hợp những trang web có liên kết với nhau được gọi là Website, trên mỗi Website có một trang web được gọi là trang web chủ. Đây là trang web mà người dùng sẽ nhìn thấy đầu tiên khi họ truy cập một Website. Từ trang chủ người dùng có thể click vào các địa chỉ liên kết để mở trang web khác trong cùng một site hay các trang web của các site khác. Các liên kết này có thể là các site cùng trên một máy tính hoặc cũng có thể là nó nằm trên một máy tính khác đâu đó trên thế giới.[9]
Đương nhiên để cho mọi người thấy được trang web, ngoài việc soạn thảo nó, cần phải đưa (post hay upload) các trang web này lên một máy chủ Web (Server), máy chủ này phải được kết nối với Internet 24/24, qua nó người dùng mới có thể kết nối và thông tin truyền tải mới có thể đến được người dùng.

Đà Phổ Cập Internet Ngày Nay
Trong những năm gần đây, máy vi tính càng ngày càng trở nên thông dụng và cần thiết với mọi người cũng như mọi ngành nghề trong xã hội. Một mặt, giá thành máy tính ngày càng rẻ, tốc độ và khả năng xử lý câu lệnh ngày càng cao, dữ liệu và phần mềm điện toán (software) ngày càng nhiều về số lượng, đa dạng về chức năng, và ngày càng dễ dàng sử dụng. Mặt khác, trong các lãnh vực cuộc sống, xã hội hầu như đều sử dụng hệ thống điều khiển từ xa thông qua mạng Internet. Từ đó, có thể nói, công nghệ Internet bao trùm toàn bộ các phương tiện truyền thông khác, bởi khả năng ứng dụng của nó hầu như được ứng dụng trong mọi lãnh vực: giáo dục, văn hóa, chính trị, kinh tế, tôn giáo, y tế, thiên văn, du lịch,… cũng như chức năng đa dạng hóa trong nhiều mặt: truyền tin, lưu trữ, nói chuyện, tán gẫu, đọc sách, tra cứu, nghe nhạc, giải trí, gửi thư tín, quảng cáo, quản lý,…

Hiện nay có khoảng hơn một tỷ người trên hành tinh sử dụng Internet (số liệu đến tháng 3 năm 2006) con số này cao hơn so với số thực vì không phải ai cũng có máy tính và kết nối Internet tại nhà. Rất nhiều người vẫn đang sử dụng Internet tại các trường học, công sở hay các điểm cho thuê Internet, đặc biệt là tại các nước thứ ba. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên thành 2 tỷ người vào năm 2010. Hiện nay, Hoa Kỳ và Canada là hai quốc gia có số người sử dụng Internet cao nhất, cụ thể Hoa Kỳ là 67% dân số, Canada có 53% số dân sử dụng Internet. Tuy nhiên theo dự đoán, trong vòng hai năm tới, Trung Quốc sẽ có khoảng 16% dân số sử dụng Internet, tức khoảng 240 triệu người. Tại Việt Nam đến tháng 3 năm 2006, theo bảng tin PC World, Việt Nam có khoảng gần 2 triệu thuê bao, tức khoảng 1,8% trên tổng số dân. Theo kế hoạch phát triển Internet, đến năm 2010 Việt Nam cố gắng đạt 3 triệu thuê bao/100 dân; tỷ lệ người dùng Internet là 6–7% dân số. Cũng theo kế hoạch này, khoảng 80% trường phổ thông, 100% bệnh viện trung ương, 70% bệnh viện tỉnh và tất cả các trường đại học, viện nghiên cứu đều được kết nối Internet.[10]

Cũng theo những con số thống kê, trên 60% người dùng Internet là giới trẻ (từ 14 – 35), 90% sử dụng Internet cho việc Email, 60% dùng để tra cứu, nghiên cứu và cho việc học tập. Con số người sử dụng Internet cho việc giải trí cũng khá cao, 30%. Thư viện và các dịch vụ là nơi người dùng Internet truy cập nhiều nhất.

Tóm lại, với những phương tiện truyền thông hiện nay được cho là phục vụ rất tốt cho nhu cầu lưu trữ và truyền tải thông tin. Đặc biệt, với những đặc tính riêng của mỗi loại phương tiện, ta thấy có những yếu tố tích cực đáp ứng phần nào nhu cầu của con người. Mỗi loại không tuyệt đối hoàn toàn, nhưng chúng kết hợp và bổ túc cho nhau.

II. TRUYỀN THÔNG TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI
1. Truyền thông – Yếu tố không thể thiếu trong đời sống xã hội con người
Con người là một hữu thể của xã hội. Sống là sống với người khác và tương giao với họ, cùng chia sẻ vận mang chung của nhân loại. Do vậy, con người không thể sống mà không nhận biết những gì đang xảy ra xung quanh, cũng như không cảm nhận được sự sôi động của thế giới qua việc trao đổi thông tin; đặc biệt trong xã hội mà con người từ khi mở mắt thức dậy đón chào ngày mới cho đến khi đi ngủ khép lại thời gian một ngày đã qua, luôn phải đối diện với hàng loạt thông tin liên quan đến cá nhân, gia đình, tập thể, dân tộc, đất nước,… Nếu như thế giới này một ngày nào đó mọi sự đều trở nên bất động, yên lặng, mọi hoạt động truyền thông không còn được diễn ra, chắc chắn rằng lúc đó thế giới sẽ trở nên một thế giới “chết”.

Như vậy, có thể nói, truyền thông là một trong những yếu tố chính yếu góp phần làm cho thế giới có sức sống, đặc biệt trong thế giới loài người. Như đã trình bày ở trên, sự phát triển, tiến hóa của con người có được cho đến ngày nay nhờ rất nhiều vào việc truyền thông. Và theo thời gian, với sự bổ trợ giữa truyền thông và khoa học, các phát minh khoa học kỹ thuật được cải tiến cũng chủ đích nhằm đến việc lưu truyền thông tin ngày một tức thời, chính xác, và cũng nhằm đến những mục đích nhu cầu xã hội khác.

May mắn thay, nhân loại ngày nay đang sống trong thời kỳ có thể nói là sự tiến bộ của hệ thống truyền thông ở tầm mức cao độ. Nhờ đó, việc lưu truyền thông tin không còn khó khăn. Với những thành tựu khoa học đã đạt được, chúng ta cảm thấy thế giới giờ đây như một ngôi làng nhỏ và ở đó, mọi người có thể trao đổi, chia sẻ cho nhau mọi thứ, mọi điều, bàn luận mọi vấn đề cách nhanh chóng và cùng nhau xây dựng, kiến tạo ngôi làng cho ngày một thân thương.

Do bởi tính chất cũng như mức độ ảnh hưởng của truyền thông, lẽ tất nhiên, sự tác động của truyền thông trên đời sống con người không hề nhỏ. Trong mỗi khía cạnh cuộc sống, truyền thông đều có tầm mức chi phối đáng kể.
 

2. Tác động truyền thông
a. Chính trị
Như đã nói ở trên, truyền thông là căn tính của xã hội loài người. Do đó, bất kỳ một sự kiện truyền thông nào, không ít thì nhiều, đều tác động đến người tham gia truyền thông và có khi còn ảnh hưởng đến nhiều người khác. Ta thấy rất rõ điều này trong lãnh vực chính trị. Truyền thông góp phần rất lớn vào việc ổn định hoặc gây ra những cuộc khủng hoảng chính trị tại bất kỳ quốc gia nào, hoặc bất kỳ dân tộc nào.

Các phương tiện truyền thông là công cụ rất hữu hiệu cho xã hội. Trong chính trị, chúng cung cấp những thông tin liên quan đến các vấn đề thời sự, chính sách, đường hướng cũng như hoạch định của các chính trị gia cho toàn thể công dân được biết. Chúng giúp các nhà chính khách liên lạc nhanh chóng và thẳng thắn với người dân, không chỉ trong những vấn đề xây dựng phát triển đất nước con người, nhưng còn trong các trường hợp khẩn thiết; ngay cả những trường hợp nóng bỏng, gay gắt trong các vấn đề nổi cộm. Bên cạnh đó, người dân có thể bày tỏ chính kiến của mình về những vấn đề chính trị của đất nước mình, cũng như với các vấn đề chính trị của các quốc gia khác trên thế giới. Một đàng, các nhà chính trị cần phải cho công luận biết mục tiêu mà họ muốn đưa đất nước đạt đến; mặt khác, họ cũng sẽ nhận được sự phản hồi từ những suy nghĩ của người dân về những gì họ thao thức, cũng như những cách thức giải quyết vấn đề và sự đồng tình trong các vấn đề về chính sách, chính trị.

Mặt khác, truyền thông với sự trợ giúp của các hương tiện khoa học kỹ thuật cao, giúp con người có thể xây dựng niềm tin, tố giác sự bất tài hay thanh lọc những người yếu kém trong vai trò đại diện mọi công dân lãnh đạo, điều hành quốc gia. Qua việc nhận định, giám sát và chọn người lãnh đạo đất nước, một cách nào đó, truyền thông gián tiếp tạo điều kiện cho người dân tham gia cách hiểu biết vào diễn biến chính trị tại quốc gia mình, và có thể vượt ra ngoài ranh giới địa lý đến với các quốc gia khác. Các phương tiện truyền thông liên kết những chính kiến người dân lại với nhau để tạo nên sức mạnh quốc gia, dân tộc; đưa đất nước tiến đến mục đích và mục tiêu chung, giúp họ hình thành cũng như nuôi dưỡng các cộng đoàn chính trị chân chính.

Dẫu sao ta thấy một điều rõ ràng là càng có nhiều phương tiện thông tin thì người dân càng có cơ hội để nắm bắt về tình hình chính trị của chính đất nước họ cũng nhưng ở nước ngoài. Đối với người lành đạo cũng vậy, họ dễ dàng đưa những yêu cầu hay chính sách của mình tới người dân dễ dàng hơn; đồng thời họ cũng có cơ hội để nắm bắt dư luận đang hướng về họ để điều chỉnh phương thức lãnh đạo phù hợp hơn.

b. Kinh tế
Các phương tiện tuyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường, góp phần đẩy mạnh sự:
– Tăng trưởng kinh tế
– Tạo công ăn việc làm
– Cổ võ việc cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ mới
– Khuyến khích sự cạnh tranh có trách nhiệm để phục vụ công ích.
– Tạo điều kiện cho khách hàng hàng có những lựa chọn hợp lý bằng cách thông báo cho họ biết những sản phẩm nào có sẵn và nó mang những đặc điểm gì?
Tuy nhiên, nó cũng có mặt trái. Các phương tiện truyền thông được dùng để hỗ trợ những hệ thống kinh tế đôi khi đẩy người ta tới chỗ tham lam. Chủ nghĩa tự do là một ví dụ: “dựa trên một quan niệm kinh tế về con người”, chủ nghĩa này “đã coi lợi nhuận và các qui luật của thị trường là những tham số tuyệt đối, thậm chí làm hại đến phẩm giá và thiếu tôn trọng cá nhân dân tộc”.[11] Trong những hoàn cảnh ấy, các phương tiện truyền thông thay vì nhằm phục vụ lợi ích cho cộng đồng con người, thì ngược lại, nó chỉ khai thác và phục vụ lợi ích cho một số cá nhân.
c. Văn hóa
Các phương tiện truyền thông xã hội cho phép người ta tiếp cận với văn học, kịch nghệ, âm nhạc, nghệ thuật,… mà nếu không có chúng thì họ không tài nào tiếp cận được, đồng thời đẩy mạnh sự phát triển trí hiểu con người trong lĩnh vực tri thức, sự thông thái và thẩm mỹ. Ở đây chúng ta không chỉ nói tới việc trình diễn các tác phẩm kinh điển và kết quả của việc học tập, mà còn muốn nói tới những hình thức giải trí bình dân, lành mạnh và những thông tin hữu ích thu hút các gia đình xích lại gần nhau, giúp con người giải quyết các vấn đề thường nhật, khích lệ tinh thần những người ốm đau, cô độc và già nua bị chôn chân trong nhà, làm cuộc sống xã hội bớt tẻ nhạt.

Các phương tiện truyền thông cũng giúp các nhóm sắc tộc bảo tồn và trân trọng những giá trị truyêàn thống văn hóa của mình; chia sẻ chúng cho người khác và truyền lại cho các thế hệ mai sau. Đặc biệt, chúng còn giúp trẻ em và giới trẻ biết về di sản văn hóa của dân tộc mình. Các nhà truyền thông, như các nghệ sĩ chẳng hạn, phục vụ công ích bằng cách giữ gìn và làm giàu kho tàng văn hóa của các dân tộc và các quốc gia.

d. Giáo dục
Các phương tiện truyền thông là những công cụ quan trọng để giáo dục trong nhiều môi trường, nhiều lãnh vực khác nhau: Từ trường học đến nơi cuộc sống, qua nhiều giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Trẻ em trong độ tuổi trước khi đến trường được giới thiệu những bài học cơ bản như tập đọc hay làm toán. Thanh thiếu niên có thể được học nghề hay lấy bằng; người lớn có thể học thêm trong những năm sau này của cuộc đời – những người ấy và nhiều người khác nữa, có thể thông qua những phương tiện truyền thông mà tiếp cận được kho tàng tri thức nhân loại để có thể học hỏi, bồi dưỡng khả năng hiếu biết của bản thân ngày một phong phú.

Các phương tiện truyền thông được coi là những công cụ giảng dạy tiêu chuẩn trong nhiều lớp học. Và bên ngoài trường lớp, các phương tiện truyền thông đang vượt qua hàng rào ngăn cách và cô lập để đem các cơ hội học tập đến cho mọi người, mọi đối tượng; không chỉ tại các khu vực thành thị sang trọng, sầm uất, nhưng len lỏi đến các dân làng vùng sâu vùng xa, cho những người không thể rời khỏi nhà, cho các tù nhân và nhiều người khác nữa.

e. Tôn giáo
Đời sống tôn giáo của nhiều người cũng được làm phong phú hơn nhờ các phương tiện truyền thông. Chúng chuyển tải cho họ các thông tin về những sự kiện, những tài liệu học tập, quan niệm và các nhân vật tôn giáo. Chúng là những “vật truyền tải” phục vụ cho công cuộc rao truyền đạo lý. Mỗi ngày chúng cung cấp cho những ai phải chôn chân tại nhà hay trong các tu viện những gợi ý, những sự động viên và những cơ hội cầu nguyện.

Mặt khác, các phương tiện truyền thông còn góp phần làm giàu cho con người về mặt tâm linh một cách đặc biệt. Chẳng hạn, cả một cử tọa rộng lớn trên thế giới nhờ các phương tiện ấy mà được tham dự vào các sự kiện trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của mình.

Đối với Giáo Hội Công Giáo, việc áp dụng các phương tiện truyền thông trong việc loan báo Tin Mừng không còn là điều mới mẻ. Công đồng Vatican II dành hẳn một tông huấn để đề cập đến khía cạnh truyền thông này, và còn nhiều chỗ khác trong các hiến chế cũng như các tự sắc, tuyên ngôn khác đề cập đến điều này. Song song đó, Giáo Hội cũng chú trọng đến việc triển khai và ứng dụng cách rộng mở đến với mọi người, cả tín hữu cũng như lương dân. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong thông điệp nhân ngày quốc tế truyền thông lần thứ 36, năm 2002, đã nói: “Tôi kêu gọi toàn thể giáo hội hãy dũng cảm bước qua ngưỡng cửa mới mẻ này, để ra khơi trong biển sâu máy tính, để hôm nay cũng như trong quá khứ sự dấn thân cao cả cho Tin Mừng và văn hóa có thể tỏ cho thế giới”.[12]  Đức giáo hoàng kêu gọi mọi người sử dụng phương pháp truyền thông để truyền giáo, để loan Tin Mừng cứu độ các tốt nhất cho toàn thể thế giới. Chính vì thế, Giáo Hội kêu gọi các cấp lãnh đạo tích cực cộng tác vào lãnh này “Giáo Hội trung ương ở Rôma cũng như ở các cấp đọ giáo phận địa phương cũng phải làm gương trước tiên: các giám mục có bổn phận chăm sóc các công cuộc và các tổ chức thuộc loại này trong giáo phận mình”.[13]

Với văn kiện Giáo Hội và Internet, Giáo Hội nhấn mạnh đến hai mục tiêu: thứ nhất, tác thành khuyến khích thúc đẩy phát triển Internet vì sự phát triển của xã hội và cũng là phương thế loan báo Tin Mừng cho các dân tộc gần xa. Thứ hai, là điều quan trong hơn là mối quan tâm của Giáo Hội sao cho việc truyền thông có sự góp mặt tích cực của Giáo Hội, một truyền thông trong và bởi chính Giáo Hội.[14]

Đối với những người giáo dân khi tham gia vào việc sử dụng những phương tiện này cũng phải cố gắng làm chứng về Chúa Kitô, trước hết bằng cách hoàn tất mọi công tác cho thành thạo với tinh thần tông đồ, rồi tùy khả năng kỹ thuật, kinh tế, văn hóa và nghệ thuật mà trực tiếp trợ giúp hoạt động phụng vụ của Giáo Hội theo phận vụ của mình.[15]

Ngày nay trên toàn thế giới, Giáo Hội đã lập rất nhiều Websites, các trang báo điện tử, các địa chỉ Email để phục vụ cho công cuộc truyền giáo. Tuy nhiên, bên cạch những mặt tích cực của truyền thông, nó cũng đem lại cho Giáo Hội cũng như xã hội rất nhiều điều tiêu cực, làm mất đi giá trị đạo đức đích thực của truyền thông. Một sự kiểm duyệt cắt xén, dấu nhẹm, xuyên tạc chân lý trên các phương tiện truyền thông, chỉ vì những thông tin ấy có khả năng đe dọa, gây khó chịu, làm lung lay thiết chế độc tài của họ.[16]

Nhìn chung, các phương tiện truyền thông có thể hiệp nhất con người với nhau, nhưng cũng có thể chia rẽ họ thành những cá nhân hay những nhóm nghi kỵ lẫn nhau, tách biệt bởi ý thức hệ, chính trị, của cải, chủng tộc hay ngay cả tôn giáo.
 

3. Những vấn nạn trong truyền thông
Những tiện ích mà truyền thông đưa lại là điều không thể phủ nhận, ngay nay, nhiều người cho rằng, có thông tin là có tất cả. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận thực tế về vấn đề truyền thông, nó đã và đang có những ảnh hưởng có tính tiêu cực lên con người. Có thể nói, mặt trái của truyền thông là không ít, nhưng trong phạm vi bài viết này, những người viết xin đưa ra một vài vấn đề sau:
a. Truyền thông gây tổn thương đến tính nhân văn
Có thể nói, bản chất của các thông tin chuyển tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng là không xấu.

Vấn đề là con người (người chuyển tải thông tin cũng như người tiếp nhận tin) chuyển tải và tiếp nhận với mục đích gì, cách thức chuyển tải như thế nào… như xét trường hợp các thông tin trên mạng Internet, là mạng thôn tin toàn cầu, mọi người đều có thể đưa ý kiến của mình lên mạng, và một thông tin trên mạng thì mọi người đều có thể cập nhật. Đó là “sân chơi” cho mọi người. Nhưng vấn đề là đối với một thông tin, một hình ảnh, một bộ phim được chuyển tải trên mạng thì có thể chỉ phù hợp với một đối tượng nhất định nào đó – một quốc gia, một nền văn hóa, một lứa tuổi… – nhưng mọi người có thể độc, xem nó.

Đây cũng là mãnh đất cho những người lợi dụng để chuyển tải những thông tin không tốt, không lành mạnh.  Nhằm tìm kiếm lợi nhuận mà làm lãng quên những giá trị đích thực của con người, đó là phẩm giá, tính nhân văn, như xâm phạm đến cá nhân, riêng tư, như quay phim, chụp hình trộm hoặc dùng kỹ thuật chỉnh sửa rồi tung lên mạng những bức hình khỏa thân, hình ảnh có tính Sexual. Những thông tin có tính đả kích.

Hay trong quảng cáo, chúng ta thấy các nhà quảng cáo đề cao quá mức về hình thức quảng cáo mà lãng quên tính nhân văn, nhân bản của con người. Điều mà khá phổ biến trong quảng cáo là người phụ nữ bị lạm dụng, Giáo Hội đã nêu lên vấn đề này trong thông điệp Đạo đức trong quảng cáo :”Biết bao lần phụ nữ bị đối xử không phải như những con người cóa phẩm giá bất khả xâm phạm, mà chỉ là đối tượng nhằm thỏa mãn sự thèm khát dục vọng hay quyền lực của người khác? Biết bao lần vai trò làm mẹ, làm vợ bị và làm mẹ của phụ nữ bị hạ giá hay thậm chí bị chế giễu”.

Một trong những vấn đề làm tổn hại đến con người là việc phán tán những tài liệu, sách, phim, ảnh có nội dung không lành mạnh, đối tượng nguy cơ ở đây là những người trẻ tuổi, thanh thiếu niên,  có những người “lập cơ sở” in, sao lậu băng đĩa có nội dung đòi trụy, nó gieo rắc những tư tưởng và hành vi xấu trong xã hội, nhất là những nhóm có nguy cơ cao.

b. Tính giả tạo, giả dối trong truyền thông
Trong thời đại được gọi là bùng nổ thông tin, có một nguy cơ rất lớn là dẫn đưa con người ta vào một thế giới ảo. Như kinh doanh buôn bán qua mạng, kết mạng, tìm người yêu trên mạng…, một vấn đề có thể nói là khá nổi cộm mà nhiều người đang quan tâm đó là việc liên lạc qua thư điện tử, Email hay Chat đang là thịnh hành trong đa số giới thanh thiếu niên và một bộ phận người lớn, đây là một “môi trường” chuyển tải những thông tin “đùa như thật”. Chúng ta không ít lần mở hộp thư phải bắt gặp những thông tin từ “phương miền xa lạ” với đủ thông tin. Hay điện thoại di động cũng đang là phương tiện để người ta “bắn” những thông tin thất thiệt, giả dối. Những thông tin có vẻ như chơi đùa nhưng lại gây nên những hậu quả khôn lường, không ít gia đình đổ vỡ chỉ vì những tin nhắn trêu chọc, cũng có những người nghi ngờ khi nhận được thông tin. Dường như trong một thế giới thông tin bùng nổ, tính thật – hư lẫn lộn. Do vậy, nhiều người bị ngộp thông tin, thậm chí nhiều người bị mất phương hướng bởi quá nhiều thông tin mà không biết theo ai. Ngoài ra, chúng ta cũng thấy sự khuyếch đại quá đáng trong một số chương trình quảng cáo như thuốc chữa bách bệnh, có lẽ người ta đang ưa sử dụng từ “siêu” để quảng bá sản phẩm, thương hiệu của mình.

Một số trường hợp thông tin phiếm diện, sự thật, không đúng sự thật là vì mục đích chính trị hay cho chủ nghĩa tự do mới “đánh giá con người theo tiêu chuẩn kinh tế, nên xem lợi nhuận và các qui luật tự nhiên là tuyệt đối bất chấp nhân phẩm và sự tôn trọng con người và các dân tộc”.17 “Đôi khi các phương tiện truyền thông phổ biến rộng rãi sự buông thả đạo đức và chủ nghĩa thực dụng, những đặc trưng của nền văn hóa sự chết trong thời buổi hiện nay. Chúng tham gia vào cuộc “âm mưu chống lại sự sống, bằng cách loan truyền trong dư luận quần chúng một khái niệm cho rằng việc ngừa thai, triệt sản, phá thai và thậm chí cái chết êm dịu là dấu chỉ của tiến bộ và tự do”.18
 

III. GIÁO HỘI VÀ TRUYỀN THÔNG
1. Truyền thông – quà tặng của Thiên Chúa
a. Một vài điểm tiêu biểu về truyền thông trong Thánh Kinh
Thiên Chúa “muốn con người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4) do vậy “thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ*” ( Dt 1,1). Những lời đó được lưu truyền trong Thánh Kinh, thánh truyền và phải lưu truyền cho muôn thế hệ “những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi lòng tạc dạ. Anh em phải lặp lại những lời ấy cho con cái” (Đnl 6,6-7a). 

Trong thời sau hết, thời Tân ước, Thiên Chúa đã phán dạy với toàn dân qua chính Thánh Tử  Giê-su, Con Một dấu yêu của Ngài.  Đức Giê-su đến thế gian để mạc khải cho loài người về Chúa Cha, một Thiên Chúa quyền năng, duy nhất; Thiên Chúa của tình yêu, Thiên Chúa của sự thật và sự sống. Chính Đức Giê-su là Lời của Thiên Chúa đến đem Tin Mừng ơn cứu độ cho mọi người thuộc mọi dân tộc, vì Ngài đến cốt để làm việc đó. Đức Giê-su không chỉ làm một mình mà Ngài đã truyền cho các môn đệ, cũng là cho tất cả mọi người: “Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng” (Mt 10,27; Lc 12,3). Sau khi hoàn tất cứu chuộc ở trần gian, trước khi về trời Chúa Giê-su đã truyền cho các Tông đồ và Hội Thánh để tiếp tục công trình cứu chuộc của Ngài, mang ơn cứu độ cho muôn dân: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). 

Những thông tin, sứ điệp và Tin Mừng của Chúa luôn luôn được loan truyền đến với tất cả mọi thành phần, tầng lớp, mọi dân tộc, sắc tộc không phân biệt một ai, nhằm đem đến cho họ sự thật, sự thiện, sự sống trong tình yêu. Để ai tin và chịu phép rửa thì được hưởng ơn cứu độ (x. Mc 16,17) và khi đã đón nhận Tin Mừng thì mỗi người đều có sứ vụ loan báo Tin Mừng ơn cứu độ cho người khác.

b. Truyền thông: mối dây liên kết và thăng tiến con người
Hơn bao giờ hết, trong xã hội ngày nay, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa cũng như trong đời sống hằng ngày của mỗi người. Người ta cho rằng, thông tin là quyền lực, nếu ai nắm bắt được càng nhiều thông tin, thì càng có cơ hội thăng tiến, có uy thế trong xã hội. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tiếp cận các loại hình truyền thông càng có lợi thế.

Các phương tiện truyền thông là mối dây nối kết mọi người lại với nhau, chúng ta có thể nhận thấy rất rõ điều này trong xã hội chúng ta đang sống. Chúng ta chỉ ngồi trong nhà cũng có thể biết được một cách nhanh chóng những gì đang diễn biến trên thế giới thông qua các kênh truyền hình, truyền thanh, báo chí, nhất là mạng thông tin toàn cầu: Internet. Qua đó, mỗi người có thể tích lũy vốn kiến thức, các giá trị văn hóa, các tinh hoa của nhân loại. Do đó, “ngày nay, người ta biết và suy nghĩ về cuộc sống đã bị ảnh hưởng bởi các phương tiện truyền thông; còn xét trên một phạm vi rộng lớn, có thể nói rằng kinh nghiệm con người bây giờ chính là kinh nghiệm thu nhận từ các phương tiện truyền thông”.19 Nhờ các phương tiện truyền thông như : điện thoại, mạng Internet… người ta ngồi một nơi nhưng có thể nhìn thấy nhau, nói chuyện, trao đổi, ký kết hợp đồng với nhau, dù đang ở cách nhau hàng ngàn cây số. Điều này cho ta thấy, các phương tiện truyền thông là mối dây nối kết mọi người với nhau, qua đó làm tăng thêm sự hợp tác, liên đới và tình người. Giáo Hội cũng nhấn mạnh điểm này trong Huấn thị mục vụ “Hiệp thông và tiến bộ” : “Giáo Hội coi các phương tiện truyền thông là “những quà tặng của Thiên Chúa”, mà theo kế hoạch quan phòng của Ngài, chúng sẽ liên kết mọi người trong tình huynh đệ và nhờ đó giúp mọi người cộng tác vào kế hoạch của Chúa để hưởng ơn cứu độ”.20

Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy những mặt trái của truyền thông và các phương tiện truyền thông, nhất là qua mạng Internet, sự pha tạp thông tin, các thông tin, hình ảnh có nội dung không lành mạnh, có tính kích động, cổ vũ lối sống phóng túng, hưởng thụ… (như phần trước đã trình bày, mục II ) . Do đó, vấn đề đạo đức trong truyền thông đang là mối quan tâm của toàn nhân loại, cách riêng là Giáo Hội Chúa Ki-tô.

2. Giá trị đạo đức căn bản trong truyền thông dưới nhãn quan của Giáo Hội
Qua các văn kiện của Giáo Hội, chúng ta thấy một số vấn đề căn bản về đạo đức truyền thông.
a. Con người – tâm điểm của truyền thông
“Nguyên tắc căn bản vẫn là: con người và cộng đồng con người chính là mục tiêu và thước đo việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội”.21

Vấn đề là các phương tiện truyền thông làm sao phải tạo “sân chơi” bình đẳng cho mọi người, mọi người đều có cơ hội tiếp cận được với các nguồn thông tin. Bởi, thực tế cho thấy, xã hội ngày nay đang có một phân hóa về thông tin: một số rất giàu thông tin trong khi đó một số lại rất nghèo thông tin. Và quan trọng hơn, truyền thông và các phương tiện truyền thông phải đặt con người làm trọng tâm.

Truyền thông phải tôn trọng phẩm giá con người
Truyền thông và các phương tiện truyền thông có thể làm cho con người được đề cao, tôn trọng hơn, nhưng vì địa vị, lợi nhuận, ích lợi riêng của cá nhân hay một nhóm người mà người ta có thể dùng phương tiện truyền thông để gieo rắc vào trong con người những tư tưởng, cách suy nghĩ, lối sống thiếu lành mạnh, xúc phạm đến nhân phẩm. Do đó, các nhà đạo đức học nói chung, đặc biệt Giáo Hội luôn luôn đặt con người và sự thăng tiến con người làm trung tâm của truyền thông, cũng như tất cả các lĩnh vực khác. Vì vậy, người tham gia truyền thông (những người cung cấp – người sáng tác, người kiểm duyệt, người chuyển tải…- cũng như người tiếp nhận thông tin) đều phải sử dụng “các phương tiện truyền thông có mục đích là phục vụ phẩm giá con người bằng cách giúp con người sống hạnh phúc và biết hành động như những ngôi vị trong cộng đồng”.22

Do đó, truyền thông phải dựa trên chuẩn mực là “việc truyền thông phải do con người làm cho con người để phát  triển toàn diện con người” muốn như vậy, cần có đủ nguyên vật liệu và sản phẩm, nhưng cũng cần phải quan tâm tới chiều kích nội tâm”. Mỗi người đều đáng được hưởng những cơ hội để phát triển và lớn lên về đủ mặt thể lý, trí tuệ, tình cảm, luân lý và tâm linh.23

b. Tính Trung thực trong truyền thông
Trong đời sống xã hội, trong nhiều lĩnh vực, vì muốn cũng cố địa vị trong xã hội, hay để có chức, có quyền, một số người đã mua chuộc các nhà truyền thông để thổi phồng, đánh bóng mình lên (công trạng, thành tích, …), thậm chí cả việc đã kích, bôi nhọ người khác nhằm hạ bệ họ. Hay vì lợi nhuận mà đưa những thông tin không chính xác của sản phẩm: quảng cáo thật kêu nhưng chất lượng lại kém… nó lôi kéo con người vào những thế giới của các giá trị giả dối, phô diễn cổ vũ những điều hèn hạ, thấp kém bằng sự hào nhoáng, trong khi không quan tâm hay xem thường những gì có giá trị và cao quí; phổ biến những thông tin sai lạc thất thiệt.

Một số nhà truyền thông xã hội vì lợi nhuận hay yếu tố nào đó nên họ truyền đạt/chuyển tải những thông tin lệch lạc, phản ánh sự kiện một cách phiếm diện, không đầy đủ, không đúng sự thực, bóp méo thông tin, gây nên cho một nhóm người, một cộng đồng, hay cả một xã hội những xung đột, những suy nghĩ lệch lạc, chìm trong thế giới ảo, giả dối, dễ rơi vào tình trạng mất phương hướng.

Do vậy, Giáo Hội đã khẳng định “truyền thông phải luôn trung thực, vì sự thật là điều kiện căn bản để có sự tự do cá nhân và để xây dựng cộng đồng chân chính giữa con người với nhau”.24

c. Sự thiện ích chung
Người ta có thể chia truyền thông thành hai loại: truyền thông cá nhân và truyền thông xã hội. Nhưng xét đến hiệu quả hay tâm ảnh hưởng của truyền thông thì nó có tính chất cộng đồng (trong truyền thông cá nhân nhưng từ những hiệu quả của nó có ảnh hưởng – cả tiêu cực lẫn tích cự – đến cộng đồng). Do đó, các nhà truyền thông không chỉ quan tâm đến cá nhân, đến một đối tượng nào đó, mà cần phải đặt nó trong bối cảnh, môi trường phát triển chung vì truyền thông không thể nhắm tới lợi ích của cá nhân hay một nhóm người mà phải hướng đến lợi ích chung của cả cộng đồng. Không chỉ nhắm đến mục tiêu cá nhân mà phải đặt mục tiêu đó trong mục tiêu chung đang hướng tới. Vì thế, trong khi việc truyền thông xã hội quan tâm đúng đắn tới những nhu cầu và lợi ích của các nhóm cụ thể, thì việc truyền thông cũng không được làm cho nhóm này quay ra chống đối nhóm kia (…) phải lấy nhân đức liên đới, tức là “sự cương quyết bền bỉ và vững chãi dấn thân xây dựng ích chung” (trích: Quan tâm tới xã hội, số 38).

Trên đây là những nguyên tắc đạo đức căn bản trong truyền thông, ngoài ra còn có những giá trị đạo đức, luân lý khác cũng áp dụng trong truyền thông như chịu trách nhiệm, bổ sung, công bằng, nhanh chóng…nhằm cho việc chuyển tải thông tin cũng như người nhận thông tin đạt được hiệu quả cao, là phong phú và thăng hoa cuộc sống con người.

Kết luận
Từ nhưng phân tích trên, chúng ta thấy, chúng ta đang sống trong thời đại của thông tin. Do vậy, truyền thông là một vấn đề cần được quan tâm, bởi nó có sự ảnh hưởng hầu như tất cả mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; cũng như các sinh hoạt trong đời sống con người. Truyền thông và các phương tiện truyền thông lời mối dây liên kết con người với nhau, qua đó con người xích lại gần nhau hơn. Nó làm cho cuộc sống con người ngày càng phong phú hơn, tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang chứng kiến những mặt trái của nó, như thông tin một chiều, phiếm diện, thông tin thiếu chính xác, hay những thông tin, hình ảnh mang tính kích động, khiêu dâm… nó gây nên những tư tưởng, suy nghĩ và hành vi thiếu lành mạnh cho một số người, nhất là những người trẻ.

Các nguyên tắc đạo đức truyền thông nêu trên là những tiêu chuẩn căn bản để “Những người tham gia vào truyền thông xã hội có nghĩa vụ quan trọng là trình bày và cổ vũ một cái nhìn đúng đắn về sự phát triển của con người về mặt vật chất, văn hóa và tâm linh”.25 Đây là những định hướng căn cốt nhất trong truyền thông. Các chủ thể (các tác giả, người kiểm duyệt, người lập kế hoạch tổ chức thực hiện truyền thông và những người liên quan) và đối tượng (người nhận thông tin) của truyền thông đều phải quan tâm và tuân theo các nguyên tắc này. Có như thế, truyền thông thực sự là một trong những yếu tố hàng đầu giúp cho việc thăng tiến đời sống con người một cách toàn diện, trong một “nền văn minh sự sống”.

Đạo đức trong truyền thông không chỉ là vấn đề của xã hội mà là mối bận tâm lớn của Giáo Hội trong việc sử dụng và cổ vũ việc sử dụng truyền thông và các phương tiện truyền thông một cách hiệu quả, nhằm thực hiện sứ vụ : tinh thần hiệp thông và liên đới, qui tụ mọi người thành một gia đình yêu thương và hiệp nhất. Trong đó, mỗi người là một nhân vị cần được tôn trọng và thăng tiến; cộng đồng nhân loại là một khối duy nhất, mọi người tôn trọng, cảm thông, chia sẻ và cùng nhau tiến bộ.

Truyền thông và các phương tiện truyền thông là cách thế để thực hiện sứ vụ Phúc âm hóa, Giáo hội cần nắm bắt hết ý nghĩa sâu xa hàm chứa trong nhận xét sau đây của ĐGH Gioan Phaolô II:

“Các phương tiện truyền thông là một phần quan trọng trong diẫn đàn rộng lớn hiện nay, nơi người ta chia sẻ cho nhau các tư tưởng và hình thành các thái độ cũng như các giá trị. Điều này muốn nói tới một “thực tế còn sâu xa hơn nữa” chứ không chỉ đơn giản là dùng các phương tiện truyền thông để phổ biến thông điệp Tin Mừng, dù việc làm này quan  trọng nhiều đến đâu. Đó là “cũng cần đưa thông điệp Tin Mừng hội nhập vào “nền văn hóa mới” do việc truyền thông hiện nay tạo ra, một nền văn hóa có những cách truyền thông mới… bằng những ngôn ngữ mới, những kỹ thuật mới và một khoa tâm lý mới”.26

Tóm lại, cũng như các lĩnh vực, vấn đề khác, truyền thông và các phương tiện truyền thông tồn tại hai mặt: tích cực và tiêu cực. Để phát huy mặt tích cực và giảm thiểu mặt tiêu cực trong truyền thông, một trong những yếu tố quan trọng đó là ý thức trách nhiệm của tất cả mọi thành phần tham gia vào truyền thông: những người muốn chuyển tải thông tin như tác giả, chính quyền (người kiểm duyệt), những người thực hiện chương trình và những người liên quan khác; và những người tiếp nhận thông tin. Điều này đã được Giáo Hội đề cập rất cụ thể và rõ ràng trong  sắc lệnh Inter Mirifica (về các phương tiện truyền thông xã hội, số 9-12). Để làm được điều này, thì việc giáo dục và đào tạo đóng vai trò chính yếu, nó có tính quyết định trong việc truyền thông và sử dụng các phương tiện truyền thông nhằm xây dựng và phát triển con người một cách toàn diện: đời sống vật chất, tinh thần và tâm linh.

———-o0o———-

THƯ MỤC SÁCH THAM KHẢO

Nhóm CGKPV. Kinh Thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước. Tp.HCM: TGM Tp.HCM, 1998.

Vocabulaire de Théologie Biblique. Paris: Éditions du Cerf, 1971. Bản Việt ngữ: Điển ngữ Thần học Thánh Kinh. Đà Lạt: Phân khoa thần học – Giáo hoàng học viện thánh Piô X, 1973.
Thánh Công đồng chung Vatican 2. Đà Lạt: Phân khoa thần học – Giáo hoàng học viện thánhPiô X, 1972.
Hội đồng Giáo Hoàng về truyền thông xã hội. Huấn thị mục vụ “thời đại mới” về việc truyềnthông xã hội.
Hội đồng Giáo hoàng về truyền thông xã hội. Đạo đức trong truyền thông (1996).
Hội đồng Giáo hoàng về truyền thông xã hội. Đạo đức trong quảng cáo (1997).
Hội đồng Giáo hoàng về truyền thông xã hội. Đạo đức trong Internet (2002).
Hội đồng Giáo hoàng về truyền thông xã hội. Giáo hội và Internet (2002).
Đức Gioan Phaolô II. Ecclesia in America (1999).
Đức Gioan Phaolô II. INTERNET: Diễn  đàn mới mẻ để loan báo Tin Mừng. Roma: Vantican, 2002.
“Cả thế giới lên mạng”. Bốn mươi năm sau vatican hai nhìn lại. Tài liệu hội thảo, mùa vọng, 2002.
Trần Hữu Quang. Xã hội học về truyền thông đại chúng. Tp.HCM: ĐH Mở – Bán Công Tp.HCM, 1997.
Huỳnh Văn Tòng. Truyền thông đại chúng nhập môn. Tp.HCM: ĐH Mở – Bán Công Tp.HCM, 1995.
Claudia Mast. Truyền thông đại chúng – những kiến thức cơ bản. Hà Nội: Thông Tấn, 2003.
Đặng Đức Siêu. Chữ viết trong các nền văn hóa. Hà Nội: Văn hóa, 1982.
Bùi Thanh Hương. Sử dụng Internet và vị thế của thư điện tử – Email hiện nay. Những thách thức của sự phát triển trong xã hội thông tin. Hà Nội: Thông Tin Khoa Học Xã Hội, 2002.
Tự Điển Lạc Việt. CDROM MtdEVA 300
Nguyễn Việt Nam. Internet Cánh Đồng Truyền Giáo Không Biên Giới. Vietcatholic CD Rom 2001
Nguyễn Việt Dũng. Thực Hành Thiết Kế Trang Web. TPHCM: Giáo dục, 2000.
PC Word Việt Nam. Tổng hợp Phần tin tức (3/2006)
Hiệp thông và tiến bộ, số 2.

[1] Xc. Trần Hữu Quang, Xã hội học về truyền thông đại chúng (Tp.HCM: Tp.HCM: ĐH Mở – Bán Công Tp.HCM, 1997), tr. 6.
[2] Huỳnh Văn Tòng, Truyền thông đại chúng nhập môn (Tp.HCM: ĐH Mở – Bán Công Tp.HCM, 1995), tr. 6-7.
[3] Trần Hữu Quang, Xã hội học về truyền thông đại chúng (Tp.HCM: Tp.HCM: ĐH Mở – Bán Công Tp.HCM, 1997), tr. 11-14.
[4] Claudia Mast, truyền thông đại chúng – những kiến thức cơ bản (Hà Nội:Thông Tấn, 2003), tr. 10.
[5] Xc. Đặng Đức Siêu, Chữ viết trong các nền văn hóa (Hà Nội: Văn hóa, 1982), tr. 7-35.
[6] Bùi Thanh Hương, Sử dụng Internet và vị thế của thư điện tử – Email hiện nay, tr 96, Những thách thức của sự phát triển trong xã hội thông tin, Thông Tin Khoa Học Xã Hội – Chuyên Đề, Hà Nội 2002
[7] Tự Điển Lạc Việt, CDROM MtdEVA 300
[8] Nguyễn Việt Nam, Internet Cánh Đồng Truyền Giáo Không Biên Giới, Vietcatholic CD Rom 2001
[9] Nguyễn Việt Dũng, Thực Hành Thiết Kế Trang Web, TPHCM, NXB Giáo dục 2000, tr 5
[10] Tổng hợp Phần tin tức, PC Word VN, tháng 3/2006.
[11] Đức Gioan Phaolô II, Ecclesia in America, số 156.
[12] INTERNET: diễn  đàn mới mẻ để loan báo Tin Mừng, ĐGH. Gioan Phaolô II, Vantican, 24.1.2002
[13] “Cả thế giới lên mạng”. Bốn mươi năm sau vatican hai nhìn lại. Tài liệu hội thảo, mùa vọng, 2002.
[14] Sdd, tr.165.
[15] Thánh công đồng chung vatican 2, giáo hoàng học viện Pio X, 1972, số 13 trang 139.
[16] Đạo đức trong INTERNET, số 12, vatican 2, 22/2/ 2002.
17 Gioan Phaolô II, Ecclesia in America, số 156.
18 trích Evangelium vitae, số 17.
Ngôn sứ để chỉ người được Thiên Chúa kêu gọi, được đặt làm sứ giả chuyển “Lời” của Chúa cho người khác, giải thích sứ điệp của Thiên Chúa cho con người, đồng thời kêu gọi con người trung thành với Giao Ước, an ủi con người trong cuộc lưu đày đau khổ cũng như chuyển Lời cầu xin của con người lên Thiên Chúa . (“Bản mục lục phân tích chủ đề”. Thánh Công đồng chung Va-ti-ca-nô II. Bản dịch của Giáo Hoàng học viện Piô X Đà Lạt, tr. 1184.)
19 Hội đồng Giáo Hoàng về truyền thông xã hội, Huấn thị mục vụ “thời đại mới” về việc truyền thông xã hội, số 2.
20 Hiệp thông và tiến bộ, số 2.
21 Hội đồng Giáo hoàng về truyền thông xã hội, Đạo đức trong Internet, số 3.
22 Hội đồng Giáo hoàng về truyền thông xã hội, Đạo đức trong truyền thông, số 6.
23 Ibid.,số 20.
24 Hội đồng Giáo hoàng về truyền thông xã hội, Đạo đức trong truyền thông, số 20
25 Hội đồng Giáo hoàng về truyền thông xã hội, Đạo đức trong quảng cáo, số 17.
26 Hội đồng Giáo hoàng về truyền thông xã hội, Đạo đức trong quảng cáo, số 22. HVĐM
Previous articleTruyền Thông Công Giáo Việt Nam Cơ Hội Hay Thách Đố?
Next articleĐạo Đức Internet – Nguyên Tắc Phán Đoán Căn Bản