Để tham dự Tam Nhật Vượt Qua cách trọn vẹn

151

– Trong Tam Nhật Vượt Qua – từ Thứ Năm Tuần Thánh đến Chúa Nhật Phục Sinh – điều kỳ diệu nhất sẽ xảy ra. Hàng triệu Kitô hữu trên khắp thế giới quy tụ lại để tôn kính sự chịu sỉ nhục, đánh đập, và đóng đinh của Chúa Giêsu Kitô. Trong một nền văn hóa toàn cầu thường tôn vinh quyền lực, sức mạnh và vẻ đẹp, thì sự tôn kính công khai đối với một điều quá khủng khiếp như vậy luôn gây ra một chút sửng sốt. Phải chăng điều lôi cuốn người ta trong tường thuật về Cuộc Khổ nạn lại chính là tính dễ bị tổn thương của Thiên Chúa?

Theo một nghĩa nào đó, trong biến cố xảy ra nơi Đức Kitô, Thiên Chúa rời bỏ sự an toàn và vinh quang của trời cao và ôm lấy những giới hạn của thân phận con người, cảm nhận bằng xương bằng thịt, cả danh dự lẫn bi kịch của bản tính của chúng ta, nhưng không hề phạm tội. Vào tuần cuối cùng của cuộc đời, Chúa Giêsu hoàn toàn giao nộp chính mình cho chúng ta. Trong việc rửa chân và Thánh Thể, trong sự đánh đập và đóng đinh, Con Thiên Chúa yêu chúng ta hoàn toàn nhưng không, vô điều kiện, và vô thời hạn. Cho dù chúng ta chấp nhận, từ chối hay phớt lờ Tình yêu Thần linh này, Chúa Giêsu không bao giờ thay đổi lập trường căn bản của Người đối với chúng ta.

Trong thần thoại La Mã và Hy Lạp, các vị thần luôn âm mưu thao túng nhân loại để phục vụ cho những mục đích ích kỷ thường tồn và những kế hoạch tự cao tự đại của họ. Nơi Đức Kitô, chúng ta chạm phải sự đánh đổ đầy kịch tính đối với kế hoạch đàn áp ấy. Chính Thiên Chúa phục vụ chúng ta! Với sự khiêm nhường, tự nguyện, dễ bị tổn thương và lòng thương xót tuyệt đối, Thiên Chúa đã đến để yêu thương, tha thứ và cứu độ chúng ta.

Sự yếu đuối của thập giá, sự bình dị của Thánh Thể, sự dịu dàng của việc rửa chân, tình yêu tìm cách ôm lấy kẻ phản bội, kẻ trộm cắp, và kẻ hèn nhát vượt lên trên tầm nhận thức của quyền lực chính trị; vòng xoáy của sự ngạo mạn xã hội; và thế giới của sự tham lam trần tục khiến chúng ta bị choáng ngợp. Chẳng có gì ngạc nhiên khi các vị vua chúa phải câm lặng trước sự hiện diện của Người Tôi Tớ Đau khổ, như Isaia đã loan báo.

Nếu Thiên Chúa đã có thể trở nên nghèo khó, khiêm nhu và dễ bị tổn thương như thế để yêu thương tôi, thì làm sao tôi có thể tự phụ về chính mình được? Tuần này, chúng ta ca tụng những điều kỳ diệu nhất: sự yếu đuối trở nên mạnh mẽ, tình yêu chiến thắng sự sợ hãi, nỗi tuyệt vọng đau khổ biến thành niềm hy vọng phục sinh và sự chết trầm luân nhường chỗ cho sự sống vĩnh cửu. Tất cả là do một người bị kết án chết trần truồng vật ngã trên cây thập giá cách đây 2.000 năm, và Người đã ôm lấy nó như thể đó là chiếc giường tân hôn của mình.

Chúng ta hãy để cho Đức Chúa yêu thương chúng ta trong Tuần Thánh. Nhành lá mà chúng ta giơ cao hôm Chúa Nhật Lễ Lá phải là biểu tượng của sự ca ngợi, tôn kính và tình yêu của chúng ta đối với Vị Thầy khiêm nhường, Đấng đã cứu độ và giải thoát chúng ta.

Thánh Lễ Tiệc Ly vào tối Thứ Năm Tuần Thánh là dịp để nếm trải ân sủng tuyệt vời của Thánh Thể và qui phục sự an ủi của việc rửa chân.

Việc lắng nghe bài Thương Khó và suy tôn Thánh giá vào Thứ Sáu Tuần Thánh cho chúng ta cơ hội để đón nhận thập giá trong cuộc đời mình, cho dù thập giá có thể diễn ra dưới bất cứ hình thức nào. Hãy biết rằng mầu nhiệm đau khổ trong cuộc đời chúng ta là chiếc thang thánh liêng mà trên đó chúng ta sẽ bước tới sự tuyệt mỹ của Vương quốc.

Thứ Bảy Tuần Thánh là khoảng thời gian linh thánh của sự an nghỉ và tĩnh lặng, khi Đức Chúa ngủ trong ngôi mộ và mọi tạo vật đang chờ đợi ơn cứu độ mà mình chưa nhận thức được. Một bản văn cổ tuyệt đẹp từ thời Giáo hội sơ khai phác họa Chúa Giêsu rảo quanh nơi cư trú của người chết vào ngày này, cởi trói cho Ađam và Eva cũng như tất cả các linh hồn, là những người đã chờ đợi ơn cứu chuộc từ khi sáng thế. Hãy cầu xin Đức Chúa giải thoát bạn khỏi sợ hãi, tội lỗi và vị kỷ đang trói buộc bạn.

Quy tụ chung quanh lửa Phục sinh trong đêm Canh thức, chúng ta nhớ lại cách chúng ta đã bắt đầu hành trình Mùa Chay được đánh dấu bằng tro bụi của tội lỗi, thất bại và suy vong, nhưng giờ đây bạn đã được tràn ngập lửa – sức lực phi thường của Chúa Kitô Phục sinh và sức mạnh can đảm của Chúa Thánh Thần. Khi chúng ta công bố sự phục sinh của Chúa Kitô như là chân lý cao đẹp và  ý nghĩa biến đổi của lịch sử nhân loại, hãy tin rằng Đức Chúa bước đi cùng bạn, yêu thương bạn, và dẫn bạn đạt tới sự viên mãn của niềm vui và bình an.

Những biến cố gây kinh ngạc, kỳ diệu và mạnh mẽ của Tuần Thánh sẽ đưa chúng ta đến với những giọt nước mắt và tiếng cười, lòng biết ơn và sự ngợi khen, khiêm tốn nhận thức về sự yếu đuối của mình và vui mừng tung hô chiến thắng của Thiên Chúa. Tam Nhật Vượt qua là thời điểm để Thiên Chúa mở rộng tâm hồn chúng ta, để dòng nước ân sủng của Lòng Thương Xót tuôn chảy từ cạnh sườn Đức Kitô chịu đóng đinh tẩy rửa chúng ta nên tinh tuyền, tha thứ tội lỗi, và dẫn chúng ta ngày càng sâu hơn vào sự sáng tạo mới nơi sự chết và phục sinh của Đấng cứu độ chúng ta.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: simplycatholic.com


[1] Đức cha Donald J. Hying là Giám mục của Giáo phận Madison, Wisconsin, Hoa Kỳ.

Previous articleNguồn gốc Đàng Thánh giá
Next articleBỮA TIỆC LY CỦA CHÚA GIÊSU LÀ NGUỒN MẠCH SỰ SỐNG