Để thôi bối rối và xao xuyến trong cuộc sống!

44

Để thôi bối rối và xao xuyến trong cuộc sống!

Kinh nghiệm bối rối là một kinh nghiệm rất thân quen với mỗi người chúng ta trong cuộc sống thường nhật của mình. Chúng ta hiểu rằng khi bối rối chúng ta sẽ tự động bị mất hết sự bình an, mất hết niềm tin, và tạm thời rơi vào một khoảng không vô cùng khó chịu như thể sự rơi tự do xuống một vực thẳm mà bản thân chúng ta bị chạm vào hai bờ vực liên tục, đến mức chúng ta không thể bám chặt được một bờ nào, nếu chưa tới đáy. Vấn đề là nếu để tới đáy thì khả năng chúng ta trở thành bất động, hoặc chết, hoặc bị thương vong rất nặng nề. Do đó, tình trạng bối rối là một điều không nên có nếu bạn muốn có một cuộc sống hạnh phúc và bình an, nhưng tiếc thay đó lại là điều không miễn trừ một ai.

Ngày hôm nay chúng ta nghe chính Chúa Giêsu khích lệ các môn đệ của Ngài: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14:1). Và dĩ nhiên, Ngài cũng đang khích lệ từng người chúng ta, những con người như những con thuyền đang “bị đánh cho dạt trôi từ bờ này sang bờ khác” bởi biết bao lo lắng và căng thẳng của cuộc sống. Chúa biết rất rõ chúng ta dễ bị “xao xuyến” biết bao, và chính bản thân Ngài cũng đã “xao xuyến” khi đối diện với giờ khổ nạn của Ngài. Nhưng có một sự khác biệt rất lớn giữa sự xao xuyến của Chúa và của chúng ta. Và sự khác biệt nằm ở chỗ: niềm tin vào Thiên Chúa. Theo đó, Chúa Giêsu trong sự xao xuyến của Ngài theo tự nhiên thuộc bản tính con người, vẫn luôn có niềm tin vào Thiên Chúa, tức Cha của Ngài. Còn chúng ta, vì mất niềm tin nên mới xao xuyến, nên bối rối và lo lắng cách thái quá.

Do đó, xao xuyến hay bối rối là một hệ quả của một sự mất niềm tin. Nếu chúng ta bối rối vì một ai đó là bởi vì chúng ta mất niềm tin vào họ, chúng ta không biết tin làm sao với con người này, dù sự bối rối ấy có thể do sự tối tăm của chúng ta hoặc do sự tối tăm của người khác. Và khi bối rối vì một ai đó hoặc một hoàn cảnh nào đó, thì lý do lớn nhất là vì chúng ta mất niềm tin nền tảng vào Thiên Chúa và Chúa Giêsu, như lời khích lệ mà Chúa Giêsu đã đưa ra cho chúng ta “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”. Và một khi đã để cho bản thân đánh mất cảm thức niềm tin vào Thiên Chúa, thì chắc chắn chúng ta sẽ ở trong tình trạng bối rối triền miên và thường trực, dù địa vị của chúng ta có cao cỡ mấy, dù tiền của chúng ta có chất như núi, dù quyền bính của chúng ta có ở đỉnh nào đi chăng nữa.

Và chúng ta đừng quên, cũng đừng nhầm lẫn, niềm tin vào Thiên Chúa là một kiểu niềm tin mang tính tôn giáo thuần tuý, nhưng là một niềm tin xuất phát từ sự gặp gỡ giữa bản thân chúng ta và Thiên Chúa, một kinh nghiệm thật sự, chứ không phải từ một nền giáo lý mà chúng ta được lĩnh hội hay bởi suy tư thần học và triết học mà ra. Thế nên, tin theo kiểu giáo lý sẽ không giải quyết tình trạng xao xuyến thường trực của chúng ta, cho đến khi nào chúng ta thật sự gặp gỡ Thiên Chúa trong đời sống của mình, tức chạm vào một thực tại thánh vượt ra khỏi không gian và thời gian, vượt ra khỏi mọi chiều kích con người. Chính vì những lý do này, mà nhiều người trong chúng ta dù đi dự Lễ, dù nhận các bí tích trọn vẹn nhưng vẫn đầy sợ hãi, đầy lo âu, đầy căng thẳng, đầy những bối rối dù đó là một vị tu sĩ, linh mục, hay giáo dân.

Và một khi chúng ta tin vào Chúa theo kiểu giáo lý, thì chúng ta sẽ không thể hiểu được lời hứa của Chúa Giêsu với chúng ta, mà cụ thể là các môn đệ của Ngài: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở” (x. c. 2). Và đó cũng là lý do vì sao mà ông Tô-ma đã hỏi lại Thầy mình: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường?” (c. 5). Từ đây, chúng ta thấy Chúa Giêsu cho chúng ta một chìa khoá để giải mã “đường về nhà Cha” và mở cửa chỗ ở nhà Cha, đó chính là chính Ngài, “là con đường là sự thật và là sự sống” (c. 6). Nếu để ý, chúng ta không thấy Chúa Giêsu dùng dấu câu trong sự mạc khải chấp ba của Ngài, vì cả ba thực tại này là một ở nơi chính Ngài là Thiên Chúa chân thật, “cửa” duy nhất dẫn đến Chúa Cha và vào nhà Cha, nên nếu dùng bất cứ dấu câu nào thì đều là một sự tách biệt khiến chúng ta hiểu hoặc có hoặc không hoặc tất cả.

Bài Tin Mừng Gioan (Ga 14:1-6) hôm nay được đọc trong bối cảnh Mùa Phục Sinh là có lý do của nó. Theo đó, chúng ta được mời gọi để gặp gỡ một Chúa Giêsu Kitô đã phục sinh vinh hiển, và để có cuộc gặp gỡ này nhất định phải có Chúa Thánh Thần. Nếu không có Chúa Thánh Thần thì chắc chắn không tài nào chúng ta hiểu được thực tại “nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở” và cũng không thể nào chạm vào “cửa” duy nhất đi vào là chính Chúa Giêsu Kitô phục sinh. Do đó, mỗi người chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần để Ngài sẽ dẫn chúng ta đi vào “con đường sự thật và sự sống” mà qua đó đến được với Chúa Cha và đi thẳng vào nhà Cha vốn không được phép hiểu theo nghĩa không gian vật lý bình thường!