Bước vào Cõi Tu, vào Tu Viện, bạn bè đôi khi hỏi mình đâu là động lực cho quyết định đó. Nhiều khi mình cũng tự cật vấn bản thân như vậy.
Anh Theophilus thân mến,
Mình bị thúc bách viết cho Anh bởi vì tâm tình của những kẻ đang đi vào trong lòng Giáo Hội hơn là vì sự liên hệ quen biết đồng hương. Bởi đó, mình tin Anh sẽ hiểu nhiều hơn những gì mà ngôn từ nghèo nàn có thể diễn đạt.
Vậy là đã mấy năm rồi kể từ ngày mình rời nghế nhà trường và đặt chân vào con đường tu trì. Từ bỏ những gì thuộc về mình để chọn một cõi mình sẽ thuộc về thì là cả một sự thay đổi lớn lao. Và thường sự thay đổi bao giờ cũng sẽ để lại cho người ta một cảm giác ngỡ ngàng ban đầu mà nhiều khi vẫn còn lưu luyến cảm giác đó suốt hành trình đi.
Bước vào Cõi Tu, vào Tu Viện, bạn bè đôi khi hỏi mình đâu là động lực cho quyết định đó. Nhiều khi mình cũng tự cật vấn bản thân như vậy. Biết đâu Anh cũng đã từng hoặc sẽ có lúc hỏi bản thân mình như vậy. Có vẻ tiêu cực nhưng đôi lúc nghĩ lại, nếu Chúa để mình ngoài đời, mình không biết rồi cuộc sống sẽ ra sao nữa! Mỗi người chỉ có một cuộc đời và mình cố gắng sống một lần và mãi mãi cho trọn vẹn trong ý định của Thiên Chúa. Dẫu vẫn biết đi tu là đi kiếm tìm ý Chúa, nhưng đôi khi mình vẫn muốn Chúa làm theo ý mình hơn, nhất là khi mà ý của mình không giống ý Ngài. Có khi nào Anh có cùng cảm nghĩ như vậy chăng? Phải chăng trên con đường hướng tới toàn thiện, mình phải nhận ra trước hết mình còn rất nhiều yếu đuối. Và mình nghĩ chính vì những yếu đuối này mà mình có lý do và có quyền để trông đợi vào ơn thánh sủng và lời cầu nguyện của mọi người.
Mình vẫn thường tự hỏi mình vào Tu viện liệu có phải là vì mình không có chỗ ngoài đời, không kiếm được ai yêu thương mình, không kiếm được ai xứng đáng với mình? Nếu sự thật là như thế thì có vẻ không được thánh thiện lắm. Trong thâm tâm mình luôn chất chứa một xác tín rằng mình bước vào Cõi Tu, gửi thân vào Tu Viện là vì mình kiếm được một chỗ trong Trái Tim của một Ai Đó, là vì mình đã tìm thấy một Ai Đó yêu thương mình và đáng cho mình yêu. Mình vào Tu Viện là để yêu thương một Ai Đó theo cách Người đó muốn được yêu thương, và để nhận ra cách Người đó yêu thương mình.
Nhiều tôn giáo và truyền thuyết thường thần thánh hóa con người, trong khi Đạo mình lại con người hóa thần linh. Chỉ có Đạo mình dạy là Thiên Chúa làm người và ở giữa, ở với và vì con người. Mầu nhiệm Nhập Thể luôn là điều đánh động và làm mình ngạc nhiên khi để tâm suy nghĩ. Phải chăng là “làm người” quá đỗi diệu vợi đến nỗi Con Thiên Chúa cũng muốn làm người? Ngài không chỉ thử làm người cho xong chuyện. Ngài cũng không chỉ làm người để cho có lệ, rồi chết và phục sinh. Không, Ngài đã được hạ sinh trong cõi nhân sinh làm một con người, đã bước đi bằng đôi chân của con người, đã làm việc bằng đôi tay con người, đã đổ mồ hôi của con người, đã rơi nước mắt của con người, đã yêu thương bằng trái tim con người và đã chết cái chết của con người. Ngài đã làm người với tất cả vui buồn đau khổ của kiếp người để mang vào trong từng niềm vui, nỗi buồn đó một thông điệp cứu độ, một thông điệp tình yêu. Phải chăng đó cũng chính là thông điệp cho những người đang bước vào Cõi Tu như Anh và mình: mang thông điệp cứu độ- thông điệp tình yêu vào trong từng niềm vui, từng nỗi buồn của kiếp nhân sinh.
Ngày mình ra trường, bạn bè quan tâm và quở trách sao lại lãng phí thời gian và khả năng trong Cõi Tu – một cõi không ai biết đến? Mình chỉ mỉm cười và hỏi lại là: liệu có xứng đáng để “lãng phí” thời gian một đời người để chiếm được Vĩnh Cửu? Liệu có xứng đáng để “lãng phí” khả năng của một người để chiếm được Đấng Toàn Năng? Liệu có xứng đáng để “lãng phí” cả một đời trong cõi không ai biết đến để biết đến một Đấng đã tạo thành tất cả mọi người? Hơn nữa, không ai nghi ngờ rằng Ngài – Đấng đã tác thành muôn người “biết” kẻ đang vì Ngài mà “lãng phí” cả một đời trong cõi không ai biết đến. Thời gian cho Chúa không bao giờ được kể là thời gian lãng phí, Anh có tin điều đó không? Bạn bè mình nói mình là đã hết thuốc chữa, còn mình thì tạ ơn Chúa là vì nghĩ họ vẫn còn có thể chữa được.
Đời Tu là hành trình thường vượt quá những tưởng tượng và dự đoán của mình. Có người bước vào cõi tu để làm một cái gì đó. Có thể là vĩ đại và thánh thiện nhưng dù sao cũng là ý riêng. Nhưng với mình, Đi Tu là yêu thương Chúa theo cách Ngài muốn được yêu thương, là biết Chúa theo cách Ngài muốn được biết, và cũng là để cảm nhận Ngài yêu thương mình theo cách của Ngài. Phúc âm theo Thánh Gioan có ghi lại một trình thuật có thể dùng làm khuôn thước cho Đời Tu chúng mình – đó chính là trình thuật tìm Chúa của Maria Magđalêna vào sáng ngày thứ nhất trong tuần (Ga 20,11-16). Bà là một người yêu Chúa và đầy thiện chí, không ai nghi ngờ điều đó. Nhưng Thiên Chúa mà bà đi tìm là một Thiên Chúa chết, một Thiên Chúa bất động. Một Thiên Chúa chết, một Thiên Chúa bất động là một Thiên Chúa dễ sai bảo, dễ điều khiển theo ý của kẻ tìm thấy một Thiên Chúa như vậy. Và bất cứ một người nào đi tìm ý riêng trong Cõi Tu cũng là kẻ đi tìm một Thiên Chúa chết như vậy. Kết cục của một đời tu như vậy chính là ngỡ ngàng và nước mắt, là đi vào cõi trống vắng của mộ rỗng. Thiết nghĩ kẻ đi tu chúng mình biết nhiều, nhưng đôi lúc phải dũng cảm để thừa nhận rằng mình không biết. Đó cũng là điều mà Maria Magđalêna đã làm: Bà đã quay lại và kêu lên:Rabboni – Lạy Thầy. Bà là kẻ đi tìm Chúa, nhưng lại chính Chúa đã tìm thấy bà. Mình nghĩ đời tu cũng là một hành trình – một hành trình tìm kiếm Người kiếm tìm mình.
Tuy còn rất nhiều điều muốn viết ra đây nhưng mình quyết định tạm gác lại, mình sẽ chia sẻ với nhau nhiều hơn trong lần tới khi mình gặp nhau. Hơn nữa, mình tin rằng Anh luôn hiểu mình hơn những gì mình viết. Mình mong biết mấy ngày chúng ta sẽ gặp lại, để niềm vui của chúng ta được trọn vẹn hơn. Mình viết mấy dòng thăm Anh như một tâm tình cầu nguyện và cùng tạ ơn Chúa đã gọi Anh và gọi mình trong bước đường theo Chúa. Không sánh bước bên nhau, xin hãy cũng dõi theo nhau mà bước, và hãy động viên nhau trên con đường phía trước. Trên con đường đó chắc chắn Đấng mà lòng chúng ta yêu mến đang luôn dõi theo, luôn đồng hành và luôn mong chờ Anh và mình. Hẹn Anh trên Đỉnh Yêu Thương.