DỌN LÒNG ĐỂ DỰ TIỆC CƯỚI

518

 

Để ý một chút, ta thấy Tin Mừng theo Thánh Mát thêu thường hay thuật lại chuyện Chúa Giêsu giảng dạy dân chúng về hình ảnh Nước Trời bằng nhiều dụ ngôn khác nhau. Nước Trời là của những ai giống như trẻ nhỏ (Mt 19, 13-15), Nước Trời giống như gia chủ vườn nho (Mt 20, 1-16), Nước Trời giống như chuyện mười trinh nữ ra đón chàng rể (Mt 25, 1-13).

Ta vẫn thấy, Giáo Hội mời gọi ta suy niệm về Nước Trời giống như chuyện một vị vua kia mở tiệc cưới cho con mình để hướng (Mt 22, 1-14). Dụ ngôn tiệc cưới và chiếc áo cưới trong Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta mặc lấy một trong những tâm tình cơ bản nhất của Kitô giáo, đó là hân hoan, vui mừng. Kitô giáo thiết yếu là đạo của Tin Mừng.

Trong rất nhiều sinh hoạt và hình ảnh của cuộc sống, Chúa Giêsu đã chọn bữa ăn như dấu chỉ ưu việt nhất để rao giảng Tin Mừng của Ngài. Nước Trời giống như một tiệc cưới, đây là một trong những hình ảnh được Chúa Giêsu sử dụng nhiều nhất để nói lên niềm vui của Nước Trời. Chúa Giêsu cũng mặc cho bữa tiệc của Ngài một ý nghĩa tượng trưng đặc biệt. Chúng ta chỉ cần nhớ lại tiệc cưới Cana, trong đó Chúa Giêsu đã biến nước thành rượu để khách dự tiệc được tiếp tục cuộc vui. Ngài dự tiệc do Lêvi, do Zakêu và rất nhiều người thu thuế khoản đãi; Ngài đồng bàn với họ, chia sẻ một tấm bánh và uống một chén rượu với họ.

Vào thời Chúa Giêsu, Ngài dùng dụ ngôn này để nói về những người cầm quyền Gio thái về thái độ chối bỏ không đón nhận Giao ước mới trong Ngài.

Ngày hôm nay, dụ ngôn này là cơ hội để chúng ta tự hỏi : chúng ta (những người kitô hữu) có sẵn sàng đáp trả lời mời đến dự tiệc thánh của Thiên Chúa hay chúng ta cũng đắn đo, do dự, vì đến dự tiệc thì mất thời gian, đến dự tiệc thì sẽ không kiếm được đồng lời nhờ buôn bán ?

Có người đã tưởng tượng ra Thiên đàng, hỏa ngục như hai bàn tiệc. Bàn tiệc dưới hỏa ngục cũng mâm cao cỗ đầy, thế nhưng khách dự tiệc thì ngồi ủ rũ buồn thiu, bởi vì mỗi người đều cầm trong tay một đôi đũa dài đến độ thức ăn thì gắp được, nhưng không thể đưa thức ăn vào miệng. Bàn tiệc trên Thiên đàng cũng y hệt, nhưng khác một điều, là thay vì gắp thức ăn cho vào miệng mình, người ta lại gắp thức ăn và đưa vào miệng người đối diện, thế là vui vẻ cả, vì ai cũng được ăn uống no nê.

Trong dụ ngôn mà chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu cho mọi người nhìn thấy viễn ảnh một tiệc cưới, những vị khách quý đã được mời, sau đó còn được nhắc lại. Nhưng những người đã được mời đó, không một ai được dự tiệc vì có người không muốn tham dự, họ không còn nhớ đến lời mời gọi trước kia, họ chỉ sống cho mình và chỉ biết có chính mình. Có người không dự được vì họ đã bị trừng phạt. Họ không muốn dự tiệc, là một việc không phải phép, nhưng họ còn hành hạ những người đến nhắc nhở cho họ về những gì họ đã hứa, nên họ bị trừng phạt. Còn những người dự tiệc, là những người đang cần đến thức ăn và có sự chuẩn bị để đón nhận thức ăn một cách xứng đáng và không phung phí nó. Những người dự tiệc là những người không cần được báo trước, nhưng họ biết sẵn sàng đáp lại lời mời gọi với lòng chân thành.

Nhà vua chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn và sai đầy tớ đi mời khách: “Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới » (Mt 22, 4). Nhưng các vị quan khách của ông vua này thât tàn nhẫn. Không những họ không đáp lại lời mời vì bận rộn việc buôn bán, nương rẫy, nhưng họ còn sỉ nhục và giết chết các đầy tờ của vua. Chúng ta tự hỏi nhà vua gì mà sao chẳng được tôn kính, các đầy tớ của vua chẳng được nể nang ? Ở đời này, có vị vua nào lại bị đối xử tàn nhẫn như vậy không ? Trước quan tổng trấn Philatô, Đức Giêsu đã nói : “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18, 36).

Khách mời thì không đến, đầy tớ thì bị giết, vị vua nổi cơn thịnh nộ và “sai quân đi tru diệt bọn sát nhân và thiêu hủy thành phố của chúng” (Mt 22, 7). Và cũng vì phẫn nộ cái bọn bất xứng với tiệc cưới dọn sẵn, nhà vua sai các đầy tớ ra các ngã tư đường mời hết tất cả mọi người đến dự tiệc cưới, bất luận xấu tốt. Và … nhà vua thở phào nhẹ nhỏm vì phòng tiệc đã đầy thực khách. Tâm trạng của nhà vua trở nên nhẹ nhỏm thì cũng đúng thôi, vì tiệc cưới mà không có khách thì ta có gọi là tiệc cưới không, huống chi đây lại là một tiệc cưới hoàng gia!

Tại sao những người này (những người mà nhà vua không dự tính mời lúc đầu) lại trả lời một cách mau lẹ như thế ? Có phải vì họ không bận rộn với việc đồng áng, buôn bán ? Có phải vì họ không có gì nên chẳng đắn đo thiệt hơn và chỉ muốn đến chia vui cùng gia đình vua ?

Và không phải chỉ đến để có mặt trong buổi tiệc mà thôi, nhưng phải mang y phục lễ cưới, nếu không còn bị đối xử tồi tệ hơn những người không đáp lại lời mời. Gia chủ tiệc cưới nói với một thực khách không mang y phục : “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà không có y phục lễ cưới ? … Hãy trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng !” (Mt 22, 12-13).

Y phục lễ cưới là gì ? Có phải áo quần thướt tha để trưng diễn với mọi người hay một tâm hồn xứng đáng với lời mời của vị gia chủ ? Thật vậy, không ai lại đến dự tiệc cưới với một con tim ghen ghét, không ai lại đến dự tiệc cưới với tấm lòng thù hằn, vì khi nói đến tiệc cưới là nói đến tình yêu. Tiệc cưới, bữa tiệc của tình yêu, bữa tiệc của niềm vui !

Bữa ăn là nơi thể hiện của những giá trị cao quí nhất trong cuộc sống của con người, như gặp gỡ, hiệp thông, trao ban, chia sẻ, hân hoan. Chính vì ý nghĩa cao quí ấy, Chúa Giêsu đã mượn hình ảnh bữa tiệc để nói lên những thực tại Nước Trời. Ðến đây, chúng ta hiểu được ý nghĩa của hình ảnh chiếc áo cưới mà thực khách phải mặc vào khi dự tiệc cưới. Chiếc áo cưới ấy chính là tâm tình gặp gỡ, chia sẻ, trao ban, hân hoan mà con người phải mặc lấy để thuộc về Nước Trời.

Dụ ngôn tiệc cưới ấy vẫn có giá trị đối với chúng ta ngày nay. Là Kitô hữu, chúng ta là những khách được mời dự tiệc Nước Trời. Thiên Chúa là Đấng đã mời gọi chúng ta “do lòng từ bi của Ngài, chứ không do công trạng nào của chúng ta”. Và rồi ta thấy Chúa đòi hỏi ở chúng ta một điều kiện, cũng là vinh dự của chúng ta là con người có lý trí và tự do, đó là đáp lại lời mời gọi yêu thương quảng đại của Ngài.

Thánh Lễ là một bữa tiệc của Chúa. Giáo Hội là tập thể những người được mời dự tiệc, không phân biệt giai cấp giàu nghèo, màu da, ngôn ngữ. Lời Chúa và Mình Thánh Chúa là những món ăn ” có chất lượng”. Áo cưới trong trắng Chúa đã ban cho chúng ta trong bí tích Rửa Tội và Giải Tội là điều kiện để xứng đáng dự Tiệc Thánh này.

Và ta nên nhớ rằng Bàn Tiệc Thánh hôm nay bảo đảm cho việc dự tiệc cưới trong Nước Trời mai sau. Dưới ánh sáng đức tin thì mỗi ngày sống của chúng ta phải là một ngày lễ lớn, bởi vì từng giây từng phút chúng ta đã nhận lãnh biết bao ơn lành, biết bao nhiêu quà tặng của Thiên Chúa. Chính trong chiều hướng này mà mỗi ngày Chúa Nhật đều dẫn chúng ta tới đỉnh cao hoan lạc qua việc kết hiệp với Đức Kitô nơi bàn tiệc Thánh thể. Để rồi từ đó, niềm vui được chiếu toả trên toàn bộ cuộc sống của chúng ta.

Đến dự bàn tiệc Thiên Chúa đã dọn sẵn, mỗi kitô hữu cũng được mời chuẩn bị tâm hồn mình để xứng đáng ngồi vào bàn tiệc cùng với toàn thể Giáo Hội và đón nhận mâm cỗ dọn sẵn chính là Mình và Máu Đức Kitô.

Thiên Chúa mời gọi ta đến dự bàn tiệc mỗi ngày, xin cho ta biết đáp lại lời mời của Ngài và biết chuẩn bị y phục sẵn sàng để được ngồi vào bàn tiệc Thánh Ngài đã dọn sẵn.

 

Previous articleXÉT LẠI NỒNG ĐỘ GANH TỴ CỦA TA
Next articleTÌNH CHÚA – TÌNH NGƯỜI