Đồn thổi những điều không biết

30

Đồn thổi những điều không biếtĐồn thổi những điều không biết

Rất nhiều người trong chúng ta đều có thói quen lan truyền tin đồn, mặc dù chính bản thân mình không mấy hiểu rõ về nó, nhưng hễ thấy có chuyện hay lại đem ra bàn tán, công kích. Điều này không chỉ gây tổn hại cho người khác, mà còn mang đến nguy hiểm cho bản thân mình.

Không hiểu biết hoặc hiểu biết không đầy đủ mà đã mang đi nói với mọi người, thì hậu quả của nó thật khó lường. Không hiểu biết hoặc hiểu biết không đầy đủ mà đã mang đi nói với mọi người, thì hậu quả của nó thật khó lường.

Dân gian có lưu truyền một câu chuyện vui thế này: Có một người giả làm thầy lang để kiếm tiền, mỗi lần có ai đến bốc thuốc ông ta đều phải giở sách y ra xem mới biết thuốc mà bốc.

Ngày kia có người bị đau bụng đến hỏi thuốc, thầy lang giở sách ra xem thấy cuối trang có viết “đau bụng uống nhân sâm”, liền bốc nhân sâm cho bệnh nhân uống.

Nào ngờ bệnh nhân vừa uống xong liền chết ngay, thân nhân đâm đơn kiện thầy lang lên quan. Quan cho người bắt thầy lang lại, thì ông ta đưa quyển sách y cho quan xem, nói: “Tôi trị bệnh là có sách chỉ dẫn hẳn hoi chứ đâu phải khám bừa”.

Quan thấy cuối trang sách quả có dòng chữ “đau bụng uống nhân sâm”, nhưng không thấy dấu ngắt dòng, bèn lật sang trang sau rồi chỉ cho thầy lang xem hai chữ “thì chết”.

Hóa ra nguyên văn cả câu là đau bụng uống nhân sâm thì chết”!

Nhiều người ta đọc xong câu chuyện này đều cảm thấy ông thầy lang giả kia không chỉ thiếu kiến thức mà còn quá sức hồ đồ, chưa rõ hết đầu đuôi đã vội kết luận, đây cũng chính là chỗ đáng cười của câu chuyện, và có lẽ cũng là điều mà người xưa lưu lại nhằm nhắc nhở hậu thế.

Kỳ thực trong cuộc sống hiện tại có bao nhiêu người cũng hồ đồ giống như ông thầy lang giả ấy? Hẳn là rất nhiều! Bản thân thầy lang giả không nhận ra rằng mình rất hồ đồ, và những người này cũng vậy.

Người ta thường rất hiếu sự, tâm lý chung là thích nghe ngóng, bàn tán và lan truyền về những điều mà mình không hiểu rõ hoặc thậm chí là không biết tí gì. Hễ nghe được một chút tin gì đó, thường là không đầy đủ, mặc dù chưa nắm rõ đầu đuôi nhưng vẫn vội vã kết luận theo ý thích, sau đó kể lại cho người khác như thể là hiểu rõ lắm. Người khác ấy cũng lại làm theo cách như vậy.

Không hiểu biết hoặc hiểu biết không đầy đủ mà đã mang đi nói với mọi người, cũng có khác gì thầy lang giả kia chưa xem hết sách đã hấp tấp bốc thuốc cho người ta? Hậu quả của việc này có nhỏ có lớn, nhỏ thì chỉ đáng một câu chuyện cười, nhưng lớn thì có thể làm huyên náo cả xã hội, thậm chí thiên hạ đại loạn có khi cũng chỉ vì những người như vậy!

Người ta thường rất hiếu sự, tâm lý chung là thích nghe ngóng, bàn tán và lan truyền về những điều mà mình không hiểu rõ hoặc thậm chí là không biết tí gì.Người ta thường rất hiếu sự, tâm lý chung là thích nghe ngóng, bàn tán và lan truyền về những điều mà mình không hiểu rõ hoặc thậm chí là không biết tí gì. (Ảnh: Wikihow)

Có lần tôi tham gia một lớp Toán học, người giảng viên đưa ra một khái niệm mới mà chúng tôi chưa từng nghe qua, sau đó hỏi cả lớp rằng khái niệm này có nghĩa là gì? Cả lớp bàn tán xôn xao, thầy đi tới từng bàn để nghe câu trả lời của từng người. Người thì nói thế này, người thì nói thế kia, có người nói dài dòng, có người nói văn vẻ, có người nói nghe rất triết lý,… thầy đều chỉ mỉm cười.

Sau khi đi hết cả lớp, thầy quay lại bục giảng và nói: “Không có câu trả lời nào khiến tôi hài lòng hết”.

Mọi người tỏ vẻ bất bình, đại khái đều nói rằng khái niệm này là hoàn toàn mới, trong sách cũng không có nói, đương nhiên bọn em không biết, thầy sao không đưa ra định nghĩa mà còn đánh đố bọn em?

Bấy giờ thầy mới gật gù nói: “Phải rồi. Câu trả lời mà tôi mong đợi được nghe nhất chính là ‘Em không biết!’, nhưng các em không ai nói vậy cả. Các em không biết nhưng lại không muốn thừa nhận, đều cố gắng từ câu chữ của khái niệm để đưa ra một định nghĩa mà các em cho là hợp lý”.

Lúc ấy tôi mới hiểu thầy thông qua khái niệm này, không chỉ giảng về Toán học mà còn muốn nhắc chúng tôi, điều gì biết thì mới nói, không biết thì đừng từ câu chữ mà diễn giải ra nói bậy, bởi làm vậy không có ích gì với con đường học tập tri thức của chúng tôi, trái lại còn tạo ra chướng ngại lớn.

Sau này tôi càng nhận ra là không chỉ trong học vấn mà cả trong cuộc sống hằng ngày cũng là nên như vậy.

Đối với điều chúng ta không biết, hoặc chỉ nghe nói qua loa, biết đầu mà không biết đuôi, thay vì cố nói để chứng tỏ bản thân thì nên để tâm tìm hiểu kĩ càng, ít nhất cũng có một vốn kiến thức nhất định về điều đó, sau đó mới cân nhắc tới việc có nên nói ra hay không. Cách làm này mới thật sự có ích cho chúng ta và không gây tổn hại đến người khác.

Chẳng hạn như có những người tốt bị vu khống hãm hại, chúng ta chỉ nghe kẻ vu khống nói vài câu, cũng chưa rõ là đầu đuôi, đã lập tức thêm mắm dặm muối mang ra kể cho người khác, lan truyền đi khắp nơi. Đây chẳng phải chính là đã giúp cho kẻ xấu hại người sao? Mặc dù chúng ta không biết, nhưng chính sự “hồ đồ” của chúng ta đã khiến những người tốt càng phải chịu khổ sở và oan khuất nhiều hơn.

Mai kia sự thật sáng tỏ, phải chăng chúng ta – những người đã nói quá nhiều về điều mà mình không biết – nên chịu trách nhiệm cho những gì mà mình đã đồn thổi?

Đại văn hào Shakespeare cũng từng nói: “Đừng nói lời tệ hại về những điều mà bạn không biết rõ, nếu không tính mạng bạn sẽ đối diện với vô vàn nguy hiểm”.

Đọc câu chuyện vui mà người xưa để lại, càng nên suy ngẫm và rút ra bài học cho bản thân. Thầy lang giả kia vì hồ đồ không muốn thừa nhận kém cỏi, không biết mà làm như biết rõ, kết quả đã hại chết mạng người và sẽ phải chịu một mức án tương xứng. Còn những người hiếu sự vẫn đang đi khắp nơi thêu dệt hoặc vu khống, thậm chí là phỉ báng điều mà họ không biết rõ, phải chăng tương lai cũng nên đối diện với một sự trừng phạt nào đó?

Previous articleMỪNG BỔN MẠNG CÂU LẠC BỘ LỬA HỒNG : THÁNH CA KHÔNG PHẢI LÀ BIỂU DIỄN MÀ LÀ LỜI LOAN BÁO TIN MỪNG
Next article1 biểu hiện đặc trưng của những người xuất sắc