Đức hồng y Tauran: “Các tôn giáo vẫn có thể sống chung với nhau trong tình huynh đệ”

75

 

Sau vụ cha Jacques Hamel bị sát hại ngay trong nhà thờ Saint-Etienne-du-Rouvray (Pháp) hôm 26-07-2016, Đức hồng y  Jean-Louis Tauran tái khẳng định rằng các tôn giáo vẫn có thể sống chung với nhau trong tình huynh đệ. Trong mục diễn đàn trên nhật báo L’Osservatore Romano bản tiếng Ý, đề ngày 13-08, Đức hồng y cổ vũ “tiếp tục gặp gỡ nhau (…) để hận thù không thắng thế được”.

Đức hồng y Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại liên tôn cho biết ngài có mặt ở Pháp vào ngày “cha Hamel bị sát hại một cách man rợ” và ngài gợi lại phản ứng của nước Pháp, “suy sụp trong kinh hoàng”: “Tôi có cảm tưởng là người Pháp nhớ lại rằng văn hóa của họ cắm rễ sâu trong sứ điệp Kitô giáo. Mọi người đều bình luận: không ai lại đi giết hại một cha xứ!”

Đứng trước các thảm kịch này, Đức hồng y Tauran kêu gọi “mở ra những con đường mới hợp lý hơn và dũng cảm hơn”. Dù “các tội ác này có phá đổ tính khả tín của đối thoại liên tôn”, Đức hồng y Tauran vẫn khẳng định rằng “sự sống chung trong tình huynh đệ không chỉ có thể mà còn cần thiết và bổ ích”. Do đó, ngài khuyến khích “tiếp tục gặp gỡ nhau, trao đổi với nhau, cùng nhau hoạt động khi có thể, để hận thù không thắng thế được”.

Đức hồng y cũng đưa ra những thái độ then chốt của việc sống chung: “nhìn người khác chúng ta với lòng ngưỡng mộ, với con mắt tò mò đầy thiện ý và với ước muốn được đi cùng với nhau”. Đức hồng y Tauran lưu ý là người ta có thể tố cáo một thứ chủ nghĩa hỗn tạp: “Đối thoại liên tôn là liều thuốc giải độc hiệu nghiệm nhất để chống lại chủ nghĩa tương đối”, ngài khẳng định, bởi vì nó đòi hỏi trước hết việc “tuyên xưng niềm tin của chính mình”.

Đức hồng y nhấn mạnh: “Vì có nhiều vấn đề phát sinh là do thiếu hiểu biết, nên điều khẩn thiết là phải đào sâu nội dung của các tôn giáo của chúng ta bằng một nền giáo lý ăn khớp với nhau”. Cũng cần phải “phát triển việc giảng dạy tôn giáo” trong một xã hội đôi khi thờ ơ với “khía cạnh tinh thần của đời sống con người”.

“Khi giết cha Jacques, kẻ đã nghĩ ra hành động hèn hạ này theo đuổi một mục tiêu rõ rệt, Đức hồng y kết luận: đó là chứng minh cho thấy rằng việc sống chung giữa tín đồ Hồi giáo và Kitô giáo là không thể. Chúng ta đã chứng minh, và chúng ta tin tưởng, rằng ngược lại, chúng ta phải kết hợp sức mạnh của chúng ta nhân danh Thiên Chúa để cùng nhau hoạt động vì sự hài hòa và hiệp nhất trong một tinh thần chân thành và tin tưởng lẫn nhau”.

Đức hồng y trích phát biểu của Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II tại Kaduna (Nigeria), ngày 14-02-1982: “Kitô giáo và Hồi giáo có nhiều điểm chung: đặt ưu tiên cho việc cầu nguyện, bổn phận bảo vệ công lý cùng với lòng thương xót và việc bác ái, và nhất là sự tôn trọng mang tính thánh thiêng đối với phẩm giá con người (…) bao gồm cả quyền được sống của đứa trẻ chưa sinh ra ”.

(Zenit)

Previous articleCử hành “Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên” lần thứ hai
Next articleĐức Phanxicô gặp các phụ nữ thoát khỏi nạn tống tiền và mãi dâm