“Đã xa mà còn xấu”! Đó là một lời du khách nói về Mẹ Măng Đen GP Kontum. Ấy vậy nhưng Mẹ đem lại biết bao ơn lành cho những ai thành tâm chạy đến với Mẹ.
Câu chuyện có phần hư cấu dựa trên chuyện có thật do một linh mục kể lại.
Hãy đến với Mẹ Măng Đen…để Mẹ nâng đỡ, để cảm nhận cái thi vị rất riêng của đất trời Măng Đen.
ĐỨC MẸ LINH THIÊNG NƠI NÚI RỪNG MĂNG ĐEN
Cách thành phố Kontum khoảng hơn 50km về phía Đông Bắc, Măng Đen thuộc huyện KonPlong với độ cao tầm 1200m, quanh năm mát mẻ se lạnh với những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn. Tại nơi đây, có tượng Đức Mẹ cụt tay khá độc đáo. Đó là điểm hành hương Công giáo của Giáo phận Kontum nói riêng và tất thảy những ai yêu mến Mẹ Maria nói chung.
Dần về chiều, núi rừng Măng Đen nên u tịch, dòng người lũ lượt kéo nhau về như khi họ đến. Các linh mục cũng vội vàng thu xếp hành trang ra về cho kịp thánh lễ sáng hôm sau tại xứ. Vị linh mục già nhà hưu lom khom cất áo lễ vô chiếc túi dân tộc thì có tiếng thưa dè dặt
– Dạ… thưa cha, xin cha nán lại chút xíu cho mẹ con con xưng tội được không ạ?
– Ủa, từ hôm qua đến giờ vẫn chưa xưng tội sao? Mà sao không tìm linh mục trẻ, lại tìm đến ông già điếc lác này!
Người phụ nữ dắt theo cậu thanh niên cao lớn ái ngại ấp úng:
– Dạ! Con…con có nỗi khổ riêng! Xin cha thương giúp mẹ con con!
– Ờ thì tui cũng không có ý gì đâu! Lại chỗ ghế đá này cho sáng một chút nè! Mà ai xưng tội trước!
– Dạ…dạ…con trước ạ! – Cậu thanh niên ngập ngừng lên tiếng
Sau khi xưng tội, vị linh mục còn nán lại nghe câu chuyện của người mẹ đau khổ. Bà nói quyết định đi Măng Đen của bà lần này là đúng. Bà nói trong nước mắt nhưng đầy hạnh phúc:
– Con có lại được thằng con của con rồi cha ạ! Con tưởng mất nó rồi! Tạ ơn Chúa. Tạ ơn Mẹ Măng Đen.
– Vậy là bà được ơn rồi đó! Nhiều người đến đây, có người được ơn phần xác, kẻ thì được ơn phần hồn, có người không thấy gì nhưng ai cũng ra về vui vẻ. Bà thấy đó, bảng tạ ơn người ta để la liệt.
Người phụ nữ tâm sự: ngót mười năm trước, con trai bà (cậu thanh niên ấy) vừa tròn 18 tuổi và bước vào đại học. Cũng chính lúc ấy, những tư tưởng vô thần ở giảng đường đại học làm cho cậu hoài nghi về niềm tin của mình. Thêm sự lôi kéo của bạn bè vào những cuộc ăn chơi…dần dần cậu không còn đến nhà thờ, mất niềm tin, cậu còn quay lại chống đối niềm tin của gia đình, cậu cho đó là phản khoa học, là mê tín, là bị mấy ông cha đạo lừa…! Người mẹ nói thêm:
– Con nghe nói Kontum có Đức Mẹ Măng Đen, linh thiêng lắm, con cầu nguyện, rồi khuyên nó đi với con lên đây! Lúc đầu nó không chịu đi, con nói miết, nó miễn cưỡng lên đây! Từ qua giờ, nó không chịu cầu nguyện, nó bảo nó đi cho vui lòng con! Con đứng khấn với Đức Mẹ mà nước mắt con cứ chảy. Rồi thì dự lễ, con cũng tha thiết xin Chúa cho con của con nó trở lại. Lúc nãy hai mẹ con ra về, nó nói “Má tìm cha nào đó cho con xưng tội”. Nghe mà con mừng hết sức cha ơi!
– Ôi! Trong dân gian người ta thêu dệt nên đủ thứ chuyện ấy mà! Đức Mẹ ở đâu mà chẳng linh thiêng, tôi cá với bà là Đức Mẹ ở trong nhà bà cũng linh thiêng vậy! Có một Đức Mẹ chớ mấy! Chỉ cần có lòng thành tâm tìm kiếm, nài xin, Đức Mẹ sẽ nhậm lời cầu bầu cùng Chúa. Chúa thương Mẹ của mình mà!
– Dạ! Thưa Cha, cha có thể nói về một chút về tượng Mẹ Măng Đen được không ạ? Con không biết rõ lắm và lần đầu tiên, con thấy Đức Mẹ cụt tay như vậy! – Người thanh niên ngỏ ý
– Được chớ! Tôi là linh mục giáo phận này mà! Nhưng tôi nói ngắn gọn thôi nghe! Trên mạng vẫn có đầy ra, cậu có thể tham khảo trên đó!
Tượng Đức Mẹ Măng Đen (hay còn gọi là Mẹ Fatima Măng Đen) này được cha Toma Lê Thành Ánh tặng cho cha Giuse Phạm Minh Công ( Minh Kông ) khi ngài nhậm chức tuyên úy quân đội ở Măng Đen vào năm 1971 (Cả hai đã cùng về với Chúa). Cũng mùa Vọng năm ấy, cha Công và một số quân nhân đã đắp một trụ đài đơn sơ, đặt tượng Mẹ lên và làm phép, để có nơi cho anh em quân nhân Công giáo cầu nguyện. Năm 1975, Măng Đen thất thủ, tượng đài Mẹ cũng vì vậy mà bị hoang phế, một mình Mẹ cô đơn đứng giữa đại ngàn. Năm 1987, một đôi vợ chồng lương dân tìm thấy, họ cung kính, thường lui tới quét dọn, giữ gìn. Tuy nhiên, sự ăn mòn của thời gian làm cho tượng Mẹ hư hại nhiều: mất đầu, cụt tay. Sau này, một thợ đá người Công giáo, lên đây làm công ở nhà vợ chồng người lương dân nọ, biết, cảm kích trước tấm lòng của vợ chồng chủ nhà, nên anh đã đắp cho Mẹ cái đầu, đôi tay. Vì anh không phải nghệ nhân, nên gương mặt Mẹ không còn như nguyên bản mà trông tiều tụy, khắc khổ như chính những người sắc tộc ở nơi đây. Và một điều lạ là đôi tay được ráp mấy lần nhưng không thành, nên đức giám mục giáo phận quyết định giữ nguyên trạng tượng đài. Đó là câu trả lời cho nhiều người thắc mắc rằng Đức Mẹ Măng Đen không đẹp nếu không nói là “xấu nhất thế giới”. Đến năm 2020, sau khi tham khảo nhiều ý kiến khác nhau của hội đồng linh mục, giáo dân, Giáo phận Kontum quyết định sửa lại gương mặt cho Đức Mẹ, bởi phần lớn ai cũng muốn Mẹ của mình đẹp hơn và cũng để khách hành hương dễ cầu nguyện hơn.
Trung tâm hành hương Mẹ Măng Đen luôn cuốn hút rất nhiều khách thập phương từ lúc còn hoang sơ đến giờ. Họ chạy đến cùng Mẹ, khấn xin cùng Mẹ, tìm sự an ủi nơi Mẹ…và Mẹ đã nhậm lời. Bằng chứng là có rất nhiều bảng ghi lời tạ ơn đặt dưới chân đài Đức Mẹ, hàng trăm ghế đá xếp ngay ngắn trước đài Mẹ, của những người được ơn lành từ Mẹ dâng cúng. Điểm hành hương Mẹ Măng Đen không khi nào là không có khách, mặc dù nơi đây đường đi lại khó khăn. Những vị khách hành hương, già có, trẻ có, họ đến, áp mặt vào tượng Mẹ, vuốt tà áo Mẹ rồi áp vào mặt mình, hay thành kính dâng Mẹ tràng chuỗi Mân Côi, lời kinh tha thiết. Đây đó, thấp thoáng trong dòng người hành hương ấy, có những người cùi, không còn lành lặn thể xác. Bởi Mẹ không chỉ là Mẹ của riêng người Công giáo, Mẹ là Mẹ của tất cả những ai dưới vòm trời này. Hơn nữa, với Giáo phận Kontum, Mẹ là Mẹ của người cùi, người bệnh HIV và của những ai đang gặp đau khổ.
Ngày 8 tháng 12 hàng năm, là ngày hành hương Mẹ Măng Đen. Từ khắp nơi, đoàn người kéo về tụ họp nơi đây, dâng lên Mẹ biết bao kinh nguyện. Số lượng người đến đây càng ngày càng tăng, có năm lên đến 40.000 người, Kinh lẫn Thượng, cả người cùi, đau bệnh lẫn người khỏe mạnh, trẻ em, thanh niên, bô lão, cả lương dân lẫn giáo dân. Họ lũ lượt kéo về, mặc cho trời mưa và lạnh. Họ chen chúc nhau trong những lều bạt dựng tạm, chỉ để cùng dâng thánh lễ kính Mẹ Sầu Bi, Mẹ Vô nhiễm Măng Đen. Thế mới thấy Mẹ Măng Đen với đôi bàn tay cụt quyền năng đến thế nào. Chính nhờ bàn tay cụt ấy, đoàn con cái Mẹ đã đưa tay ra, nắm lấy tay Mẹ và được chữa lành nhờ sự cầu bầu của Mẹ. Có nhiều trường hợp được Mẹ Măng Đen chữa lành cách hy hữu, mà các linh mục trong giáo phận hay kể cho nhau nghe, mà đa phần những người ấy là lương dân, hoặc cán bộ nhà nước. Với đôi bàn tay cụt, Mẹ đã ban phát cho đoàn con cái vô vàn tình thương. Đức sứ thần tòa thánh một lần viếng thăm, đã nhắc nhở “Tượng đức Mẹ thiếu bàn tay, ý Đức Mẹ muốn chúng ta là bàn tay nối dài của Đức Mẹ để giúp đỡ những người khốn khó, bị bỏ rơi”. Đó cũng là một phần lý do mà Giáo phận quyết định giữ lại đôi tay cụt của Mẹ mà không phục dựng.
Tháng 10 năm 2017, Đức Giám mục Aloisio Nguyễn Hùng Vị đặt viên đá đầu tiên, xây dựng Trung tâm hành hương Đức Mẹ Măng Đen. Dẫu vậy, với một giáo phận truyền giáo, đầy khó khăn trăm bề, cho nên sau gần 5 năm, trung tâm hành hương vẫn chưa hoàn thành, tất cả vẫn còn tạm bợ, dang dở. Có lẽ vì thế mà có người thốt lên rằng: “Trung tâm hành hương gì mà xấu quá, không đẹp như nơi khác!” Ấy thế mà Mẹ Măng Đen vẫn cuốn hút được hàng ngàn người đến đây viếng thăm, khấn xin. Và tất nhiên nơi đây rất sạch, không có lấy một cái rác, bởi Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh đã dám cúi xuống nhặt rác làm gương cho mọi người, để rồi từ đó, ý thức bảo vệ môi trường nơi hành hương của con dân giáo phận được nâng cao hơn.
Cũng không sai khi có ai đó nói: “Không mưa không phải trung tâm Mẹ Măng Đen”. Bởi dù đổi ngày lễ Mẹ nhiều lần, nhưng vào dịp lễ đại trào kính Mẹ Măng Đen hàng năm vẫn có những cơn mưa bất chợt, mưa ồ ạt làm ướt áo khách hành hương. Để rồi họ vội vã chạy vào lán bạt để trú mưa, để rồi đêm xuống họ cùng nhau cầu nguyện, canh thức bên Mẹ giữa cái lạnh cắt da cắt thịt của trời đông Măng Đen, nơi có Đức Mẹ Fatima với đôi bàn tay cụt đầy quyền năng giữa đại ngàn lộng