Ðức Thánh Cha Bênêđíctô XVI và Ðức Mẹ Maria

1199

 

Trong Tháng Hoa này, một tháng trong năm được Giáo Hội đặc biệt dành dâng kính Mẹ Maria, chúng ta hãy hợp lòng cùng toàn thể các kitô hữu khắp nơi trên thế giới, cùng dâng lên Mẹ những bó hoa thiêng liêng của cuộc sống chúng ta, đó là : Việc siêng năng xưng tội, xem lễ, sửa đổi các thói hư tật xấu, siêng năng đọc kinh lần hạt Mân Côi chung trong gia đình và tư riêng, làm phúc bố thí giúp kẻ nghèo đói, bệnh tật, v.v… để tỏ lòng yêu mến Mẹ Maria một cách cụ thể.

 

Ðể thêm lòng sống đạo một cách hăng hái, sốt sắng hẳn hoi, chúng ta hãy nhìn lên gương lòng tôn sùng Mẹ Maria của Ðức Thánh Cha Bênêđíctô XVI. Với những dòng sau đây, hy vọng sẽ giúp được cho quý ông bà và tất cả anh chị em trong các cộng đoàn thêm thâm tín hơn về lòng yêu mến và tôn sùng Mẹ Thiên Chúa.

 

Sau khi lên ngôi Giáo Hoàng được sáu tháng, Ðức Thánh Cha Bênêđíchtô đã đi hành hương lần đầu tiên một thánh địa kính Ðức Mẹ ngoại thành Vatican, đó là trung tâm hành hương Mentorella, nằm vào phía đông nam thành phố Roma, được dâng kính « Ðức Mẹ Ban Ơn ». Tuy cuộc hành hương chỉ kéo dài nửa ngày mà thôi và cũng không được các báo chí quan tâm cho lắm. Nhưng qua hành động của ngài, Ðức Thánh Cha đã tỏ lòng tôn kính và tin tưởng phó thác toàn sứ mệnh chủ chăn Giáo Hội của ngài cho sự bầu cử và chở che của Mẹ Maria.

 

Ngay trong ngày 20.04.2005, trong bài giảng đầu tiên tại Nhà Nguyện Sixtin, ngay khi vừa được bầu vào chức vị kế nhiệm Thánh Phêrô, Ðức Thánh Cha Bênêđíctô đã đặt để và phó thác sứ mệnh phụng sự Chúa Kitô của ngài trong tay nhân lành của Mẹ Thiên Chúa với những lời tha thiết như sau :

 

“Khi con hoàn toàn dấn thân phục vụ Giáo Hội, con chỉ muốn phụng sự một mình Ðức Kitô mà thôi. Ðể giữ vững được nguyện ước này, con xin kêu nài sự bầu cử đầy tình mẫu tử của Ðức Trinh Nữ Maria : Trong tay Mẹ, con xin phó thác cả hiện tại và tương lai của con cũng như của Giáo Hội.”

 

  1. Càng thêm tuổi càng thêm lòng yêu mến Mẹ Thiên Chúa :

 

Dư luận thường cho rằng giáo sư thần học uyên bác Josef Ratzinger – tên đời của Ðức Bênêđíctô – không có được một lòng sùng kính nồng nhiệt đối với Mẹ Thiên Chúa một cách đặc biệt, chẳng hạn như Ðức Gioan Phaolô II. Thế nhưng, trong cuộc phỏng vấn được dành cho phóng viên Peter Seewald với câu hỏi : Ðức Maria có tương quan thế nào đối với cá nhân ngài, Ðức Hồng Y Tổng trưởng Thánh bộ Ðức Tin đã trả lời : “Khi tôi càng có tuổi, thì càng cảm thấy Mẹ Thiên Chúa trở nên quan trọng và gần gũi tôi hơn!”

 

Và bây giờ trong cương vị Giáo Hoàng, Ðức Bênêđíctô đã cho chúng ta cảm nhận được sự gần gũi với Mẹ Thiên Chúa tăng trưởng cụ thể như thế nào. Vâng, trong bài nói chuyện của ngài vào buổi trưa đọc kinh truyền tin vào ngày 30.10.2005, Ðức Thánh Cha đã nhắc bảo các tín hữu : “Chúng ta hãy luôn dành cho Mẹ Maria một chỗ trọng tâm trong lòng chúng ta. Qua Mẹ, tất cả chúng ta đều nhận ra được mình là con Thiên Chúa. Nơi Mẹ, chúng ta học được lòng trông cậy. Với Mẹ, chúng ta học được đức tin và sự cầu nguyện. Anh chị em hãy để Mẹ Maria dẫn đưa tới cùng Chúa Kitô!”

 

Ðức Hồng Josef Ratzinger đã lớn lên trong môi trường thuần Công Giáo và có lòng sùng kính Mẹ Maria của tiểu bang Bayern. Trong cuốn sách đối thoại của nhà văn Peter Seewald “Gott und die Welt” – Thiên Chúa và thế giới, Ðức Hồng Y Ratzinger đã nói : “Ngoài các ngày lễ phụng vụ về Ðức Mẹ, thì các giờ chầu kính Ðức Mẹ, tháng Mân Côi, các trung tâm hành hương, nói chung là phong trào đại chúng sùng kính Mẹ Maria, rất có ý nghĩa đối với tôi!”

 

  1. Ðức Hồng Y Ratzinger và Fatima :

 

Không chỉ trung tâm hành hương kính Ðức Mẹ nỗi tiếng ở Altöttingen thuộc tiểu bang Bayern, mà Ðức Hồng Y thường đến kính viếng, nhưng ngài còn đi hành hương đến các trung tâm hành hương kính Ðức Mẹ khác trên khắp thế giới và nhất là ở Fatima. Ở đây, ngài đã nói chuyện với nữ tu Lucia, một trong ba trẻ đã được xem thấy Ðức Mẹ hiện ra vào năm 1917. Sau cuộc gặp gỡ với chị Lucia, Ðức Hồng Y Ratzinger đã tường thuật : “Sứ điệp Fatima hoàn toàn đơn sơ. Và chị Lucia đặt nặng giá trị trên sự đơn sơ đó, và thực ra ở đây chỉ liên quan đến vấn đề đức tin, lòng trông cậy và tình bác ái, chứ không quan hệ đến những điều thường được đăng tải khác.”

 

Và nay, trong cương vị Giáo Hoàng, Ðức Thánh Cha Bênêđíctô cho rằng những lần hiện ra chính thức của Mẹ Maria “không phải là để đặt ra cho chúng một điều gì khác song song với Phúc Âm”, “những lần hiện ra của Mẹ Thiên Chúa không để làm thoả mãn những tò mò, những cảm xúc hay những gì tương tự, nhưng là đưa chúng ta trở lại với điều đơn sơ và chính yếu, mà chúng ta thường có khuynh hướng dễ bỏ qua. Ngay trong thời đại hôm nay, với sự phức tạp rắc rối của những vấn đề của chúng ta, Kitô giáo thường đã trở nên quá phức tạp đối với chúng ta, đến nỗi khiến chúng ta như thể đang đứng trước bao cây cối um tùm rậm tạp và không còn nhìn thấy được rừng nữa. Vấn đề chính ở đây là nhắm đạt tới cái trọng tâm đơn sơ, không phải đạt tới bất cứ điều gì khác, nhưng đạt tới điều chủ yếu, đạt tới sự thống hối ăn năn, đạt tới đức tin, niềm hy vọng và đức bác ái!”

 

Vào năm 2000, khi Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho phép công bố bí mật thứ ba của Fatima, ngài đã ủy nhiệm cho Ðức Hông Y Josef Ratzinger soạn thảo lời cắt nghĩa giải thích về bí mật đó. Vì thế, Tổng trưởng Thánh bộ Ðức Tin lúc bấy giờ đã tiếp cận và đào sâu những sự kiện xảy ra năm 1917 tại đồi Cô-va Ðà I-ri-a. Và ngài đã kết luận : “Toàn bộ biến cố huyền nhiệm là một lời mời gọi khẩn trương đến sự tự do của con người, là hãy chỉnh đốn lại cuộc sống và nhờ thế có thể thay đổi được cục diện lịch sử; đó là điều mà lời mời gọi ở Fatima và Sách Khải Huyền cùng nhắm tới. Nếu sau cùng Ðức Giáo Hoàng thoát chết được, người ta có thể coi sự kiện đó như dấu chỉ muốn nói lên rằng : Qua lời cầu nguyện, cục diện lịch sử có thể được thay đổi.”

 

  1. Ðức Bênêđíctô phó thác vào Mẹ Maria

 

Việc Ðức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã liên kết sứ vụ Linh mục của ngài với Mẹ Maria như thế nào, người ta có thể nhận thấy được một cách rõ rệt trong suốt Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 2005 tại Köln. Khi ngài gặp gỡ các chủng sinh tại nhà thờ St. Pantaleon, ngài đã khuyến khích tất cả các chủng sinh hãy tìm đến với Chúa Giêsu qua Mẹ Maria : “Khi tới Bét-lê-hem, Ba Vua đã đi vào nhà và đã nhìn thấy Hài Nhi và Ðức Maria, Mẹ Hài Nhi; bấy giờ họ liền quì gối và sấp mình thờ lạy Hài Nhi (Mt 2,11). Ðó chính là giây phút quan trọng đã từng được mong đợi : Cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu ! ‘Họ đi vào nhà’ : Chắc chắn rằng ngôi nhà được nói ở đây phải hiểu là Giáo Hội. Ðể gặp gỡ được Chúa Cứu Thế, người ta bắt buộc phải vào trong nhà, tức Giáo Hội. Trong suốt thời gian đào tạo ở Ðại Chủng Viện, người chủng sinh trẻ phải luyện tập cho mình một cách đầy đủ ý thức được sự trưởng thành hết sức cần thiết : Ðó là thầy không còn nhìn Giáo Hội ‘từ ngoài vào’, nhưng phải thật sự cùng rung cảm với Giáo Hội ‘từ bên trong’ như là ‘nhà’ của mình vậy, bởi vì Giáo Hội là nhà của Ðức Kitô, nơi cư ngụ của ‘Ðức Maria, Mẹ Người’. Và bởi vì Mẹ đã chỉ cho thầy Chúa Giêsu, Con của Mẹ, giới thiệu Người cho thầy và có thể nói được là giúp thầy nhìn thấy, động chạm và ôm được Người vào trong vòng tay mình. Mẹ Maria dạy cho thầy biết chiêm ngắm Chúa Giêsu bằng đôi mắt của con tim và biết sống bởi Người. Trong mỗi giây phút của cuộc đời chủng sinh người ta có thể cảm nghiệm được sự hiện diện đầy yêu thương như thế của Mẹ Thiên Chúa, Ðấng hằng dẫn đưa mỗi người đến gặp gỡ Ðức Kitô trong những giờ phút lặng lẽ của sự nguyện gẫm. Trước hết, Mẹ Maria giúp gặp gỡ được Chúa trong Phép Thánh Thể, khi Người trở nên lương thực hằng ngày của chúng ta qua lời Người và qua bánh đã biến thành Thân Mình Người… Các con hãy luôn luôn nhớ đến lời Chúa Giêsu : ‘Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy’ (Ga 15,9). Vâng, nếu các con ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu, các con sẽ mang lại nhiều hoa trái. Không phải các con đã chọn Người, nhưng Người đã chọn các con (x. Ga 15,16) : Ðó chính là mầu nhiệm của ơn gọi và của sứ mệnh các con ! Nó được giữ kín trong trái tim vẹn sạch của Mẹ Maria; với tình mẫu tử, Mẹ luôn tỉnh thức giữ gìn mỗi người trong các con. Vậy, các con hãy thường xuyên đầy lòng trông cậy chạy đến cùng Mẹ!”

 

Ðặc biệt từ ngày đảm nhiệm trọng trách chủ chăn của Giáo Hội hoàn vũ, Ðức Bênêđíctô đã luôn nhắn nhủ các tín hữu hãy luôn biết tin tưởng và phó thác mọi vui buồn của cuộc sống vào bàn tay mẫu tử từ nhân của Mẹ Maria. Trong huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày Chúa nhật 11.02.2007, lễ kinh Ðức Mẹ hiện ra tại Lộ Ðức và đồng thời cũng là ngày quốc tế bệnh nhân, Ðức Thánh Cha đã nhắc bảo các tín hữu : “Hôm nay, là lễ Ðức Mẹ Lộ Ðức. Cách đây gần 150 năm, Mẹ đã hiện ra với một thôn nữ, thánh Bernadette, tự xưng là Ðấng Vô Nhiễm Nguyên Tội. Cũng nhân dịp đó, Mẹ đã tỏ ra là một người mẹ từ ái đối với mọi con cái mình, nhắc nhở rằng những kẻ bé nhỏ, nghèo hèn là nhưng kẻ được Chúa mến thương và dành Nước Trời cho họ. Các bạn thân mến, Ðức Maria đã đồng hành với Con Mẹ bằng đức tin cho đến thập giá. Mẹ đã được thông hiệp một cách mầu nhiệm vào những đau khổ của Chúa Kitô. Mẹ không ngừng khuyên nhủ chúng ta hãy sống và chia sẻ một cách tin tưởng kinh nghiệm của sự đau khổ và bệnh tật, bằng cách dâng hiến chúng cho Chúa Cha, nhờ đó hoàn tất trên chính thân xác chúng ta điều còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô (x. Cl 1,24).”

 

Ðó là những tâm tình thánh thiện của Người Cha Chung của toàn thể Giáo Hội dành cho Mẹ Thiên Chúa, Ðấng mà ngài đã tin tưởng phó thác trọng trách coi sóc Giáo Hội của ngài. Chúng ta cũng hãy noi gương Ðức Thánh Cha mà tín thác và phó dâng tất cả mọi vui buồn trong cuộc sống hằng ngày – của tư riêng, của gia đình và của cộng đoàn – cho Mẹ Maria. Chúng ta hãy để Mẹ dìu dắt trên mọi bước đường và trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Vì cùng với Mẹ, chúng ta sẽ không bao giờ sa chân lỡ bước. Vì qua Mẹ, chúng ta sẽ đạt tới được nguồn an vui và hạnh phúc vĩnh cửu : Chúa Giêsu, Con Mẹ ! Per Mariam ad Jesum : Qua Mẹ Maria đến cùng Chúa Giêsu!