Đức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn người cao niên

51

 

ĐTC đề cao tầm quan trọng của những người cao niên trong đời sống Giáo Hội, xã hội và ngài chống lại nền văn hóa gạt bỏ, loại người già ra ngoài lề xa hội.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 15-10-2016, dành cho 7 ngàn người cao niên về Roma tham dự Ngày Năm Thánh Lòng Thương Xót, với sự giúp đỡ của Hiệp hội toàn quốc Italia các công nhân cao niên.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, ĐTC nói: ”Giáo Hội nhìn những người cao niên với lòng yêu mến, biết ơn và rất quí chuộng. Họ là thành phần thiết yếu của cộng đoàn Kitô và xã hội, đặc biệt họ tượng trưng những căn cội và ký ức của một dân tộc”.

ĐTC đề cao kinh nghiệm của người cao niên như một kho tàng quí giá, không thể thiếu được để nhìn về tương lai trong niềm hy vọng và trách nhiệm. Ngài cũng nhắc đến sự kiện nhiều người cao tuổi quảng đại dùng thời giờ và tài năng Chúa ban để giúp đỡ và hỗ trợ những người khác: bao nhiêu người cao niên phục vụ ở các giáo xứ, người thì giữ cho Nhà Chúa được khang trang xứng đáng, người khác dạy giáo lý, linh hoạt phụng vụ, chứng nhân về đức bác ái. Trong gia đình, bao nhiêu ông bà chăm sóc các cháu, thông truyền cho các cháu những giá trị tinh thần và văn hóa của một cộng đoàn và một dân tộc. Ngoài ra, tại những nước bị bách hại, chính các ông bà thông truyền đức tin cho các thế hệ trẻ, dẫn đưa các trẻ em lãnh nhận bí tích rửa tội trong bối cảnh âm thầm, bí mật”.

ĐTC không quên nhắc đến những người cao tuổi đang ở trong tình trạng bệnh tật, khó đi lại và cần được giúp đỡ. Ngài nói: ”Ngày nay tôi cảm tạ Chúa vì những người và các cơ cấu đang tận tụy phục vụ những người gia, giúp họ sống trong một bối cảnh thực sự nhân bản, trong đó mỗi người có thể sống xứng đáng giai đoạn quan trọng này của đời người”.

ĐTC hy vọng các tổ chức và các thực tại xã hội có thể làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ người cao tuổi biểu lộ tốt đẹp hơn khả năng của họ, tạo điều kiện để phẩm giá của họ được tôn trọng và đề cao giá trị. Ngài nói:

”Để được như thế, cần chống nạn nền văn hóa tệ hại, văn hóa gạt bỏ, đẩy người già ra ngoài lề vì cho rằng họ không còn sản xuất được nữa. Các vị hữu trách công quyền, các thực tại văn hóa, giáo dục và tôn giáo và tất cả những người thiện chí được kêu gọi dấn thân xây dựng một xã hội ngày càng đón nhận và bao gồm hơn. Một điều quan trọng nữa, đó là tạo điều kiện cho những tương quan giữa các thế hệ khác nhau. Tương lai của một dân tộc đòi phải có sự gặp gỡ giữa người trẻ và người già: người trẻ là sức sinh động của một dân tộc đang tiến bước và người già củng cố sức sinh động ấy bằng ký ức và sự khôn ngoan.

Trước khi ĐTC tiến vào Đại thính đường Phaolô 6 ở nội thành Vatican, các tham dự viên đã sinh hoạt, nghe chứng từ và phần âm nhạc. Đặc biệt có bà cụ Maria Bernacchi, 104 tuổi, được một người trợ giúp và một người bạn đồng hành. Bà Maria được mãn nguyện vì được gặp ĐTC. Bà đã được các em bé tặng hoa trong buổi tiếp kiến. (SD 15-10-2016)

Previous articleTHÀNH THẬT VỚI CHÍNH MÌNH
Next articleThiếu nhi trên toàn thế giới lần chuỗi Mân Côi cầu nguyện cho hoà bình