Đừng cứ ung thư là ăn chay
Theo các chuyên gia y tế, người bệnh ung thư cần ăn đa dạng thực phẩm, đủ dưỡng chất để có thể đáp ứng điều trị. Tuy nhiên, thực tế không ít người ung thư lại dùng chế độ ăn khắc nghiệt, khiêng khem đủ thứ…
Có người nhịn ăn, không ăn cả chất đạm dẫn đến cơ thể bị gầy ốm, suy kiệt, thậm chí mất đi cơ hội sống.
Ăn kiêng kham khổ
Mới đây, khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện K điều trị cho chị P.T.H. – 35 tuổi, ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh – bị ung thư vú giai đoạn cuối, cơ thể bị suy kiệt nghiêm trọng, cân nặng chỉ còn dưới 30kg.
Điều đáng nói một năm trước đây, chị H. được xác định mới ung thư ở giai đoạn đầu. Các bác sĩ khuyên chị H. nên mổ loại bỏ ung thư, tuy nhiên chị H. không mổ mà nghe lời mách bảo của người khác, tìm đến một cơ sở điều trị ung thư bằng phương pháp thực dưỡng, uống thuốc nam ở TP.HCM với chi phí điều trị lên tới 20 triệu đồng/tháng.
Theo người nhà chị H., những tháng chị H. không vào được TP.HCM để điều trị trực tiếp, cơ sở trên đều gửi thuốc nam cùng với lời khuyên ăn thật ít, thậm chí phải nhịn ăn để khối u không phát triển.
Gia đình thấy không hợp lý, có khuyên can nhiều lần nhưng chị H. không nghe, không từ bỏ việc ăn uống kham khổ, đến nay cơ thể chị bị suy kiệt nặng.
Bác sĩ Lê Văn Hiệp, người trực tiếp điều trị cho chị H., nói: “Ở giai đoạn đầu, nếu chị H. chịu mổ và tuân thủ điều trị thì cơ hội sống lên tới 80-90%, hoặc có thể kéo dài sự sống khoảng 15 năm, thế nhưng khi khối ung thư đã tiến triển, di căn, cộng vào đó là thể trạng suy kiệt thì rất khó cứu vãn. Mọi biện pháp lúc này chỉ nhằm giảm đau đớn, duy trì thời gian sống thêm cho người bệnh được lúc nào hay lúc đó”.
Bác sĩ Hiệp cho biết không ít người bệnh có suy nghĩ giống như chị H. là kiêng ăn, thậm chí nhịn ăn vì sợ dinh dưỡng sẽ tập trung vào nuôi khối u, tuy nhiên cách nghĩ trên đều rất sai lầm vì kể cả khi ăn ít và nhịn ăn thì khối u vẫn có thể lấy dưỡng chất bên trong cơ thể để phát triển, nên không có chuyện nhịn ăn thì khối u sẽ “chết” hoặc teo đi.
Tóm lại, việc ăn uống kham khổ, thiếu dưỡng chất trong thời gian dài chỉ làm cơ thể suy kiệt, không đủ sức khoẻ để đáp ứng điều trị trong khi khối u vẫn tiến triển, di căn.
Đa dạng thực phẩm, đủ dưỡng chất
Cần có chế độ dinh dưỡng ra sao trong điều trị ung thư? Ghi nhận tại một phòng bệnh thuộc khoa nội của Bệnh viện K có khoảng 10 người bệnh, nhưng khi đề cập đến việc ăn uống trong điều trị ung thư thì đã nổ ra một cuộc tranh luận với nhiều ý kiến khác nhau. Người nói phải tránh ăn chất đạm, người khẳng định chỉ không nên ăn các loại dưa muối.
Theo ThS.Bác sĩ Phạm Tuấn Anh – khoa nội 4 Bệnh viện K, các phương pháp điều trị ung thư chính thống hiện nay là dùng thuốc, phẫu thuật, hoá, xạ trị đều có tác dụng phụ là làm cơ thể mệt mỏi, suy nhược, chán ăn và nếu người bệnh lại kiêng khem, ăn uống kham khổ, không đủ chất thì chỉ dẫn đến suy kiệt, không đủ sức khoẻ chống chọi với bệnh tật cũng như không chịu đựng, dung nạp được các phương thức điều trị ung thư.
Bác sĩ Tuấn Anh cho biết chế độ ăn uống tối ưu đối với người bệnh ung thư là đầy đủ chất dinh dưỡng bao gồm chất đạm, chất béo, đường, vitamin, nước, khoáng chất. Ngoài ra cần giữ cân nặng hợp lý, hạn chế uống rượu, không hút thuốc lá và tập thể dục đều đặn. Còn nếu người bệnh muốn chọn chế độ ăn chay, phải đảm bảo đấy là một chế độ ăn chay đủ chất, lành mạnh, đa dạng, phong phú, cung cấp đầy đủ năng lượng.
Chú trọng dinh dưỡng ngừa ung thư
Về vấn đề dinh dưỡng trong phòng ngừa ung thư, bác sĩ Tuấn Anh cho biết: “Chế độ ăn nhiều rau, hoa quả từ lâu đã được khoa học y học thừa nhận dự phòng một số loại ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng.
Đó là nhờ hiệu lực của những chất xơ, chất chống oxy hoá trong các loại rau quả và ngũ cốc. Một chất chống oxy hoá đơn lẻ không thể hoạt động hiệu quả bằng nhiều chất cùng tác động.
Do vậy ăn đa dạng các loại thực vật khác nhau sẽ giúp nâng cao tiềm năng phòng chống bệnh ung thư. Ngược lại, một chế độ giàu năng lượng, ăn nhiều chất béo, chất đạm động vật, nhiều loại thịt đỏ, đặc biệt là các loại thịt đã qua chế biến như xúc xích, thịt xông khói, làm tăng nguy cơ ung thư, đặc biệt ung thư đại trực tràng.
Hơn nữa, chế độ ăn nhiều thịt với hàm lượng đạm, chất béo cao có thể dẫn đến béo phì, ít vận động, là yếu tố nguy cơ gây ra nhiều loại ung thư”.
Hạn chế ăn quá mặn
Mới đây, giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, điểm mặt những loại thức ăn, đồ uống có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư (điển hình là ung thư tiêu hoá), khuyến cáo người dân hạn chế đồ ăn mặn như cà muối, dưa muối, kim chi, cá khô…, fast food (đồ ăn nhanh), nước ngọt và bia rượu. Ngoài ra là thuốc lá vì trong thuốc lá có chứa hơn 60.000 chất độc đối với cơ thể và trong số đó có những loại chất độc có thể gây ra ung thư phổi, làm gia tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư khác. “Người dân cần hạn chế tiêu thụ những thực phẩm, thức uống trên chứ không phải bỏ hoàn toàn, bên cạnh đó cần tăng cường chất xơ, tập luyện đều đặn, duy trì lối sống tốt để có được sức khoẻ tốt, ngăn ngừa ung thư…” – giáo sư Hùng nói. |
QUỲNH LIÊN