CÁC BÀI ĐỌC: Amos 6,1a.4-7; 1Tim 6,11-16; Lc 16,19-31.
Nếu như Lời Chúa trong các bài đọc tuần trước đã dạy chúng ta là không thể vừa tôn thờ Thiên Chúa và vừa tôn thờ tiền của, thì Lời Chúa trong các bài đọc hôm nay tiếp tục nói cho chúng ta biết rằng, tiền bạc có thể trở thành mối nguy hiểm trong việc cản trở chúng ta đạt được sự sống đời đời.
Trong bài đọc I, ngôn sứ Amos đã tiếp tục lên tiếng cảnh cáo vua chúa và những nhà lãnh đạo trong cả hai vương quốc Israel và Judah, vì họ đã lạm dụng chức quyền để lãng phí tiền của vào những cuộc vui chơi trác táng, mà không chịu hoàn thành sứ vụ được trao là mang lại sự no ấm cho mọi người. Ngôn sứ nói rằng: “Khốn cho những kẻ sống yên ổn tại Xi-on, và sống an nhiên tự tại trên núi Samari, chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ mà ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng. Chúng đàn hát nghêu ngao […] Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng, nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ! Vì thế, bè lũ quân phè phỡn sẽ bị tan tác.” Những lời tiên báo của ngôn sứ Amos đã trở thành hiện thực khi vương quốc miền Bắc bị thất thủ vào năm 721 BC bởi Assyria, và vào năm 578 BC vua Babilon đã đánh chiếm vương quốc miền Nam.
Còn trong bài Phúc Âm, thánh Luca đã đưa ra câu chuyện với hai nhân vật, đó là ông nhà giàu và anh Lazarô nghèo khổ nhằm nhắc nhở cho mọi người hãy sống làm sao, sống như thế nào để đạt cho bằng được hạnh phúc đời đời mà Thiên Chúa đã hứa ban.
Qua câu chuyện, với 2 nhân vật là ông nhà giàu và anh Lazarô đã có những hoàn cảnh sống trái ngược nhau. Ông nhà giàu thì sống hết sức sung sướng, xa hoa. Ông sang trọng và lịch sự. Ông ăn mặc toàn lụa là gấm vóc. Ngày này qua ngày khác ông đều tổ chức tiệc tùng linh đình. Và chắc một điều là ông biết rất rõ trước cửa nhà mình có một người nghèo khổ, thế nhưng ông lại chẳng để ý hỏi thăm, ông cũng chẳng thèm bố thí; ông chỉ biết sống cho mình; ông chỉ biết hưởng thụ bằng những thú vui của cuộc sống này mà thôi.
Trái ngược với cuộc sống của ông phú hộ là người nghèo khó mang tên Lazarô. Anh ta mang một số phận hết sức khốn khổ. Anh không chỉ nghèo mà còn chịu nhiều bệnh tật; và vì đau bệnh nên anh ta cũng không thể lê lết đi chỗ này hay chỗ khác để xin lấy của ăn. Anh chỉ nằm bẹp trước cửa ông nhà giàu. Cơ thể anh không được che đậy bằng lụa là gấm vóc, da thịt anh lại mang lấy những mụn nhọt lở loét và hôi thối. Anh đói lắm. Đói đến mức thèm được ăn những đồ ăn thừa trên bàn của ông nhà giàu rơi xuống đất mà cũng không được ăn. Bên cạnh anh chẳng có bạn bè thân thích ngoại trừ những con chó đến liếm ghẻ chốc trên thân thể. Anh bệnh tật, nghèo khổ, dơ dáy và đói khát.
Thế nhưng, anh lại được Chúa Giêsu nhắc đến tên là Lazarô. Có thể nói được rằng, đây là một trường hợp duy nhất trong Tin Mừng: một nhân vật trong dụ ngôn mà lại có tên riêng và ý nghĩa: “Lazarô” có nghĩa là “Thiên Chúa giúp đỡ”. Từ đây, ta có thể thấy rằng, ở tận cùng nỗi đau thương của thân phận nghèo khổ không được ai quan tâm thì vẫn còn đó một niềm tin tưởng mang tên “Thiên Chúa giúp đỡ”!
Mỗi khi nghe đến dụ ngôn ông nhà giàu và anh Lazarô nghèo khổ, là thằng bạn của tôi lại ấm ức; nó trút nỗi bực dọc lên tôi. Nó cho rằng: Giàu không phải là cái tội, giàu thì có nhiều loại. Chẳng lẽ tất cả đều không được hạnh phúc ở đời sau sao? Vô lý quá! Thế là, tôi phải giải thích cho nó: Tội không phải là do giàu có hay nghèo khổ mà tội là do con người không biết hiệp thông, tương trợ, giúp đỡ người khác. Nghe nói thế, nó la lên: thôi đi, tiền của kiếm được toàn là do mồ hôi nước mắt của chính mình. Bộ dễ san sẻ, giúp đỡ lắm sao!
Thế đấy, cho đi là một điều khó. Cho những thành quả lao động của mình còn khó hơn. Cho nên muốn hiệp thông thực sự với anh chị em mình thì luôn đòi hỏi mỗi người ta phải biết hy sinh, phải biết chấp nhận mất mát, thiệt thòi… thậm chí phải biết chịu đựng sự dè bỉu, sự phản bội, sự vô ơn của người đời: “cứu vật vật trả ơn; cứu nhân nhân trả oán” cũng vì thế!
Qua câu chuyện về người phú hộ và anh Lazarô nghèo khổ, Chúa Giêsu đã không nói rằng giàu là một tội hay tất cả những người nghèo khổ đều được lên Thiên Đàng. Nhưng ở đây, Chúa Giêsu muốn cảnh cáo chúng ta về mối hiểm họa rất nghiêm trọng, đó là thói ích kỷ khi chỉ muốn hưởng thụ một mình mà không cần biết đến người khác đang phải sống cơ cực quanh mình.
Thành ra, thái độ vô cảm, dửng dưng hay không biết quan tâm đến người khác chính là thái độ mà ngôn sứ Amos đã sử dụng từ “khốn” để khiển trách vua chúa cũng như các nhà lãnh đạo. Cũng thế, trong câu chuyện người phú hộ và anh ăn mày Lazarô, ta đâu thấy tên phú hộ hám giàu mà giết người, cướp của để rồi bị tống vào âm phủ. Ông ta cũng chẳng hề chửi mắng, đánh đập hay hành hạ Lazarô, thế nhưng tội của ông chính là ông không bận tâm gì biết gì đến người thân cận; ngay cả đồ ăn thừa ông cũng chẳng thèm quăng ra xa một chút để Lazarô có cái mà ăn cho no.
Thái độ vô cảm nơi người phú hộ không tự nhiên mà có. Thế nhưng, tiền của đã làm cho ông cứ mải mê sống sung sướng trong lụa là, gấm vóc. Của cải đã làm mờ mắt ông và hậu quả là ông không còn cảm được nỗi khốn khổ của những người xung quanh; ông đã đánh mất đi sự nhạy bén về cái đói, cái khát của người nghèo đang ở trước cửa nhà ông. Vì thế, tội của người phú hộ không phải là ông làm cách nào để có nhiều của cải; mà ông có tội là vì ông có quá nhiều cơ hội để chia sẻ của cải cho những người nghèo khổ nhưng ông đã không làm. Vì thế, sự dửng dưng trước nỗi khốn cùng của người khác là một tội trước mặt Chúa.
Vì vậy, thái độ dửng dưng, vô tâm trước nỗi thống khổ của người khác sẽ không còn là thái độ vô thưởng vô phạt nhưng là một tội ác, và thái độ đó không thuộc về Nước Thiên Chúa. Thành ra trong ngày phán xét (Mt 25,31-46), những người đứng bên trái không cần phải ra tay giết người, tham nhũng, ăn hối lộ, trộm cướp… mới bị nguyền rủa và phải vào lửa đời đời nhưng cái chính là vì họ đã không biết quan tâm hay chia sẻ những gì mà Thiên Chúa đã trao ban để chia sẻ cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống hay thăm viếng kẻ bị bệnh tật, tù đày. Cho nên, thánh Phaolô vẫn luôn nhắc cho mỗi người chúng ta: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ yêu mến nhau.” (Rm 13, 8).
Vì vậy, nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “sống trong đời sống cần có một tấm lòng” cũng hẳn cần lắm sự quan tâm và chia sẻ những gì mà Thiên Chúa ban cho ta cho anh chị em mình. Và khi làm được như vậy, cũng chính là lúc ta đang dần tích lũy của cải cho sự sống đời sau. Amen.