Đường sống đạo của người giáo dân

107
Đã bao lần chúng ta có can đảm thành thực nói lên: Veni creator? Chúng ta có ước nguyện được tạo dựng, được tái tạo, được luyện đúc lại, được chết và sống lại với Người không? Chúng ta có tiêu diệt mọi trở lực chống đối lại Chúa Thánh Thần xâm chiếm kia không? Sau khi Phaolô đã ngã quỵ vì nghe tiếng Người, Người đã nói với Thầy cả Anania về Phaolô: “Ta sẽ cho nó biết tất cả những gì nó phải chịu vì danh Ta”. Chúa Thánh Thần đã chiếm đoạt Phaolô, trong giây lát, Người đã phá vỡ mọi bờ đê ngăn cản.

Ai dám ước mong như thế? Ai dám ước mong cho sự hiện diện náo loạn kia mau tới? Ai dám tiến tới đó với một tấm lòng hân hoan?

“Hãy để cho tôi yên thân, Giê‑su, đừng khuấy phá tôi”. Người bị quỷ ám miền Ghêrasa đã nói lên tiếng nói của chúng ta đó! (Mc 5). “Nó ở trong các mồ mả” ‑ nó đi lại giao du với những nơi sang trọng bảnh bao, nó được bảo toàn chu đáo ‑ “không ai kềm hãm được nó, xiềng xích cũng vô ích” ‑ nó sống hoàn toàn độc lập, tự trị, vượt mọi vòng cương toả. “Người ta thường xích chân nó lại” ‑ người ta đã gần nắm lấy được nó, người ta cố gắng dụ dỗ, kết nạp nó, nhưng nó không để cho người ta làm: “gông cùm, nó đã bẻ gãy, xiềng xích, nó đã bứt đứt; không ai trị nổi nó.” ‑ Nó hoàn toàn làm chủ đời nó, nó gác bỏ cuộc sống bên ngoài. Không ai có thể đá động tới nó. Không ai có thể gần lại nó trong cái thế giới mồ mả của nó.

“Và liên lỉ, đêm ngày, nó không bỏ lỡ cuộc hội hè vui chơi trần tục nào ‑ “nó lang thang trên các mồ mả, trên các ngọn núi” ‑ trên các đỉnh chót của nghệ thuật! ‑ “luôn la hét” ‑ đó chính là phương pháp hữu hiệu nhất để tránh khỏi phải nghe những lời mình không muốn nghe. Phải điếc đi ‑ để quên! ‑ “và lấy đá rạch thịt cho chảy máu”: mơ mộng, nhớ nhung, buồn vớ vẩn, phim ảnh, tiểu thuyết đen: suốt ngày nó không làm gì khác ngoài việc hành hạ thân xác nó. “Thấy Chúa Giê‑su từ đàng xa, nó chạy tới” ‑ nó là một đứa thông minh: nó tấn công trước. Như thế chắc hơn.

“Hãy để tôi yên, hỡi Giê‑su, Con Thiên Chúa chí tôn” ‑ Hãy cút đi cho rảnh! Đừng nói những chuyện ấy với tôi, những chuyện ấy, những người ấy, những mối phúc thật vô duyên ấy, những đoàn thể mà tôi nhờm gớm ấy, những thứ hội hè, hiệp nhất, yêu người ấy, những mối quan tâm ấy. Đừng nói gì với tôi cả. Tôi đã mua nếp sống tự do này với giá cắt cổ. Xin đừng quấy rầy tôi, đừng hành hạ tôi vì những chuyện vô lý ấy.

“Nhưng Chúa Giê‑su phán: Hỡi tà thần, hãy ra khỏi người này. Rồi Người hỏi nó: tên mình là gì? Nó thưa: tên chúng tôi là đạo quân, vì chúng tôi đông lắm” ‑ Phải, chúng đông lắm rồi. Bây giờ không phải là lúc để hỏi.

Và rồi, biết chắc thế nào Chúa Giê‑su cũng sẽ can thiệp, chúng xin Người cho phép nhập vào đàn heo. Chúng nghĩ: có lẽ ít ra ở đó Chúa sẽ không đến phá chúng nữa. “Chúa cho phép chúng… đoàn vật lao xuống biển chết ngộp hết: tất cả chừng hai ngàn con”… “Dân chúng tuôn đến xem những việc đã xảy ra. Họ tới gần Chúa Giê‑su và thấy đứa bị quỷ ám ngồi đó, mặc quần áo hẳn hoi, vẻ mặt tỉnh táo.” Nó đã cương quyết trút bỏ tất cả cái vẻ xa hoa của những cuộc hội hè vui chơi trần tục để: ngồi đó ‑ mặc quần áo hẳn hoi ‑ vẻ mặt tỉnh táo: khắc khổ quá phải không bạn? “Dân chúng kinh hoàng” ‑ nếu cuộc đời cứ dệt bằng toàn những biến cố như thế, thì thật không thể sống nổi nữa! ‑ “và họ xin Chúa Giê‑su đi ra khỏi xứ của họ”.

“Lúc Chúa xuống thuyền, người bị quỷ ám được chữa khỏi năn nỉ xin được theo Người. Chúa Giê‑su từ chối, Người bảo: “Con hãy về nhà sống với gia đình con, và kể cho họ nghe những gì Thiên Chúa đã làm cho con vì lòng thương xót của Người”.

Bạn thiếu niên đó vừa qua một tuần tĩnh tâm. Anh cảm thấy Thiên Chúa đã chạm đến anh, giải thoát anh khỏi quyền lực ma quỷ, “được chữa khỏi bệnh quỷ ám”, anh cảm thấy sôi lên ước vọng hoàn thiện. Chỉ còn một kết luận hợp lý phải chọn: vào dòng. Hoặc là: nếu hoàn cảnh không cho phép ‑ mẹ già bệnh hoạn, vợ, chồng, con cái ‑ anh sẽ đợi, thân xác ở đây, nhưng con tim trong tường thành tu viện, tâm hồn dâng hiến trên bàn thờ và đôi mắt sẽ mãi đăm đắm nhìn trời.

Nhưng Chúa Giê‑su lại nói với anh: “Hãy về nhà sống với gia đình con đi”. Bổn phận con là phải làm một việc khác. Con, một giáo dân, con phải phụng sự Ta ở nơi khác. Con có một sứ mệnh khác phải thi hành. “Và con hãy kể cho họ nghe…” Con hãy lo đến họ. Hãy nói cho họ nghe về Cha. Hãy kể lại cho thế gian biết lòng nhân từ của Cha thay vì mơ ước lênh đênh trên con thuyền này, con thuyền không phải là địa sở của con. Con đừng coi cuộc sống của con như một đấng bậc tạm thời. A, không! cuộc sống đó đẹp lắm! Bao người ở đó đang chờ đợi con mạc khải cho họ “những gì Chúa đã làm”, những gì tình yêu của Chúa đã có thể làm.

Chúng ta cũng vậy, hãy trở về với cuộc sống chúng ta, “cuộc sống mạt kiếp” mà chúng ta chán ngấy kia, một cuộc sống mà chúng ta không bao giờ biết thấy rằng nó đã được Chúa thánh hoá, và đã được Người chọn làm địa điểm để gặp gỡ chúng ta từng giây từng phút.

Tin vào giá trị thiêng liêng của cuộc đời mà họ gọi là trần tục: đó phải là điểm cốt yếu trong “con đường hoàn thiện của người giáo dân”.

Những thứ mà phần lớn chúng ta đều thiếu: là sự hãnh diện và niềm vui hạnh phúc: đó là cái ý thức hãnh diện rằng chúng ta đang mang một sứ mệnh, chúng ta đang phụng sự Chúa, từ sáng chí tối, trong môi trường chúng ta đang sống. Nghị lực, chúng ta không thiếu: chúng ta làm việc rất can đảm, đến như điên cuồng. Thường khi quá mức nữa. Nhưng không thấy hân hoan. Bị chôn vùi trong một công việc mà chúng ta tự cho là hoàn toàn trần tục, chúng ta đã phải cố gắng gỡ tội cho cái trần tục đáng khinh đó bằng cách chen vào đó những giây phút cầu nguyện và tĩnh tâm. Chúng ta gặm xung quanh rìa. Vì không thể trút bỏ được cả trần tục, thôi thì đành bẻ bớt nó đi vậy, càng sứt mẻ nhiều càng hay.

Như thế thành thử tôn giáo chúng ta gần như nằm bên lề cuộc sống chúng ta, nghề nghiệp chúng ta, lo âu, đau khổ của chúng ta. Một “cuộc đời tu trì”… Phải, chúng ta vẫn công nhận đó là cuộc đời đẹp nhất (“Ma‑ri‑a đã chọn phần tốt nhất”) nhưng… nhưng đó không phải là cuộc đời dành để cho tôi. “Khi tôi còn trẻ, tôi đã có lần mơ ước vào tu viện. Chuyện đó có lẽ phải đợi tới khi người bạn đời tôi khuất bóng… Hiện giờ tôi đang phải đa đoan nhiều công việc quá. Nhưng chừng nào về hưu, tôi sẽ khởi sự cầu nguyện trở lại, suy gẫm trở lại…”

Và một khi lòng tin lên cao một chút nữa, người giáo hữu sẽ bắt đầu mơ ước cuộc sống trong tu viện, bắt đầu nhìn các tu sĩ với cặp mắt thèm thuồng, bắt chước họ và chờ đợi ngày giờ được thanh bình sống nếp sống của các người goá, các người về hưu kia! Một nếp sống nhàn hạ mà đạo đức!

Các nhà tu hành thường là những người đầu tiên phải chịu trách nhiệm về thái độ thất vọng thụ động này. Vì có nhiều nhà tu còn quan niệm đời sống giáo dân chẳng qua chỉ là một sự sụt giá của cuộc sống tu trì. Nên họ chủ trương một cách hết sức ngây thơ rằng, nếu muốn bắt đầu nâng cao mực sống thiêng liêng, người giáo dân phải làm như họ. Lúc một luật sư tới xin thánh Catarina thành Sienna làm linh hướng cho mình, thánh nữ trả lời: “Tôi rất sẵn lòng, nhưng với hai điều kiện: điều thứ nhất, ông phải bỏ vợ con; điều thứ hai, ông phải bỏ nghề nghiệp”. Và chỉ bấy giờ ông mới có thể nghĩ đến chuyện nên thánh. Rất ít có người giáo dân nào dám không có một quan niệm tương tự. Vì thế… họ tạm gác việc nên thánh qua một bên!!!

Phần đông giáo dân không biết được ơn thiên triệu của mình. Họ đã không hiểu rằng Thiên Chúa đang cần họ ở chính nơi họ đang sống để tiếp tục sứ mệnh của Người trong thế gian. Họ không hiểu rằng Thiên Chúa tin tưởng nơi họ để hoàn tất việc thánh hoá thế gian. Rằng Người đã trao cho họ cái công việc này, những đứa con này, người bạn đường này, chức vụ này, và họ là người quản lý khôn ngoan mà Chúa đặt lên quản sóc một phần gia sản, một nhóm gia nhân Người, để sẽ phân phát đúng lúc cho mỗi người phần thực phẩm của họ.

Nơi bạn ở, bạn có biết không, Thiên Chúa cần một người để hướng dẫn đứa con này, để mưu cầu hạnh phúc cho người chồng này, người vợ này, để chu toàn công việc này… để minh chứng tình yêu của Người, Người có thể tự mình làm được tất cả chứ? Không cần đến bạn chứ? (Như trong phim Quo Vadis; Thánh Phêrô đã ngán rồi, thánh Phêrô ra đi, thánh Phêrô đào ngũ. Vì thế Chúa đứng ra thế chỗ Ngài. “Ta đi Roma để chịu đóng đinh thêm lần nữa”).

Thiên Chúa có thể một mình làm lấy tất cả. Nhưng Người đã muốn rằng thế gian phải là như thế… rằng nếu chỉ mình Người làm thì không hay bằng. Thiên Chúa đã muốn cần đến bàn tay nhân loại. Người đã muốn chúng ta trở nên cần thiết cho việc hoàn thành công cuộc của Người. “Chúng con sẽ làm được những sự lớn lao hơn Ta”.

Thiên Chúa đã muốn thiết lập một trật tự, trong đó Thiên Chúa, với một người, có thể làm hơn một mình Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nhập thể. Thiên Chúa đã đời đời tự nối kết mình vào việc nhập thể. “Này Ta sai chúng con như Chúa Cha đã sai Ta!”

Người đã sai chúng ta đi. Nếu chúng ta không thực hiện những gì Người mong đợi, sứ mệnh đó sẽ phải dang dở. Người có hỏi ý kiến chúng ta trước không? Không! Người đã yêu chúng ta đến thế đấy! Người tín nhiệm chúng ta đến thế đấy! Người tự biết nếu hỏi ý kiến chúng ta. Chúng ta sẽ nản chí, chùn chân vì khiếp sợ. Vì thế Người đã tự nhủ: Ta sẽ sai nó đi. Nó sẽ xoay xở nổi… nó sẽ vui mừng sau khi… rốt cuộc thế nào chúng cũng sẽ chấp nhận. Ta sẽ ở với chúng. (“Người đi trước đón anh em tại Galilêa”). Rồi thế nào chúng cũng sẽ vui mừng bên cạnh Ta…

Người tin tưởng bạn. Người đã trao công việc của Người cho bạn. Người đợi bạn hoàn tất công việc đó. Người cần bạn để làm cho người vợ này được hạnh phúc, người chồng này được hạnh phúc… Người cần đến bạn để chu toàn công việc này. Người cần đến bạn để làm tiếng nói loan truyền sự dịu hiền, đức trung tín, niềm vui mừng, lòng nhân hậu, sự kiên nhẫn, đức tin và sự can đảm của Người. Phải chi bạn biết như vậy! Phải chi bạn vì đó mà biết hãnh diện thêm chút nữa! Phải chi bạn cảm thấy bạn là người đại diện cho Chúa trong môi trường bạn đang sống… Người đại diện là người thay mặt, thay thế cho Chúa bên cạnh những người mà Người đã uỷ thác cho bạn, thế chỗ cho Người, làm thay Người cái công việc mà Người đã đặt vào tay bạn.

Từ ngày nhập thể, Thiên Chúa chỉ có một ước vọng là khởi sự sống trở lại cuộc đời nhân loại mà Người đã hết mực yêu mến, cuộc đời mà trong đó Người đã có thể săn sóc, chữa bệnh, dạy dỗ, giáo dục và thanh tẩy nhân loại cách hoàn hảo đến thế; mà Người đã có thể phụng sự Chúa Cha đến thế; mà Người đã có thể yêu nhân loại và yêu Cha Người được đến thế…

Vì thế Người xin thêm nhiều “nhân tính phụ trội” nữa. Người xin thêm nhiều người nữa để có thể khởi sự trở lại… Người cần đến bạn để có thể khởi sự trở lại. 33 năm ngắn ngủi quá, không đủ bày tỏ tất cả những gì Người muốn. “Hãy thương xót Người, Người chỉ có 33 năm để chịu đau khổ”. Claudel.

Mỗi người chỉ có thể chết một lần… Nhưng Người lại cần phải chịu đau khổ bằng đủ mọi cách. Người cần yêu thương bằng đủ mọi cách, Người đã không thể yêu thương như một người vợ. Người đã không thể yêu thương như một người mẹ. Người đã không thể chết dần mòn như một cụ già. Người sẽ không thể thực hiện được tất cả những gì Người nhất quyết thực hiện nếu bạn không cho phép Người. Người sẽ không thể dâng lên Chúa tất cả sự tôn thờ mà Người hằng mong ước! Có công việc nào hèn hạ đến nỗi không đáng dùng để tôn thờ, để minh chứng Thiên Chúa không? Nếu trong suốt 30 năm, Chúa Con đã làm thợ mộc, thợ nề, và giúp đỡ việc nội trợ… Nếu suốt 30 năm, Mẹ Ma‑ri‑a đã chẳng làm gì khác hơn là lo việc bếp nước, cầu nguyện, giặt giũ… Nếu Thiên Chúa cần đến nghi lễ tôn thờ đó, phụng vụ đó, kinh nguyện đó… thì ai trong chúng ta sẽ được miễn trừ, không phải làm những việc đó để tôn thờ Người? Ai sẽ không cảm thấy qúa hãnh diện, quá sung sướng khi biết mình được chọn để tiếp tục công việc dang dở đó, thế cho Người?

Trong kinh Tiền tụng mỗi ngày bạn đọc: “Chúng con cảm tạ Chúa mọi nơi, mọi lúc, thật là xứng đáng, công bình và cần thiết, là nhiệm vụ và là sự cứu rỗi của chúng con…”, rồi bạn bước ra trở về với “cuộc sống mạt kiếp” của bạn kia, để không thấy có gì phải làm; về với cái “công việc mạt kiếp” của bạn để thấy nó vô nghĩa; về với cái “gia đình mạt kiếp” của bạn để thấy nó tối đen. Có lúc nào và nơi nào mà Chúa không cần được thờ lạy và ngợi khen không? Phải chẳng ở tại chỗ bạn đang ở, cảm tạ Chúa lại không phải là một việc công bình, cần thiết và đem lại ơn cứu rỗi? Có lẽ phải nói: bạn đã chọn nơi đó vì ở đó người ta bỏ không tôn thờ Chúa nữa. Phải thánh hoá tất cả, phải tôn thờ Chúa mọi nơi, mọi lúc! Suốt 30 năm trời Ngôi Con chỉ làm có thế!

“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi sai Con Một Người xuống để cứu thế gian” ‑ nếu Chúa Con đã được sai xuống thế gian, thì ai lại còn có thể không cảm thấy hãnh diện khi được sai vào cuộc đời mỗi sáng ngày? Ai lại còn có thể không cảm thấy hãnh diện khi được làm đứa con mà Người vừa lòng, đẹp ý đến nỗi đã sai vào đời để cứu vớt đời? Đó là công việc của bạn, sứ mệnh của bạn. Trong thế gian. “Xin đừng đem chúng ra khỏi thế gian”. (Ga 17,15).

Bạn sẽ trả lời: không thể được. Một khi đã tin rằng Thiên Chúa yêu tôi, làm sao tôi còn có thể tin được rằng Người đã chủ ý đặt tôi nơi tôi đang ở đây: trong sa mạc này, trong thất bại này, trong sự cằn cỗi này, trong hoàn cảnh bế tắc này, trong cái đau khổ không thể hiểu được này, cái đau khổ kiệt sức vô ích này…

Nhưng Đấng làm đẹp lòng Người mọi đàng, Người đã để cho đi tới đâu? Giếtsémani! Pháp đình! Tay chân bị đóng đinh vào thập giá. Sầu não. Cô đơn. Nhục nhã… “Người đã không thương tiếc Con Một Người.” Và vì yêu thương chúng ta nên Người cũng không tăng tốc chúng ta nữa. Hãy reo mừng vì vinh dự Người ban cho chúng ta: có lẽ tự chúng ta, chúng ta sẽ không bao giờ dám nghĩ đến một tình huynh đệ đậm đà như thế giữa chúng ta và Chúa Giê‑su.

Và như Chúa Cha đã cho Người sống lại, Chúa Cha cũng sẽ cho chúng ta sống lại. Sau ba ngày.

Phải làm việc. “Cha Ta làm việc không ngừng. Ta cũng vậy.” Chúa Kitô còn nói: “Để cho thế gian biết Ta yêu Chúa Cha và vâng giữ mọi mệnh lệnh của Người: chúng con hãy đứng dậy, chúng ta ra khỏi nơi đây”. Chúng ta hãy bỏ nơi cấm phòng, hãy trở về với công việc hàng ngày của chúng ta. Hãy trở lại. Hãy trở lại đón người bạn đường, hãy sinh lại con cái chúng ta, và hãy đảm nhận trở lại những nhiệm vụ nghề nghiệp, gia đình của chúng ta: đó là chủ điểm của đời sống tôn giáo. Đừng mải trân mắt nhìn lên Chúa trong khi phải chăm sóc những kẻ Người đã giao cho chúng ta. Không bao giờ bạn gần gũi Chúa hơn là lúc bạn yêu họ như Chúa đòi bạn yêu.

Thay vì quay mặt đi, bạn hãy nhìn họ kỹ hơn: Chúa Kitô ở trong họ và đợi chờ được khám phá ra để lớn lên trong họ. Cũng như Người hằng ở trong bạn để yêu mến họ với bạn. Tình yêu trong tim bạn cần phải to lớn bằng chính tình yêu của Thiên Chúa, để bạn có thể yêu họ đúng mức, yêu như họ cần bạn yêu, để yêu chồng bạn, vợ bạn, con cái bạn và láng giềng bạn. Chúng ta thiếu thốn tình yêu đến nỗi Ngôi Lời nhập thể cũng không phải là quá dư để lấp đầy sự thiếu thốn đó. Giả sử Ngôi Lời ngày hôm nay lại vào gia đình nhân loại một lần nữa, bạn có nghĩ Người sẽ chọn một cuộc đời khác cuộc đời của bạn không? Một cuộc đời tầm thường, một khuôn mặt trong muôn một, một gia đình tầm thường, mà Người muốn biến đổi, muốn dốc tràn tình yêu bao la vào đó.

Giá trị tôn giáo của chúng ta không thể đo bằng những lần rước lễ hay thời gian cầu nguyện. Chúng ta phải ăn để sống chớ không phải sống để ăn. Bạn hãy tập trung cuộc đời trên đức ái chớ không phải trên đức thờ phượng. Sự minh chứng đức tin đích thực nhất của bạn là giá trị chức nghiệp và gia đình của bạn.

Vì không biết đến sứ mệnh này nên bạn đã thất vọng. Tôi biết có rất nhiều anh chị em giáo hữu cố gắng cầu nguyện mỗi này 10 phút từ mấy năm rồi mà chưa thành công. Bởi vì công việc của họ đã không được đồng nhất với kinh nguyện của họ. Họ cầu nguyện là không làm việc. Và hễ làm việc là thôi cầu nguyện. Họ đã sắp hai ngăn kéo bên cạnh nhau chớ không lồng vào nhau được. Họ chưa thể tin được rằng phép Rửa tội đã trao ban cho họ một “ơn thiên triệu làm thừa sai”, quan trọng hơn cả “ơn thiên triệu làm tu sĩ”. Họ chưa đủ lòng tin trong thiên chức Kitô hữu của họ: “Chúc tụng Thiên Chúa, là Cha Đức Giê‑su Kitô, Đấng đã gọi chúng ta trong Người từ trước khi tác thành vũ trụ… để ca tụng sự vinh quang cao cả của Ân sủng Người.” (Ep 1,3)

Mà bởi vì trong thực tế bạn không thể quý mến Thiên Chúa hơn quý mến cuộc đời bạn được. Bạn không thể thể yêu mến Chúa hơn yêu mến thánh ý Người được.

Vì thế, cuộc sống trong nghề nghiệp của bạn là một mạc khải về đời sống tôn giáo. Trở ngại lớn nhất trên đường hoàn thiện của chúng ta là đã không biết tới sứ mệnh của mình. Từ ngày nhận lãnh phép rửa, cuộc đời chúng ta không còn là trần tục nữa, mà đã trở nên một nghi thức tôn thờ, một của lễ, một sứ mệnh tông đồ.

Điều quan hệ không phải là sứ mệnh này hay sứ mệnh khác, nhưng là biết mình có một sứ mệnh. Là tự nhủ: Thiên Chúa ở với tôi. Người sai tôi ở nơi tôi đang ở. Kẻ tin rằng chính mình đã tự chọn lấy cuộc đời của mình là kẻ cô độc, buồn tẻ. Nhưng ai tin rằng Thiên Chúa đã chọn cho mình, tin rằng chính Người đã trao phó cho mình những gì đang phải làm hàng ngày đó là người sống trong Thiên Chúa như Ngôi Con. Chúa Con được sai xuống thế gian (“Chúa Cha đã sai Ta”) luôn kết hiệp với Chúa Cha: “Cha không để Ta cô đơn… vì Ta luôn làm những gì đẹp lòng Người”.

“…Những gì Chúa Cha truyền mà Ta đã thi hành làm chứng rằng Chúa Cha đã sai Ta.” (Ga 5,36).

“Cũng như Ta đã giữ các giới răn của Cha và ở trong tình yêu Người, nếu chúng con giữ các giới răn của Ta, các con sẽ ở trong Ta, các con sẽ ở trong tình yêu Ta. Ta nói với các con những sự ấy để niềm vui của Ta sẽ ở giữa các con và niềm vui của các con được trọn hảo.” (Ga 15,10).

Bao lâu còn nhìn các hoạt động của mình qua ống kính nhân loại, chúng ta còn bị các hoạt động đó đu đưa từ nhiệt tình ngây ngô này đến thất bại chua cay khác. Nhưng, Người đã đến nói cho chúng ta biết những sự ấy để niềm vui và an bình của Người hiển trị trong cuộc đời chúng ta.

Cuộc đời mạt kiếp của chúng ta sẽ bừng sáng niềm hãnh diện, biết ơn và vui mừng, nếu chúng ta biết nhận ra nơi cuộc đời chúng ta, nơi công việc chúng ta một ước muốn, một hy vọng của Thiên Chúa đang chờ đợi được chấp nhận, được thoả mãn.

Ite missa est! Về đi: đó là một sứ mệnh! Đó là một sự phái đi! “Nếu đó là xua đuổi, thật là gương mù khi thưa lại: Deo gratias! (Tạ ơn Chúa). Nhưng, hãy ra đi, đi gieo vãi, đi truyền bá, đi dạy dỗ, đi hâm nóng những gì nguội lạnh, chữa lành những gì lở loét, đi vun trồng những mảnh đất khô trồi, đi ủi an, soi sáng và đào bới những mạch suối…

Ngôi Lời đã làm người: đó là bài học cuối cùng sau một sứ mệnh. Và con người ấy giờ đây là chính chúng ta “được sai phái vào thế gian”.

Một thánh lễ trong cuộc đời phải rọi chiếu chúng ta vào thế gian như một lễ Hiện Xuống.

Louis Evely

Previous articleBảy tội lỗi xã hội
Next articleSỨC MẠNH CỦA LÒNG TIN