Giấc mơ khám phá vũ trụ của vị linh mục dòng Tên
Ðối với linh mục Richard D’Souza, chuyên gia của Ðài Thiên văn Vatican, những quầng sáng kỳ diệu diễn ra trong quá trình va chạm và sáp nhập các thiên hà có thể mang đến manh mối về lịch sử hàng tỷ năm của nó, và giúp con người hiểu hơn về sự kỳ diệu trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Cha D’Souza, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ của Ðại học Michigan (Mỹ) kể từ năm 2016, đang dõi theo sự tiến hóa của các thiên hà. Sự tập trung của ngài chủ yếu dồn vào “láng giềng” của Dải Ngân hà, thiên hà Tiên Nữ, được nhà săn sao chổi người Pháp Charles Messier đặt biệt danh là M31. Thông qua nhiều tháng nghiên cứu tỉ mỉ, cha D’Souza, 40 tuổi, tin rằng mình đã giúp khám phá một giai đoạn lịch sử quan trọng trong quá khứ của thiên hà Tiên Nữ.
Công trình nổi tiếng
Trong báo cáo đăng trên chuyên san Nature Astronomy hồi tháng 7 năm ngoái, cha D’Souza và đồng sự ở Ðại học Michigan là nhà thiên văn học Eric Bell đưa ra giả thuyết M31 là thành viên lớn thứ ba của Nhóm thiên hà Ðịa phương. Ðây là từ chỉ cụm thiên hà bao gồm Dải Ngân hà của chúng ta và thiên hà Tiên Nữ, đang cùng nhau di chuyển xuyên vũ trụ và không ngừng tương tác lẫn nhau trong toàn bộ quá trình. Hai nhà thiên văn học đã duy trì tình bạn ấm áp cũng như mối quan hệ đồng nghiệp thân thiết từ những năm đầu thập niên 2000, khi họ cùng theo học tại Ðại học Heidelberg (Ðức). Nhờ sự ăn ý trong công việc, họ cùng theo đuổi dự án về M31, và đưa ra giả thuyết có một thành viên khác của Nhóm thiên hà Ðịa phương là M32 đã bị M31 “nuốt” trong khoảng từ 3 đến 4 tỷ năm.
Cha D’Souza đã phát hiện manh mối từ các quầng sáng của thiên hà Tiên Nữ, theo đó các ngôi sao có chứa các nguyên tố nặng hơn hydrogen và helium hoàn toàn tương đồng với thành phần hóa học của các ngôi sao vẫn còn sót lại trong tàn tích M32. Sau khi phân tích các mô hình về sự va chạm của các thiên hà trong nhiều tháng, cha D’Souza và tiến sĩ Bell viết báo cáo trình bày về giả thuyết cho rằng M31 với kích thước khổng lồ đã “nuốt” thiên hà M32 nhỏ hơn, với thiên hà trước khi bị sáp nhập được gọi là M32p. Hậu quả của quá trình này là M31 “phun ra” lõi của M32 và hiện lõi này vẫn tiếp tục xoay quanh thiên hà Tiên Nữ.
Ý tưởng trên lập tức thu hút sự quan tâm của giới truyền thông trên toàn cầu, nhưng lại tạo nên những tranh cãi trong cộng đồng thiên văn học. Chia sẻ với trang Catholic News Service (CNS), cha D’Souza cho biết một số nhà thiên văn học đang nghiên cứu M31 tỏ ra thích giả thuyết này và thấu hiểu quy trình nghiên cứu dẫn đến kết luận trên. Thế nhưng, cũng có người không đồng ý. Tuy nhiên, tiến sĩ Bell lại không mấy quan tâm đến các phản ứng trái chiều, mà thay vào đó trân trọng cơ hội được sát cánh làm việc và học hỏi trong suốt quá trình tham gia cuộc nghiên cứu với cha D’Souza. Dù kết quả có như thế nào, báo cáo đã giúp lan truyền rộng rãi tên tuổi của cha D’Souza, và đó thật sự là điều tốt cho sự nghiệp của nhà thiên văn học này, theo nhận định của thầy Guy Consolmagno, dòng Tên, Giám đốc Ðài Thiên văn Vatican. “Giờ đây, cha đã được giới chuyên môn nể trọng nên có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu”, thầy Consolmagno cho biết.
Cuối tuần, cha vẫn dâng lễ ở giáo xứ Sr Mary |
Ðó cũng là điều mà cha D’Souza mong mỏi. Ngài chuẩn bị kết thúc hoạt động nghiên cứu sau tiến sĩ kéo dài 3 năm ở Ðại học Michigan. Tháng 6 năm nay, cha tiếp nhận vị trí giám đốc Ðài Thiên văn Vatican ở Castel Gandolfo (Ý). Ngài đã lên kế hoạch học tiếng Ý trong lúc tiếp tục theo đuổi những nghiên cứu về sự tiến hóa của các thiên hà. Khi còn là một sinh viên trẻ ở Ấn Ðộ, cha D’Souza cảm thấy hứng thú với khoa học và có lần từng đề cập với các bề trên dòng Tên là ngài muốn làm việc tại Ðài Thiên văn Vatican. Phải đợi đến năm 2016, giấc mơ này mới trở thành hiện thực khi thầy Consolmagno đề cử cha D’Souza tham gia và đề nghị hỗ trợ nỗ lực nghiên cứu sinh sau tiến sĩ của cha tại Michigan.
Hạnh phúc đích thực
“Cha D’Souza là người mà chúng tôi quen thuộc suốt 20 năm”, thầy Consolmagno trả lời CNS, không quên thêm nhận xét cha là “một trong những đầu óc thông minh nhất mà chúng tôi biết”. Thế nhưng, dù yêu thiên văn học, cha D’Souza phát hiện chỉ có việc loan truyền Lời Chúa mới thật sự làm cuộc đời mình được trọn vẹn. Trong lúc theo học tại Michigan, cha D’Souza dâng lễ vào các buổi cuối tuần ở giáo xứ sinh viên St Mary gần khuôn viên trường. “Tôi nhận ra rằng, chính giáo xứ đã mang lại cho tôi nhiều điều nhất”, cha D’Souza chia sẻ.
Báo cáo đăng trên chuyên san Nature Astronomy của cha D Souza |
Chào đời trong một gia đình Công giáo ở Pune, thuộc bang miền tây Ấn Ðộ vào năm 1978, cha D’Souza lớn lên ở Kuwait khi cha mẹ đến đây làm việc. Năm 1990, chiến tranh Vùng Vịnh ập đến, cả gia đình sơ tán khỏi Kuwait với hàng ngàn người Ấn Ðộ khác. Họ trải qua 3 tuần trong trại tị nạn ở Jordan trước khi quay về quê hương. D’Souza nhập học trường do dòng Tên mở và lập tức bị thu hút bởi lịch sử truyền giáo của dòng tu này. Ngài quyết định xin dự tu tại dòng Tên vào năm 17 tuổi. Song song với việc theo học tại học viện dòng, rồi được truyền chức linh mục vào tháng 12.2011, cha tiếp tục theo đuổi ngành vật lý học tại Ðại học St Xavier ở Mumbai và kế đến là Ðại học Heidelberg ở Ðức. Cha D’Souza cũng có bằng cử nhân triết học và thần học, đồng thời tiến sĩ về thiên văn học (2016).
Ðối với cha D’Souza, việc được bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu Ðài Thiên văn Vatican là một sự chứng thực cho nỗ lực theo đuổi khoa học nhằm nghiên cứu và hiểu được sự sáng tạo của Thiên Chúa. Và vị linh mục cảm thấy cả hai vai trò của mình đều nhằm phục vụ Chúa. “Ðiều vĩ đại mà bạn có thể tiên nghiệm chính là Thiên Chúa… Thiên văn học là ngành trừu tượng nhất trong lĩnh vực khoa học, nhưng cũng là điều tự nhiên nhất. Có lẽ đó là lý do mà thiên văn học luôn gây ấn tượng mạnh mẽ đối với con người lâu nay”, cha D’Souza kết luận. BL