GIÔNA “XÍ XỌN”
1-
Nếu có ai trong chúng ta trầm uất, hay buồn bực cứ muốn “chết phứt đi cho rảnh nợ”, chúng ta không phải là người duy nhất có ý tưởng quyên sinh như thế đâu. Trước chúng ta rất lâu, trong Kinh Thánh, đã có những người nổi tiếng cũng ao ước “được chết đi cho rảnh nợ” rồi : Môsê, Êliah, Gióp và…Giôna.
Và nếu chúng ta có cảm nghĩ rằng mình “vô tích sự”, chẳng làm được gì nên chuyện, thì nhà cháu xin mời hãy đọc sách Tiên tri Giôna. Dù có ai cho là mình vô tích sự đến mấy, sách Giôna cho thấy người đó vẫn có thể rao giảng cho cả một thành phố lớn trở lại.
Sách Ngôn sứ Giôna chỉ gồm bốn chương ngắn, nêu đọc nhẩn nha chậm rãi, ta chỉ cần hai phút đồng hồ.
Sơ lược câu chuyện là như thế này:
Thiên Chúa bảo Giôna.. Nhà cháu thích dùng chữ “nhờ” hơn. Vậy ta có thể viết lại như sau: Thiên Chúa “nhờ” Giôna đi lên Ninivê mà rao giảng cho họ: Nếu họ không ăn năn sám hối, họ sẽ bị tru diệt.
Giôna không nghe lời. Ông không đi lên Ninivê. Vì ông không thích Ninivê. Thích sao được, vì lúc đó Ninivê là thành phố lớn của đế quốc Assur, kẻ thù truyền kiếp của dân Do thái ! Giôna biết Thiên Chúa sẽ không phạt Ninivê nếu Ninivê ăn năn sám hối.
Thay vì đi LÊN Nivnivê, ở trên miền BẮC, Giôna XUỐNG tàu đi về hướng TÂY, sang mãi tận Tharsis, miền NAM của Tây Ban Nha bây giờ.
Ông đi ngược hướng mà Thiên Chúa muốn, và đi càng xa càng tốt. Ông trốn Thiên Chúa ! Sách nói rõ: ông “trốn đi Tác-sít, tránh nhan ĐỨC CHÚA” (Gn 1:3)
Trốn xuống tàu chưa đủ, ông còn trốn XUỐNG tận đáy khoang tàu ! “Ông Giô-na thì đã xuống hầm tàu, nằm đó và ngủ say.” (Gn 1:5)
Thiên Chúa nào có thua. Đã trốn như thế thì Thiên Chúa chiều lòng. Ngài đẩy ông XUỐNG TẬN ĐÁY… biển.
Một cơn bão nổi lên. Tàu đảo điên, hòng chìm. Ai cũng sợ hãi, “kêu cứu đến thần của mình.” (Gn 1: 5). Chỉ mình ông Giona “nằm đó và ngủ say” (Gn 1:5).
Xem chừng Giona cũng là tay đáo để. Bão thế mà ông vẫn yên tâm ngủ say. Ông biết được kết cục chăng ? Hay ông “xí xọn”, muốn ăn vạ Thiên Chúa. Bão thì cứ bão, cho chìm thuyền chết luôn! Đây không sợ bão!
Mà ông không sợ bão thiệt. Khi người ta bốc thăm tra cứu nguyên do, thăm rơi vào trúng ông. Ông thành thật khai báo. Lý lịch trích ngang đầy đủ, tên họ, nguyên quán, tôn giáo, và cả đến tội lỗi của mình, tội “chạy trốn khỏi nhan Thiên Chúa”, mà ông cho rằng chính vì tội đó bão tố hoành hành như thế này. “Ông bảo họ: “Hãy đem tôi ném xuống biển thì biển sẽ lặng đi, không còn đe doạ các ông nữa; vì tôi biết là tại tôi mà các ông gặp cơn bão lớn này.” (Gn 1:12).
Thuỷ thủ làm theo lời, “ném ông Giôna xuống biển. Biển dừng cơn giận dữ” ( Gn 1:15)
Sau khi Giona “xí xọn” bị ném ra khỏi tàu, thì cả thuyền… trở lại cùng Thiên Chúa: “Những người ấy sợ ĐỨC CHÚA, sợ lắm; họ dâng hy lễ lên ĐỨC CHÚA và khấn hứa.” (Gn 1:16)
Cho dù đành đoạn trái lời Thiên Chúa là thế, mà trước khi rơi xuống biển Giôna cũng khiến cho cả thuyền trở lại đạo. Ít ra là vì thấy hình phạt Chúa dành cho Giona.
Nguyên cả chưong hai là lời cầu nguyện của Giôna từ “trong bụng cá”, từ dưới đáy biển. Bài thơ này hay lắm, các Bác phải đọc mới được .
“Từ cảnh ngặt nghèo, tôi kêu lên ĐỨC CHÚA,
Người đã thương đáp lời.
Lạy Chúa, từ lòng âm phủ, con cầu cứu, Ngài đã nghe tiếng con.
4 Ngài đã ném con vào vực sâu, giữa lòng biển,
làn nước mênh mông vây bọc con,
sóng cồn theo nước cuốn, Ngài để cho tràn ngập thân này.
5 Con đã nói: “Con bị đuổi đi khuất mắt Chúa rồi!
Nhưng con vẫn hướng nhìn về thánh điện của Chúa.”
6 Nước bủa vây con đến cổ, vực thẳm vây bọc con,
trên đầu con, rong rêu quấn chằng chịt.
7 Con đã xuống tận nền móng núi non,
cửa lòng đất đã cài then nhốt con mãi mãi.
Nhưng Ngài đã đưa sự sống của con lên khỏi huyệt,
lạy ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của con.
8 Khi mạng sống con hầu tàn, con đã nhớ đến ĐỨC CHÚA
và lời cầu nguyện của con đã tới Ngài, tới đền thánh của Ngài.
9 Bọn thờ thần hư ảo, chớ gì chúng bỏ điều chúng vẫn tôn sùng.
10 Phần con, giữa tiếng hát tạ ơn, con sẽ tiến dâng Ngài hy lễ;
con xin giữ trọn điều đã khấn nguyền.
ĐỨC CHÚA mới là Đấng ban ơn cứu độ.”
Tuy ông cưỡng lời Thiên Chúa, nghĩa là bất tuân, nhưng tình cảm giữa Thiên chúa và ông Giona xí xọn vẫn không hề sứt mẻ. Thiên Chúa nào có ghét bỏ ông. Ngài không hề bỏ rơi ông. Ông trốn Ngài thì trốn, chứ Ngài không quên ông. Bằng chứng ? “ĐỨC CHÚA khiến một con cá lớn nuốt ông Giô-na. Ông Giô-na ở trong bụng cá ba ngày ba đêm.” (Gn 2:1) Chúa không để ông chết chìm.
Đúng ra Chúa để ông “chìm” nhưng không “chết”.
Còn ông, ông vẫn cầu nguyện cùng Thiên Chúa, vị Thiên Chúa uy nghiêm vừa mới ra tay phạt ông, ném ông xuống biển. Ông vẫn âu yếm gọi “Đức Chúa, Thiên Chúa của ông”: “Từ trong bụng cá, ông Giô-na cầu nguyện cùng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ông.” (Gn 2:2)
Chúng ta lưu ý đến câu 9. “Bọn thờ thần hư ảo, chớ gì chúng bỏ điều chúng vẫn tôn sùng.” Tuy ông trốn tránh thi hành nhiệm vụ, nhưng ông vẫn canh cánh bên lòng nhiệm vụ “truyền giáo”. Ông vẫn nhớ đến nhiệm vụ trong lời cầu kinh của ông. Ông vẫn cầu nguyện cho nhũng kẻ mà ông được trao phó trách nhiệm rao giảng cho.
Có lẽ vì thế mà “ĐỨC CHÚA bảo con cá, nó liền mửa ông Giô-na ra trên đất liền.” ( Gn 2:11)
Sau đó bao lâu thì không biết, Thiên Chúa lại “nhờ đến” ông. “Có lời ĐỨC CHÚA phán với ông Giô-na lần thứ hai rằng: “Hãy đứng dậy, đi đến Ni-ni-vê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi.” ( Gn 3: 1-2)
Lần này, Giôna không dám “xí xọn” nữa.“Ông Giô-na đứng dậy và đi Ni-ni-vê, như lời ĐỨC CHÚA phán.” ( Gn 3: 1-3)
Có chi tiết thú vị cần lưu tâm là :
Lần trước Thiên Chúa nói rõ nội dung mà Giôna cần thông báo như sau: “Hãy đứng dậy, đi đến Ni-ni-vê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết rằng sự gian ác của chúng đã lên thấu tới Ta.” (Gn 1:2) Sự gian ác của Ninivê được vạch rõ.
Lần thứ hai này Thiên Chúa chỉ úp mở : “Hãy đứng dậy, đi đến Ni-ni-vê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi.” ( Gn 3:1) Tuyên cáo gì, thì lúc này Thiên Chúa không nói rõ. Sợ nói ra rồi Giôna lại chạy trốn nữa chăng ?
Đến lúc vào thành, đi được một ngày đàng, nghĩa là vào giữa trung tâm thành phố rồi, Giôna lên tiến cảnh báo: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ.” (Gn 3:4)
Giôna không hề dùng chữ “tội” trong lời tuyên báo. Ông không chỉ vào mặt dân thành Ninivê mà nói rằng “Các ông là những tội nhân tày đình quái gỡ!” Ông cũng không tuyên cáo họ phải làm gì.
Ông không mở khoá Cấm phòng hay Linh thao. Ông chỉ báo trước tai ương sẽ xảy ra. “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ.” ( Gn 3:4)
Vậy mà lời cảnh báo có tác dụng tích cực.
Điều thú vị là dân chúng tự nguyện thay đổi lối sống, cải tà quy chánh, trước cả khi Vua biết chuyện mà ra lệnh: “Dân Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Tin báo đến cho vua Ni-ni-vê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro.” ( Gn 3:5-6)
Ninivê trở lại, không chỉ từng cá nhân riêng lẽ, mà là hàng loạt, mà là toàn diện, từ người cho đến thú vật. Có lẽ chưa từng có công cuộc truyền giáo nào lại thành công hết sức tốt đẹp và toàn diện như thế, từ cổ chí kim.
Và kết quả là: “Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa.” (Gn 3:10)
Đây cũng là chủ đích và bài học của sách Tiên tri Giôna.
Nhưng chính việc Ninivê cải tà quy chánh như thế là điều mà Giôna “e ngại.” Mọi người “trở lại”, thay đổi lối sống, trừ một mình…Giôna !
Sang chương sách thứ tư, ngay câu đầu, chúng ta thấy ông Giôna lại “giở chứng”: “Ông Giô-na bực mình, bực lắm, và ông nổi giận.” (Gn 4:1)
Chữ “bực mình” được lập lại hai lần, mỗi lần mỗi mạnh hơn. Ông nói toạc nỗi bất bình của mình cho Chúa nghe : “Ôi, lạy ĐỨC CHÚA, đó chẳng phải là điều con đã nói khi còn ở quê nhà sao? Chính vì thế mà con đã vội vàng trốn đi Tác-sít. Thật vậy, con biết rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng hoạ”
Ông còn “giận lẫy”: “Giờ đây, lạy ĐỨC CHÚA, xin Ngài lấy mạng sống con đi, vì thà con chết còn hơn là sống! “
Ông bực mình đến độ Chúa cũng phải thắc mắc: “ĐỨC CHÚA hỏi ông: “Ngươi nổi giận như thế có lý không?” (Gn 4:4)
Giôna không trả lời. Mà có trả lời được nào! Giận Chúa thì làm gì mà có lý được ? Bực dọc vì mọi người già, trẻ, lớn, bé, vua, quan, cả súc vật cũng “ăn năn sám hối trở lại cùng Thiên Chúa” thì làm gì mà có lý cho được !
Giôna đâm ra “hờn” Chúa. Đoạn kịch một hồi một vai này, các Bác phải đọc lại mới thấy hết cái thú vị và linh động trong cách kể chuyện rất tài tình của tác giả:
“Ông Giô-na ra ngoài thành và ngồi ở phía đông thành. Ở đó, ông làm một cái lều, rồi ngồi bên dưới, trong bóng mát, để xem cái gì sẽ xảy ra trong thành.6 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa khiến một cây thầu dầu mọc lên ở phía trên ông Giô-na để có bóng mát che đầu ông, hầu làm ông hết buồn bực. Ông Giô-na vui, vui lắm vì cây thầu dầu.7 Nhưng hôm sau, khi hừng đông ló rạng, Thiên Chúa khiến một con sâu cắn cây thầu dầu và cây bị héo.8 Khi mặt trời mọc, Thiên Chúa cho có một cơn gió đông nóng bỏng, và mặt trời giội nắng xuống đầu ông Giô-na; ông ngất xỉu và xin cho mình được chết, ông nói: “Thà tôi chết còn hơn là sống.”9 Thiên Chúa hỏi ông Giô-na: “Ngươi nổi giận vì cây thầu dầu, như thế có lý không? ” Ông trả lời: “Con có lý để nổi giận đến chết được! “10 ĐỨC CHÚA phán: “Ngươi, ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên; trong một đêm nó đã sinh ra, rồi trong một đêm lại chết đi.11 Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ni-ni-vê, thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao? ” (Gn 4: 5-11)
Giôna “xí xọn”, hay “hờn” như con nít. Lúc thì “Ông Giô-na bực mình, bực lắm, và ông nổi giận.” (Gn 4:1) Lúc thì “Ông Giô-na vui, vui lắm vì cây thầu dầu” ( Gn 4:6) Dường như tác giả ghi lại hai tính khí đối chọi này trrong một lối song đối, khiến chúng ta vừa đọc vừa cười cho cái “lão Ngoan Đồng – Giôna” lắm chuyện.
Lần đầu Thiên Chúa hỏi ông : “Ngươi nổi giận như thế có lý không?” (Gn 4:4) Ông không trả lời . Lần sau Ngài lại hỏi : “Ngươi nổi giận vì cây thầu dầu, như thế có lý không?” (Gn 4:7) thì ông trả lời càn : “Con có lý để nổi giận đến chết được!” (Gn 4:9)
Đến khi Thiên Chúa đặt lại vấn nạn, thì ông tịt câm : “Ngươi, ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên; trong một đêm nó đã sinh ra, rồi trong một đêm lại chết đi.11 Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ni-ni-vê, thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao? ” (Gn 4: 5-11)
Và sách Giôna kết thúc ở đó, bằng một câu hỏi dành cho người đọc trả lời. Đúng ra đây là bài học của Chúa.
Trong cả sách, có 6 lần ông đòi “chết”.
Ông bảo họ: “Hãy đem tôi ném xuống biển” (Gn 1:12) “Xin Ngài lấy mạng sống con đi, vì thà con chết còn hơn là sống!” (Gn 4: 3) (= 2 lần) “Xin cho mình được chết, ông nói: “Thà tôi chết còn hơn là sống.” (Gn 4:8 ) (=2 lần) “Con có lý để nổi giận đến chết được!” (Gn 4: 9) (=1 lần)
Đến lúc xuống đáy biển nằm trong bụng cá, thì ông lại hai lần cầu Chúa cứu cho khỏi chết !
“Lạy Chúa, từ lòng âm phủ, con cầu cứu,” (Gn 2:3) “Khi mạng sống con hầu tàn, con đã nhớ đến ĐỨC CHÚA” (Gn 2,8 )
Thế thì ông Giôna có phải là “lắm chuyện” không nào ?
2-
Trên đây, chúng ta vừa cùng nhau đọc lướt qua sách Tiên tri Giôna . Vậy Giôna là ai ? Và ông có thực là “xí xọn” như chúng ta miêu tả hay không ?
Tiên tri Giôna được sách các Vua quyển hai, chương 14 câu 25 nhắc đến. “Năm thứ mười lăm triều vua A-mát-gia-hu, con vua Giô-át, vua Giu-đa, con vua Giô-át, vua Ít-ra-en, là Gia-róp-am lên làm vua, và trị vì bốn mươi mốt năm ở Sa-ma-ri.24 Vua đã làm sự dữ trái mắt ĐỨC CHÚA, đã không dứt bỏ mọi tội mà vua Gia-róp-am, con ông Nơ-vát, đã phạm và lôi kéo Ít-ra-en phạm theo.
25 Chính vua đã tái lập biên giới Ít-ra-en từ Cửa Ải Kha-mát cho đến biển A-ra-va, như lời ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en, đã dùng tôi trung của Người là ngôn sứ Giô-na, con ông A-mít-tai, quê ở Gát Khê-phe, mà phán.26 Vì ĐỨC CHÚA đã nhìn thấy cảnh bần cùng của Ít-ra-en phản nghịch; chẳng có một ai, nô lệ hay tự do, đến cứu giúp Ít-ra-en.27 ĐỨC CHÚA đã không nói là sẽ xoá tên Ít-ra-en không còn dấu vết trong thiên hạ, nên Người đã cứu họ nhờ tay vua Gia-róp-am, con vua Giô-át.”
Đó là vào thời vua Giarópam II cai trị Ít-ra-en (783-743 trước Thiên Chúa giáng sinh)
Chính tiên tri Êlia trao cho ông trách vụ đầu tiên là xức dầu cho Giêhu lên làm vua vào năm 750 trước Thiên Chúa giáng sinh.
Thời của Ông là thời loạn lạc. Dân Do thái đang sa lầy trong suy đồi. Đời sống tôn giáo suy kém. Đế quốc Assur đem quân lần đầu tiên, xâm chiếm 10 chi tộc vương quốc Israel miền Bắc, năm 607. Sau đó họ hạ thành Giêrusalem, và phát lưu dân Dothái sang Babylon, khởi đầu cho thời lưu đày 70 năm. [1]
Ninivê là thủ phủ quan trọng của đế quốc Assur thời ấy, nằm sát vùng Mosul, Iraq thời nay, bên đông ngạn, gần giao điểm hai nhánh sông Tigris hợp nhau.
Với tâm thức tiên tri, Giôna biết rõ rằng nếu Ninivê không thay đổi, hẳn hậu quả sẽ khó lường được cho tương lai của xứ sở Israel thân yêu cuả mình .
Chắc chắn ông chẳng làm sao mà vui vẻ nhận sứ mạng Thiên Chúa trao cho ông. Tới thủ phủ Ninivê của Assur, kẻ thù của dân tộc mình, để rao truyền sự cải tà quy chánh, ăn năn hồi đầu, trong khi ông đau đớn nhận thấy rằng bà con dân tộc ông đang sa lầy trong phân hóa tôn giáo và thiêng liêng, không cách chi vực dậy nổi. Nam Bắc phân ly chinh chiến. Dân tộc ông, ông đành bó tay mà bây giờ được phái đi cứu kẻ thù.
Vì thế Giôna lo sợ sứ mạng sẽ thành công hơn là thất bại. Làm sao ông chịu được cảnh kẻ thù của mình trở lại cùng Thiên Chúa trong khi dân tộc mình lại cố chấp không chịu thay đổi lối sống.
Vì thế mới có chuyện ông “chạy trốn khỏi nhan Thiên Chúa”. Đúng ra ông muốn trốn chạy để khỏi nhìn định mệnh dân tộc ông .
Ông trốn đi thật xa quê hương, hy vọng không còn nghe được lời Thiên Chúa thúc bách ông nói tiên tri, mà ông cho rằng cứ còn ở trong nước là còn phải nghe.
Giôna không “xí xọn”, ông chỉ mẫn cảm.
Cơn bão biển buộc ông hiểu rằng không thế “trốn đâu khỏi nhan Thiên Chúa”.
Trong khi các thủy thủ khẩn cầu cùng “thần của họ” thì ông ngủ – hay giả đò ngủ – say. Ông quá biết rằng, khi con người tách biệt khỏi Thiên Chúa, hay cố ý “trốn khỏi nhan Thiên Chúa” thì còn biết nói chi với Thiên Chúa, hay cầu khẩn về điều gì cùng Thiên Chúa ? Ông giữ im lặng bằng giấc ngủ.
Thái độ dửng dưng của ông khiến các thuỷ thủ ngạc nhiên. Ông phải xưng tội cùng họ : “Tôi là người Híp-ri, Đấng tôi kính sợ là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa các tầng trời, Đấng đã làm ra biển khơi và đất liền.” Những người ấy sợ, sợ lắm; họ nói với ông: “Ông đã làm gì thế? ” Thật vậy, do ông kể lại mà họ được biết là ông đang trốn đi để tránh nhan ĐỨC CHÚA” (Gn 1: 9-10)
Chỉ đến phút cuối cùng các thủy thủ mới nghe theo lời ông mà thảy ông xuống biển.
Thủy thủ tế ông cho thần Hà Bá. Còn ông, ông coi như đời ông đến đây là hết. Thế là từ nay ông xuôi tay thảnh thơi, khỏi bị chức vụ ngôn sứ dằn vặt.
Sự thật không phải như thế. Thiên Chúa không buông tha ông. Thiên Chúa không dễ mà thua cuộc người Ngài đã chọn làm thừa tác.
Chính lúc ông chìm sâu vào lòng biển, thì lúc đó mới là lúc bắt đầu. Trong tăm tối bụng cá, trong tăm tối của đức Tin, Giôna mới “ngộ” ra rằng chính ông, ông chưa hề bao giờ muốn nhìn nhận rằng Thiên Chúa quan tâm quý chuộng từng mạng sống, và chăm sóc mỗi mạng sống từng phút giây !
Ông làm ngôn sứ. Ông biết Thiên Chúa quan tâm chăm sóc từng người. Nhưng độ sâu thẳm lòng Thiên Chúa thương xót thì ông chưa biết. Chính lúc này ông mới thấu hiểu.
Lúc đó, trong bụng cá, Giôna hối cải. Ngôn sứ Giôna thống hối trước khi thúc dục người khác ăn năn trở lại. Bài kinh của Giona trong bụng cá là bài kinh hay tuyệt vời . Ta hãy nghe Cha Kim Long phổ nhạc bài kinh này :
“Trong gian truân tôi đã kêu cầu, và Chúa đã đáp lời tôi !
Từ vực sâu tôi nài van Chúa, và Chúa đã nghe tiếng tôi
Chúa xô tôi xuống lòng vực thẳm giữa muôn cuồng sóng đại dương,
Bao dòng nước cuốn trôi, bao triều phong ba cùng xô lấp tấm thân tôi !”
Từ lúc đó, Giôna mới nhận ra rằng dù số phận của đế quốc Assyri có khác với phần số đất nước Do thái như thế nào, thì động lực của Thiên Chúa trong mọi sự vẫn là lòng xót thương.
Sau ba ngày hồi tâm, con cá mửa ông ra trên bờ biển. Ông lên đường tiến về Ninivê và nói cho họ biết số phận đang chờ họ.
Cuộc cải hối diễn ra mau hơn, và toàn diện hơn là ông dự tưởng. Vì thế việc tru phạt Ninivê được dời lại cả 100 năm [2] .
Ninivê đã thống hối trở lại. Bây giờ Giôna e ngại đến số phận của Israel.
Dân Do thái không thuộc được bài học thống hối của Ninivê. Giôna bực dọc muốn chết để khỏi nhìn thấy tai ương giáng xuống dân mình.
Giôna rời bỏ Ninivê, ra ngoài thành, dựng lều tạm trú dưới bóng cây thầu dầu. Ông chỉ có bóng mát cây thầu dầu làm nguồn an ủi trong cơn bực dọc.
Nhưng một con sâu đã cắn chết nguồn an ủi của ông. Nỗi bực dọc trong lòng của ông lại trào lên miệng thành lời thành tiếng. Thiên Chúa phải đáp lời : “Ngươi, ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên; trong một đêm nó đã sinh ra, rồi trong một đêm lại chết đi. Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ni-ni-vê, thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao?” (Gn 4:15)
Đại để Thiên Chúa cho Giôna biết rằng, luân lý tồi bại của Ninivê không phải là lý do khiến họ không đáng sống. Mỗi người, mỗi sự sống đều có giá trị của nó trong toàn cảnh, như cây thầu dầu có giá trị đem bóng mát cho Giôna.
Tâm sự cuối cùng của Thiên Chúa từng được Giôna ghi lại, đọc lên mới thấy thấm thía làm sao. Đọc lên nghe mà có cảm tưởng như Ngài tủi lòng vì Mình giầu lòng thương xót mà sao có “người” chẳng chịu hiểu cho, mà còn đem lòng “giận” : “Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ni-ni-vê, thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao?” (Gn 4:15)
Ngài coi trọng đám thiếu nhi của Ninivê, hơn 120 ngàn em, những người mà Ngài gọi là“không phân biệt được bên phải với bên trái”. Ngài không muốn phạt các em liên lụy chung với những người đã trưởng thành. Cả đám thú vật vô linh tính kia Thiên Chúa cũng kể ra như đã có góp phần che chở cho Ninivê khỏi án phạt.
Vài hàng tản mạn thay lời kết
Có viết thêm vào đây những bài học hay những kết luận luân lý giáo khoa thư thì cũng bằng… thừa, khi mà chính cuốn sách độc đáo này kết thúc ngay sau câu than thở của Thiên Chúa.
Có điều, chúng ta nên nhắc lại ở đây chi tiết thú vị này. Trong sách có nhắc đến hai địa điểm: Giona xuống tàu ở Yaffo định trốn đi đến Tarshish. Tuy cả hai thành phố đều thực sự có trên bản đồ là Jaffa và Tarsis, nhưng tên “Jaffa” có nghĩa là “sắc đẹp” và “Tarsis” mang nghĩa là “tài sản giàu có”
Những thứ ấy có giúp cho các ngôn sứ thời nay tránh được sứ mạng đã trao trên vai hay không ? Qua đó có tìm được bình yên, an lạc?
Hồn tông đồ của Giôna được thức tỉnh và thăng hoa vào chính thời điểm tối tăm nhất của cuộc đời ông. Trong bụng cá, ở một nơi mà mọi người đời lãng quên, không hề biết tới, Giôna không những tìm lại được căn tính ngôn sứ của mình, mà ông còn “vượt qua chính mình”.
Không những thế ông thay đổi cách truyền rao sứ điệp đưọc trao. Thay vì “hô cho dân thành biết rằng sự gian ác của chúng đã lên thấu tới Ta.” (Gn1:1) Ông chỉ nói : “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ.” ( Gn 3:4) Không cần nhắc lại tội lỗi quá khứ, hay nhấn mạnh đến gian ác hiện tại, Ông chỉ nhắc khéo đến sự “triển hạn” “bốn mươi ngày”.
Sự thay đổi cách truyền giáo rất sư phạm này dẫn đến kết quả tức thời và toàn diện.
3- Ninivê và Sôđôma
Giôna thành công tại Ninivê. Điều này khiến chúng ta nghĩ tới một tình huống khác, không tốt đẹp bằng, mà còn có kết cục bi đát hơn nhiều .
Đó là tình trạng của hai thành phố Sôđôma và Gomorah, nơi có gia đinh ông Lót.
Sau khi từ giã Abraham, ba vị khách tiên về thành Sodoma khảo sát : “ĐỨC CHÚA phán: “Tiếng kêu trách Xơ-đôm và Gô-mô-ra thật quá lớn! Tội lỗi của chúng quá nặng nề! Ta phải xuống xem thật sự chúng có làm như tiếng kêu trách đã thấu đến Ta không. Có hay không, Ta sẽ biết.” (Stk 18:20-21)
Và câu chuyện kể tiếp : “Hai sứ thần đến thành Xơ-đôm vào buổi chiều; ông Lót lúc ấy đang ngồi ở cửa thành Xơ-đôm. Vừa thấy các ngài, ông Lót đứng lên ra đón các ngài và cúi sấp mặt xuống đất.2 Ông nói: “Thưa các ngài, kính xin các ngài ghé lại nhà tôi tớ các ngài đây để nghỉ đêm và rửa chân, rồi sớm mai các ngài tiếp tục đi đường.” Họ đáp: “Không! Chúng tôi sẽ nghỉ đêm ngoài đường phố.”3 Nhưng ông nài nỉ các ngài mãi nên các ngài ghé lại và vào nhà ông. Ông làm tiệc đãi các ngài, nướng bánh không men, và các ngài đã dùng bữa.4 Các ngài chưa đi nằm thì dân trong thành, tức là người Xơ-đôm, bao vây nhà, từ trẻ đến già, toàn dân không trừ ai.5 Chúng gọi ông Lót và bảo: “Những người vào nhà ông đêm nay đâu rồi? Hãy đưa họ ra cho chúng tôi chơi. – Où sont les hommes qui sont venus chez toi cette nuit ? Amène-les-nous pourque nous en abusions !” (Stk 19:1- 5)
Có thể nói được rằng hai sứ thần đã thất bại, không thể cải hoá được Sodoma, và các Ngài đã “thua” một mình Giôna.
“Tội” cả hai thành đều “kêu thấu tới trời.” Trước đó Abraham đã đứng ra xin thay cho Sodoma. Vậy mà cũng không được. Hai sứ thần chỉ cứu được một gia đình – lẽ ra bốn người nhưng cuối cùng còn có – ba bố con ông Lot.
Khó kiếm ra được một lời lý giải thoả đáng cho việc so sánh hai trường hợp này. Mức tội của hai trường hợp nặng nhẹ khác nhau ? Phải chăng ở Ninivê không có tội homosexuality: “Hãy đưa họ ra cho chúng tôi chơi ?” Hay vì cả đám con nít ở Sodoma cũng đã tham dự vào cuộc phạm tội chung: “Các Ngài chưa đi nằm thì dân trong thành, tức là người Xơ-đôm, bao vây nhà, từ trẻ đến già, toàn dân không trừ ai.” trong khi ở Ninivê chúng chưa phân biệt được “trái phải” ?
Nếu các sứ thần thay vì ở trong nhà ông Lót, các Vị ra ngoài đường và bắt đầu công bố: “Ngài mai, thành Sođoma bị huỷ diệt” Như Giôna sau này đã làm, liệu thành Sodoma có cải hối chăng ?
Hay là những lời ấy rồi sẽ “bay theo gió thoảng”. như những lời cảnh báo , không chỉ là “đại cạnh báo”, mà còn cả những lời khẩn thiết kêu mời, chúng ta đã từng nghe thật nhiều trong thế kỷ này, từ Fatima, từ Garabaldal, từ Lộ Đức, từ Kihebo, Rwanda, từ Akita. từ Lavang …
Chúng ta ngày nay đang soi thấy mình trong tấm gương Ninivê hay Sodôma ?
Ghi chú
[1] Đọc thêm trong sách Các Vua, chúng ta thấy rõ manh tâm của đế quốc mang tên Assur này.
Giôna thi hành tác vụ ngôn sứ khoảng năm 785-775 trước Chúa Gíáng Sinh Vào năm 722, nghĩa là sau thời ông chừng năm mươi năm, vua Assyri phát lưu dân Do thái sang biên giới phía đông của họ, là bờ sông Babylon.
Nhưng trước đó “vua Át-sua là Pun xâm nhập xứ sở, và vua Mơ-na-khêm (vua Israel, cai trị mười chi tộc miền Bắc) nộp cho vua Pun ba mươi ngàn ký bạc để vua này nâng đỡ và củng cố vương quyền vua đang nắm trong tay.” (2 Vua 15:19)
“Trong thời gian vua Pecác, vua Ítraen, vua Átsua là Tíchlát Pilexe đến xâm chiếm Igiôn, Avên Bết Maakha, Gianôác, Keđét, Khaxo, miền Galaát và Galilê, toàn xứ Náptali, rồi đày dân sang Átsua” (2 Vua 15:29)
“Vua Átsua là Sanmanexe tiến lên đánh vua. Vua Hôsê đã phải làm tôi và triều cống vua ấy … Vua Átsua tiến đánh cả xứ, đến Samari và vây hãm thành này ba năm. Năm thứ chín triều vua Hôsê, vua Átsua chiếm được Samari và đày Ítraen sang Átsua. Vua cho họ định cư ở Khơlác, và ở ven sông Khavo thuộc vùng Gôdan, và trong các thành xứ Mêđi.” (2 Vua 17:3, 5-6)
Có nghĩa là những cuộc giao chiến liên hồi, khiến cho quốc gia Do thái không thống nhất được. Assur đặt các quan thái thú người Assur cai trị Do thái, chuyển người Do thái đi lưu đày rồi bắt dân xứ khác tới định cư tại Samari. Hạ tầng kinh tế của Israel bị suy sụp. Do thái mất đi tính thống nhất cần thiết để phục hưng. Phá đổ tận căn để đổi mới hoàn toàn. Một chính sách chưa hề lỗi thời.
Theo gương Giôna, các ngôn sứ như Amos, Osê, Mikê tố cáo và chỉ trích chính sách tấn chiếm và đô hộ Israel. Nhưng không ai thèm để ý.
“Vua Át-sua đã đưa người từ Ba-by-lon, Cu-tha, A-va, Kha-mát và Xơ-phác-va-gim đến định cư ở các thành xứ Sa-ma-ri, thế vào chỗ con cái Ít-ra-en. Họ chiếm Sa-ma-ri và ở trong các thành của xứ này. (2 Vua 17:24-28)
[2] Trăm năm sau, Thiên Chúa sai ngôn sứ Nahum cảnh báo Ninivê một lần nữa. Lần này, Ninivê không hối cải. Án phạt thật là kinh hoàng: (Nahum 1-3)
“Này hỡi Giu-đa, hãy mừng lễ, hãy giữ trọn các lời khấn hứa,
vì kẻ thừa hành của Xa-tan không còn qua lại nơi ngươi nữa;
nó đã bị tiêu diệt hoàn toàn.
NI-NI-VÊ BỊ SỤP ĐỔ
Vua Ni-ni-vê triệu tập các chiến binh can trường,
nhưng trên đường chúng bước đi lảo đảo,
vội vã chạy về phía tường luỹ, tìm chỗ núp an toàn.
7 Các cửa ngăn sông đều bị mở tung khiến cung điện sụp đổ.
8 Tượng thần sắc đẹp bị lột đem đi.
Những kẻ phục dịch nó nức nở như chim câu,
chúng đấm ngực âu sầu.
9 Ni-ni-vê giống như hồ nước bị rò.
“Dừng lại! Dừng lại ngay! “
Nhưng chẳng ai thèm quay mặt lại.
10 “Hãy cướp bạc, cướp vàng.”
Đó là một kho tàng vô tận, một đống của gồm toàn đồ quý.
11 Tất cả đều bị huỷ diệt, tàn phá, tan hoang,
ai nấy lòng nát tan, gối rụng rời,
toàn thân run rẩy, mặt mũi tái xanh