HAI PHÉP LẠ

28

HAI PHÉP LẠ

Vào năm 1887 một cô gái bảy tuổi tên là Helen Keller sống ở Alabama. Nhưng cô không phải là một cô bé bình thường. Cô bị mù, điếc, và câm.

Helen bị mất thị giác và thính giác vì một căn bệnh khi cô được khoảng năm tuổi rưỡi. Vì không thể nghe thấy, cô mất đi khả năng bắt chước các âm thanh và nhờ đó có thể nói chuyện.

Cô ấy giống như một động vật hoang dã nhỏ bé, không có cách nào để giao tiếp với thế giới.

Tuy nhiên, trước khi Helen chết, cô ấy tốt nghiệp đại học với các vinh dự, trở nên một tác giả nổi tiếng, và là một vị khách của Toà Bạch Ốc của tất cả các tổng thống Mỹ từ Grover Cleveland cho đến John F. Kennedy, và trở nên nguồn cảm hứng cho những người khuyết tật trên toàn thế giới.

Câu chuyện đằng sau thành tích tuyệt vời ấy bắt đầu từ một ngày mùa xuân năm 1887 khi một người phụ nữ 20 tuổi tên là Annie Sullivan đến Alabama để dậy học cho Helen.

Bước tiến vượt bực đầu tiên của cô Annie là có thể liên lạc với Helen sau khi đến đây một vài tuần. Helen diễn tả điều này trong cuốn tự truyện, “The Story of My Life”. Cô viết:

[Cô giáo] đem cho tôi cái nón, và tôi biết mình sắp sửa đi vào bầu trời ngập nắng. Ý nghĩ này… khiến tôi nhảy lên vì vui thích.

Chúng tôi đi dọc theo căn nhà có bụi hoa kim ngân thơm ngát. Có ai đó múc nước và cô giáo đặt bàn tay của tôi dưới vòi nước. Khi dòng nước mát tràn qua tay tôi, cô giáo viết chữ nước trên bàn tay kia… Tôi đứng im lặng, tập trung tư tưởng vào cử động của ngón tay cô giáo.

Bỗng dưng… cái bí ẩn của ngôn ngữ được tỏ lộ cho tôi. Và rồi tôi biết rằng ‘n-ư-ớ-c’ có nghĩa điều gì đó mát tuyệt vời chảy qua tay tôi. Chữ sống động ấy đã thức tỉnh linh hồn tôi, nó đem lại ánh sáng, niềm hy vọng, niềm vui, sự tự do!…

Tôi rời căn nhà ấy với niềm hăng hái muốn học hỏi. Mọi thứ đều có tên, và mỗi tên phát sinh một tư tưởng mới. Khi chúng tôi trở về nhà, mọi thứ mà tôi chạm đến dường như run rẩy với sự sống. Đó là vì tôi nhìn thấy mọi sự với một thị lực mới, lạ lùng xảy đến với tôi.”

Cảm nghiệm của Helen vào một ngày mùa xuân ấy đã vĩnh viễn thay đổi cuộc đời của cô.

Câu chuyện của Helen Keller tại giếng nước tương tự như câu chuyện trong bài phúc âm hôm nay.

Nó cũng xảy ra tại một giếng nước. Nó cũng bao gồm một thầy dậy và một môn sinh. Trong đó, thầy dậy cũng dùng nước để chuyển đạt một ý nghĩa quan trọng cho môn sinh. Và ý nghĩa đó đã vĩnh viễn thay đổi cuộc đời môn sinh.

Cũng như trong trường hợp của Helen Keller, nó đã nâng người phụ nữ Samaritan ra khỏi thế giới tăm tối và đưa bà vào một thế giới ngập tràn ánh sáng.

Cũng như cuộc đời của Helen Keller, đời sống của người phụ nữ Samaritan cũng đã thay đổi mãi mãi.

Trong thời tiên khởi của Kitô Giáo, người phụ nữ Samaritan trở thành một hình ảnh quen thuộc của người dự tòng. Họ là những người đang tìm hiểu để trở nên Kitô Hữu và chuẩn bị lãnh nhận bí tích Rửa Tội vào Đêm Phục Sinh.

Họ cũng gặp Đức Giêsu tại giếng nước. Nước cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự gặp gỡ ấy. Đời sống của họ cũng thay đổi mãi mãi.

Điều này đưa chúng ta trở về giáo xứ và với chính mình.

Trong giáo xứ vào Đêm Phục Sinh, người dự tòng sẽ đứng chung quanh một giếng nước. Và, như trong trường hợp của người phụ nữ Samaritan và Helen Keller, nước của giếng ấy sẽ vĩnh viễn thay đổi họ.

Tương tự, vào Đêm Phục Sinh, chúng ta cũng quy tụ chung quanh giếng rửa tội để lập lại lời thề hứa khi rửa tội.

Điều quan trọng là hãy để ý đến điều mà người phụ nữ Samaritan đã làm sau khi bà gặp Đức Kitô tại giếng nước. Phúc Âm kể:

Người phụ nữ để vò nước lại, đi trở về thành, và nói với những ta rằng, “Hãy đến mà xem người đã nói với tôi về tất cả những gì tôi đã làm.”

Phúc Âm nói thêm rằng người ta ra khỏi thành và đến gặp Đức Giêsu.

Và vì thế người phụ nữ này, từng là một người tội lỗi, đã trở nên nhà truyền giáo đầu tiên. Sau khi bà gặp Đức Giêsu tại giếng nước, bà ra đi chia sẻ tin mừng về Đức Giêsu với các bạn hữu và láng giềng của bà.

Ở đây có một ý nghĩa thực tế trong bài phúc âm hôm nay cho mỗi người chúng ta.

Chúng ta cũng phải đáp ứng với sự gặp gỡ Đức Giêsu ở giếng nước rửa tội như phụ nữ Samaritan đã làm.

Chúng ta cũng phải làm giống như Helen Keller đã làm. Chúng ta cũng phải chia sẻ với người khác về sự sống mới mà Thầy chúng ta đã giúp thực hiện. Chúng ta cũng phải ra đi và chia sẻ tin mừng về Đức Giêsu với người khác.

Để tôi minh hoạ một phương cách thi hành.

Trong 70 triệu người Công Giáo ở Hoa Kỳ, 15 triệu người thụ động. Trung bình mỗi giáo xứ có 600 người không sống đức tin của mình.

Thống kê cho thấy hai phần ba người Công Giáo trở về với Hội Thánh là vì bạn hữu hay thân nhân đã mời họ trở lại.

Thống kê cũng cho thấy rằng người tuyển mộ tốt nhất là chính những người Công Giáo mà trước đây họ thờ ơ.

Tôi tin rằng ở điểm này tiềm tàng một lãnh vực hoạt động truyền giáo mà trong đó mọi người Công Giáo trong giáo xứ ngày nay có thể thi hành và phải tiếp tay.

Tất cả chúng ta biết rằng người Công Giáo thụ động có thể tìm về với Hội Thánh, qua sự hy sinh của chúng ta trong mùa Chay và sự mời gọi thân tình,.
Đức Giêsu bảo đảm với chúng ta rằng thiên đàng sẽ vui mừng vì một người ăn năn trở lại hơn là một trăm người không cần đến ơn cứu độ.

Chúng ta hãy kết thúc với lời cầu nguyện:

Lậy Chúa, cũng như Helen Keller, cô đã khám phá ra sự sống mới ở một giếng nước, và cũng như người phụ nữ Samaritan, là người đã khám phá sự sống mới tại một giếng nước tương tự, xin Chúa giúp chúng con chia sẻ với người khác sự sống mà chúng con cũng đã lãnh nhận tại giếng rửa tội. Đó là điều tối thiểu mà chúng con có thể thi hành để đáp trả ơn sự sống mà Ngài đã ban cho chúng con. M.L.

Previous articleCÓ TIN VUI GIỮA GIỜ TUYỆT VỌNG !
Next articleHAI PHÉP LẠ