Trong cả bốn sách Tin Mừng, có đôi chỗ nói Chúa Giêsu khóc (Lc 19, 41; Ga 11, 35), đôi chỗ nói Chúa vui mừng (Lc 10, 21; Ga 15, 11) nhưng tuyệt nhiên không có chỗ nào nói Chúa cười. Và như vậy, ta đừng vội cho rằng Chúa Giêsu không có óc hài hước châm biếm. Với phong cách một hoạ sĩ biếm, Chúa Giêsu đã mô tả chân dung xấu xí đến độ lố bịch của người đạo đức giả: mang cái xà to đùng chặn kín đôi mắt mà còn làm ra vẻ tinh tường săm soi cọng rác bé xíu trong mắt người anh em!
Sai lầm của một người bình thường, thì tác hại chỉ riêng mình người ấy, nhưng nếu tư tưởng hoặc công việc của một nhà lãnh đạo hay một người lo việc giáo dục sai lầm thì hệ quả kéo theo sai lầm của cả một thế hệ. Thật vậy, khi những người có trách nhiệm xét đoán và phân định sai thì kéo theo cả một hệ thống sai lầm và hậu quả càng trở nên tệ hại. Đó cũng là điều các bậc thầy Do Thái mắc phải mà Chúa Giêsu lên án họ qua trang Mừng hôm nay.
Tin Mừng hôm nay không chỉ là một bài học có tính cách luân lý. Chúa Giêsu không chỉ khuyên chúng ta không nên xét đoán người khác, Ngài còn mời gọi chúng ta tự đặt mình vào mối tương quan với Thiên Chúa: Chỉ có Thiên Chúa, Ðấng thấu suốt lòng con người mới có thể xét xử con người. Nhìn nhận quyền xét xử của Thiên Chúa, con người cũng sẽ nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình. “Hãy lấy cái dằm ra khỏi mắt ngươi trước đã”, nghĩa là hãy nhận ra thân phận bất toàn của mình trước.
Đôi mắt của chúng ta thường dùng để nhìn người khác chứ ít khi nhìn mình. Do đó, chúng ta ít thấy lỗi lầm của mình, nhưng lại dễ dàng nhận ra những sai sót của tha nhân: “Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra’, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình?”. Trong nhà thờ, người Công giáo hay đấm ngực mình: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”, nhưng khi ra ngoài nhà thờ thì đấm ngực người khác: “Lỗi tại nó…”.
Chúa Giêsu không ngại quở trách những người không “biết mình”, mà chỉ soi mói anh em giống như những Pharisêu, luật sĩ là những kẻ giả hình: “Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!”.
Dân gian có câu:
“Chân mình những lấm mê mê
Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”
Chúa Giêsu vạch rõ tính cách của nhiều người trong chúng ta thường thì không thấy lỗi lầm của mình, nhưng lại xoi mói dò xét cái lỗi của người khác mà lắm khi cái lỗi của chúng ta còn lớn gấp trăm lần cái lỗi của tha nhân.
Thấy lỗi người khác mà không thấy lỗi của mình; phê phán người khác mà không tự phê phán mình; đó là thứ mù quáng và giả hình mà Chúa Giêsu nhiều lần cảnh cáo bởi vì ai cũng dễ mắc phải. Những người ưu tú nhất của thời Chúa Giêsu là Biệt phái và luật sĩ đã mắc phải một cách nặng nề đến vô phương cứu chữa. Phần tôi, chắc chắn tôi đang bị hai thứ bệnh mù quáng và giả hình này. Chỉ cần xét mình một chút là tôi có thể nhận ra ngay.
“Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh’, trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi. Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi”.
Cái lỗi nhỏ như cái rác của tha nhân thì mình dễ nhìn thấy, nhưng cái lỗi lớn như xà nhà của mình thì lại không thấy. Chúng ta dễ dàng kết án cái lỗi nhỏ nhặt của tha nhân, nhưng lại không ý thức về những tội tày đình của bản thân…
Chúng ta dễ nói lên ý kiến, nhận định chủ quan về người khác, mặc dù chúng ta chẳng có trách nhiệm để làm việc đó, hay sẵn sàng rêu rao cho mọi người biết về những sai lầm, khiếm khuyết của người khác nhằm ngầm ý đề cao mình hơn.
Chúa Giêsu không cấm chúng ta có những nhận xét khách quan, những nhận xét phân biệt phải trái, sai quấy. Nhưng khi chúng ta kết tội và lên án lương tâm người anh em, là chúng ta xâm phạm quyền chỉ dành riêng cho Thiên Chúa. Trong đời sống cộng đồng, điều này dễ xảy ra khi chúng ta có một chút gì hơn anh chị em mình thì dễ dàng dùng mình làm tiêu chuẩn để lên án người khác, hay những khi “suy bụng ta ra bụng người”, mắt mình dính bụi thì thấy mọi thứ đều bẩn.
Nhận ra mình tội lỗi đã là khó, nhận ra mình giả dối còn khó gấp bội, bởi vì người đạo đức giả lại cho mình đạo đức hơn ai hết, người giả dối lại nghĩ mình trung thực không ai bằng. Chúa Giêsu khiển trách những người giả hình, giả đạo đức bằng những lời có sức đánh động như thế, may ra họ thức tỉnh và nhận ra chân tướng của mình chăng!
Ở đời chẳng ai muốn mình bị mù bởi vì trong các khuyết tật, người khiếm thị là khổ hơn cả. Mù về thể lý đã khổ, mù về tinh thần cũng gây đau khổ không kém. Khi không phân biệt được điều phải-trái, tốt-xấu, hay không nhận ra lầm lỗi tày đình của mình, lại đi phê phán một lỗi nhỏ của người anh em, người ta không chỉ làm khổ cho mình, nhưng còn làm khổ những người xung quanh nữa. Vậy làm thế nào để con mắt tinh thần của bạn khỏi bị mù? – Thưa, một phương cách đơn giản là khiêm nhường nhận biết mình còn nhiều thiếu sót, rất cần đến sự chỉ dẫn của mọi người, nhờ vậy có thể học hỏi và tích luỹ thêm kinh nghiệm. Ngay cả những lỗi lầm của anh chị em cũng là bài học quý giá cho mình biết “tránh vết xe đổ.”
Có nhận ra mối tương quan đích thực với Thiên Chúa, con người mới thấy được tương quan của mình với tha nhân. Thật thế, chối bỏ và cắt đứt mối tương quan với Thiên Chúa, con người cũng đi đến chỗ chối bỏ tha nhân. Ngược lại, nhận ra Thiên Chúa là Chủ tể, con người cũng sẽ nhận ra thân phận thụ tạo yếu hèn của mình và tình liên đới với tha nhân.
“Hỡi người, hãy tự biết mình”, đó là khẩu hiệu mà nhà hiền triết Hy Lạp là Socrate thường đề ra như bài học vỡ lòng cho các môn sinh, có lẽ cũng được Chúa Giêsu nhắc lại theo một công thức khác: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. “Hãy sám hối” trước tiên là nhận ra thân phận bất toàn của mình, để từ đó sống cảm thông, kiên nhẫn, bao dung và tha thứ đối với người khác. Sống như thế, con người mới đạt được cùng đích của mình là trở nên giống Thiên Chúa, chứ không phải trở thành Thiên Chúa để gạt bỏ chính Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.